Võ Dẫn và cuộc "Cách mạng" ngành dệt xứ Quảng

12/05/2014, 13:35
Chia sẻ cùng bạn bè

ÔNG VÕ DẪN
VÀ CUỘC “CÁCH MẠNG” NGÀNH DỆT XỨ QUẢNG
 (1897 - 1975)

 

 

 

 

 

Thi Lai là vùng đất nằm cuối xã Duy Trinh, nơi đây là ngã ba sông Bà Rén, một dòng chảy về phía đông bắc xuống sông Câu Lâu, một dòng chảy về phía nam xuống sông Dưỡng Chân. Hai mặt bắc và đông Thi Lai giáp sông, phía nam tiếp giáp với Trà Kiệu, ngày xưa là kinh đô của nước Lâm Ấp. Theo sơ đồ thành Trà Kiệu do J.Y.Claeys vẽ năm 1928[1], cửa bắc thành bước xuống là dòng sông, vùng đất Thi Lai ngày nay nằm trên dòng sông ở cửa bắc của thành này.


 

Ở Duy Xuyên, ngoài Thi Lai ở Duy Trinh, ở xã Duy Thành cũng có một địa danh là Thi Lại, nay gọi là thôn Thi Thại nằm ở bờ bắc sông Bà Rén, nơi ngã ba sông Bà Rén - Ly Ly đổ về cửa Đại.

 

Vì là vùng đất nằm trên ngã ba sông, sát kinh thành của một vương quốc, tên Thi Lai gợi cho người ta sự liên tưởng đến tên Thị Nại ở Bình Định, một bến cảng nằm bên kinh thành Trà Bàn (Vijaya). Theo M.G.Maspero, Cri Vinaya là hải cảng của vương quốc Champa, “Tên này là phiên âm từ chữ Hán: Thi Lị Bì Nại, cách phiên âm này rất là không chắc chắn, rất chưa đáng tin. Tên Thi Lị Bì Nại là do người Trung Quốc dùng để gọi hải cảng này. Họ cũng còn gọi là Thiết Tì Nại hay Tí Ni, còn người Việt Nam thì gọi là Thị Nại”[2].

 

Không có tài liệu nào nói rằng tên Thi Lai cũng xuất phát từ cách phiên âm như Thị Nại, nhưng bằng nguồn sử liệu đã được các nhà nghiên cứu xác nhận, nơi đây ngày xưa là sông nước, là nơi neo đậu thuyền bè của vương quốc Champa. Hai cuộc tấn công bằng thủy quân của Đàn Hòa Chi năm 446 và Lưu Phương năm 605 vào kinh đô Lâm Ấp theo cửa Đại Chiêm, chắc đã diễn ra những trận thủy chiến dữ dội của hai bên trên đoạn sông này.

 

Thời chúa Nguyễn, Thi Lai có ba làng nhỏ là Thi Lai châu Tây thôn, Thi Lai châu Trung thôn và Thi Lai châu Thượng thôn thuộc Hoa Châu, phủ Thăng Hoa. Là vùng đất thuộc loại “đất chật người đông” nên từ thuở lập làng, người dân Thi Lai đã chuyên tâm với nghề trồng dâu và canh cửi.

 

Một bài thơ xưa, được truyền miệng trong dân gian nói về các sản phẩm là vải lụa cao cấp đã từng được sản xuất ở Thi Lai[3]:

 

Thi Lai vẫn một xứ làm hàng

 

Con đường thực nghiệp ấy trời ban

 

Bát kiết, Hồ la hàng nam phục

Quy tường, Cẩm tự ấy nữ trang

 

Cổ đồ, Bát bửu phần triều phục

 

Bông dâu, Võng rổ [4] loại dân gian

 

Cũng còn nhiều món hàng thông dụng

 

Chẳng kể ra chi, nó rộn ràng

 

Bát kiết, Hồ la, Quy tường, Bát bửu…là những mặt hàng dệt hoa văn phức tạp, khác với vải lụa dệt trơn bình thường. Sách Phủ biên tạp lục trong phần viết về tiền thuế và lệ thuế thổ sản của xứ Quảng Nam năm Cảnh Hưng thứ 30 (1770) có nói đến loại thuế dành cho các mặt hàng vải lụa cao cấp này “Phủ Thăng Hoa, 6 huyện chính và tân Hà Đông, Lễ Dương, Duy Xuyên và các thuộc, số người là 14.307 người, thu vàng 4 đồng cân 7 ly, lụa 1.545 tấm 23 thước 1 tấc 8 phân, …đội thứ nhất thợ dệt hàng bồ hoa, số người 50 người, tiền lệ 205 quan, thu hàng liễu sa 68 tấm, giá tiền 21 quan 2 tiền 40 đồng (mỗi tấm 20 thước), hàng hồ la 20 tấm, giá tiền 52 quan 6 tiền 40 đồng (mỗi tấm giá 1 quan 6 tiền 20 đồng), hàng tứ thú 5 tấm, giá tiền 13 quan 1 tiền 40 đồng…”[5]. Có thể người Thi Lai lúc đó đã sản xuất và nộp các loại thuế như Lê Quý Đôn đã nêu trên!

 

Trong khoảng các năm từ 1930 - 1945, nghề ươm tơ, dệt lụa ở Duy Trinh đã phát triển cực thịnh, trở thành trung tâm tơ lụa của cả nước. Người đóng góp công đầu chính là ông Võ Dẫn, còn gọi là ông Nghè Diễn, Cửu Diễn, một người con của đất Thi Lai.

 

Để giúp bạn đọc hình dung và hiểu được sự đóng góp to lớn của ông Cửu Diễn trong cuộc “Cách mạng” ngành dệt xứ Quảng, xin hãy đọc những dòng mô tả về chiếc máy dệt trước và sau năm 1930, khi ông Cửu Diễn đã chế tạo được khung cửi máy ở Thi Lai.

 

Thời xa xưa, khung cửi dệt vải, lụa là loại khung kiểu “con quạ” thô sơ, chỉ có hai lá go nhỏ dệt hàng lông mốt (vải dệt kiểu vân điểm 1/1), thợ dệt là phụ nữ, thao tác đơn giản, công việc nhẹ nhàng. Sản phẩm là vải lụa khổ hẹp 38 - 40 cm.

 

 

Ảnh minh hoạ khung dệt vải thủ công thời trước

 

Trước năm 1930, người ta dệt hàng lãnh tơ tằm trên khung dệt thủ công vận hành bằng tay. Khác với khung dệt vải, lụa thông thường, khung dệt hàng lãnh tơ tằm cũng làm bằng gỗ và tre nhưng kích thước lớn hơn; chiều dài từ 4,5 đến 5 mét, chiều rộng khoảng 1,5 mét. Bên dưới, người ta đào sâu xuống đất một “lổ chu” hình vuông, mỗi cạnh khoảng 1,2 mét, sâu 1,5 mét, đặt từ 60 đến 80 cây xà dùng kéo hoa, lại có một “lỗ đạp” sâu 0,5 mét, dài gần 2 mét, rộng 0,5 mét đặt 2 bộ đòn bằng tre (1 bộ đòn ngang, 1 bộ đòn dọc), mỗi bộ gồm từ 5 đến 8 chiếc đòn dùng để kéo các lá go lên xuống.

 

Thợ dệt phải là đàn ông, khi dệt phải ngồi lên khung, trước mặt ngang bụng là trục cuốn lãnh, kế đến là bàn dập có gắn lược, bộ lá chắn có từ 15 đến 20 lá go, bộ go xà nối với dàn kéo hoa lên cao; cách bộ xà khoảng 3 mét là trục canh. Người thợ dệt lúc thì ngồi, lúc lại phải nằm sấp, ép bụng trên trục cuốn lãnh, chuồm hẳn người ra đằng trước, hai tay giang rộng vừa phóng thoi, vừa đẩy bàn dập, trong khi chân phải đạp từng chiếc đòn kéo các là go. Thỉnh thoảng, người thợ vừa dệt, vừa ra lệnh cho người thợ phụ trèo lên ngồi trên dàn cao kéo go xà tạo hoa cho mặt hàng lãnh theo nhịp dệt, nổi lên hình các hoa văn đã chọn.

