CHUYỆN HỌC HÀNH VÀ THI CỬ CỦA NGƯỜI
DUY TRINH THỜI TRƯỚC
Hồ Trường
Duy Trinh là vùng đất có truyền thống hiếu học, có nhiều người đỗ đạt. Theo sách Quốc triều Hương khoa lục, trong số 32 khoa thi Hương ở trường Thừa Thiên[1] từ năm 1819 đến năm 1918 có tất cả là 911 người đăng khoa, trong đó Quảng Nam có 252 người đỗ liên tiếp cả 32 khoa, huyện Duy Xuyên có 54 người và xã Duy Trinh có 6 người. Người thi đỗ cử nhân trong các kỳ thi Hương, gọi là đậu tứ trường, được ghi tên vào “bảng hổ”, ở Duy Trinh còn một số người đậu tam trường, tức là đỗ tú tài nho học. Ngoài ra, còn có một số người đã đi thi nhưng chỉ mới vượt qua được trường nhất, trường nhì, hỏng ở trường ba; số này cũng khá đông.
Thời Pháp thuộc, khi nền giáo dục nước nhà đã chuyển sang Tây học, ở Duy Trinh có một số người đỗ tú tài Tây học và đỗ thứ hạng cao các kỳ thi tri huyện và cấp hàm ngang tri huyện.
Các vị khoa bảng nho học ở Duy Trinh tuy đỗ đạt không thuộc hàng đại khoa, không để lại cho đời những công trạng hiển hách và sự nghiệp được lưu truyền sử sách như những nhà khoa bảng ở các nơi khác; nhưng tinh thần hiếu học và đức độ của họ cũng đã là niềm tự hào cho mảnh đất này.
Để biết được sự nỗ lực học hành và thành công của các nhà khoa bảng thời trước ở Duy Trinh, trước tiên cũng cần tìm hiểu sơ lược về nền giáo dục và cách thức tổ chức thi cử thời xưa.
I. HỌC HÀNH VÀ THI CỬ THỜI CHÚA NGUYỄN
Kể từ ngày Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, sau đó biến xứ Đàng Trong thành một quốc gia riêng, có quân đội và bộ máy hành chính độc lập với triều đình nhà Lê. Các đời chúa Nguyễn đã tổ chức việc học hành và thi cử để tuyển người tài vào làm việc trong bộ máy cai trị ở Đàng Trong.
Thời đó nhà nước không lập trường đại học công, trong dân gian tùy ý lập trường tư dạy học, chính quyền chỉ tổ chức các kỳ thi. Từ năm 1632, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, đã bắt đầu thi hành phép duyệt tuyển, học trò các huyện đến các trấn dinh để khảo thí một ngày, gọi là “quận thí mùa xuân”, phép thi có một bài thơ, một đạo văn sách, người thi đỗ gọi là Nhiêu học, được miễn thuế sai dư [2] 5 năm. Lại thi viết chữ Hoa văn, người nào trúng thì được bổ làm việc ở ba ty: Xá sai, Tướng thần lại, Lệnh sử.
Năm 1646, đời chúa Nguyễn Phúc Lan, định phép “Thu vi hội thí”, 9 năm một kỳ, mở 2 khoa thi Chánh đồ và Hoa văn ở phủ chúa tại Phú Xuân. Chánh đồ thi ba ngày, người thi đỗ chia làm ba hạng giáp, ất, bính. Hạng giáp là Giám sinh, được bổ làm tri phủ, tri huyện, hạng ất là Sinh đồ, được bổ làm huấn đạo, hạng bính cũng là Sinh đồ, bổ làm Lễ sinh hoặc cho làm Nhiêu học suốt đời. Hoa văn thi ba ngày, mỗi ngày viết một bài thơ. Người đỗ cũng chia làm ba hạng, bổ nhiệm làm việc ở Tam ty, và cho làm nhiêu học suốt đời.
Đến năm 1675, chúa Nguyễn Phúc Tần đặt thêm khoa thi Thám phỏng, khoa thi này chỉ có một ngày, khoa thi này thí sinh phải trả lời câu hỏi về tình trạng binh, dân và tình hình Lê, Trịnh. Người trúng cách bổ vào ty Xá sai.
Các đời chúa sau này cũng có thêm một số sửa đổi phép thi. Năm 1689, chúa Nguyễn Phúc Trăn thi hành lại chế độ thi cũ với hai khoa thi Chánh đồ và Hoa văn. Năm 1695, chúa Nguyễn Phúc Chu bắt đầu đặt khoa thi Văn chức và Tam ty ở sân phủ chúa. Đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, năm 1740 định lại phép thu thí và quyền lợi của người trúng cách: kỳ đệ nhất thi tứ lục, ai trúng gọi là Nhiêu học tuyển trường, được miễn tiền sai dư 5 năm, ai vượt qua kỳ đệ nhị thi thơ phú, kỳ đệ tam thi kinh nghĩa thì gọi là Nhiêu học thí trúng, được miễn sai dịch suốt đời, kỳ đệ tứ thi văn sách, ai trúng gọi là Hương cống, được bổ làm tri phủ, tri huyện, huấn đạo.
Các chúa Nguyễn chú trọng đến phương diện thực tế nên đặt nhiều khoa thi như Hoa văn, Thám phỏng, Tam ty cốt chọn những quan lại giỏi và am hiểu những vấn đề Đàng Trong đang đối phó như chiến tranh với Bắc Hà, Chiêm Thành và vấn đề kiến thiết xứ Đàng Trong.
Theo khảo cứu từ các chương trước thì Duy Trinh là một vùng đất mới, trừ Chiêm Sơn là đất cũ của người Chăm. Lưu dân Việt đến đây khai phá và lập nghiệp vào khoảng nửa cuối thế kỷ 15. Chắc phải mất một thời gian khá dài, những lưu dân người Việt ở Duy Trinh phải tập trung lo cho cái ăn, cái mặc và phải đối phó với bao nhiêu gian khó, hiểm nguy trên vùng đất mới: “Đến đây xứ sở lạ lùng. Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh”. Có lẽ vì thế, suốt thời gian các chúa Nguyễn cai quản xứ Đàng Trong, ở Duy Trinh không thấy gia phả nào ghi ông bà mình đã từng đỗ đạt trong các kỳ thi do chúa Nguyễn tổ chức, duy chỉ có gia phả tộc Phan ở Đông Yên có ghi cụ tổ đời thứ ba là Phan Thế Lộc từng làm tri phủ Thăng Hoa (là một trong ba phủ của dinh Quảng Nam: Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn. Phủ Thăng Hoa là phần diện tích tương đương tỉnh Quảng Nam ngày nay).
II. HỌC HÀNH, THI CỬ THỜI NHÀ NGUYỄN
Đến thời nhà Nguyễn, việc học hành được tổ chức quy củ. Sách Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh Quảng Nam có nêu tên các trường học thời nhà Nguyễn. Trường tỉnh xây dựng đầu năm Gia Long tại xã Câu Nghê, năm Minh Mạng thứ 16 (1835) đổi qua xã Thanh Triêm huyện Diên Phước. Trường phủ Điện Bàn, trường huyện Hòa Vang, Duy Xuyên, Thăng Bình đều có từ năm Minh Mạng thứ năm (1824), trường huyện Đại Lộc năm 1900, trường huyện Quế Sơn năm 1836[3].
Để hiểu được phần nào về học hành và thi cử thời nhà Nguyễn, tham khảo một một số sách và tài liệu nghiên cứu đã xuất bản có ghi khá chi tiết cách học hành và cách thi cử trong giai đoạn này
Về học hành:
Việc học ở Quảng Nam thời nhà Nguyễn rất thịnh, khoa bảng nhiều, ấy là nhờ nhiều nơi có lớp tư thục dạy chữ nho, do những người đã thi đỗ tú tài mở lớp. Có khi một vị cử nhân không ra làm quan hoặc một vị quan hưu trí cũng mở lớp dạy học tại nhà. Học trò các lớp học này có nhiều loại, loại mới khai tâm (vỡ lòng), loại đã biết đọc các bài dễ, loại đã học xong vài cuốn sách phổ thông. Thầy đọc các bài trong sách, học trò chép lại, sau đó nghe thầy giảng và đem về nhà học.

