Duy Trinh trên bước đường xây dựng nông thôn mới
I. Đặc điểm về địa lý, tự nhiên và xã hội:
Duy Trinh là một xã đồng bằng nằm cách trung tâm huyện lỵ 5 km về phía Tây, có tổng diện tích tự nhiên là 19,7 km2. Có ranh giới hành chính: Phía Đông giáp Thị trấn Nam Phước và xã Điện Phong của huyện Điện Bàn, Phía Tây giáp xã Duy Châu và Duy Hòa, Phía Nam giáp xã Duy Sơn và Duy Trung, Phía Bắc giáp xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong huyện Điện Bàn. Duy Trinh là xã có địa hình tiếp giáp giữa đồng bằng và Trung Du, Phía Tây của xã toàn là đồi núi (khoảng 40%) có độ cao tương đối từ 20 - 110 m, độ dốc biến thiên từ 10 - 300, có hồ chứa nước Vĩnh Trinh, địa hình nghiêng thấp dần phía Đông, phía Đông là đồng bằng (khoảng 40% diện tích tự nhiên) là nơi tập trung dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng là nơi sinh hoạt và hoạt động sản xuất của nhân dân. Phía Bắc có nhánh sông Bà Rén chạy dọc tạo ra các dãy cồn cát nằm ven sông và hằng năm thường bị ngập lụt vào mùa mưa.
Toàn xã có 1.954 hộ với 8.378 khẩu, trong đó nam có 3.994 khẩu, nữ có 4.384 khẩu, có 5.234 nhân khẩu trong độ tuổi lao động chiếm 62,47% dân số (theo số liệu thống kê năm 2013). Nhân dân xã Duy trinh chủ yếu sống bằng nông nghiệp và ngành dệt vải truyền thống; từ sau ngày giải phóng cho đến nay nghề vấn chổi đót, chổi chà đang phát triển mạnh góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở thôn Chiêm Sơn và một số hộ ở thôn Đông Yên. Cây chổi đót của làng Chiêm Sơn không những chỉ phục vụ trong tỉnh mà đã vươn ra nhiều vùng miền trong cả nước, hiện nay địa phương đang đề nghị các ngành cấp trên để được công nhận làng nghề chổi đốt thôn Chiêm Sơn. Trong những năm kháng chiến, Duy Trinh là một xã có bề dày truyền thống cách mạng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào tháng 6.1999. Duy Trinh còn là dãy đất có nhiều di tích lịch sử như: Lăng mộ bà Đoàn Quý Phi, Mạc Thị Giai, Ngọc Dung Công Chúa, Dinh Bà Chiêm Sơn, Triền Tranh, Gò Gạch, Gò Lồi, Chùa Vua đây là điều kiện thuận lợi để phát triển tiềm năng về du lịch của xã.
Trong những năm qua BCH Đảng bộ xã coi trọng việc lãnh đạo và vận động quần chúng nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, Quốc phòng an ninh. Thấm nhuần quan điểm "Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt" Đảng bộ xã Duy Trinh tập trung đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp, mở rộng ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ cùng với chuyển dịch mùa vụ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng con vật nuôi, hoàn thiện hệ thống tưới tiêu cho đất màu. Duy Trinh đang mở rộng các hình thức khuyến nông, khuyến lâm, ứng dụng các tiến bộ và thành tựu khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến từng hộ nông dân. Thực hiện có hiệu quả chương trình giống lúa mới, bò lai sind... Nuôi, trồng các loại cây con có giá trị thương phẩm cao. Vì vậy, từ năm 2005 trở lại đây, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng., mức độ tăng trưởng của xã năm sau cao hơn năm trước, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
II. Hoạt động của toàn hệ thống chính trị:
Phát huy những truyền thống tốt đẹp của địa phương, lòng tự hào của người dân Duy Trinh, trong 5 năm qua, Đảng bộ và nhân dân trong địa phương đã đồng tâm nhất trí, phát huy nội lực sẵn có cộng với nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài của bà con đồng hương trên khắp mọi miền của tổ quốc; phong trào thi đua yêu nước trong toàn xã đã diễn ra mạnh mẽ, sôi nổi, đều khắp và khá toàn diện trên mọi lĩnh vực, đến các ban ngành, đoàn thể; từ các thôn đến các tổ, hộ nhân dân...Kết quả của phong trào thi đua thể hiện ở những mặt sau:
- Đảng bộ được công nhận danh hiệu Trong sạch vững mạnh trong 5 năm liền;
- Cơ quan xã được công nhận Tập thể lao động tiến tiến, xuất sắc trong nhiều năm qua và năm 2013 đang đề nghị xét công nhận Tập thể lao động xuất sắc;
- Các Hội, ban ngành đoàn thể đạt danh hiệu xuất sắc trong nhiều năm.
III. Công tác đầu tư xóa đói giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương tại địa phương:
1. Hỗ trợ làm nhà tình nghĩa:
Tổng số tiền các tập thể và cá nhân hỗ trợ từ 2008 - 2013 là 470.000.000 đồng. Trong đó, các tổ chức và cá nhân tại TP Hồ Chí Minh hỗ trợ là 405.000.000 đồng bao gồm:
Công ty Tanimex 75.000.000 đồng, Câu lạc bộ Văn hóa-thể dục-thể thao quận 1 TP Hồ Chí Minh 60.000.000 đồng, Công ty Dệt - May 7 Quân khu VII 50.000.000 đồng, Quận ủy Tân Bình và Tân Phú 220.000.000 đồng;
Số tiền trên xã đã chuyển đến 12 hộ gia đình để xây dựng nhà tình nghĩa.