 

Thời kỳ này, mặc dù dệt được những mặt hàng lãnh cao cấp nhưng năng suất rất thấp, người thợ dệt lao động rất cực nhọc:

 

                                    Bước lên khung, tay đâm chưn đạp

 

                                    Con mắt coi chừng có nhạp hay không

 

                                    Nghề chi mà tức ngực đau hông

 

                                    Vì chưng đã mượn mấy đồng tiền công nên phải làm

 

Ông Võ Dẫn, sinh năm Đinh Dậu (1897) tại làng Thi Lai huyện Duy Xuyên. Thời chúa Nguyễn gọi là Thi Lai châu Tây thôn, thuộc Hoa Châu, phủ Thăng Hoa , nay là thôn Thi Lai xã Duy Trinh. Tổ tiên là người phía Bắc vào Thi Lai lập nghiệp, tính đến ông Võ Dẫn là đời thứ 10 (khoảng năm 1650). Về sau trong họ có một nhánh chuyển lên sống ở bến Tú Ba thôn Phú Bông, bên bờ sông Cái (Thu Bồn). Bến Tú Ba là một trong những bến sông lớn, nhiều ghe thuyền buôn ra vào. Tú Ba tên thật là Võ Kiều, đỗ tú tài, nhà ông ở ngay bến sông nên người ta gọi bến sông đó là bến Tú Ba. Ông Võ Dẫn xuất thân trong một dòng họ có nhiều người học hành đỗ đạt như Tú Lễ (Tú tài Võ Lập Lễ), Tú Nhạc (Tú tài Võ Thành Nhạc), Tú Ba (Tú tài Võ Kiều), Tú Bảy (không rõ tên thật), Cử Lượng (cử nhân Võ Hy Lượng đậu Cử nhân trường thi Thừa Thiên năm Giáp Ngọ - 1894) nên ông cũng có thời gian theo đuổi bút nghiên. Ban đầu ông học chữ Nho, sau đó chuyển qua học chữ quốc ngữ, đậu bằng sơ học yếu lược. Vào thời gian nầy, bậc tiểu học Việt Nam gồm 6 năm học: sau 3 năm đầu, thi lấy bằng sơ học yếu lược; học tiếp 3 năm, thi lấy bằng tiểu học yếu lược (Primaire).

 

Nhờ có chút ít chữ nghĩa, chữ Nho lẫn chữ quốc ngữ, ông Võ Dẫn được đề cử làm lý trưởng làng Thi Lai (thời gian này làng Thi Lai thuộc tổng Duy Đông, huyện Duy Xuyên). Lý trưởng là người đứng đầu làng, trông coi việc hành chánh trong làng. Ông là người liêm khiết, khẳng khái nên được dân làng quý trọng. Người ta kể rằng thời đó mỗi khi làng có việc chia ruộng công điền, thường thì lý trưởng và chức sắc của làng được quyền ưu tiên nhận ruộng tốt, rồi mới chia cho dân làng số ruộng còn lại. Thời ông Võ Dẫn làm lý trưởng, ông thực hiện việc chia ruộng một cách công bằng nên ai cũng đồng tình. Thời trước, thông thường làm lý trưởng ai cũng phải lo chạy chọt, đút lót cho quan trên; muốn có tiền đút lót thì chỉ có cách bòn rút, bóp nặn người dân. Tính ông thẳng thắng, liêm khiết, không lấy lòng quan trên vì vậy ông thường bị viên chánh tổng – là cấp trên của lý trưởng hạch sách. Lý trưởng và ngũ hương làm việc không có lương, chỉ được cấp một số công điền để cày cấy. Đất Thi Lai nhỏ hẹp vì vậy công điền được cấp cũng không là bao, nên việc làm làng, làm xã là điều ông không muốn. Cũng vì những lý do đó, làm lý trưởng được một thời gian, ông tìm cớ đi làm ăn xa để thôi làm lý trưởng. Có lẽ chính nhờ nghỉ làm hương chức, ông quay qua nghiên cứu ngành dệt và cuối cùng để lại cho đời những sáng chế quý giá, thành tựu nổi bật là chiếc máy dệt Cửu Diễn vang danh xứ Quảng một thời.

 

Có người kể rằng sau khi nghỉ việc, ông vào Sài Gòn thăm người bà con đang làm công nhân trong một xưởng dệt của người Pháp, người này lén ông chủ dắt ông vào coi chiếc máy dệt của Pháp đang vận hành tại đây. Ông bị thu hút bởi chiếc máy này, sau đó khi trở về quê ông đem hết tâm huyết nghiên cứu và chế tạo chiếc máy dệt theo kiểu máy dệt của người Pháp.

 

Cũng có tài liệu viết rằng vào khoảng năm 1937, nhân quốc khánh nước Cộng hòa Pháp (14/7), người Pháp đưa một khung dệt đến Hội An để triễn lãm, ông Võ Dẫn đem theo giấy bút đến xem và vẽ mẫu, sau đó về nhà nghiên cứu chế tạo chiếc máy dệt bằng gỗ giống chiếc máy đã xem ở Hội An.

 

Phần nhiều ý kiến, nhất là các cụ già trong làng kể lại, sau khi nghỉ làm lý trưởng, ông chuyển sang làm nghề dệt lụa bằng máy dệt thủ công và kinh doanh tơ lụa. Nhờ vậy ông có dịp đi nhiều nơi và nhận ra rằng, nghề dệt lụa ở quê nhà đã quá vất vả mà năng suất không cao, chất lượng lại kém, do đó ông nung nấu ý định tìm cách cải tiến khung cửi dệt truyền thống ở quê nhà. Khoảng năm 1930 - 1931, nhân có dịp vào Sài Gòn, gặp dịp có triển lãm máy dệt, người Pháp đem đến trưng bày chiếc máy dệt Jắc-ka. Ông Võ Dẫn đến xem chiếc máy này, sau đó về quê nghiên cứu chế được chiếc máy dệt đạp chân bằng gỗ có những chức năng tương tự.

 

Trong các ý kiến trên, có lẽ ý kiến của các cụ già cùng quê với ông kể là có cơ sở hơn. Bởi lẽ, một người chỉ biết cấu tạo máy dệt thủ công đơn giản, chỉ được vào xưởng máy nhìn qua một chiếc máy hiện đại, rồi về nhà tự chế tạo được chiếc máy có tính năng tương tự là điều hiếm có. Chỉ có ở triển lãm, người xem mới được thỏa thích quan sát kết cấu, tính năng từng bộ phận, cách thức vận hành, sản phẩm do máy làm ra…Bên cạnh có nhân viên kỹ thuật giới thiệu và giải đáp mọi thắc mắc cho người xem. Và chỉ các cuộc triển lãm ở các trung tâm lớn như Sài Gòn mới có thể thực hiện được điều này.

 

Những năm đầu thế kỷ 20, người Pháp đã thành lập nhiều công ty ở Đông Dương. Theo sách Việt Nam - Những sự kiện lịch sử, cuối năm 1931, Công ty Kỹ nghệ dệt Đông Dương được thành lập đặt trụ sở ở Sài Gòn, là Công ty vô danh, có số vốn là 600.000 Phờ răng, chuyên kinh doanh các loại vật liệu, thiết bị kỹ thuật ngành dệt và một số lĩnh vực khác[6]. Có lẽ công ty nầy xúc tiến thương mại thông qua tổ chức triển lãm để giới thiệu thiết bị dệt, nhân dịp có mặt ở Sài Gòn nên ông Võ Dẫn đã đến xem.

 

Hội chợ này trưng bày nhiều thiết bị và hàng hóa của người Pháp, trong đó về thiết bị dệt, có chiếc máy dệt Jắc-ka (Jacquard). Sau chuyến tham quan, ông nảy ra ý định chế tạo chiếc máy dệt bằng gỗ vận hành theo kiểu máy dệt bằng sắt đã thấy ở hội chợ. Được trời ban cho một trí nhớ phi thường và bản tính thông minh, trở về quê, ông tìm được người thợ mộc giỏi tay nghề và sáng ý cộng tác cùng ông nghiên cứu và thử nghiệm làm chiếc máy dệt như đã thấy. Sau hơn hai năm miệt mài, tiêu tốn nhiều tiền của, có lúc tưởng chừng như phải bỏ dở. Thậm chí có lần vì hết tiền mua gỗ để làm khung, ông đã xẻ luôn bộ phản trong nhà để sử dụng. Thời đó, bộ phản là tài sản quý giá trong nhà, chỉ những nhà giàu hoặc khá giả mới có, gồm nhiều tấm ván dày, gỗ tốt, ghép lại với nhau. Cuối cùng mô hình khung cửi cải tiến mới ra đời, dệt được nhưng lại không cuốn vải được. Không nản lòng, ông vào Bồng Sơn xem các máy dệt đạp chân trong một xưởng dệt của người Pháp. Nắm được nguyên lý vận hành của các loại khung cửi nầy, ông lại lao vào nghiên cứu cải tiến khung cửi cũ, rồi lại hướng dẫn cho thợ mộc đóng lại khung cửi mới.

 

Nhờ ông quyết tâm bền chí, cùng với sự động viên của gia đình và sự hợp tác đắc lực của ông Trần Thống[7], một người thợ mộc rất khéo tay, năm 1932 chiếc máy dệt bằng gỗ đạp chân đầu tiên do ông sáng chế ra đời, mở đầu cho công cuộc canh tân nghề dệt hàng lãnh tơ tằm ở Thi Lai. Không lâu sau, các làng dệt khác ở Duy Xuyên, Điện Bàn cũng học tập và làm theo. Chiếc máy dệt của ông Võ Dẫn đã giúp cho nghề dệt hàng tơ lụa Quảng Nam đi vào thời kỳ phát triển cực thịnh, năng suất tăng gấp 3, 4 lần.