Một lớp học chữ Nho ở làng quê ngày xưa
Khi học trò đã học đến trình độ quy định thì có thể xin lên học ở trường huấn (cấp huyện), trường giáo (cấp phủ). Trường giáo do vị quan giáo thọ phụ trách, trường huấn do vị quan huấn đạo phụ trách. Các vị quan này phải là người có học vị từ cử nhân trở lên.
Học trò học xong chương trình ở trường huấn, trường giáo đã được coi là nho sĩ, được xã hội trọng nể. Có thể tiếp tục xin lên học ở trường đốc (cấp tỉnh). Trường đốc do vị quan đốc học phụ trách, là người có học vị tiến sĩ và giỏi sư phạm giảng dạy.
Những người học xong chương trình ở trường đốc, qua đợt sát hạch cuối cùng, nếu không bị loại thì có thể đi thi Hương ở trường Thừa Thiên. Dù thi không đỗ đạt gì cũng được xã hội trọng vọng, có thể tự hào là “sĩ khả bách vi” nghĩa là kẻ sĩ có thể làm được nhiều công việc trong xã hội như dạy học, nghiên cứu ngành y để làm thầy thuốc, nghiên cứu luật để giúp làm đơn từ cho các bên tố tụng…
Có hai loại trường học dành cho các khóa sinh: trường công do các quan chuyên trong nghề dạy học, huyện thì do các huấn đạo, phủ thì do giáo thụ, tỉnh thì do đốc học mở trường và dạy học. Một loại trường được coi là trường tư do những người đỗ đạt đi làm quan chức hay không đi làm quan tổ chức dạy học. Một khóa đào tạo kinh điển thường kéo dài 10 năm, do đó có câu ngạn ngữ “thập niên đăng hỏa” thường dịch là “mười năm đèn sách”, hai từ cuối đăng hỏa (đèn và lửa) dùng để chỉ công việc trí óc. Chương trình gồm 4 cấp học:
Lớp khai tâm (vỡ lòng) kéo dài 4 năm. Thầy đồ nói chung là những người trong làng, đã đỗ nhất, nhị trường tại các kỳ thi hương, được cha mẹ đứa trẻ gởi gắm dạy dỗ cho con em họ. Cũng có trường hợp cha trực tiếp dạy cho con. Nội dung lớp khai tâm là học thuộc liên tiếp 4 sách giáo khoa cơ bản của Tàu hay Việt, đó là Tam tự kinh[4], các sách Sơ học vấn tâm[5], Ấu học ngôn ngữ thi[6], Minh tâm bảo giám[7]. Học sinh phải học thuộc lòng các quyển sách trên.
Trường tiểu tập: chia làm nhiều lớp theo các thể loại thơ, phú, văn sách. Học sinh tập làm các bài văn ngắn nhưng không bình luận.
Trường trung tập: học sinh học cách nắm vững cách làm các thể loại. Lớp học ở trường trung tập do các bậc tú tài hay cử nhân. Người học xong khoá này được gọi là khóa sinh hay thí sinh chuẩn bị đi thi.
Trường đại tập trực tiếp đào tạo các sĩ tử để dự thi hương. Nếu là trường công thì do các huấn đạo ở huyện, giáo thụ ở phủ hay đốc học ở tỉnh dạy, nếu là trường tư thì ít nhất cũng phải do các thầy đã đỗ cử nhân dạy. Chương trình học là đi sâu phân tích và giải thích sách Tứ Thư, Ngũ Kinh, hàng tháng học trò phải làm ba bài kinh nghĩa, hai bài văn sách, hai bài thơ phú và hai bài tứ lục.
Từ năm 1906, việc dạy chữ nho được hiện đại hóa và đơn giản hóa, chữ quốc ngữ cũng được đưa vào chương trình học. Giáo dục bản xứ có 3 cấp học:
Các trường công ở xã do dân làng tổ chức và đài thọ gọi là cấp 1, do một thầy giáo phụ trách sáu chục học sinh. Các trường này phải dạy chữ quốc ngữ bên cạnh chữ Hán và các môn khoa học tự nhiên. Việc quản trị trường học do các chức dịch trong làng phụ trách từ việc xây dựng trường sở, chọn thầy giáo và phải được học quan ở huyện phê chuẩn.
Cấp hai do các học quan, các giáo thụ, huấn đạo tổ chức do ngân sách địa phương đài thọ. Môn lịch sử và địa lý được đưa vào chương trình dạy học. Chữ quốc ngữ và chữ nho là môn học bắt buộc, môn tiếng Pháp thì tùy ý.
Các trường cấp ba ở tỉnh lỵ do các quan đốc học phụ trách. Quan đốc học đồng thời cũng kiểm tra các trường công và tư trong tỉnh. Chương trình học ở trường tỉnh gồm các môn khoa học tự nhiên và tiếng Pháp. Chữ quốc ngữ, chữ Hán và Pháp văn đều bắt buộc.
Từ những cải cách giáo dục, các kỳ thi hương sau đó cũng sửa đổi theo chương trình cải cách, bắt đầu từ kỳ thi năm Kỷ Dậu, Duy Tân thứ 3 (1909)[8].
Ở Duy Trinh thời trước có thầy Nguyễn Thiện Đoan, người tộc Nguyễn Hữu thôn Phú Bông. Ông làm Cai châu (đứng đầu một số xã trong tổng, dưới quyền chánh tổng) và mở trường dạy học tại nhà. Thầy Đoan có hai người học trò giỏi, sau này cả hai đều đỗ cử nhân là Hồ Hoàng (đỗ cử nhân năm 1908) và Nguyễn Đình Tập (đỗ cử nhân năm 1915). Được vua ban thưởng một tấm biển đề ba chữ “Trí Thọ Quang”.
Khoảng năm 1940 - 1943, ở Duy Trinh vẫn còn một số lớp học chữ Nho của thầy Giáo Triển, người tộc Nguyễn Văn thôn Phú Bông, thầy Giáo Khóa (Đoàn Cừu) thôn Đông Yên, thầy Hương Quyền người tộc Nguyễn Hữu thôn Phú Bông, thầy Chuân, thầy Phiến, thầy Cửu Hiên ở Thi Lai…
Những lớp học này không có bàn ghế cho học trò, thầy giáo ngồi trên bộ ván giữa nhà cạnh một bàn nhỏ, trên bàn để ống đựng bút lông, nghiên mực, nghiên son và sách. Học trò ngồi xếp bằng trên hai bộ ván ở hai bên nghe thầy giảng sách, khi viết thì quỳ khom lưng cúi xuống ván như trẻ con tập bò.
Về thi cử: Việc thi cử dưới triều Nguyễn được tổ chức gồm có 5 bậc: khảo khóa tổ chức hàng năm; hạch thí ở cấp tỉnh mở đường cho việc dự hương thí; hội thí là cuộc thi mở đầu cho việc thi tiến sĩ tổ chức ở kinh đô; đình thí là cuộc thi cao nhất tổ chức trong cung đình. Chỉ có thi hương và thi đình mới cấp danh hiệu văn bằng, những cuộc thi khác chỉ là thi loại.
Cả nước có bảy trung tâm thi, đó là: Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Bình Định và Gia Định.

Sĩ tử Quảng Nam vượt đèo Hải Vân ra Huế thi Hương
Kỳ thi mở cho tất cả những người đã qua hạch thí và không giới hạn tuổi tác, trừ những người làm các nghề thấp hèn như chủ nhà chứa, cai ngục, đầy tớ, phu thuyền, phu khiêng kiệu, thợ cạo. Sự cấm đoán kéo đến ba đời: cha, ông và cố. Ba tuần trước ngày thi, thí sinh nộp cho quan đốc học ba cuốn vở giấy trắng. Trên đầu của mỗi cuốn có ghi tên, nơi sinh, tuổi và danh hiệu thí sinh cùng với những mục như vậy của cha, ông và cố bên nội. Quan đốc học đính vào đấy một giấy chứng nhận hạnh kiểm do thí sinh nộp.
Các khảo quan là những người đang tại nhiệm do nhà vua chỉ định thông qua bộ Lễ. Có hai nhóm giám khảo, đó là nhóm nội trường lo việc chấm bài lần thứ nhất, gồm có 2 giám khảo là quan ngũ phẩm, 8 phúc khảo là quan lục phẩm, và 16 sơ khảo là quan thất phẩm. Nhóm ngoại trường chịu trách nhiệm nặng nề nhất, làm công việc chấm bài lần cuối và tấu lên vua. Gồm có một chánh chủ khảo, là quan nhị hay tam phẩm, một phó chủ khảo là quan tứ phẩm và hai phân khảo.
Có khoảng 40 lại viên làm công việc ghi chép truyển từ các lại mục, thông lại, thư lại. Tất cả các lại viên và quan chức đều chọn trong những người đương chức ở kinh đô, các tỉnh và phủ huyện. Đấy là một nét đặc thù của quan trường triều Nguyễn, là tính không chuyên, thông thạo nhiều việc gắn với sự linh hoạt. Các quan trên bước đường hoạn lộ có thể làm việc ở các bộ cũng như làm ở các tỉnh, và không những làm công việc hành chính mà cả việc giáo dục.
Hai quan giám sát ngự sử và đề tuyển giám thí bên trong. Quan giám sát ngự sử hàm ngũ phẩm có hai chức trách: giám sát việc tuân thủ qui tắc trường thi của các quan và tấu lên nhà vua. Còn quan đề tuyển cũng hàm ngũ phẩm có lính giúp việc thực hiện quyền giám sát các sĩ tử cũng như quan coi thi. Bên ngoài có quan đề đốc, đứng đầu võ quan của tỉnh, đốc suất quân lính ngày đêm canh gác.


Các thí sinh phải tự làm lều và đặt chõng để viết bài dưới sự quan sát của các quan chủ khảo
Trường thi được tổ chức ngoài trời, trong một khu đất hình chữ nhật chia thành hai phần, nội liêm dành cho khảo quan và ngoại liêm dành cho thí sinh. Khu này được chia thành 4 ô bằng hai con đường rộng gọi là đường thập đạo. Ở ngã tư dựng một ngôi nhà gạch lợp ngói làm nơi kiểm soát, xung quanh có dựng nhà tạm bằng tranh tre cho các khảo quan chủ chốt. Trước ngày thi một tuần, các khảo quan long trọng tiến vào trường thi và chỉ rời khỏi sau một tháng rưỡi. Các quan làm lễ cúng thần. Vào nửa đêm trước ngày thi, quan chánh chủ khảo ngồi trên bục cao và các quan khác ngồi hai bên trường thi. Các thí sinh mang theo bút mực, thức ăn và một cái lều có gọng tre, một cái chõng dùng làm chỗ ngồi và viết, tất cả tiến vào trường thi. Khi nghe loa gọi tên, thí sinh đến nhận quyển của quan, được kiểm soát kỹ trước khi qua cổng, rồi vào dựng lều trước tấm thẻ có ghi tên mình. Cuộc thi bắt đầu sáng hôm sau vào lúc 7 giờ sáng sau ba hồi trống và kết thúc lúc 6 giờ chiều. Đề thi được treo trên sào cắm trong mỗi ô.
Hệ thống thi cử dưới thời nhà Nguyễn gồm có 3 kỳ: Thi hương, thi hội và thi đình. Thi hương là kỳ thi ở địa phương, gồm một số tỉnh thi chung một trường, nhằm mục đích kén chọn người tài để vào dự thi hội và thi đình. Thi hương có khi thi 3 vòng (người xưa gọi là tam trường), có khi thi bốn vòng (tứ trường). Thang điểm là: ưu (rất tốt), bình (khá), thứ (trung bình), liệt (kém). Qua mỗi lần thi, thí sinh được 3 điểm đầu thì được thi tiếp, nếu rơi vào điểm sau cùng thì bị đuổi khỏi trường. Nhưng ở trường thi thứ ba phải đạt điểm ưu và bình thì mới được dự trường thứ tư. Người nào đỗ ba trường đầu thì được cấp bằng tú tài, đỗ cả bốn trường thì gọi là cử nhân[9]

