ĐẤT VÀ CON NGƯỜI DUY TRINH
Xã Duy Trinh ngày nay có địa hình trải dài từ tây sang đông. Phía tây giáp với xã Duy Châu, được ngăn cách bằng một dãy núi thấp, hai phía bắc và đông giáp sông Thu Bồn, phía nam giáp Trà Kiệu, nơi xưa kia từng có một thời là kinh đô của nước Lâm Ấp.
Thôn Chiêm Sơn, vùng đất nằm ở phía tây, có những dãy núi thấp và nhiều đồi gò; nơi đây có bia ký và một số phế tích là những công trình kiến trúc của người Chăm, được xây dựng cùng thời với kinh thành Trà Kiệu. Theo sơ đồ di tích kiến trúc Champa, ở Duy Xuyên có 9 địa điểm di tích, riêng Chiêm Sơn đã có 4 trong số đó, chiếm gần một nửa!
Sự kiện lịch sử năm 1402, nhà Hồ đánh Chiêm Thành, buộc vua Chiêm dâng đất Chiêm Động và Cổ Lũy. Hồ Quý Ly chia đất ấy làm bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Chiêm Sơn thời đó thuộc đất Chiêm Động, sau khi nhập vào Đại Việt trở thành đất Thăng Hoa. Trên địa bàn này còn có một giếng cổ của người Chăm, chứng tỏ nơi đây người Chăm đã sinh sống từ nhiều thế kỷ trước, những lưu dân người Việt mới đến cộng cư với người Chăm vào những thế kỷ sau này. Thời chúa Nguyễn, thôn Chiêm Sơn thuộc tổng Mông Lĩnh, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam. Đến triều nhà Nguyễn, Chiêm Sơn thuộc tổng Mậu Hòa Trung, huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa, dinh Quảng Nam.
Các thôn Đông Yên, Phú Bông và Thi Lai là vùng đất nằm ở phía đông, nơi có nhiều đầm bàu; trong lòng đất thường tìm thấy nhiều vỏ sò, dây thừng, ván thuyền…, là những vật liệu và di vật gắn với vùng sông nước. Trên vùng đất này chưa tìm thấy một di tích hay phế tích nào chứng tỏ ngày xưa đã từng có người Chăm cư trú. Căn cứ những tư liệu từ thư tịch cổ, nơi đây ngày xưa là một dòng sông; do quá trình biến đổi dữ dội của tự nhiên, bên lở bên bồi, qua nhiều thế kỷ, sông hồ đã trở thành đồng bãi, khi những lưu dân người Việt đầu tiên đến đây khai phá trở thành ấp, thành thuộc; những thế kỷ về sau trở thành xã, thành làng. Thời chúa Nguyễn, các thôn Đông Yên, Phú Bông và Thi Lai ở thuộc Hoa Châu, huyện Duy Xuyên tân, phủ Thăng Hoa, dinh Quảng Nam. Triều nhà Nguyễn cũng thuộc Hoa Châu, huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa.
Hơn bốn trăm năm sau ngày lưu dân người Việt đến đất này định cư; vùng đất sau này gọi là các thôn Chiêm Sơn, Đông Yên, Phú Bông và Thi Lai mới sáp nhập lại thành một đơn vị hành chính cấp xã vào năm 1948. Từ đó xã có tên Duy Hòa (1948 - 1950), Duy Trinh (1950 - 1954), Xuyên Trường (1955 - 1975), Duy Hòa (sau 30.4.1075 - 1977) và trở lại tên xã Duy Trinh từ năm 1977 đến ngày nay.
Sự hình thành vùng đất ngày nay là xã Duy Trinh đã gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử, từ các vương triều Champa cho đến các triều đại của Đại Việt. Đặc biệt thời kỳ các chúa Nguyễn mở mang xứ Đàng Trong; vùng đất Đông Yên, Phú Bông và Thi Lai bắt đầu có lưu dân người Việt đến khai phá, lập thành làng xã, dân cư ngày càng đông đúc, đồng bãi ngày càng màu mỡ, xóm làng ngày thêm trù phú.
Người dân Duy Trinh ngày nay phần lớn là hậu duệ của những lưu dân từ vùng Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An vào khai khẩn và định cư trong nhiều thời kỳ, họ ra đi vì nhiều hoàn cảnh khác nhau. Cũng có thể trong cộng đồng cư dân Duy Trinh ngày nay còn có những hậu duệ của người Chăm bản địa, do hoàn cảnh lịch sử đã hoàn toàn hòa nhập vào dòng chảy văn hóa Việt. Giống như nhiều vùng đất khác ở Quảng Nam lúc bấy giờ; trên vùng đất mới Duy Trinh đã có sự cộng cư, cộng hôn giữa hai dân tộc Chăm - Việt, tạo nên bản sắc và những giá trị văn hóa đặc trưng xứ Quảng.
Duy Trinh là một trong những địa phương có nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa phát triển, đã có những giai đoạn phát triển cực thịnh; đây cũng là nơi người dân có truyền thống hiếu học, yêu nước và có phong trào cách mạng rất sớm. Trên mảnh đất này đã sản sinh ra những nhân vật tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của họ đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong lịch sử - văn hóa xứ Quảng. Trong lĩnh vực chính trị, văn hóa, ngoại giao có những nhà trí thức yêu nước nổi tiếng của thế kỷ 20 là ba anh em ruột Hồ Nghinh, Hồ Thấu, Hồ Liên (Hoàng Bích Sơn); lĩnh vực quân sự có các tưỡng lĩnh Phan Bình, Hoàng Kim; lĩnh vực sáng chế và phát triển công thương có cụ Võ Dẫn, người sáng chế khung cửi máy lừng danh ở Thi Lai và người mở đầu nghề dệt vải tuýt-xo Quảng Nam Lê Đồng Lợi. Trong lịch sử khoa bảng, Duy trinh đã có nhiều người thi đỗ tú tài, cử nhân, một thời làm rạng danh vùng đất học.
Đặc biệt, Duy Trinh là quê hương của Bà chúa Tàm tang xứ Quảng, cô thôn nữ hái dâu có nhan sắc và đức hạnh đã trở thành Hiếu Chiêu Hoàng Hậu - người đã góp công vào sự nghiệp phát triển “Con đường tơ lụa trên biển” ở Đàng Trong vang danh những thế kỷ trước.
(Trích từ bản thảo tác phẩm "Đất và người Duy Trinh những thế kỷ trước")
Đà Nẵng – Duy Trinh, xuân Giáp Ngọ 2014
HỒ TRƯỜNG