 

Chiếc máy dệt ông Cửu Diễn sáng chế có cấu tạo và vận hành như sau:

 

Về mặt kỹ thuật, chiếc máy này thay thế từ chuyển động thẳng của chiếc máy dệt cổ truyền bằng chuyển động quay thông qua các bộ phận bàn đạp, bánh đà và các bánh răng truyền động đến các chi tiết máy. Một hệ thống bàn lượt (còn gọi là ba-tăng, người Quảng Nam thì gọi là cái báng súng) như một giá đỡ để thoi dựa trên đó chạy qua chạy lại theo nhịp đạp của bàn đạp. Tất cả đều bắt chước cấu tạo và nguyên lý vận hành của máy dệt Jacquard. Riêng bộ phận điều go mở miệng vải, ông sáng chế một bộ phận đặc biệt, phù hợp với khả năng và trình độ kỹ thuật ở quê ông lúc đó, sau này vợ ông gọi là cục gùi[8].

Khung dệt kiểu Cửu Diễn được sản xuất bàng những vật liệu có sẵn tại địa phương


 

Và "cục gùi" do ông Cửu Diễn sáng chế thay cho đầu máy Jacquard

 

Ngược dòng lịch sử, trước khi ông Võ Dẫn sáng chế ra khung cửi máy đúng 130 năm, một người Pháp tên là Joseph Marie Jacquard phát minh ra máy dệt tự động, được xem là một trong những phát minh nổi bật của nhân loại đầu thế kỷ 19.

 

Joseph Marie Jacquard sinh năm 1752 tại Lyon (Pháp) và mất năm 1834. Ông là người tuy ít được học hành nhưng vì gia đình có nghề dệt thủ công nên ông sớm yêu thích nghề này và có bàn tay khéo léo. Ngoài giờ làm việc, ông tự mày mò học các kiến thức về vật lýhóa họckỹ thuật và tìm cách ứng dụng vào đời sống nhằm cải tiến nghề dệt và tạo ra năng suất, chất lượng cao hơn.

 

Năm 1802Joseph Marie Jacquard chế tạo được chiếc máy dệt đầu tiên sau bao nhiêu năm mày mò và tốn kém tiền của đến khánh kiệt gia tài. Nhưng chiếc máy này mới chỉ dệt được những tấm lưới dùng để đánh cá. Dựa trên các nguyên lý đã sáng tạo ra, ông hy vọng sẽ dệt được vải và lụa. Khó khăn chính đối với ông lúc này là cơ nghiệp gia đình đã cạn kiệt, ông không còn tiền để đầu tư vào các phát minh tiếp theo.

 

Để tiếp tục công việc, vợ ông đã phải bán cả các đồ nữ trang cuối cùng trong nhà. Bản thân ông thì phải đi làm thợ đốt lò, vợ ông tết mũ rơm bán. Tới năm 1805, máy dệt tự động hoàn hảo chính thức được chế tạo.

 

Máy dệt Jacquard có cơ cấu mở miệng vải có thể thực hiện các Rappo hình hoa lớn như các hình hoa trúc đào, hoa lá trên vải lụa hoặc hình công phượng trên các tấm khăn trải bàn, thậm chí người ta có thể dệt cả một bức tranh hoặc chân dung lãnh tụ…Về cấu tạo và nguyên lý hoạt động của một đầu Jacquard:

 

Đầu Jacquard nhận truyền động từ trục chính của máy dệt thông qua một thanh chuyền, làm cho hệ thống dao kéo kim đứng tịnh tiến lên xuống theo khẩu độ mở miệng vải.

 

Để mở miệng vải: mỗi sợi dọc được luồn vào một dây go kim loại như go thông thường nhưng đầu phía dưới của dây go có treo một đối trọng để luôn luôn dây go có hướng kéo về phía dưới, đầu trên của dây go được cột vào một sợi dây có độ mảnh như dây dù nhỏ được luồn qua một bàn lổ gọi là bàn giác để phân bổ mật độ go, khổ dệt. Tiếp tục sợi dây này được nối vào đuôi của một kim đứng nằm trong đầu Jacquad có xu hướng có bị tịnh tiến như đã nêu trên hoặc không kéo do tín hiệu từ bìa đục lỗ (có lỗ hoặc không có lỗ).

 

Các kim đứng này chịu sự điều khiển liên kết của một kim ngang, kim ngang này chịu sự điều khiển đục lổ hoặc không đục lỗ của bìa carton. Mỗi lần truyền động mở miệng vải thì có một tấm bìa tương ứng đập vuông góc vào đuôi kim ngang. Khi có lỗ thì đuôi kim ngang lọt vào lỗ nên không bị đẩy tới và kim đứng chịu sự điều khiển của kim ngang cũng không bị đẩy lệch khỏi tầm kéo của dao tịnh tiến nên sợi dọc tương ứng sẽ được kéo lên. Ngược lại nếu bìa không có lỗ thì kim bị đẩy tới làm kim đứng bị lệch khỏi tầm dao kéo tịnh tiến và sợi dọc không bị kéo lên mà đối trọng sẽ kéo sợi dọc ngược về phía dưới.

 

Một đầu Jacquard có từ 600 đến 1200 kim, như vậy có nghĩa là điều khiển kéo từng sợi go riêng biệt cho một rapo có từ 600 đến 1200 sợi. Ví dụ như muốn dệt một hình cây trúc có bề rộng tương ứng 800 sợi dọc thì phải chọn 800 kim và trên bìa phải có 800 vị trí đục lỗ hoặc không đục lỗ.

 

Nếu theo chiều dọc của của hình hoa chứa bao nhiêu sợi ngang thì cần bấy nhiều tấm bìa, các tấm bìa phải được may lại thành một xích, khi máy chạy thì xích này sẽ có cơ cấu truyền động lật từng tấm bìa tương ứng cho một sợi ngang.

 

Với chiếc máy như thế, ông đã được tặng thưởng huy chương. Ông đã cố vay mượn để lập một xưởng dệt với các cỗ máy phát minh này ở thành phố Lyon, quê hương của ông. Nhưng không ngờ, các thợ dệt ở đây sợ chiếc máy cướp hết việc làm của họ nên đã hợp lực đến phá tan tành các cỗ máy, bản thân ông bị quăng xuống sông. May mà ông thoát chết và được chính phủ Pháp trả công cho phát minh này. Máy dệt được đặt tên là Jacquard để tưởng nhớ đến công lao của ông. Máy dệt Jacquard đã đánh dấu một giai đoạn cách mạng trong ngành công nghiệp dệt ở Pháp.

 

Sở dĩ người viết mô tả khá chi tiết về cấu tạo và nguyên lý hoạt động của máy dệt Jắc-ka là để giúp độc giả thấy giá trị sáng chế ra “cục gùi” độc đáo của ông Võ Dẫn. Nếu là một người có hiểu biết chút ít về nghề dệt, đọc và hiểu được cấu tạo cũng như nguyên lý vận hành của máy dệt Jắc-ka đã là khó; còn việc hiểu và cải tiến nó trên chiếc máy dệt thủ công, bằng những vật liệu thô sơ thông thường thì lại càng cực kỳ khó.

 

Lan man về chuyện sáng chế máy dệt, ở Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19 cũng có một nhà sáng chế ra chiếc máy dệt, đó là Sakichi Toyoda. Tập đoàn Toyota được bắt nguồn xây dựng từ Sakichi Toyoda, một người thợ mộc tài hoa của xứ sở hoa anh đào. Ngày nay, nói đến cái tên Toyota là người ta liền nghĩ ngay đến những chiếc ôtô hiện đại và sang trọng. Thế nhưng Sakichi Toyoda lại được biết đến trước hết bởi ông là một trong những người phát minh ra chiếc máy dệt hiện đại đầu tiên cho Nhật Bản.

 

Sakichi Toyoda sinh ngày 14 tháng 2 năm 1867 tại một làng quê nhỏ tại tỉnh Yamaguchi trong một gia đình thợ thủ công nghèo. Bố ông làm thợ mộc, còn mẹ ông ở nhà dệt vải. Làng quê của Sakichi Toyoda là một làng nghề dệt vải có truyền thống của Nhật Bản. Cha của Sakichi Toyoda là một người thợ mộc khéo tay và Sakichi Toyoda cũng đã được thừa hưởng cái gen di truyền đó của cha ông. Cậu bé Sakichi Toyoda khi chưa đến 10 tuổi đã rất say mê với nghề mộc và tỏ ra rất khéo léo trong việc cưa cắt, đóng ghép các đồ dùng bằng gỗ. Như phần lớn trẻ em nông thôn, chỉ học xong bậc tiểu học, Sakichi Toyoda đã bỏ học làm phụ giúp gia đình. Hàng ngày cậu đi phụ cha làm nghề mộc. Những đồ dùng bằng gỗ trong nhà và nhất là chiếc máy dệt cũ kỹ của mẹ, hễ hỏng cái gì là Sakichi Toyoda lại tự tay sửa chữa. Chính những lúc phải sửa chữa một con thoi hay một tay cầm gỗ bị gãy là những lúc mà Sakichi Toyoda có dịp tìm hiểu máy dệt. Sakichi Toyoda càng ngày càng tìm thấy nhiều điều thú vị về nguyên lí của máy dệt. Máy dệt của mẹ hỏng, Sakichi Toyoda còn tự tay đóng mới chiếc khác cho mẹ. Và Sakichi Toyoda đã trở thành người thợ mộc trẻ tuổi đóng các máy dệt bằng gỗ từ lúc nào không hay.