Các quan chủ khảo ngồi trên ghế cao được che lọng để giám sát sĩ tử làm bài
Trường thi đầu tiên gồm việc giảng sáu chủ đề của kinh nghĩa, tối thiểu là phải giảng được hai chủ đề. Chủ đề giải thích kinh nghĩa rút ra từ một hay nhiều câu trong Ngũ kinh hay Tứ thư. Kinh nghĩa viết theo kiểu biền ngẫu nhưng không có vần. Đó là việc trích dẫn một câu trong kinh sách Trung Hoa làm chủ đề bình luận. Hình thức loại viết này phát triển thành văn bát cổ, có nghĩa là 8 phần của bài văn đối với nhau từng đôi một. Vòng thi kinh nghĩa tương đối dễ với thí sinh, chỉ cần thuộc lòng Tứ thư, Ngũ kinh và trình bày cho đúng ý của người xưa.
Trường thi thứ hai là vòng thi chiếu biểu, tức soạn thảo các văn bản hành chính như chiếu, biểu, sớ, dụ…(tuyên cáo của nhà vua là chế, chỉ thị của vua là chiếu và tờ trình của các quan hay dân gởi lên cho vua gọi là biểu). Vòng thi chiếu biểu phải thuộc hàng trăm bài loại này rồi chắt lọc tinh hoa để viết thành bài thi. Một nửa số thí sinh đã bị loại giữa hai trường thi thứ nhất và thứ hai.
Chủ đề của trường thi thứ ba là thi thơ phú (sáng tác theo chủ đề của đề thi). Phú là loại thơ gồm 8 dòng, mỗi dòng 7 chữ, mô tả một phong cảnh, một sự việc đã trải qua; nó cũng có thể nói đến phong tục, tình cảm, phát triển một câu trong sách hay trình bày một sự kiện lịch sử. Có 5 loại phú tùy theo số chữ và cách gieo vần. Thơ làm trong bài thi là bài thơ ngũ ngôn hay thất ngôn. Dễ làm và khó đỗ nhất là kỳ thi thơ phú. Dễ vì suốt cả ngày chỉ cần sáng tác một bài thơ tối đa 16 câu và một bài phú 8 câu, nhưng cái khó là phải hay, vì cái hay nó vô cùng.
Vòng bốn thi văn sách thì tự do trình bày theo kiến giải riêng của mình, tương tự như thi tự luận ngày nay. Bài văn dựa trên những câu hỏi sách có chủ đề là một tư tưởng, một câu nói hay một hành động của người xưa, thậm chí một vấn đề thời sự. Tư tưởng chính trình bày chứa đựng trong một câu của chủ đề. Muốn qua được vòng thi này, không những phải làu thông kinh sử mà còn phải biết vận dụng sở học của mình để trình bày những kiến giải mới lạ. Đề thi thường hỏi đủ mọi lĩnh vực: thiên văn, địa lý, bói toán, y học; đặc biệt là những câu hỏi về thời sự, đòi hỏi thí sinh phải có những kiến giải độc đáo và đưa ra giải pháp khả thi, phải nắm vững phê bình và phân tích, và có suy nghĩ cá nhân. Để vượt qua cả bốn trường thi (tứ trường), người đi thi phải học thiên kinh vạn quyển là như thế.
Qua mỗi trường thi, quan đề tuyển tháo tờ giấy đề tên họ thí sinh ra khỏi quyển thi rồi chia các quyển thi thành 16 tập phân cho 16 vị sơ khảo, sau khi chấm xong lại chuyển cho 8 vị phúc khảo xem lại và cho điểm. Các quan phúc khảo làm thành 2 tập nộp lên quan giám khảo để chấm tiếp. Công việc của nội trường đã hoàn thành, các bài văn được giao cho ngoại trường để dò soát lại những lỗi còn sót và cho điểm. Sau khi kết thúc trường thi thứ tư, các giám quan tiến hành xếp loại cuối cùng. Những người đỗ tú tài thường có số lượng gấp ba số cử nhân (1 cử nhân, 3 tú tài).
Còn thi hội được diễn ra sau thi hương một năm để các tân khoa cử nhân có thời gian chuẩn bị. Thi hội mở ra cho mọi cử nhân không phân biệt tuổi tác nhưng quy định ngặt nghèo hơn đối với các quan tại nhiệm. Để cho công việc của quan chức không bị ảnh hưởng vì việc chuẩn bị thi, không chấp nhận thí sinh đã vượt quá hàm chánh thất phẩm. Tuy nhiên các học quan của huyện, phủ và tỉnh thường xuyên tiếp xúc với sách vở trong công việc, có thể dự thi đến hàm chánh lục phẩm. Bốn trường thi không phải là thi loại như thi hương. Bảy chủ đề kinh nghĩa được đưa ra và tối thiểu phải giảng được hai trong trường thứ nhất. Trường thi thứ hai phải thực hiện ba chủ đề: soạn một bài chiếu, một bài biểu của một vị đại thần và cuối cùng là một bài luận. Trường thi thứ ba phải làm một bài thơ bằng văn vần hay một bài phú. Trường thi thứ tư là làm một bài văn sách. Để các giám quan không nhận được chữ viết của thí sinh, các quyển thi được rọc phách rồi được các phòng chép lại.
Thi Đình diễn ra trong cung đình dưới sự coi thi của hai quan duyệt quyển và độc quyển. Nhưng việc xem lại và xếp loại cuối cùng thuộc về nhà vua. Cuộc thi chỉ có một bài kéo dài suốt cả ngày. Đấy là một bài phân tích rất dài, chủ đề do nhà vua chọn. Người trúng tuyển chia thành hai danh sách khác nhau. Bảng thứ nhất đề tên tiến sĩ; bảng thứ hai ghi tên các phó bảng, những người này không có quyền đi thi tiến sĩ nữa, trong khi những người hỏng thi đình vẫn có thể thi lại ba năm sau. Tiến sĩ được phân thành năm bậc: đệ nhất tiến sĩ là trạng nguyên, được phong tặng đặc biệt; đệ nhị là bảng nhãn, ít khi được cấp và chỉ dành cho một người; đệ tam là thám hoa chỉ cấp cho một người; đệ tứ là hoàng giáp có thể cấp cho 4 người. Tất cả những người còn lại của bảng một đều gọi là đệ ngũ tiến sĩ.

Bảng vàng ghi tên những người thi đỗ

Xướng danh những người trúng tuyển

Các tân khoa nhận áo mũ vua ban

Các tân khoa được nhà vua ban yến
Về hệ thống học vị dưới triều Nguyễn:
- Thi hương: đỗ tam trường (ba vòng đầu), đạt học vị: tú tài; đỗ tứ trường: hương cống (về sau gọi là cử nhân); đỗ thủ khoa gọi là giải nguyên.ngườ à đặt chõng để viết bài dưới sự quan sát của các quan chủ khảo Các sát của các quan chủ khảoCác
- Thi hội: đỗ bảng chính gọi là trúng cách được tiếp tục dự thi đình; đỗ bảng thứ là thứ trúng cách được học vị: phó bảng; đỗ thủ khoa là hội nguyên.
- Thi đình: đỗ thi đình đạt học vị chung là tiến sĩ; đỗ thủ khoa: đình nguyên. Trong đó đỗ từ 8 – 10 điểm được xếp bậc đệ nhất giáp. 10 điểm được lấy đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh, thường goi là trạng nguyên. 9 điểm: đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh, thường gọi là bảng nhãn. 8 điểm: đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh, thường gọi là thám hoa[10].
Theo sách Quốc triều Hương khoa lục, mỗi khoa thi Hương ở trường Thừa Thiên có hàng mấy ngàn sĩ tử, số thi đỗ chỉ tính bằng phần ngàn số sĩ tử dự thi. Những người thi đỗ được nhận mũ áo vua ban, khi vinh quy về làng được họ hàng, làng xã và nhân dân đón tiếp trọng thể, có cờ quạt, kèn trống đón rước. Người trúng tuyển có quyền cho đám rước đi qua bất cứ cánh đồng nào hay mảnh vườn nào họ muốn, nếu cần thì phá dỡ các rào dậu trên đường đi. Số ít người trúng tuyển thì được bổ đi làm quan, đại đa số sĩ tử thi trượt thì trở về quê chờ ba năm sau thi lại.
“Dùi mài kinh sử” để ra làm quan là ước mơ cao nhất của người đi học. Người thi đỗ sẽ thoát khỏi thân phận thường dân để bước vào đẳng cấp quan lại, có nhiều uy quyền và được hưởng nhiều bổng lộc do nhà nước phong kiến ban cho. Công đường là nơi làm việc và là nơi ở của các quan, có lính canh gác, hầu hạ. Khi ông quan đi ra ngoài, có lính hầu mang theo cờ lọng, trước những nghi trượng đó, mọi người phải lánh xa và kính cẩn cúi chào. Ở công đường, nơi quan làm việc có cờ, quạt, lệ bộ, hoành phi thếp chữ vàng và một loạt nghi thức mà người dân mỗi khi đến đây buộc phải cúi đầu, hạ thấp giọng xuống trước ông quan. Ông quan đã là người đại diện của Hoàng đế.
Đối với các cô gái con nhà khá giả, lấy được một anh khóa với hy vọng sau này anh ta sẽ ra làm quan, trở thành “ông nọ bà kia” là ước mơ lớn nhất của họ: “Chẳng tham ruộng cả ao liền. Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ”.
Các bậc cha mẹ khát khao cho con đi học để làm quan, ngoài việc nở mày nở mặt với thiên hạ, cha mẹ cũng được triều đình phong tặng quan chức nếu con làm quan từ tứ phẩm hàm đường trở lên. Về quan chức phong tặng ấy, cha mẹ thua con một trật. Cha mẹ còn sống thì được phong, nếu đã chết thì được tặng. Có đạo sắc phong của nhà vua bằng long chỉ, có làm lễ tuyên sắc…Người ta khao khát là phải, bởi lẽ nhiều người giàu có đem bạc vạn ra mua cho được chút cửu phẩm, bát phẩm đã là quá khó, huống hồ cha mẹ có con làm quan, một bước nhảy lên những hàm quan tam tứ phẩm, được hưởng bổng lộc triều đình, được làng xã trọng vọng.
Ngoài một số ít người thi đỗ, hàng ngàn khóa sinh không may trong các kỳ thi trở về làng, tay trắng vẫn hoàn tay trắng.
Bụng buồn còn muốn nói năng chi?
Đệ nhất buồn là cái hỏng thi
Một việc văn chương thôi cũng nhảm
Trăm năm thân thế có ra gì!
(Buồn thi hỏng- Trần Tế Xương)
Những người này đã nhiều năm bỏ công đèn sách, khi về làng họ không thể làm quen trở lại với cái cày hay cái đục của người thủ công, cũng không biết buôn xa bán gần vì vậy suốt đời họ chỉ có thể là nhà nho. Tuy thi không đỗ nhưng nhà nước đã miễn cho họ mọi thứ lao dịch vì vậy họ chỉ có việc tiếp tục lo nấu sử xôi kinh để ba năm sau ra kinh ứng thí, mang mãi hy vọng một ngày kia sẽ thi đỗ để được làm quan, cho dù hy vọng đó rất mong manh. Trong nhiều kỳ thi, có nhiều nhà nho 40, 50 tuổi vẫn còn đi thi cùng những thanh niên hạng tuổi con tuổi cháu.
Chính tầng lớp nho sĩ này đã đóng một vai trò quan trọng trong cộng đồng dân cư nơi họ sống. Trong khi chờ đợi cái ngày “lai kinh ứng thí” với hy vọng chuyển biến cả cuộc đời mình, các nhà nho hoặc là mở trường dạy học, hoặc làm chủ tế, viết lách thuê như thảo các giấy trước bạ, thảo đơn từ kêu lên cửa quan, viết đơn kiện, viết giấy giá thú…Có người học qua y lý, trở thành thầy thuốc, bắt mạch kê đơn bán thuốc. Có người hiểu biết dịch lý, làm thầy tướng số, xem tử vi, chọn hướng nhà, làm thầy địa lý xem mồ mả…Đằng sau những nhóm thanh niên trong các cuộc hát đối nam, nữ trong làng hay giữa các làng với nhau, thường có một nhà nho đóng vai trò quân sư. Trong những công việc trên thì dạy học là nghề đáng trọng nhất.