2. Hỗ trợ xây dựng nhà tình thương và nhà đại đoàn kết:
Tổng số tiền của nhân dân trong xã, các tôn giáo, tập thể và các cá nhân hỗ trợ từ 2010 - 2013 là 293.500.000 đồng. Trong đó:
Các tổ chức và cá nhân tại TP Hồ Chí Minh hỗ trợ là 46.500.000 đồng bao gồm:
- Ông Nguyễn Hùng ủng hộ 19.000.000 đồng.
- Bà Trương Thị Năm ủng hộ 10.000.000 đồng.
- Ông Hồ Tấn Dũng ủng hộ 17.500.000 đồng.
Các tổ chức, cá nhân tại Hà Nội: 35.000.000 đồng do gia đình ông Bùi Cường ủng hộ. Số tiền trên xã đã chuyển đến 16 hộ gia đình để xây dựng nhà tình thương và nhà đại đoàn kết.
IV. Công tác xã hội hóa giáo dục và Y tế:
1. Hỗ trợ cho giáo dục để phát thưởng và giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó, xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm các trang thiết bị:
Từ năm 2009 đến năm 2013 nguồn kinh phí của bà con đồng hương ở các nơi và các tổ chức, cá nhân tại địa phương ủng hộ cụ thể như sau:
- Trường Mẫu giáo: 414.957.000 đồng;
- Trường Tiểu học: 354.740.000 đồng;
- Trường THCS Phù Đổng: 520.890.000 đồng. Về hiện vật: 32 chiếc xe đạp và 40 xuất quà do Báo Giác Ngộ và các tập thể cá nhân trao tặng cho học sinh nghèo vượt khó.
2. Hỗ trợ cho Trạm Y tế xã: 30.200.000 đồng
Tổng cộng kinh phí hỗ trợ cho giáo dục và y tế trong 5 năm qua là 1.320.787.000 đồng.
Trong đó, các tổ chức và cá nhân ở thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ là 660.373.000 đồng. Quỹ khuyến học của cụ Hồ Nghinh là 300.000.000 đồng.
Trong số kinh phí của bà con TP Hồ Chí Minh ủng hộ cho y tế - giáo dục, học bổng Ân tình quê hương của ông Hồ Tấn Dũng đã hỗ trợ 120.850.000 đồng, Hội Cựu học sinh và giáo viên trường Phù Đổng hỗ trợ 115.250.000 đồng, Hội Cựu học sinh Ngũ thôn Nam Thi 21.000.000 đồng, Câu lạc bộ doanh nhân quận Tân Bình 3.600.000 đồng và 6 chiếc xe đạp, ông Võ Quang Ba 158.100.000 đồng, các ông Lê Thương, Lê Hoàn, Lê Toàn 34.000.000 đồng, ông Lưu Ngọc Khoa và Hồ Sanh 7.000.000 đồng, ông Lê Sơn 10.000.000 đồng, bà Hà Thị Xuân 3.000.000 đồng. Học sinh cũ của trường, ông Nguyễn Kim Long ủng hộ 14.500.000 đồng, ông Lê Anh Xuân 3.500.000 đồng, Lưu Văn Thành 4.000.000 đồng, Nguyễn Phúc 1.500.000 đồng, Lê Anh Thấn 880.000 đồng và nhiều cá nhân, tổ chức khác đã có tinh thần ủng hộ, sẻ chia cho quê hương.
Ngoài ra, quỹ khuyến học của các tổ chức, tộc họ trong toàn xã đã vận động được 1.773.000.000 đồng để tham gia vào việc khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
3. Hỗ trợ xây dựng các công trình khác:
- Xây dựng cầu Vạn Buồng với tổng kinh phí là 1.300.000.000 đồng, trong đó bà con đồng hương tại thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ được 970.000.000 đồng;
- Xây dựng Dinh Bà Chiêm Sơn 950.000.000 đồng, trong đó bà con đồng hương tại thành phố Hồ Chí Minh đã đóng góp được 750.000.000 đồng.
Mặc dù ở xa quê, công việc kinh doanh mua bán và làm ăn có năm thành công nhưng cũng có những năm bất lợi, nhưng nghĩ về quê hương nơi chôn nhau, cắt rốn; bà con đã dành dụm chắt chiu để chia sẻ, giúp đỡ cho sự nghiệp giáo dục - y tế địa phương phát triển. Đây là những cố gắng, những nổ lực rất lớn đáng trân trọng, góp phần cho xã nhà hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội, đặc biệt là những năm đầu trên bước đường xây dựng nông thôn mới. Sự đóng góp này đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều học sinh có nguy cơ bỏ học được tiếp tục đến trường, nhiều em học sinh nghèo đã vươn lên học giỏi, học sinh xuất sắc của trường THPT Sào Nam và đạt điểm cao trong các kỳ thi đại học. Về phong trào thi đua, cả 3 trường đều được công nhận tập thể lao động xuất sắc, khối giáo dục được xếp vị thứ Nhất trong toàn huyện, Trạm y tế xã là đơn vị dẫn đầu 13 năm liền trong toàn huyện. Tỉ lệ hộ nghèo từ 15,3% năm 2009 xuống còn 8,6% trong năm 2013 (tương đương với 186 hộ)
Sau ngày giải phóng , từ một vùng đất hoang tàn, xơ xác do hậu quả của chiến tranh, cho đến nay gần 40 năm chung tay xây dựng, quê hương Xuyên Trường ngày ấy và Duy Trinh bây giờ đã thật sự thay da đổi thịt, một diện mạo mới của Duy Trinh được hiện ra với sức sống tràn đầy. Chắc chắn rằng, sự cổ vũ và ủng hộ mạnh mẽ của bà con đồng hương đang xa xứ, Duy Trinh sẽ tiếp tục phát triển và vững bước trên cuộc hành trình xây dựng nông thôn mới.