 

Những năm cuối của thế kỷ 19 là thời kỳ bùng nổ kinh tế của Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của Thiên Hoàng Minh Trị. Chính sách mở cửa kinh tế đã giúp cho nền công nghiệp được phát triển. Không chỉ công nghệ khoa học kỹ thuật từ Tây Âu, Mỹ được tự do xuất khẩu sang Nhật, mà cả mọi hàng hoá khác cũng vậy.

 

Làn sóng công nghiệp hóa với sự ra đời của nhiều nhà máy, công xưởng lớn đã khiến cho nhiều làng quê nghèo càng khó khăn hơn, nhất là những làng nghề như quê của Sakichi Toyoda. Rất nhiều người đã phải bỏ nghề dệt truyền thống bởi sản phẩm làm ra không cạnh tranh được với hàng nhập. Sakichi Toyoda rất đau xót trước cảnh này. Nhìn mẹ kì cạch dệt vải rất vất vả trên chiếc khung dệt thô sơ cũ kỹ, Sakichi Toyoda bỗng chợt nảy ra ý tưởng phải cải tiến thành chiếc máy dệt chạy nhanh hơn, tốt hơn. Kể từ đó, Sakichi Toyoda gần như không còn theo cha làm đồ gỗ mà chỉ ở nhà nghiên cứu để đóng một chiếc máy dệt mới cho mẹ.

 

Cha của Sakichi Toyoda rất thất vọng khi thấy cậu con trai rất khéo tay nhưng lại muốn rẽ ngang, không theo ý mình. Theo ông, Sakichi Toyoda phải tiếp tục cái nghề truyền thống của gia đình, tuy không thể giàu nhưng chắc cũng đủ sống. Thậm chí, ban đầu người cha còn coi con trai của mình là điên rồ, là khác thường khi cứ suốt ngày ở trong nhà kho cưa cắt thành đống cái này cái kia để phục vụ cho chiếc máy dệt gỗ. Tuy nhiên, không ai cản được Sakichi Toyoda. Chỉ là một anh thợ mộc khéo tay, không hiểu biết nhiều về kỹ thuật máy móc, nhưng Sakichi Toyoda vẫn cứ kiên trì mày mò thử nghiệm. Thất bại không làm Sakichi Toyoda nản chí. Cho đến một ngày vào năm 1890, Sakichi Toyoda đã trình diễn chiếc máy dệt đầu tiên do mình phát minh. Hầu hết các chi tiết của chiếc máy dệt này đều bằng gỗ. Cả làng đã đổ ra xem chiếc máy dệt của Sakichi Toyoda làm ra. Với chiếc máy dệt tự tạo này, người dệt đỡ vất vả chạy đi chạy lại mà tốc độ dệt vải lại tăng gấp nhiều lần. Sakichi Toyoda đã phải lao tâm khổ tứ biết bao ngày đêm để cho ra đời được chiếc máy dệt đầu tiên của Nhật Bản. Theo ông, động lực chính là hình ảnh người mẹ quá vất vả bên chiếc khung dệt thô sơ. Sau này Sakichi Toyoda còn kể rằng một động lực nữa không kém quan trọng đã thúc đẩy sự sáng tạo của ông là lòng tự ái dân tộc. Thời kỳ Sakichi Toyoda đang sống, làn sóng công nghiệp hoá, cơ khí hoá ở Tây Âu, Mỹ rất mạnh mẽ. Thế nhưng trong một lần được dự một hội chợ triển lãm ở Nhật Bản, Sakichi Toyoda đã tình cờ nhận xét rất chính xác là không hề thấy một máy móc nào do người Nhật Bản phát minh được trưng bày.

 

Mặc dù không được học hành nhiều, nhưng trong đầu Sakichi Toyoda đã xuất hiện ý nghĩ không chấp nhận thực trạng đó và nung nấu ý thức người Nhật Bản cũng sẽ phát minh ra được nhiều thứ. Và chiếc máy dệt đầu tiên do Sakichi Toyoda nghĩ ra đã chứng minh điều đó. Không chỉ là con người sáng tạo, phát minh, Sakichi Toyoda cũng đã có trong mình những tố chất kinh doanh nhất định. Năm 1891, ông đã đăng ký bản quyền cho máy dệt của mình. Và cũng từ đó, Sakichi Toyoda trở thành ông chủ chuyên sản xuất máy dệt để bán. Không chỉ bán cho người làng, dần dần Sakichi Toyoda bán máy dệt cho những vùng xa hơn. Cứ mỗi lần sản xuất được vài chiếc thì Sakichi Toyoda lại đem lên Tokyo hay những trung tâm khác để bán. Trong con người Sakichi Toyoda vẫn luôn có một niềm khát khao sáng tạo.

 

Mãi đến gần cuối đời, Sakichi Toyoda mới bắt đầu nghĩ đến chuyện sản xuất ôtô. Bản thân Sakichi Toyoda lúc còn sống cũng không nghĩ rằng cái doanh nghiệp con con mà ông thành lập và xây dựng nên sau này đã trở thành tập đoàn Toyota sản xuất ôtô lớn nhất của Nhật Bản và lớn thứ nhì trên thế giới.

 

Năm 1936, sau khi tiếp quản công ty Toyoda của Sakichi Toyoda, người con trai Kiichiro đã đặt ra cái tên Toyota bằng cách thay chữ cái “d” bằng chữ cái “t” trong tên gọi Toyoda. Kể từ đó, thương hiệu Toyota xuất hiện và trở thành một trong những biểu tượng vĩ đại, là niềm tự hào của mỗi người dân Nhật Bản.

 

Ông Võ Dẫn cũng học hỏi được nhiều điều về chiếc máy dệt của Nhật khi có dịp đến tham quan Nhật Bản, nhưng là vào thời gian sau này, khi đã làm ra khung cửi máy. Nghe kể khoảng sau năm 1954, có một đoàn khách Nhật vì nghe tiếng tăm nên tìm đến Thi Lai thăm ông và tìm hiểu chiếc máy dệt do ông sáng chế. Dịp này ông được đoàn khách Nhật tặng cho một bộ căng biên vải (người trong nghề dệt ở Quảng Nam gọi là bộ giăng)[9]. Đây là bộ căng biên vải đầu tiên dành cho chiếc máy dệt Cửu Diễn.

 

 Để chế tạo được những bộ phận có thể dệt được những mặt hàng vải lụa có nhiều kiểu hoa văn phức tạp như máy dệt Jacquard, trong điều kiện thiếu thốn về vật liệu và trình độ cơ khí non kém lúc đó, ông Cửu Diến đã dùng loại gỗ mít để làm cái gùi thay thế cho cho bộ phận điều go cho chiếc máy dệt do ông sáng chế. Đây là bộ phận mà ông phải tốn nhiều công sức, vật liệu và tiền bạc, thậm chí gần như khánh kiệt vì nó. Sau này, có người hỏi những thứ hư hỏng sau thử nghiệm mà ông vứt lăn lóc quanh nhà gọi là gì, vợ ông ngán ngẩm trả lời: cái gùi. Gùi, cái vật mang nặng trên lưng đã được bà gán cho công việc khó nhọc của người chồng, cũng có thể ý bà chỉ công việc khó khăn, tưởng như mọi việc rối tung lên, gùi lại một cục…về sau đã trở thành tên gọi cho bộ phận tự động trổ hoa trên khung cửi Cửu Diễn. Còn nhiều tên gọi như thế nữa: go, khổ, thoi, đòn, tay đánh, bàn đạp, con ác, phủ đầu trên, phủ đầu dưới..., mỗi thứ đều gợi lên một nỗi gian nan khổ cực của nghề dệt.

 

Để dệt các mặt hàng có ô vuông âm dương, gọi là vải đệm, ông làm một loại gùi được đặt dưới gầm máy dệt, gọi là gùi dưới. Gùi dưới là một súc gỗ mít tròn, đường kính khoảng độ 25 - 30cm, trên bề mặt trục gùi, tùy theo thiết kế hoa văn mặt hàng định dệt, ông tính toán cho thợ cẩn vào súc gỗ hình trụ tạo ra những vị trí lồi lên gọi là con ú, mỗi khi trục gùi lăn, con ú của trục gùi sẽ tác động vào con ú trên chiếc đòn kéo go nằm bên dưới cục gùi, theo nguyên tắc đòn bẩy, đòn kéo go thông qua dây kéo tác động vào con ác bên trên, từ đó sẽ nâng lá go bên trên mở miệng vải để thoi mang sợi ngang đi qua, tạo nên hoa văn trên mặt vải (gọi là lụa đệm Tân Châu)[10].