Thầy đồ ngồi dạy học
Nho sĩ trong làng sống gần nhân dân, đóng vai trò người thầy tư tưởng, người bảo ban cho quần chúng hàng ngày. Trật tự tinh thần của cộng đồng phụ thuộc vào tầng lớp nho sĩ đó.
Coi trọng việc học là một nét cơ bản của xã hội theo Nho giáo. Trong bộ máy nhà nước, quan văn bao giờ cũng đứng trên quan võ. Thứ bậc trong xã hội thì “nhất sĩ nhì nông”. Làng có người học hành đỗ đạt là vinh dự cho cả làng, cả tổng.
Văn thánh là ngôi miếu thờ vị Thánh về văn - người được hậu thế tôn vinh là Vạn Thế Sư Biểu (người thầy của muôn đời): Khổng Tử. Tất cả các nước có nền văn hóa Hán và coi trọng Nho học đều có lập Văn Miếu để thờ đức Khổng Tử. Văn thánh miếu thường là ở tỉnh, thành. Văn chỉ cũng là ngôi miếu thờ đức Khổng Tử, nhưng thường ở các huyện và làng xã. Ở huyện có Văn chỉ hàng huyện.

Khổng tử miếu Hội An
Theo Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính thì: Đàn lộ thiên gọi là văn chỉ, có lợp mái gọi là văn từ. Văn từ văn chỉ để thờ riêng những bậc khoa hoạn trong làng. Có làng hiếm văn học, chưa có người hiển đạt, thì thờ Đức Khổng Tử gọi là Tiên thánh sư, để làm chủ trương cho việc văn học trong làng.
Nơi thờ các bậc khoa hoạn chia làm ba hạng:
Hạng nhất là những người đỗ đại khoa (tiến sĩ) và những người từ tam tứ phẩm trở lên, thờ ban giữa. Hạng nhì là những người đỗ trung khoa (cử nhân) và những người làm quan từ lục, thất phẩm trở lên, thờ ban hữu. Hạng ba là những người đỗ tiểu khoa (tú tài) và những người đến bát cửu phẩm, thờ ban tả.
Đến khi tế tự thì đem cả hào mục, tổng lý và các thầy đồ truyền giáo trong làng vào phối hưởng. Nhưng nhiều nơi chỉ trọng về đường khoa mục, hễ có đỗ mới được liệt tự, còn người làm quan dẫu đến nhất nhị phẩm mà không có chân khoa mục, cũng không được dự, chỉ đến lúc tế mới đem vào phối hưởng mà thôi.
Mỗi năm tháng hai, tháng tám tế hai kỳ gọi là xuân thu nhị đình. Có nơi cả làng tế, có nơi chỉ người có chân trong hội tư văn mới được dự tế. Năm nào có khoa thi thì cả sĩ tử trong làng, hội lại làm lễ kỳ khoa, hoặc cả làng làm lễ, để cầu cho hương thôn được nhiều người hiển đạt. Khi thi xong, ai được đỗ thì lúc về phải có lễ ra lễ ở văn chỉ để tạ ơn tiền hiền[11]
Ở Duy Trinh thời trước có văn chỉ Đông Yên, vị trí nằm phía dưới trường trung học cơ sở Phù Đổng bây giờ. Ở Phú Bông có văn chỉ Ngũ Thôn được xây dựng ở làng Trung Mỹ, phía dưới trường Nam Thi. Khoảng năm 1965 – 1966, văn chỉ Ngũ Thôn bị đốt cháy vì chiến tranh, di tích còn lại là một nền đất cao ráo. Năm 1979, hợp tác xã nông nghiệp Duy Trinh xây dựng tại đây một sân phơi lúa và một kho chứa lúa, người ta gọi là kho Văn Chỉ.
Thời trước, khi Nho học đang thịnh hành thì thứ bậc trong xã hội là “nhất sĩ nhì nông”; đồng thời trong dân gian cũng có câu đảo lại cái thứ bậc đó: “nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ”. Câu nói ấy nếu đem vận vào trường hợp này thì cũng thật hợp lý. Ở cùng một địa điểm, ngày trước ông bà làm nơi tôn vinh người có học, là trụ sở tinh thần của cả cộng đồng; thì cũng chính địa điểm ấy, lớp con cháu ngày sau lại dùng nơi đó làm chỗ chứa thóc!
Ở Phú Bông ngày xưa còn có cả văn thánh miếu, nơi thờ đức Khổng Tử; văn thánh miếu thường chỉ có ở cấp tỉnh, không hiểu vì sao ở Phú Bông lại có văn thánh miếu? Miếu xóm Văn Thánh ngày nay ở phía trên trụ sở hợp tác xã Dệt may Duy Trinh tọa lạc trên nền của văn thánh miếu ngày xưa; đúng ra tên xóm thời xưa gọi là An Hòa, nhưng do miếu xóm xây dựng trên nền văn thánh cũ nên tên Văn Thánh bây giờ trở thành tên xóm, ít người biết hoặc còn nhớ tên xóm An Hòa ngày xưa nữa. Cây cầu mới xây trước năm 2000 nối xóm Văn Thánh của Duy Trinh và Trà Kiệu bây giờ cũng được chính thức đặt tên là cầu Văn Thánh.
Xã Duy Trinh có sáu người thi đỗ cử nhân trong các kỳ thi Hương và chín người đỗ tú tài. Người đỗ tú tài sớm nhất là ông Hồ Tấn Linh, còn có tên là Hồ Trọng Chơn, người tộc Hồ Tấn làng Trung Thái, đậu tú tài khoa thi năm Quý Mão, Thiệu Trị tam niên (1843). Người đỗ cử nhân đầu tiên ở Duy Trinh là ông Thái Đình Thạc người Thi Lai ở khoa thi năm Bính Tí, Tự Đức thứ 29 (1876).
CÁC NHÀ KHOA BẢNG NHO HỌC Ở DUY TRINH
Cao Xuân Dục (1842 - 1923), là một vị quan đại thần triều Nguyễn, hàm Đông các Đại học sĩ, từng làm tổng tài biên soạn Quốc sử quán và làm chánh chủ khảo nhiều khoa thi Hương. Ông viết sách Quốc triều Hương khoa lục mô tả các kỳ thi Hương và tên các cử nhân từ khoa thi Hương năm Đinh Mão, Gia Long thứ 6 (1807) đến khoa thi năm Mậu Ngọ, Khải Định thứ 3 (1918). Theo sách này, xã Duy Trinh có những người đã đỗ các kỳ thi Hương sau đây:
1. Cử nhân Thái Đình Thạc
Theo sách Quốc triều Hương khoa lục của Cao Xuân Dục thấy ghi ông là người xã Thi Lai, huyện Duy Xuyên, làm quan tới chức Tu soạn biên tu Sử quán. Trong tập Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Duy Trinh năm 2010 cũng ghi ông là người thôn Thi Lai, nhưng xác minh trong gia phả tộc Thái ở Duy Trinh thì không thấy tên. Ở Duy Xuyên cũng có một làng tên Thi Lại (nay là Thi Thại) thuộc xã Duy Thành, tuy nhiên căn cứ sách Địa chí Quảng Nam – Đà Nẵng, xã Thi Lại tổng An Lạc, huyện Duy Xuyên có 10 tộc, nhưng không có tộc Thái. Vì lý do trên, chưa có sự khẳng định rõ ràng về quê quán của ông.
Ông Thái Đình Thạc đỗ cử nhân khoa thi năm Bính Tí, Tự Đức thứ 29 (1876), khoa thi này trường Thừa Thiên lấy đỗ 30 cử nhân, ông đỗ thứ 23. Cùng đỗ khoa này có Nguyễn Duy Hiệu, người làng Thanh Hà huyện Diên Phước, sau này là thủ lĩnh Nghĩa hội Quảng Nam trong phong trào Cần Vương kháng Pháp.
Ông Thái Đình Thạc làm quan tới chức Tu soạn sung Biên tu Sử quán, là một chức quan làm trong bộ phận biên soạn quốc sử quán triều Nguyễn. Sách không nói rõ ông làm nhiệm vụ này vào thời gian nào.
Theo sách Đại Nam nhất thống chí bản năm Duy Tân (1907 - 1916) thì tổng tài biên soạn bộ sử này do phụ chính đại thần, thái tử thiếu bảo, hiệp biện đại học sĩ, lãnh Học bộ Thượng thư, kiêm quản Quốc Tử Giám, An Xuân tử Cao Xuân Dục; toản tu là Lễ bộ tham tri Lưu Đức Xứng và hồng lô tự khanh Trần Xán; biên tu là: nguyên hàn lâm viện thị độc, hiện thăng hồng lô tự khanh, biện lý Học bộ Nguyễn Thiện Hành…
Có thể ông làm nhiệm vu nầy vào bản sửa chữa và bổ sung trước đó vào thời Tự Đức hoặc Thành Thái. Để đảm nhận chức tu soạn và biên tu sử quán, chứng tỏ ông có hàm quan chánh tứ phẩm của triều đình.
2. Cử nhân Đặng Hữu Mai
Ông Đặng Hữu Mai người tộc Đặng làng Đông Yên, đỗ thứ 22 khoa thi năm Mậu Dần, Tự Đức thứ 31 (1878), khoa thi này trường Thừa Thiên lấy đỗ 32 cử nhân. Ông làm quan tới chức Huấn đạo.
3. Cử nhân Võ Hy Lượng
Ông Võ Hy Lượng người tộc Võ làng Thi Lai, đỗ thứ 6 trong số 33 cử nhân khoa thi năm Giáp Ngọ, Thành Thái thứ 6 (1894) lúc mới 19 tuổi. Sĩ tử Quảng Nam có một số người đỗ thứ hạng cao khoa thi này như:
Phạm Liệu (1873 - 1937) người làng Trừng Giang, tổng Đa Hòa Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, đỗ đầu bảng. Sau vào thi Đình đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1898); làm quan đến chức thượng thư Bộ Binh.
Phan Quang (1873 - 1939) người xã Phước Sơn Thượng, huyện Quế Sơn (là cha nhà sử học, giáo sư Phan Khoang, tác giả sách Việt sử xứ Đàng Trong), đỗ thứ 3. Sau vào thi Đình đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1898); làm quan đến chức tham tri Bộ Hình.
Ngô Truân (1873 - 1899), quê xã Mông Lãnh, tổng Phú Xuân, huyện Quế Sơn, sau qua cư ngụ tại xã Cẩm Sa, huyện Diên Phước (Điện Bàn), đỗ thứ 4. Sau vào thi Đình đỗ đầu phó bảng khoa Mậu Tuất (1898).
Ba người nầy là ba con chim phụng trong “Ngũ phụng tề phi”[12] của Quảng Nam ở khoa thi năm Mậu Tuất.
Ông Võ Hy Lượng đậu cử nhân khi tuổi còn rất trẻ, bị bệnh qua đời sau khi đỗ cử nhân một thời gian, chưa kịp ra làm quan. Nếu không vì bị bệnh mà mất sớm, ông có thể dự kỳ thi Đình năm 1898, với sức học và vị thứ của ông ở khoa thi Hương năm 1894, biết đâu ông cũng sẽ là con chim phụng thứ sáu của đất Quảng Nam.
Dòng họ Võ ở Thi Lai có nhiều người được học hành và đỗ đạt. Cha ông là Tú tài Võ Lập Lễ (thường gọi là Tú Lễ), chú là Tú tài Võ Thành Nhạc (Tú Nhạc), các anh em của ông là Tú Ba (Tú tài Võ Kiều), Tú Bảy (không rõ tên). Người cháu của ông là Võ Dẫn (Cửu Diễn), người sáng chế ra khung cửi máy vang danh một thời của ngành dệt xứ Quảng nửa đầu thế kỷ 20.
Ông mất sớm, để lại người vợ còn rất trẻ; hai người mới lấy nhau được một thời gian ngắn, chưa có con cái. Vào thời Nho học đang thịnh hành, tiết hạnh của người phụ nữ luôn được đề cao, hành động “thủ tiết” thờ chồng của bà Cử Lượng được người đời ca tụng, danh tiếng còn lưu truyền đến ngày nay. Bà được vua ban sắc tứ tuyên dương “Tiết hạnh khả phong”[13].
4. Cử nhân Lương Đạm
Ông Lương Đạm người làng Đông Yên (theo sách ghi là xã Đông An, huyện Duy Xuyên), đỗ cử nhân khoa thi năm Giáp Ngọ, Thành Thái thứ 6 (1894), xếp hạng 33/33, cùng khoa thi với Cử nhân Võ Hy Lượng ở Thi Lai, lúc này ông đã 46 tuổi. Sau được bổ làm quan tới chức Tri huyện Hải Lăng, Quảng Trị.
5. Cử nhân Nguyễn Đình Tập
Ông Nguyễn Đình Tập, người tộc Nguyễn Văn làng Trung Mỹ, đỗ tú tài khoa Kỷ Dậu, Duy Tân thứ 3 (1909), tiếp tục đỗ tú tài khoa Nhâm Tý, Duy Tân thứ 6 (1912). Khoa thi năm Ất Mão, Duy Tân thứ 9 (1915) tiếp tục đi thi và đỗ cử nhân. Khoa này trường Thừa Thiên lấy đỗ 32 người, ông Nguyễn Đình Tập xếp vị thứ 14, lúc 33 tuổi.
Trước khi đỗ cử nhân, ông Nguyễn Đình Tập có thời gian dạy học ở trường Huấn huyện Duy Xuyên. Sách Quốc triều hương khoa lục ghi xuất thân của ông là giáo sư. Sau khi đỗ cử nhân, ông được bổ làm tri huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, được thăng hàm Quang Lộc Tự Khanh[14].
6. Cử nhân Hồ Hoàng

