
Thành thật với long mình, tôi chưa biết phải bắt đầu như thế nào, bắt đầu từ đâu để : “Tâm tình cùng những dòng thơ, văn, nhạc, họa của bà con Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam”. Vì qua nhiều thời ký dòng văn học truyền miệng và thành văn, của miền đất học này vốn rất phong phú về chất liệu lại giàu tính nhân văn, xuất phát từ giới bình dân và bác học trong làng xã Duy Trinh.
Nhưng vì tình yêu quê hương, trách nhiệm công dân với nơi chôn nhau cắt rốn, tôi mạo muội góp những điều mình tâm đắc làm quà kính dâng quê hương, dâu tằm tơ lụa, có dòng sông Thu Bồn, tải nhạc , họa, thi ca và tình yêu lao động. Do vậy, trong bài viết chắc có những sơ sót, mong bà con quan tâm và góp ý bổ sung.
Để bắt đầu bài viết, tôi xin:
“Kính chào cô gái Duy Trinh
Nụ cười mang cả bình minh vào đời”
Lời chào cũng như miếng trầu là đầu câu chuyện. Câu chuyện của thơ văn, nhạc họa đã có ở xã Duy Trinh.
Thuở còn thơ, tôi đã được nghe mẹ hát ru với câu thơ của người xưa, bà Đoàn Thị Ngọc cô thôn nữ rất minh mẫn, trong sang, chăm nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, theo truyền thống địa phương, trong một đêm trăng sáng trên bờ sông Thu Bồn, bà vừa hái dâu vừa hát và đã làm cho công tử Nguyễn Phước Lan đang cùng thân phụ là chúa Nguyễn Phước Nguyên du thuyền trên sông Thu Bồn để ý, đem lòng thương yêu, rồi nên duyên chồng vợ.
“ Tai nghe Chúa ngự thuyền rồng
Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa
……………………………………….
Thuyền rồng Chúa ngự nơi đâu
Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình”
Về sau, bà có tên là Đoàn Quý Phi được phong Hiếu Chiêu Hoàng Hậu. Bà là người có công quảng bá nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, được nhân dân mến yêu, xưng tụng là Bà Chúa Tàm Tang xứ Quảng. Bà đã được truy tôn : Trinh Thục Từ Tĩnh Mẫn Duệ Huệ Kính Hiển Chiêu Hoàng Hậu, được khắc tên lên kim sách của Hoàng Tộc và thờ trong Thái Miếu ở Huế.
Một đời sông biết mấy đời người. Dòng sông Thu Bồn chẳng những đá sản sinh ra văn hóa làng nghề quê tôi mà còn chở che, nuôi dưỡng bao gương trung kiên, bất khuất, quyết tâm giữ làng, xây dựng nước mà còn nuôi dưỡng biết bao điệu lý, câu hò, làn điệu dân ca, bài chòi, hò khoan, thắm đượm tình dân, nghĩa nước.
Cũng tại nơi đây, đã có bao lớp người làm thơ,, viết văn, soạn nhạc, vẽ tranh, làm báo dâng hiến cho đời, hàng ngàn tác phẩm thơ, văn, nhạc họa được nhiều người biết đến. Đội ngũ này của xã Duy Trinh có nhiều người đã từng giữ những trọng trách trong các ngành xuất bản, báo chí, giáo dục, văn hóa nghệ thuật trong cả nước, có người đã là võ sư, luật gia, giáo sư, tiến sĩ, học giả đang ở và làm việc trong nước, nước ngoài.
Trong đội ngũ viết văn , làm thơ, soạn nhạc , làm báo ở xã Duy Trinh, chúng tôi nhận thấy có những người quen thân như: Hồ Thấu, Lê Đào, Thuận yến, Sơn Thu, Đông Yên, Lê Hoàng, Phạm Phú Tâm, Hồ Thanh Ngọc, Bình Nguyên, Hoài Thu, Mã Vĩnh Trinh, Vạn Lộc, Đoàn Hoài Thi, Đoàn Công Tiến, Vũ Hoa, Đặng Xuân, Lê Hiền, Đông Nguyên, Hồ Tuấn Nhã, Đề Oanh, Hồ Kiến Trúc, Duy Trinh, Thanh Toàn, Đinh Hồi Tưởng, Tiêu Phong, Trường Duy, Lưu Công Đường, Mai Cương, Mai Trực, Sông Thu, Trung Sơn, Duy Ngọc, Thái Xuân Quang, Nguyễn Minh, Hồ Trường, Đoàn Huyên,….v..v…Hầu hết các tác phẩm của họ đều có ý thức, trách nhiệm công dân cao đối với tình làng, nghĩa xóm, với đất nước, quê hương, yêu người, yêu mình và yêu cái đẹp.
Có lẽ, Duy Trinh là nơi đất lành chim đậu, tuy đã phải vượt qua bao gian lao, khó nhọc do thiên tai, địch họa gây nên nhưng với truyền thống hiếu học, yêu làng nghề, biết tôn trọng bao danh lam, thắng cảnh, bao truyền thuyết sáng trong, bao tấm gương đạo lý nên đội ngũ văn nghệ sĩ ở Duy Trinh đã hình thành và bức phá đi lên từ chân quê chung thủy, từ đạo nghĩa nhân văn đã góp phần vào nền văn hóa, văn nghệ huyện “ Duy Xuyên tơ lụa mỹ miều” và vào “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm” , đã và đang hòa nhập mạnh mẽ vào dòng chảy văn học sáng trong của cả nước đang vững bước đi lên thủy chung và sáng tạo, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tp. Hồ Chí Minh, tháng 1 năm 2014
SƠN THU