 

Để dệt được các mặt hàng có nổi bông trên bề mặt, ông sáng chế loại gùi có đường kính lớn khoảng 0,7- 1,0 mét, tùy theo kích cỡ bông nổi trên mặt vải, đặt trên dàn khung dệt. Loại gùi nầy được ghép bằng những thanh gỗ giống như một cái trống, trên bề mặt cục gùi cũng có những con ú, mỗi khi gùi lăn, các con ú sẽ tác động lên các đòn kéo go bên trên, kéo các chùm go mở miếng cho thoi qua, tạo nên bông nổi theo chu kỳ (còn gọi là rappo) trên mặt vải. Vải lụa dệt bông kiểu này gọi là lụa Hạnh Phước.

 

Về vật liệu để chế tạo chiếc máy này, ông sử dụng hầu hết từ những vật liệu có sẵn ở địa phương. Khung cửi phải thật chắc chắn thì dùng các loại gỗ cứng như sến, huỷnh, dầu; bánh trớn phải nặng để làm đà quay thì dùng gỗ lim; các loại nhông như nhông trục chuyền, nhông máy cuốn hoặc cục gùi thì dùng loại gỗ mít ròng do đặc tính không co dãn theo thời tiết…;để đẩy thoi qua lại, ông dùng những gốc tre già chẻ ra làm tay đánh; các loại đòn kéo hoa, lá chắn go, con ác phải dùng gỗ có độ dẻo mà không cong vênh như kiền kiền, gỗ dầu; thoi dệt làm bằng gỗ cây sơn nghệ, mũi thoi bằng sắt, xác suốt làm bằng đồng có thể ngâm lâu trong nước. Răng các nhông chuyền, máy cuốn và đầu con ú trục gùi, ông tận dụng các niềng sắt lấy ra từ các kiện tơ nhập khẩu để bịt nhằm tránh bị sứt mẻ hoặc mài mòn.

 

Thời đó, bạc đạn rất hiếm, để các trục máy quay nhẹ nhàng, ông gắn vào mỗi đầu trục một chốt sắt tròn đường kính 6mm, chốt này được lắp vào một lỗ khoan sâu 20mm, ở đầu một đoạn sắt vuông cạnh 20mm, dài 100mm, gắn trên thành khung cửi.

 

Có một điều trùng hợp lý thú giữa hai nhà phát minh cách nhau 130 năm, cả hai đều là những người tuy không được học hành bài bản nhưng có lòng say mê tìm tòi, ý chí kiên trì, chấp nhận mạo hiểm...Là người đi sau hàng thế kỷ, chiếc máy dệt của ông Cửu Diễn sáng chế cũng không thể sánh bằng chiếc máy dệt của của Joseph Marie Jacquard. Tuy nhiên, với trình độ kỹ thuật lạc hậu ở một làng quê nghèo lúc đó, có thể nói sáng chế ra khung cửi máy của ông Cửu Diễn, nhất là bộ phận thời nay gọi là điều go, tức cục gùi thật là độc đáo. Nếu thời bây giờ, những người không biết hoặc ít am hiểu nghề dệt, khi đọc đoạn mô tả trên đây chắc cũng khó hình dung về nó.

 

Để vận hành chiếc máy dệt này, người thợ dệt ngồi trên ghế, dùng chân đạp lên bàn đạp làm quay bánh đà cho máy chạy, cục gùi lăn, các lá go lên xuống, bàn dập đưa lược ra vào, thoi chạy qua lại nhịp nhàng, hàng dệt ra bao nhiêu máy cuốn vào trục bấy nhiêu, công việc của người thợ dệt không còn vất vả như trước, năng suất dệt tăng gấp 3 - 4 lần.

 

 Phấn khởi trước thành quả trên, người Thi Lai có bài vè ca tụng khung cửi máy:

 

                                                Cửi máy! Cửi máy !

 

                                                Chưn đạp, thoi nhảy !

 

                                                Máy chạy gùi lăn

 

                                                Con ác lăn xăng !

 

                                                Lan truyền lên xuống !

 

                                                Canh rung hàng cuốn !

 

                                                Máy hãm sưa dày

 

                                                Thợ dệt một ngày,

 

                                                Một cây (hàng) thong thả

 

                                                Gặp hàng có giá

 

                                                Bán đặng nhiều lời

 

                                                Dệt suốt đêm ngày

 

                                                Phú Quới nhựt tân

 

                                                Hoàng thiên gia phước[11]

 


 

Chiếc máy dệt đầu tiên có 10 lá go, chỉ dệt hàng lãnh trơn khổ hẹp 0,40m, ông Cửu Diễn đã tiếp tục nghiên cứu cải tiến nâng lên đến 30 lá go, đường kính trục gùi gần 1 mét trên dàn cao với 30 - 40 đòn kéo hoa, dệt được các mặt hàng đệm tiểu, đệm trung; các mặt hàng cao cấp bông nhỏ, bông to, bông liền, bông rời hạnh phước, thiên hương[12]… Hàng tơ lụa Quảng Nam từ đó nổi tiếng dần, không những được tiêu thụ khắp cả nước mà còn xuất sang cả Nam Vang, Hồng Công nữa. Nổi tiếng nhất thời ấy là lãnh, gọi là lãnh hạnh phước, được dệt bằng một loại tơ sợi nhỏ mà lúc đầu phải nhập từ Trung Quốc, mua về phải hồ mới dệt được. Mẫu mã cũng rất đa dạng: hoa thị, vảy rồng, võng rỗ, bông dâu, đệm rí, đệm trung, đệm bự... Hồi ấy Nam Vang ăn hàng bông lớn mà mỏng, một cây lụa khổ 0,8 mét dài tới 21,5 mét mà nặng không quá hai lạng!

 

Trong vòng mấy năm, ở Thi Lai hàng trăm nhà có từ 1-2 máy dệt, một số nhà khá giả có hàng chục máy dệt kèm theo các dụng cụ như xa quay tơ máy, dụng cụ mắc chải…Nhiều người ở các làng lân cận đến học nghề cửi máy, các làng bên bờ nam sông Thu Bồn như Phú Bông ngũ thôn, Đông Yên, Mỹ Xuyên, Mã Châu, Hà Nhuận và các làng bên bờ bắc thuộc huyện Điện Bàn như Hà Mật, Phú Bông chợ, Đông Bàn, Bàn Lãnh, Bảo An, Xuân Đài …đều sử dụng chiếc máy dệt đạp chân sản xuất hàng tơ tằm kiểu Cửu Diễn. Theo tờ Tin tức Hà Nội và Hà Thành thời báo 1938 thì vào năm 1935, các làng ven sông Thu Bồn của Quảng Nam đã có đến 5.000 máy dệt đạp chân[13], tạo việc làm cho hàng vạn lao động.

 

Một số bài viết về ông Võ Dẫn trong các sách và tạp chí gần đây, có đoạn tả rằng sau khi chế tạo máy dệt thành công, ông dùng thùng thiếc cắt thành nhiều tấm để đóng kín khung dệt cốt không cho người khác biết và bắt chước. Rồi chuyện ông Nguyễn Thống đến nghe tiếng máy chạy mà hình dung kết cấu để đóng được chiếc máy dệt tương tự máy dệt của ông Cửu Diễn. Chắc người viết vì yêu quý và cảm phục tài năng của ông Võ Dẫn và ông Thống nên có hơi cường điệu lên một chút. Thật sự ông Trần Thống (chứ không phải Nguyễn Thống), người thôn Phú Bông, là người cộng tác đắc lực cho ông Võ Dẫn trong việc nghiên cứu chiếc máy dệt này, ông Võ Dẫn là người đưa ra ý tưởng, ông Trần Thống là người làm ra các chi tiết theo hướng dẫn của ông Võ Dẫn. Vì vậy, việc ông Trần Thống tự đóng được những máy dệt khác rồi phổ biến rộng rãi là có thật.

 

Người làng kể lại, sau khi chế tạo thành công chiếc máy, nhiều người khuyên ông nên đem mẫu mã máy dệt mới nầy cầu chứng tại tòa công sứ Pháp ở Hội An, nhưng ông nói rằng mình sáng chế chung cho ngành dệt, ai bắt chước được thì cứ làm mà sử dụng.

 

Ở cuộc đấu xảo toàn tỉnh Quảng Nam năm 1935 tại Hội An, ông Võ Dẫn đem chiếc máy dệt của mình sáng chế đến giới thiệu, được nhiều người đến xem ngưỡng mộ. Từ cuộc đấu xảo này, năm 1936 ông được chính quyền Nam triều tặng hàm cửu phẩm[14]. Từ đó người ta gọi ông là Cửu Dẫn, nhưng để tránh gọi tên tộc, nên tên ông được gọi thành Cửu Diễn (theo phong tục người Thi Lai, thường dùng tên con đầu lòng để gọi tên cha, mẹ. Có thể Diễn là tên người con đầu của ông Võ Dẫn).

 

Ông Võ Dẫn tiếp tục đưa máy dệt tham dự nhiều cuộc đấu xảo trong nước và quốc tế. Năm 1938, ông đưa máy dệt sang dự đấu xảo ở Nam Vang, thủ đô của Campuchia.