(1869 - 1942)
Ông Hồ Hoàng người làng Trung Thái, đỗ thứ 32 khoa thi năm Kỷ Dậu, Duy Tân thứ 3 (1909), lúc 40 tuổi. Khoa này trường Thừa Thiên lấy đỗ 32 cử nhân. Ông làm quan Huấn đạo, sau đó thăng lên làm Trưởng ty Niết, Trưởng ty Phiên, hàm Hồng lô tự Thiếu khanh, Tòng tứ phẩm.
Khoa thi năm Kỷ Dậu, Duy Tân thứ 3 (1909), cơ quan chủ trì thi và thể lệ thi đã có sự thay đổi. Tháng 9 năm Duy Tân thứ nhất (1907) nhà vua cho lập bộ Học, vì vậy, từ đây việc tổ chức thi cử được chuyển từ ty Tân Hưng thuộc bộ Lễ sang bộ Học.
Sách “Quốc triều hương khoa lục” ghi “Khoa thi này chiếu theo lời bàn năm Thành Thái thứ 18 (1906), chuẩn cho đổi định phép thi. Bốn trường Thừa Thiên, Bình Định, Nghệ An, Thanh Hóa thì kỳ thi thứ nhất thi văn sách 10 bài (Ngũ kinh mỗi kinh một bài, truyện hai bài, Bắc sử hai bài, Nam sử hai bài), sĩ tử làm văn được năm bài là hợp lệ (kinh hai bài, truyện một bài, Bắc sử và Nam sử mỗi loại một bài), làm được cả thì càng tốt. Kỳ thi thứ hai thi thơ phú mỗi loại một bài (như cũ). Kỳ thi thứ ba thi luận hai đề (chữ Nho một đề, chữ quốc ngữ một đề). Chấm điểm thì cho từ điểm 0 tới điểm 20, quy định 10 điểm trở lên thì trúng (kỳ thứ nhất được 10 điểm trở lên mới được và kỳ thứ hai, các kỳ sau cũng vậy), cả ba kỳ đều phải được 10 điểm trở lên. Như có người nào tình nguyện thi dịch chữ Pháp ra chữ quốc ngữ thì thi riêng một kỳ (đầu đề do Tòa Khâm sứ soạn giao qua quan trường phát cho người thi mỗi người một bản theo đó mà dịch, xong nộp cho quan Đề tuyển chiếu lệ rọc phách giao cho viên Kiểm độc chấm, cũng cho từ điểm 0 tới điểm 20, nhưng chỉ kể số lẻ rồi cộng thêm vào điểm các kỳ, chẳng hạn 11 điểm chỉ kể là 1 điểm), không tình nguyện thì không bắt buộc. Lại quyển thi nào qua cả ba kỳ trước được 40 điểm trở lên (không kể là có tình nguyện thi chữ Pháp hay không, cũng không kể là có thi được điểm hay không) và quyển nào được 30 điểm trở lên cộng với điểm lẻ của kỳ thi chữ Pháp được 40 điểm trở lên đều được dự kỳ phúc hạch”. Đề thi kỳ phúc hạch đại khái đủ cả (văn sách 1 bài, phú 1 đề, luận chữ quốc ngữ một đề), được 7 điểm trở lên thì trúng cách (không đủ 7 điểm thì đánh rớt), cộng hết điểm số xếp hạng cử nhân. Số còn lại thì cộng cả điểm các kỳ, được từ 39 điểm tới 30 điểm đều xếp hạng tú tài, nhưng căn cứ vào nguyên ngạch mà lấy (1 cử nhân, 3 tú tài). Đến như tuổi dự thi thì trừ những tú tài, tôn ấm, học sinh và những hạng được miễn theo lệ, những người ấy không phải câu nệ về tuổi tác cao thấp, còn những học trò được dự hạch phải từ 50 tuổi trở xuống mới được vào thi”[15].
Là con trai út của cụ Hồ Văn Chất, người đã từng phò giá vua Hàm Nghi trên bước đường bôn tẩu ra Tân Sở Quảng Trị sau sự biến kinh thành Huế năm 1885. Vì là con út, ông được gia đình ưu ái cho ăn học, sau đó may mắn có được người vợ hiền thục đảm đang, tảo tần lo cho ông chuyên tâm đèn sách. Với bản tính thông minh và chăm chỉ, vào năm Kỷ Dậu (1909) dưới triều vua Duy Tân, ông dự kỳ thi Hương tại trường thi Thừa Thiên và được xếp đỗ cử nhân.
Theo sách “Quốc triều hương khoa lục” của Cao Xuân Dục, khoa thi này trường thi Thừa Thiên lấy đậu 32 cử nhân “Nguyên trong số trúng có Nguyễn Văn Liêm đậu thứ 29 bị ba Nha hội duyệt thấy văn lý tầm thường, giáng làm tú tài. Chọn lấy người đậu đầu hạng tú tài là Hồ Hoàng cho vào phúc hạch, các bài làm văn lý đều trôi chảy nên cho vào dự cuối hạng cử nhân”[16], lúc này ông đã bốn mươi tuổi.
Sau khi thi đỗ cử nhân một thời gian, ông được bổ nhiệm làm huấn đạo các huyện Tiên Phước, Quế Sơn. Sau thời gian đi làm tri huyện ở Di Linh, ông chuyển về Bình Định làm Trưởng ty Niết, sau đó là Trưởng ty Phiên. Được thăng chức Hồng lô tự thiếu khanh, hàm Tòng tứ phẩm.
Ngoài những người đỗ cử nhân (tứ trường) trong các kỳ thi Hương như đã giới thiệu phần trên, ở Duy Trinh còn có một số người thi đỗ tú tài (tam trường), thậm chí có người thi đỗ tú tài đến hai lần (gọi là tú kép).
Tú tài Hồ Tấn Linh
Ông Hồ Tấn Linh còn có tên là Hồ Trọng Chơn, người tộc Hồ Tấn làng Trung Thái, đậu tú tài khoa thi năm Quý Mão, Thiệu Trị tam niên (1843).
Tú tài Nguyễn Văn Doãn
Ông Nguyễn Văn Doãn là anh ruột cử nhân Nguyễn Đình Tập, người làng Trung Mỹ, đậu tú tài năm Bính Ngọ, Thành Thái thứ 18 (1906).
Tú tài Võ Lập Lễ
Ông Võ Lập Lễ thường gọi là Tú Lễ, người tộc Võ ở Thi Lai (có em ruột và hai con trai đậu tú tài, một người con trai khác là Võ Hy Lượng đậu Cử nhân).
Tú tài Võ Thành Nhạc
Ông Võ Thành Nhạc thường gọi là Tú Nhạc, người tộc Võ ở Thi Lai, là em ruột của Tú tài Võ Lập Lễ (Tú Lễ).
Tú tài Võ Kiều
Ông Võ Kiều thường gọi là Tú Ba, người tộc Võ ở Thi Lai, là con cuả Tú tài Võ Lập Lễ (Tú Lễ). Nhà ông trước đây ở bên một bến sông thuộc thôn Phú Bông nên người ta thường gọi bến đó là bến Tú Ba.
Tú Bảy
Không rõ tên thật, người tộc Võ ở Thi Lai, là con cuả Tú Lễ.
Tú Mai
Không rõ tên thật, người tộc Mai Văn ở Thi Lai, hai lần đỗ Tú tài (Tú kép).
Tú tài Phan Bá Đạt
Ông Phan Bá Đạt thường gọi là Tú Quỳnh, người làng Đông Yên, gốc tộc Phan ở Bàn Lãnh đông, Điện Bàn. Tính từ thỉ tổ Phan Thế Tổng đến Tú Quỳnh là 11 đời. Cháu nội phan Thế Tổng là Phan Thế Lộc từng làm tri phủ Thăng Hoa. Sau khi đỗ tú tài, ông Phan Bá Đạt về quê mở mang nghề nông. Là người có học vấn, có năng lực tổ chức công việc nên ông đã sở hữu được nhiều ruộng đất, kể cả đất bồi trồng dâu ở bờ nam sông Thu Bồn. Người trong làng lúc đó có câu “Nhất Quảng Nghi, nhì Tú Đạt”.
Tú tài Phan Bá Dư
Ông Phan Bá Dư thường gọi là Tú Diễn, người làng Đông Yên, là cháu gọi tú tài Phan Bá Đạt (Tú Quỳnh) bằng chú. Sau khi đậu tú tài, ông mở trường dạy học.
III. VIỆC HỌC HÀNH, THI CỬ THỜI PHÁP THUỘC
Khi đã đặt xong nền móng đô hộ ở nước ta, người Pháp đã loại bỏ nền Nho học để thay thế bằng một hệ thống giáo dục mới phục vụ cho bộ máy cai trị. Giai đoạn nầy Nho học đã suy tàn, sau khoa thi Hương cuối cùng ở Trung kỳ năm 1918 cùng với khoa thi Hội và thi Đình cuối cùng đầu năm 1919, vua Khải Định ký Dụ bãi bỏ tất cả các trường chữ Hán cùng với hệ thống quản lý từ triều đình đến cơ sở. Từ thời điểm đó, nền giáo dục Việt Nam do nhà cầm quyền Pháp hoàn toàn chỉ đạo và quản lý.
Bộ Học quy do Toàn quyền Đông Dương Sarraut ký nghị định ban hành ngày 21.12.1917 xác định nền giáo dục chia làm 3 cấp:
Đệ nhất cấp: tiểu học
Đệ nhị cấp: trung học
Đệ tam cấp: cao đẳng hay đại học
Hệ tiểu học có trường tiểu học bị thể (école primaire de plein exercices). Ở mỗi tỉnh lỵ và huyện lỵ có một trường tiểu học bị thể để dạy học trò đi thi lấy bằng tốt nghiệp tiểu học. Có các lớp:
Lớp đồng ấu (Cours Enfantin)
Lớp dự bị (Cours Préparatoire)
Lớp sơ đẳng (Cours Élémentaire)
Lớp nhì năm thứ nhất (Cours Moyen 1ère année)
Lớp nhì năm thứ hai (Cours Moyen 2ère année)
Lớp nhất (Cours Supérieur)
Ba lớp đầu còn được gọi là bậc sơ học. Học xong lớp sơ đẳng học sinh thi lấy bằng sơ học yếu lược (Primaire Élémentaire). Những học sinh được tuyển thẳng lên lớp nhì năm thứ nhất không bắt buộc phải thi sơ học yếu lược. Học hết lớp nhất học sinh được thi bằng tiểu học yếu lược hay sơ đẳng tiểu học (Certificat d'Études Primaire Franco-Indigène, viết tắt là CEPFI), phải có bằng này mới được dự tuyển học lên lớp trên.
Trường sơ đẳng tiểu học (école élémentaire) là những trường chỉ có hai hoặc ba lớp dưới, chủ yếu mở ở các làng xã, học trò phần nhiều chỉ có thể học mấy năm cho biết đọc biết viết rồi về làm ruộng.
Chương trình tiểu học thì có các môn: tiếng Pháp, toán, tập đọc, luân lý, vệ sinh, thủ công…Tiếng Pháp là môn học bắt buộc “Điều 134 trong Học quy của Sarraut viết: “Về nguyên tắc tất cả các môn học ở bậc tiểu học phải dùng chữ Pháp để làm phương tiện giảng dạy”, nhưng thực tế việc làm đó gặp nhiều khó khăn và đã thất bại từ thời P. Beau. Trong thông tư đề ngày 20.3.1918, Sarraut lại nói là tiếng Pháp bắt đầu dạy từ lớp ba, nghĩa là sau khi học trò đã đọc thông viết thạo tiếng mẹ đẻ”[17]. Sau khi học xong chương trình tiểu học, học sinh dự kỳ thi lấy bằng tiểu học.
Theo nội dung cải cách giáo dục lần thứ hai của Toàn quyền Đông Dương Sarraut cuối năm 1917, trường Pháp chuyên dạy học sinh người Pháp theo chương trình “chính quốc”, trường Pháp - Việt chuyên dạy người Việt theo chương trình “bản xứ”. Toàn bộ nền giáo dục chia làm 3 cấp: đệ nhất cấp là tiểu học; đệ nhị cấp là trung học; đệ tam cấp là cao đẳng hay đại học.
Hệ trung học chia làm hai cấp là cao đẳng tiểu học và trung học. Cao đẳng tiểu học có 4 năm: đệ nhất, đệ nhị, đệ tam và đệ tứ niên, cuối năm thứ tư học sinh được đi thi để lấy bằng cao đẳng tiểu học (còn gọi là bằng thành chung hay một tên gọi khác là “đíp lôm”).
Bậc trung học có 3 năm, còn được gọi là bậc tú tài Pháp - Việt. Học xong 2 năm đầu được thi lấy bằng tú tài phần thứ nhất. Đậu bằng này được học tiếp năm thứ ba không phải thi tuyển. Năm thứ 3 được chia làm 2 ban: ban triết và ban toán. Hai ban có những môn học hoàn toàn giống nhau như sử, địa, ngoại ngữ. Có những môn giống nhau nhưng số giờ học khác nhau như đại số, thiên văn. Có những môn chỉ học ở ban này mà ban kia không có như ban triết có tâm lý học, siêu hình học, ban toán có hình học, cơ học, số học. Từ niên học 1937 - 1938 trên toàn cõi Việt Nam đều áp dụng chương trình Pháp - Việt đủ 3 ban: toán, khoa học, triết. Ngoài ban mình học, học sinh được phép thi tốt nghiệp các ban khác nhưng phải tự học thêm những môn mà ở ban mình theo học không có. Học sinh cũng được phép thi bằng tú tài Pháp. Học xong năm này thi lấy bằng tú tài toàn phần. Học sinh tốt nghiệp 2 hoặc 3 ban hoặc thêm bằng tú tài Pháp được ưu tiên khi thi vào các trường đại học có thi tuyển như các trường Grandes Écoles ở Pháp hoặc các trường cao đẳng chuyên nghiệp ở Hà Nội lúc đó. Từ niên học 1926 - 1927, người Pháp thiết lập thêm chế độ tú tài Bản xứ (Baccalauréat Local) học thêm các môn về văn chương Việt Nam, lịch sử, triết học Đông Phương và Cận Đông (Ấn Độ, Trung Hoa, Do Thái).
Đến năm 1938, ở phủ Duy Xuyên chỉ có một trường tiểu học công lập ở phủ lỵ, chưa có trường tiểu học tư thục nào. Ở các xã chỉ có các trường sơ học. Xã Duy Trinh lúc đó có hai trường sơ học, một ở Đông Yên (xóm Định An) và một ở Trung Thái (xóm Bến Đò ngày nay), mỗi trường chỉ có một phòng học, do một thầy giáo phụ trách, dạy cùng lúc ba lớp đồng ấu, dự bị và sơ học (tương đương với lớp 1,2 và 3 ngày nay). Ngoài ra còn có các lớp học tư do các nhân sĩ trí thức mở tại nhà. Ở Chiêm Sơn có lớp học của thầy giáo Thám (Cù Đình Quý). Ở Đông Yên có các lớp học của thầy giáo Niên (Lê Anh Hào), thầy giáo Thiều, thầy giáo Liễn, thầy giáo Trân, thầy giáo Tiệm tộc Võ Quang, thầy Đồng (Đoàn Đình Lang)…Ở Phú Bông có các lớp học của thầy Ấm Mỹ (Hồ Nghinh), thầy Ấm Cừ (Nguyễn Đình Cừ), … Ở Thi Lai có các lớp học của thầy Cúc (Trương Kỉnh), thầy giáo Lê Văn Vĩ, thầy giáo Sỹ…

Một ngôi trường tiểu học thời Pháp thuộc (ảnh minh họa)
Sau khi ông Cửu Diễn ở Thi Lai sáng chế thành công khung cửi máy vào khoảng năm 1932, nghề dệt vải ở Duy Trinh đã phát triển cực thịnh, mang lại no ấm cho đại bộ phận dân cư, các mặt văn hóa giáo dục cũng phát triển tương ứng.
Do lúc này ở Duy Trinh chỉ mới có hai trường sơ học, học trò muốn học lên lớp trên phải xuống trường huyện, vì vậy nguyện vọng của phụ huynh là có một ngôi trường tiểu học tại địa phương để thuận tiện việc đi học cho con em của họ. Đây là động lực để người dân và các nhà hào phú chung sức mở trường dạy học, không thể ngồi chờ ân huệ của nước Pháp bảo hộ.
Năm 1939, các ông Trương Thắng (ông Truyền), Mai Tuyển (ông Tâm), Võ Dẫn (Cửu Diễn), Nguyễn Thăng (ông Thảng), Huỳnh Cự (xã Cự), Phan Chuyển, Trần Do (ông Yến), Nguyễn Đạm (ông Thảng ở Chùa Lầu), và ba vị thân sĩ trí thức Hồ Nghinh, Nguyễn Đình Cừ, Trương Kỉnh đã sáng lập trường tiểu học tư thục Tân Tân.
Ô. Trương Thắng Ô. Nguyễn Đình Cừ Ô. Trương Kỉnh Ô. Mai Tuyển Ô. Võ Dẫn
Ô. Hồ Nghinh Ô. Huỳnh Cự Ô. Trần Do Ô. Nguyễn Thảng Ô. Nguyễn Văn Đạm
Năm 1940, trường tiểu học tư thục Tân Tân bắt đầu hoạt động. Đây là trường tư thục hợp pháp và quy củ đầu tiên ở phủ Duy Xuyên.
Tiếng là trường tư thục nhưng chỉ thu học phí tượng trưng, mọi
chi phí hoạt động đều dựa vào các nhà tài trợ ở Thi Lai và Phú Bông. Trường dạy đủ 6 lớp bậc tiểu học theo chương trình thời đó, có đầy đủ các môn học như: Pháp văn, lịch sử, địa lý, khoa học, đức dục, …Học sinh Tân Tân được hưởng một nền giáo dục toàn diện, trí dục, thể dục, học tiếng Việt, tiếng Pháp và chữ Hán. Từ lớp ba học sinh đã tham dự luyện tập thể dục, thể thao, chơi bóng bàn…
Trường Tân Tân đã quy tụ được nhiều thầy giáo nổi tiếng các nơi về giảng dạy. Thầy Võ Văn Chức từ Đà Nẵng vào làm hiệu trưởng đầu tiên của trường; thầy Lưu Trọng Lư (nhà thơ, tác giả bài thơ Tiếng thu rất nổi tiếng) ở Quảng Bình; các thầy Vũ Hân, Võ Văn Huống từ Hội An lên; Thầy Thiện, thầy Nguyễn Xuân Vân ở Điện Bàn qua; Thầy Phạm Bằng ở Hà Nhuận; Thầy Ngô Bá Phước, Võ Thủ Lễ ở Chợ Chùa cùng các thầy người Duy Trinh như thầy Hồ Thấu, Nguyễn Đình Cừ, Trương Kỉnh, Nguyễn Tuyến, Hồ Liên…
Hồ Thấu Võ Thủ Lễ Lưu Trọng Lư Vũ Hân Hồ Liên Nguyễn Tuyến Ngô Bá Phước
Trường Tân Tân mở ra ngoài mục đích dạy chữ, còn là nơi truyền bá tinh thần yêu nước và những tư tưởng dân chủ tiến bộ, do những trí thức tiến bộ và các chiến sĩ cách mạng đang bị thực dân quản thúc tại quê hương thực hiện. Nhiều thế hệ học sinh từ mái trường này đã trưởng thành, nhiều người tham gia kháng chiến cứu quốc.