 

Ông Võ Dẫn còn lập xưởng đóng khung cửi máy bán đi khắp nơi. Năm 1936, Tổng đốc Hà Đông lúc đó là Hoàng Trọng Phu đã mua 40 máy, ông Võ Dẫn cho thợ ra tận nơi lắp máy và dạy cách sử dụng. Ông cũng đã bán sang Lào 20 máy.

 

Thi Lai trở thành trung tâm sản xuất, mua bán hàng tơ tằm Quảng Nam. Trên khu đất sau chùa Thi Lai, dưới gốc đa, hàng ngày từ 4 đến 7 giờ sáng, các nhà dệt từ Bảo An, Đông Bàn, Hà Mật, Hà Nhuận, Mã Châu, Đông Yên, Phú Bông…đem hàng đến bán rồi mua tơ đem về dệt. Mỗi phiên chợ có từ năm trăm đến bảy trăm người, mua bán hối hả. Chợ này có tên là chợ Hàng, chợ đông lúc trời chưa sáng nên người mua, kẻ bán đều phải thắp đèn.

 

                                    Đông Yên vàng bủa kén rực vàng sao

 

                                    Trời trải nắng Phú Bông dòn tiếng cửi

 

                                    Thi Lai sáng, chợ Hàng vui mở hội

 

                                    Gốc cây đa, tơ lụa …vạn tâm tình [15]

 

Tơ lụa từ chợ Hàng được các nhà buôn mang vào Sài Gòn rồi ngược lên Nam Vang tiêu thụ. Do lượng hàng hóa vận chuyển qua đường sắt tăng đột biến, ga Trà Kiệu tây là một ga nhỏ, ban đầu thì tàu suốt xuyên Đông Dương không dừng. Do sự đột biến này nên nhà tàu mỗi chuyến vào Nam lại tự dừng lại một khoảng thời gian ngắn để kéo riêng một va-gông (toa xe lửa) tơ lụa vào Nam.

 

Sở dĩ chợ đông sớm là cho những người buôn bán kịp bắt chuyến tàu từ ga Trà Kiệu đưa hàng hóa vào Sài Gòn, rồi lên Nam Vang hoặc đến tận Thái Lan, con đường tơ lụa bắt đầu từ Duy Trinh và trạm trung chuyển là Sài Gòn. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, sau một chuyến đi vào thời kỳ đó đã viết “Từ Sài Gòn, tôi náo nức theo các nhà buôn hàng lên Nam Vang, kinh đô xứ Chùa Tháp. Một cuộc xuất khẩu ồ ạt, không kèn không trống. Có thể nói những hàng “khó bán” tại Sài Gòn cũng có mặt tại đây. Tại thành phố xa xôi của xứ Đông Pháp, hàng lãnh lụa nhốn nháo chạy khắp đó đây trong những đường phố toàn người Hoa làm chủ. Người ta cũng chỉ cho tôi thấy các sư sãi - khá đông đảo - đều mặc cà sa mỏng - rất thưa - do khung cửi Cửu Diễn cải biên”[16].

 

Hàng tơ tằm dệt ra thành tấm còn cứng, thô, người ta gọi là hàng sống. Để đưa ra tiêu thụ trên thị trường, người ta phải qua một công đoạn chế biến cho lụa trở nên mềm mại, bóng đẹp. Công đoạn nầy gọi là dầm hàng.

 

Người ta lấy hàng sống cho vào những chiếc ghè (chum, mái, lu) to có chứa nước củ thơm, tức rễ cây thơm (dứa), ngâm nhiều ngày để tẩy sạch nhựa tơ. Khi lá hàng có màu trắng ngà thì vớt ra, giặt sạch, sau đó dùng bột gạo nấu loãng tráng qua lớp vải (hồ), phơi khô rồi cuốn vào một cái trục bằng gỗ. Người ta đặt cuộn vải lên một tảng đá hoa (đá Non Nước) hình chữ nhật kích thước 30 x 60cm, hai người thợ dầm hàng ngồi xếp bằng hai bên tảng đá, một người tay cầm vồ nện mạnh vào trục gỗ có cuộn vải, tay kia vừa giữ vừa lăn tròn trục hàng trên tảng đá; người thợ đối diện cầm hai chiếc vồ nện vào trục theo chỉ dấn của người kia cho đến khi vải mềm, bóng.

 

Vải lụa đã qua công đoạn dầm hàng, được những người buôn bán mang đi tiêu thụ. Ngoài những mối buôn lớn, vận chuyển hàng qua đường tàu hỏa, còn có những người buôn bán nhỏ lẻ, người ta gọi họ là “dân hàng gói”, vì họ chỉ có hai chiếc khăn to, gói những xấp hàng đủ loại rồi mang trên vai đi bán lẻ từng nhà. Dân hàng gói không chỉ có người ở Duy Trinh, dân các nơi khác cũng về đây mua mua hàng đem đi bán. Ở Hà Nhuận (Duy Phước) cũng có một số người dân buôn bán dạng “hàng gói” nầy.

 

Có thể nói việc sáng chế ra khung cửi máy của ông Võ Dẫn đã tạo ra một cuộc “Cách mạng ” trong nghề dệt ở Quảng Nam thời đó. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân cho rằng “Cụ Võ Dẫn - người đã công nghệ hóa ngành dệt theo phương pháp khoa học Âu - Tây”[17]. Ngày nay chúng ta hay dùng thuật ngữ “công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”, không ngờ ở Duy Trinh trong những năm 30 của thế kỷ 20, người dân nơi đây đã thực hiện công nghiệp hóa rồi.

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân viết tiếp “Suốt thời gian 1933 - 1945, Võ Diễn trở thành nhân vật tiếng tăm. Tên ông cũng đi liền với sự thịnh vượng nổi bật của tỉnh Quảng Nam”[18]. “Sự thành công lớn lao của Võ Diễn đã làm xúc động thực sự ngành thương mại và chính quyền đương thời. Khung - cửi - máy của ông được giới thiệu khắp nước qua những hội chợ triển lãm như một phát minh cao cấp. Công sứ Pháp, Tổng đốc địa phương cũng tìm cơ hội gặp ông và khen tặng. Hoàng Trọng Phu, một loại “Phó vương” Bắc kỳ cũng tìm đến quan sát sự thành công của ông để mang về Bắc (mua máy dệt mang về Hà Đông, một vùng đất vốn đã rất nổi tiếng với nghề dệt lụa lâu đời - NV). Triều đình nhà Nguyễn tặng ông hàm bát phẩm với tước hiệu “Hàn lâm viện khiển bộ[19], (có thẻ bài bằng ngà đeo trước ngực - NV). Có lẽ đó là phẩm tước hàm cao nhất giành cho những người giỏi các ngành nghề của chế độ phong kiến này. Do lẽ đó người ta gọi ông là Bát Diễn hay Nghè Diễn”[20].

 

Sản phẩm tơ lụa có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường trong và ngoài nước, cả vùng như một thành phố nhộn nhịp suốt ngày đêm, kéo theo các nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, thương mại và dịch vụ cũng phát triển. Đời sống và sinh hoạt của người dân cũng bắt đầu hình thành nếp sống thị dân: buổi sáng ăn điểm tâm, uống cà phê trước khi vào xưởng, buổi trưa ăn cơm ở xưởng, buổi tối đến nhà hát xem chiếu bóng, xem kịch, xem xiếc.

 

                                    Văn minh thong thả cuộc đời

 

                                    Dưới sông cá lội, trên trời chim bay

 

                                    Người trần khi tỉnh khi say

 

                                    Khi vui chén cúc, khi say hồng đào

 

                                    Cõi trần non lĩnh biết bao

 

                                    Nhìn xem non diện, thấp cao tranh giành

 

                                    Nói về hàng lụa cửi canh

 

                                    Kẻ ưa vảy trút, người rành thiên hương

 

                                    Bông to, bông nhỏ dệt thường

 

                                    Mắc go, móc khuyết lo lường bớt thêm

 

                                    Mua khung đóng tựa như nêm

 

                                    Kẻ ưa dệt xuyến, kẻ rành dệt thao[21]

 

                                    Tơ hàng khi hạ, khi cao

 

                                    Sài Gòn khi đến, khi vào Nam Vang

 

                                     Cõi trần nhiều kẻ giàu sang

 

                                    Biết bao khung cửi, dọc ngang thợ thầy

 

                                    Ngó vô kẻ chải người quây

 

                                    Cô kia bắt mối, cậu này sửa không (khung cửi)

 

                                    Thi Lai, Hà Mật, Phú Bông

 

                                    Mỹ Xuyên, Trà Kiệu làng đông dệt thường

 

                                    Lần qua tới đất An Trường

 

                                    Ông Bình cũng có lo lường mấy không (khung)

 

                                    Nói về các thợ làm công

 

                                    Áo tây, nón trắng, khăn hồng, guốc sơn

 

                                    Xưa kia nhan sắc xanh dờn

 

                                    Bây chừ da đỏ, gặp cơn thanh nhàn [22]

 

Thời đó, tại Trà Kiệu có rạp hát Trà Sơn[23], các gánh hát bội và nhiều đào kép nổi tiếng thường đến biểu diễn tuồng cổ, các đoàn ca Huế, cải lương ở Sài Gòn cũng đến hát. Đoàn xiếc nổi tiếng của Tạ Duy Hiển cũng đã từng đến biểu diễn tại đây. Rạp hát Trà Sơn hoạt động quanh năm suốt tháng, có gánh hát ở lại vài tháng, khán giả phần đông là thợ dệt trong vùng. Khoảng 4 - 5 giờ chiều, các đoàn nghệ thuật cho xe kéo chạy “rao bảng” qua đường chính các làng dệt, họ đánh trống, phèn la rao mời khán giả tối đến nhà hát xem tuồng, xem xiếc. Thợ dệt, sau bữa cơm tối là lũ lượt cầm đèn đến rạp xem hát, thư giãn sau một ngày lao động để ngày mai tiếp tục công việc trong các xưởng dệt. “Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân có lần nhận xét: ở Xứ Quảng thời bấy giờ không phải chỉ có hai đô thị Đà Nẵng và Hội An, mà có đến ba. “Đô thị” thứ ba đó chính là vùng tơ tằm này”[24].