Phân hiệu Tân Tân của trường tiểu học Duy Trinh, do cựu học sinh Tân Tân xây dựng năm 1999, gần vị trí trường tiểu học Tân Tân ngày xưa
Ở Duy Trinh đã có nhiều người theo học chương trình giáo dục thời Pháp thuộc, một số người học đến bậc cao đẳng tiểu học (Primaire), có người đã có bằng Diplôme, còn có tên gọi khác là bằng Thành chung. Một số ít đã học lên bậc trung học và đã thi lấy bằng Tú tài…Họ là một lớp trí thức mới của Duy Trinh.
Có một số người do quá trình tự học ở sách vở cộng với những trải nghiệm từ thực tiễn nên đã tích lũy được nhiều kiến thức chung cũng như những kiến thức chuyên ngành, đã giữ nhiều trọng trách trong xã hội như các ông: Hồ Phùng (Tham tá Lục lộ Đông Dương), Hồ Nghinh (Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng) , Hồ Tống (Tri huyện Hương Trà), Hồ Thấu (Chủ tịch Hội Liên Việt liên tỉnh QN – ĐN), Hồ Liên (Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), Nguyễn Đình Cừ (Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến huyện Duy Xuyên), Cù Đình Bá (Đại sứ Việt Nam tại nước Đức), Trương Kỉnh (Vụ trưởng - Bộ Văn Hóa), Lê Đào (Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh QN – ĐN), Hoàng Kim (Thiếu tướng QĐNDVN), Ngô Xuân Hạ (Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tỉnh QN-ĐN)…
Đặc biệt, ba anh em ruột Hồ Phùng, Hồ Tống, Hồ Thấu là những người đã đi thi và đỗ đạt những bằng cấp tương đối cao như tú tài, tri huyện hay tham tá thời Pháp thuộc.
Tham tá Hồ Phùng (1910 - 1943)
Hồ Phùng là con thứ tư của cử nhân Hồ Hoàng. Ông sinh năm 1910, sau khi cha ông thi đỗ cử nhân được một năm.Vừa đến tuổi đi học, ông được cụ thân sinh đưa ra Vĩnh Điện học trường tiểu học Quảng Nam.
Ông Hồ Phùng là người người thông minh, học giỏi, có tài về nhạc họa. Sau 6 năm học ở trường tiểu học Quảng Nam, ông thi đỗ bằng tiểu học. Ông nghỉ học xin đi làm thông ngôn trong ngành công chính của Pháp tại Qui Nhơn, tỉnh Bình Định. Tại đây ông đã có thời gian làm người giúp việc cho ông hoàng nước Lào Xu-pha-nu-vong, lúc này là Kiến trúc sư trưởng khu công chánh Nha Trang.
Nhờ có ý thức tự học cộng với bản tính thông minh, làm được một thời gian ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về chuyên môn, được các kỹ sư người Pháp tin tưởng, được đồng nghiệp nể trọng.
Thời gian sau đó, ông được điều động sang làm việc trong ngành công chánh tại Lào (lúc này nước Lào là một trong 5 xứ thuộc Liên bang Đông Dương). Tại đây, ông tham dự kỳ thi do người Pháp tổ chức thi tuyển chọn những viên chức giỏi bổ vào ngạch tham tá, là viên chức cao cấp trong các công sở của Pháp thời đó. Người muốn tham dự kỳ thi này bắt buộc phải có bằng tú tài và có nhiều năm trong nghề, ông Hồ Phùng tuy chỉ mới có bằng tiểu học nhưng nhờ tự học, trở thành viên chức giỏi và có nhiều năm trong nghề nên được xét cho thi. Kết quả thi ông đạt điểm cao, được vào ngạch tham tá, thường được gọi là ông Tham Phùng (tham tá Hồ Phùng). Theo ý kiến của một số người sống cùng thời, về chuyên môn, người vào ngạch tham tá có trình độ tương đương với người có bằng kỹ sư trong ngành, về phẩm hàm đứng trên cả những người có khoa bảng Nho học[18].