 

Nghề dệt ở Duy Trinh, Hà Mật, Mã Châu phát triển, kéo theo các ngành nghề ở địa phương khác cũng vươn lên. “Những xã xung quanh vùng sống dậy theo. Có làng xã xa xôi cũng có đời sống tươi sáng hơn.Tỷ như làng Phú Chiêm, Kim Bồng ở tận Hội An, vào nhà nào có thợ mộc giỏi cũng vươn lên không dứt, thợ mộc để đóng khung cửi và thợ mộc có tay nghề cao để đóng bàn ghế, tủ giường, xa lông cho những nhà giàu nhờ nghề dệt. Ngộ nghĩnh nhất là cũng tại làng Phú Chiêm này, vốn có nghề làm mì (sau 1954 được mệnh danh là mì Quảng) chỉ chuyên đi bán cho các vùng phủ lỵ Quảng Nam (Vĩnh Điện) thì cũng gần như xoay hướng, quay lưng lại các tiểu thị trấn để tìm về những vùng thợ dệt vừa đông đảo vừa kiếm ra tiền. Trường học tư – có cái rất bề thế ở Thi Lai – đã mọc lên nâng cao văn hóa đã đành, mà có ai ngờ: Tại Đà Nẵng, người ta cũng thấy mọc lên hai nhà hát cô đầu từ Bắc đưa vào để những tay buôn học tập thêm ngón đàn tiếng hát mà thời đó được tiểu thuyết Hà Nội quảng bá. Những xe đạp sáng loáng, những bữa ăn ngon lành, những sự vung vãi tiền bạc, những nhà cửa được tạo dựng hoặc sửa sang với nhiều tiện nghi đắt giá, những cô gái áo lụa bông tươi, những chàng trai âu phục sang trọng… Đó là những gì ghi được ở Quảng Nam Đà Nẵng vào thời chiến tranh thế giới thứ hai, khi ở những nơi nào khác tràn lan đói rét. Còn ở đây, ngoài ngành dệt lụa với khung - cửi - máy, còn những làng khác ở vùng Gò Nỗi ngành dệt cổ truyền hoặc dệt bằng khung - cửi - giật vẫn phát triển trong no ấm của “nhất nghệ tinh nhất thân vinh” ”[25].

 

Nhờ sáng chế khung cửi máy, ông Võ Dẫn trở nên giàu có và nổi tiếng. Thời đó ông đã có nhà lầu, xưởng máy, ga ra ô tô, sắm một chiếc xe hơi hiệu Traction và một chiếc mô tô hiệu Peugeot. Năm 1937, phái viên của chính phủ Pháp sang điều tra tình hình Đông Dương do Gô - đa (Goddart) dẫn đầu đã đến thăm làng dệt Thi Lai, có đến thăm ông tại nhà riêng.

 

Ông Võ Dẫn là người có tinh thần vì cộng đồng, khi đã trở nên giàu có, ông cùng một số gia đình khá giả trong làng và các nhân sĩ trí thức như Hồ Nghinh, Nguyễn Đình Cừ…thành lập ngôi trường tiểu học Tân Tân ở Duy Trinh, ông là thành viên sáng lập đồng thời cũng là nhà tài trợ kinh phí xây dựng và hoạt động cho trường.

 

 Năm 1999, trong buổi lễ khánh thành trường tiểu học Tân Tân ở Thi Lai (sau này là phân hiệu Tân Tân của trường tiểu học Duy Trinh), ông Hoàng Bích Sơn (Hồ Liên) là thầy giáo cũ của trường lên diễn đàn phát biểu, sau khi ôn lại những kỷ niệm thời kỳ thành lập và hoạt động của trường, ông còn nhắc đến sự giàu có, thịnh vượng một thời từ làng dệt Duy Trinh, nhờ kinh tế phát triển, cuộc sống người dân sung túc nên mới có trường học Tân Tân. Người viết tập sách này có nghe ông nói một câu rất lạ: “Bao giờ cho tới ngày xưa?”. Hóa ra cái ngày xưa huy hoàng đó, vẫn còn là mục tiêu mà ngày nay lớp con cháu còn phải cật lực phấn đấu.

 

Ngoài việc sáng chế chiếc máy dệt vải lụa tơ tằm, sau này ông cải tiến để dệt vải sợi bông (cotton), ông Võ Dẫn còn một số sáng chế độc đáo nữa.

 

Năm 1946, cùng với bao làng quê khác ở Quảng Nam, làng Thi Lai và các làng quê khác của xã Duy Trinh bị chiến tranh tàn phá; giặc Pháp đến đốt nhà, phá làng, mọi người phải gồng gánh chạy tản cư khắp nơi. Nếu như ngày hôm trước, Duy Trinh từng là nơi:                        

 

Duy Trinh tơ lụa mỹ miều

 

                              Mai vang tiếng cửi chiều giăng tơ vàng

 

Thì lúc này đã xảy ra cảnh:

 

Duy Trinh tơ lụa mỹ miều

 

                              Mai vang tiếng cửi chiều thiêu tro tàn

 

Nhà thơ Hồ Thấu, người con của đất Duy Trinh viết bài thơ Quê hương trong giai đoạn ác liệt này:

 

                                    

 

                                    Láng giềng vui mấy kẻ

 

                                    Lạnh tanh còn ai đâu

 

                                    Người tản cư lặng lẽ

 

                                    Người chết chôn không sâu

 


 

                                    Làng ta mấy trận đốt

 

                                    Nhà cửa liệt tro tàn

 

                                    Cây cối thiêu xơ xác

 

                                    Đất chết đồng bỏ hoang

 


 

 Ông Võ Dẫn đưa gia đình tản cư vào Quảng Ngãi. Có người nói rằng thời gian này ông đã có thêm hai sáng chế quan trọng nữa. Thứ nhất do đang trong thời kỳ kháng chiến, hàng hóa thiếu thốn, các máy đánh chữ không mua được ruban (là cuộn băng đánh máy) của Pháp, ông sáng chế ra khung dệt nhỏ, chạy bằng 3 thoi, dệt ruban khổ 15mm để cung cấp cho các cơ quan, đơn vị trong vùng tự do. Một sáng chế khác của ông là sản xuất nịt bằng vải thay thế nịt da. Nguyên do vì nhu cầu phải bảo đảm sức kéo cho công cuộc đẩy mạnh tăng gia sản xuất nông nghiệp, chính phủ kháng chiến chỉ thị cấm giết trâu bò làm thịt nên không có da để làm nịt. Sáng chế này góp phần giải quyết nhu cầu hàng tiêu dùng cho người dân trong điều kiện lúc đó.

 

Sau năm 1954, ông Võ Dẫn trở về làng cũ Thi Lai và phục hồi sản xuất ngành dệt. Bên cạnh, ông bắt đầu nghiên cứu chế tạo máy ươm tơ kỹ thuật cao.

 

Nghề ươm tơ ở Duy Trinh (lúc đó đã đổi tên là xã Xuyên Trường) đến thời đó vẫn còn sử dụng xa ươm tơ cổ truyền. Mỗi xa ươm phải có 3 lao động: một người ngồi quay guồng tơ, một người kéo thao càng, một người tranh tơ, chỉ được 2 mối tơ, năng suất rất thấp. Năm 1960, ông Võ Dẫn chế tạo thành công máy ươm tơ kiểu mới, chạy bằng động cơ, có thể chạy một lúc 100 mối tơ. Thay vì phương pháp nấu nước sôi theo kiểu xa ươm tơ kiểu cũ, ông sử dụng nồi súp-de (chaudière) lớn, cung cấp hơi nước cho các máng ươm, một người thợ có thể ươm một lúc nhiều mối tơ. Xa ươm sử dụng các loại ròng rọc, mắt sứ…nên có thể ươm các loại tơ mảnh, độ săn cao, năng suất và chất lượng tăng lên rõ rệt, mỗi ngày có thể ươm được 30 ký tơ.

 

Năm 1962, ông Võ Dẫn đầu tư một nhà máy ươm tơ kiểu này ở thôn Hai xã Xuyên Trường (tại vị trí hợp tác xã Ươm tơ Duy Trinh sau năm 1975). Sở dĩ ông đặt nhà máy ươm ở đây bởi Đông Yên là vùng chuyên nuôi tằm và ươm tơ, trong khi ở Thi Lai lúc này người dân chủ yếu sống bằng nghề dệt, không ai làm nghề ươm nữa. Thời gian này, Trung tâm Khuếch trương Tiểu công nghiệp Đà Nẵng có đưa một phái đoàn kỹ sư người Nhật đến tìm hiểu nhà máy ươm tơ của ông. Các kỹ sư Nhật Bản rất khâm phục chiếc máy ươm tơ do ông thiết kế, có người trong đoàn cắc cớ hỏi ông đã tốt nghiệp từ trường đại học nào. Ông Võ Dẫn cười và nói thật là mình chỉ mới học xong sơ học yếu lược, nghĩa là chưa có cả bằng tiểu học. Người Nhật không chịu tin và cứ nghĩ là ông nói đùa với họ.

 

Với nền sản xuất tiểu thủ công nghiệp lúc đó, nhà máy ươm tơ của ông là loại tầm cỡ. Tiếc rằng do không nghiên cứu kỹ địa thế, nhà máy ươm tơ đặt ở nơi thấp lụt. Trận lụt lớn năm Giáp Thìn (1964) đã nhấn chìm nhà máy, thiết bị ươm tơ hư hỏng nặng.

 

Bị thiệt hại do thiên tai cùng lúc chiến tranh đã bắt đầu lan rộng, thêm một lần nữa ông lại phải tản cư. Lần này ông vào ở tại Ngã Tư Bảy Hiền, thành phố Sài Gòn. Tại đây ông làm cố vấn kỹ thuật cho Liên hiệp Hợp tác xã Dệt Sài Gòn.

 

Ông Võ Dẫn từ trần ngày 21 tháng 9 năm Ất Mão (1975), an táng tại nghĩa trang Trung Việt Ái Hữu (thường gọi nghĩa trang Gò Dưa), huyện Thủ Đức, cách trung tâm thành phố khoảng 15 cây số. 

 

Năm Bính Tuất (2008), gia đình đưa hài cốt ông về an táng tại nghĩa trang gia tộc tại Chiêm Sơn, Duy Trinh. Trước mộ ông có hai câu đối:

 

“Danh oanh liệt, sông Thu nghiệp lớn phát minh khung cửi dệt.

 

 Tiếng lưu truyền, đất Quảng công đầu sáng chế máy ươm tơ”.

 

Thành tựu từ sáng chế ra khung cửi máy của ông Cửu Diễn không chỉ mang lại sự phồn thịnh cho vùng đất Quảng Nam một thời, khung cửi máy này cũng đã theo chân những người dân xứ Quảng làm cuộc “Nam tiến” từ cuối thập kỷ 40, lập nên những làng dệt nổi tiếng ở Bảy Hiền, Gò Vấp, Lò Chén, Thủ Đức… (thành phố Hồ Chí Minh), thậm chí có một làng dệt ở Nam Vang (Campuchia) vào những năm 1958 - 1965. Khung cửi máy này cũng đã mang lại công ăn việc làm cho nhiều thế hệ của người dân đất Quảng. Nhiều người sau này trở nên giàu có, con cái được học hành đỗ đạt, có điều kiện chuyển sang các công việc nhàn hạ, có thu nhập cao hơn cũng nhờ khởi đầu từ khung cửi máy này.

 

Mộ ông Võ Dẫn tại Chiêm Sơn - Duy Trinh

 

Nhiều thế hệ người dân sống bằng nghề dệt ở Quảng Nam và các nơi khác còn nhớ ơn ông, nhiều người mong ước có một khu tưởng niệm ngay tại làng quê ông để trưng bày những hiện vật do ông đã sáng chế. Giá như ước muốn đó sẽ sớm trở thành hiện thực, những thế hệ con cháu của người dân đất Quảng sẽ hiểu và trân trọng một thời gian khó của ông cha. Để tên của ông Võ Dẫn, dù không được lưu truyền rộng rãi như Joseph Marie Jacquard hay Sakichi Toyoda, cũng còn được người đời sau lưu danh là ông Tổ nghề dệt cửi máy Quảng Nam lừng lẫy một thời:

 

Duy Xuyên tơ lụa mỹ miều

 

Mai vang tiếng cửi, chiều giăng tơ vàng

 

           

 



 

 

[1] Sơ đồ này hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh-Champa Duy Xuyên.

 

 

 

 

[2] M.Maspero – Vương quốc Chăm, NXB G.Văng-Oet 1928, bản dịch của Lê Tư Lành, Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam-Hà Nội, tr 66

 

 

 

 

[3] Bài này do ông Võ Chân cung cấp, ông Mai Trực ghi lại trong “ Thi Lai quê hương tôi ”

 

 

 

 

[4] Các chữ in nghiêng là tên các loại hàng vải tơ tằm

 

 

 

 

[5] PBTL, tr 225 - 226

 

 

 

 

[6] VN những sự kiện lịch sử tập III, tr 324

 

 

 

 

[7] Có nhiều bài viết gần đây ghi nhầm là Nguyễn Thống. Ông Trần Thống và cháu là Trần Cường người thôn Phú Bông xã Duy Trinh, là những thợ mộc khéo tay, chuyên đóng máy dệt. Con cháu ông có nhiều người nối nghiệp đóng máy dệt đến những năm cuối thế kỷ XX.

 

 

 

 

[8] Cục gùi là bộ phận dùng để bắt đòn kéo go (chức năng điều go để bắt bông giống đầu máy Jacquard).

 

 

 

 

[9] Cho đến lúc đó, để căng biên vải trên máy dệt Cửu Diễn, người ta dùng những thanh tre cật vót mỏng, hai đầu có gắn kim nhọn, người thợ dệt vải dùng những thanh tre này ghim hai đầu kim vào hai bên biên vải để căng mặt vải ra và làm theo lối cuốn chiếu.

 

 

 

 

[10] Nghe các cụ già kể lại, sở dĩ gọi là lụa Tân Châu bởi dân Thi Lai khi mang tơ lụa vào miền Nam bán, gặp mặt hàng vải ở Tân Châu - An Giang có kiểu dệt đẹp (gọi là đệm) nên mua về nghiên cứu, các cụ tháo ra từng sợi chỉ, sau đó dùng nan tre đan theo kết cấu đó rồi tính toán để chấm vị trí các “ú” trên cục gùi của khung cửi (rappo).

 

 

 

 

[11] Bài này do ông Ngô Phú và Huỳnh Xiêm cung cấp, ông Mai Trực ghi trong tập “Thi Lai quê hương tôi”

 

 

 

 

[12] Hạnh phước, thiên hương…là tên các loại vải lụa lúc đó

 

 

 

 

[13] Mai Trực – Thi Lai quê hương tôi

 

 

 

 

[14] Có hai loại cửu phẩm : cửu phẩm văn giai dành cho người học hành đỗ đạt, cửu phẩm bá hộ dành cho người có công trạng hoặc có đóng góp tiền của cho nhà nước. Ông Võ Dẫn được tặng hàm cửu phẩm bá hộ.

 

 

 

 

[15] Duy Trinh một thời để nhớ - Thơ Lê Đào. In trong sách Bà chúa Tàm tang xứ Quảng, tr 161

 

 

 

 

[16] Nguyễn Văn Xuân – Một thời tơ lụa Quảng Nam, đăng trên báo Khoa học & phát triển số 6, tháng 10.11.1992

 

 

 

 

[17] Nguyễn Văn Xuân – Một thời tơ lụa Quảng Nam, đăng trên báo Khoa học & phát triển số 6, tháng 10.11.1992.

 

 

 

 

[18] Nguyễn Văn Xuân – Một thời tơ lụa Quảng Nam

 

 

 

 

[19] Gọi đúng là Hàn lâm viện điển bạ, là hàm danh dự (vinh hàm) theo cấp bậc chứ không phải là chức vụ, tương ứng với phẩm cấp Tòng bát phẩm. Khác với đường hàm là hàm theo chức vụ dành cho các quan chức trong bộ máy cai trị (theo sách Quan lại ở miền Bắc Việt Nam).

 

 

 

 

[20] Nguyễn Văn Xuân – Một thời tơ lụa Quảng Nam

 

 

 

 

[21] Chữ in nghiêng là tên các mặt hàng vải lụa

 

 

 

 

[22] Mai Trực – Thi Lai quê hương tôi tr 33

 

 

 

 

[23] Nhà hát Trà Sơn ở chỗ Gò Dỗi hiện nay

 

 

 

 

[24] Nguyên Ngọc - Tìm hiểu con người Quảng Nam, tr 94

 

 

 

 

[25] Nguyễn Văn Xuân – Một thời tơ lụa Quảng Nam

 

HỒ TRƯỜNG

(Trích từ bản thảo tác phẩm "Đất và người Duy Trinh những thế kỷ trước")

 

 


Copyright © 2013 - 2025 Duy Trinh Quê Tôi. Thiết kế website bởi Cánh Cam