Cầu Chiêm Sơn được xây dựng từ thời Pháp thuộc
Tri huyện Hồ Tống (1914 – 1939)
Hồ Tống là con thứ bảy trong gia đình cụ Hồ Hoàng, em kế ông Hồ Nghinh. Ông có vóc người thanh mảnh, da trắng hồng, đôi mắt sáng, cử chỉ khoan thai, giao tiếp niềm nở.
Thuở nhỏ ông học tiểu học ở trường tiểu học Quảng Nam. Ông học rất giỏi, thường đỗ đầu trong các kỳ thi nên liên tục nhận được học bổng. Sau khi học xong tiểu học ông ra Huế học trung học tại trường Khải Định (trước đó gọi là Quốc học Huế). Năm học tú tài ông thi đỗ 3 bằng một lúc: Tú tài triết học, tú tài toán học và tú tài bản xứ.
Sau khi vừa thi đỗ tú tài, ông được các trường tư thục ở Huế như trường Phú Xuân, trường Hồ Đắc Hàm mời đến dạy môn tiếng Pháp. Là một thầy giáo trẻ, đạo đức mẫu mực, được học sinh và đồng nghiệp kính trọng.
Trong thời gian dạy học ở Huế, nhân có đợt chính phủ Bảo hộ tổ chức kỳ thi chọn người đã có bằng cử nhân hoặc có bằng tú tài Tây nhưng phải có điểm đỗ cao để bổ nhiệm làm tri huyện, ông được chọn dự kỳ thi nầy. Phần thi viết, ông xếp hạng 5, đến phần thi vấn đáp, ông đạt điểm cao nhất, đỗ đầu kỳ thi tuyển chọn tri huyện, lúc đó ông chỉ mới 22 tuổi.
Trước đây, khi còn các khoa thi Hán học, những người đỗ từ cử nhân trở lên được triều đình bổ nhiệm làm tri phủ, tri huyện. Khoa thi Hương năm Mậu Ngọ, Khải Định thứ 3 (1918) và thi Hội năm 1919 là những khoa thi cuối cùng của nền Nho học nước nhà. Từ khi bỏ các chế độ khoa cử nầy, mọi thể chế học chính với Tây học thay thế: Nam triều lập thêm Bộ Học, tòa Khâm sứ có thanh tra học chính, ở tỉnh có quan kiểm học; còn ở phủ, huyện, xã chỉ có vị hiệu trưởng các trường tiểu học. Đến sau năm 1933, Pháp giao việc học sơ cấp cho Nam triều, lập thêm Bộ Quốc gia Giáo dục, do Phạm Quỳnh làm thượng thư. Từ 1918 đến 1933 không có cuộc thi tuyển quan trường nào được tổ chức.
Thời gian đầu, để tuyển người vào bộ máy cai trị của Nam triều, người Pháp mở trường Hậu bổ tại Huế để đào tạo người ra làm quan. Trường hậu bổ dành cho những người khoa giáp (cử nhân nho học), biết tiếng Pháp và qua kỳ thi sát hạch bằng tiếng Pháp. Học viên trường hậu bổ chia làm bên chánh và bên giáo, học ba năm, người đi học được hưởng lương. Khi thi đỗ thì bên giáo được bổ làm Huấn đạo, Giáo thọ; bên chánh (hành chánh) bổ đi làm Hậu bổ các tỉnh, học tập chánh sự sáu tháng rồi bổ làm tri huyện.
Đến thời ông Hồ Tống, người có bằng tú tài hoặc cử nhân Tây học đã đông, người Pháp mở kỳ thi để tuyển chọn người ra làm tri huyện. “Ngày 04.7.1933 Bảo Đại ra đạo dụ số 48 về định thể lệ và chương trình thi vào quan trường. Văn bản này quy định cách thức tuyển chọn ngạch quan Nam triều ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Theo đó, hàng năm sẽ tổ chức một cuộc thi ở Hà Nội và Huế để tuyển người bổ vào các ngạch quan phủ, huyện ở Bắc Kỳ và ngạch thuộc quan ở Trung Kỳ. Số lượng, danh sách và tư cách các thí sinh đều do Thống sứ Bắc Kỳ và Khâm sứ Trung Kỳ xét duyệt. Chánh chủ khảo hội đồng thi sẽ là người do Toàn quyền Đông Dương chỉ định. Thí sinh được chọn là những người có bằng tiến sĩ, cử nhân cao đẳng sư phạm Pháp, những người có bằng tú tài hoặc thành chung đã được 4 năm, các viên chức công sở đã làm việc được từ 4 năm trở lên và đều phải: “có hạnh kiểm tốt”. Do đó chương trình thi bao gồm: Luận về lịch sử văn minh Á Đông (Trung Hoa và Ấn Độ), luận về lịch sử văn minh Thái Tây và diễn thuyết về một vấn đề chính trị ở xứ Đông Dương, các bài luận đều phải viết bằng Pháp văn.
Cuộc thi tuyển đầu tiên là thi viết, được tổ chức vào ngày 17.12.1935, phần thi vấn đáp vào các ngày 14 – 15.2.1936”[19].
Ông Hồ Tống là người mới đỗ tú tài chưa được 4 năm, về quy chế thì không được thi, nhưng do ông học giỏi, thi đỗ một lúc ba bằng tú tài, lại đỗ thứ hạng cao nên được xét đặc cách cho dự thi cuộc thi tuyển tri huyện đầu tiên tổ chức ở Huế năm 1935 - 1936. Nếu xét về cấp chức và khoa cử so với thời Hán học còn thịnh hành, ông đỗ kỳ thi tri huyện cũng có thể gọi là thi đỗ từ hạng cử nhân trở lên, mà lại đỗ thủ khoa (ngày trước gọi là đậu Giải nguyên), trở thành quan tri huyện đầu tiên theo khoa cử “Tây học” không chỉ của xã Duy Trinh mà còn là của cả huyện Duy Xuyên, cả tỉnh Quảng Nam lúc đó.
Được tin ông thi đỗ, theo nghi thức thời đó, các vị chức sắc ở Phú Bông ngũ thôn và dân làng tổ chức đoàn vào đón rước ông tại ga Trà Kiệu, vì đây không chỉ là niềm tự hào của gia đình, gia tộc mà là niềm tự hào chung của cả làng, cả tổng. Thời đó ga Trà Kiệu là ga lớn, còn ở Chiêm Sơn, sát đường tỉnh lộ 610 ngày nay còn có một ga nhỏ, gọi là ga Chiêm Sơn; ga này chủ yếu dành để lên xuống hàng hóa, về sau còn có cả việc bán vé cho hành khách.

Ga Trà Kiệu, nơi dân làng đón rước quan tri huyện Hồ Tống năm 1936
Bản tính ông vốn khiêm nhường, giản dị; việc để mọi người phải tốn công đón rước rồi khiêng cáng mình về làng là một điều ông không muốn. Ông lẳng lặng một mình xuống ga Chiêm Sơn, lội bộ về nhà ông Niệm, một người quen ở chợ Trà Kiệu. Đoàn người đi đón ở ga Trà Kiệu chờ mãi, sau nghe nói ông đã về chợ Trà Kiệu, mới quay ra đó đón ông. Khi gặp mọi người, ông lễ phép thưa với các bậc cha chú, các chức sắc và dân làng rằng mình chỉ làm quan ở nơi trị nhậm, còn khi về quê chỉ là phận con dân, xin mọi người đừng nhọc công tốn sức, bản thân ông cũng thấy áy náy. Cuối cùng, trước những ý kiến thuyết phục rằng việc đón rước tân khoa là quy định đã có từ lâu, hơn nữa việc đón rước long trọng cũng là để cho dân làng có dịp “nở mày nở mặt” với thiên hạ. Cực chẳng đã, ông phải chấp nhận để mọi người làm cái việc mở cờ xí, gióng chiêng trống đón rước ông từ đó về bái tổ vinh quy tại đình châu Ngũ Thôn và đình làng Trung Thái.
Sau khi thi đỗ tri huyện, ông được bổ nhiệm làm tổng thư ký Hội đồng Cải cách hương thôn do thượng thư Bùi Bằng Đoàn làm chủ tịch. Một thời gian sau được bổ nhiệm làm tri huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên.

Đám rước quan tân khoa bái tổ vinh quy (ảnh minh họa)
Do trong thời gian học thi tú tài, rồi trải qua kỳ thi tuyển tri huyện ông phải thức khuya học hành, sức khỏe giảm sút mà không được bồi dưỡng thuốc men nên ông đã mắc bệnh lao, là một trong những bệnh nan y lúc bấy giờ. Ông phải dấu bệnh vì sợ cấp trên biết sẽ cho nghỉ việc, không có điều kện báo hiếu cho cha mẹ; và cũng chính là sợ cha mẹ lo buồn nên không đi bệnh viện mà ở nhà tự chữa thuốc bắc. Hàng ngày lên công đường, ông phải mặc thêm áo ngoài để che dấu thể trạng gầy yếu của mình. Cả gia đình không ai hay biết gì về bệnh tình của ông, mãi đến khi bệnh tình trầm trọng, gia đình mới biết và đưa ông về quê, mẹ ông ngất xỉu khi nghe tin này. Thương tiếc người con tài năng từ giã cõi đời khi tuổi đời còn quá trẻ, cụ thân sinh ông, nhà khoa bảng Hồ Hoàng làm đôi câu đối khóc con:
- Vì nước hiến mình, vì nhà ra sức. Hai vai đang trung hiếu nặng nề. Ngán thay con tạo ghen tài. Tiếc đấng thuần lương đành một thuở;
- Làm thầy đạo hạnh, làm quan thanh liêm. Chiếc thân đủ đức tài lừng lẫy. Vội bấy người hiền lánh thế. Để danh tuấn kiệt trải ngàn năm [20].
Tú tài Hồ Thấu (1918 – 1949)
Hồ Thấu là con trai thứ tám của cử nhân Hồ Hoàng, ông học trường Quốc học Huế cùng thời với nhà thơ Huy Cận. Sau khi thi đỗ Tú tài phần một, ông về quê dưỡng bệnh và tham gia dạy học. Sau Cách mạng Tháng Tám ông tham gia kháng chiến, làm Chủ tịch hội Liên Việt liên tỉnh và là Trưởng ban Tuyên huấn liên Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng.
Ông là người đa tài; giỏi tiếng Pháp; có năng khiếu về thơ, nhạc, họa, và ham thể thao. Khi còn học Quốc học Huế, trong một lần thượng đài đánh bốc, ông bị chấn thương ở phổi và bị bệnh lao, phải nghỉ học về quê dưỡng bệnh. Sau này do điều kiện làm việc trong kháng chiến gian khổ, thuốc men thiếu thốn, căn bệnh lao tái phát nên ông đã từ giã cõi đời khi tuổi còn rất trẻ.
Ông để lại cho đời một số bài thơ hay, nổi tiếng nhất là bài thơ tuyệt mệnh “Gởi Kỳ”.

Trường Quốc học Huế, nơi ông Hồ Nghinh và Hồ Thấu từng học
III. VIỆC DẠY VÀ HỌC TỪ 1945 ĐẾN 1965
Sau khởi nghĩa dành chính quyền năm1945, phần đông các thầy giáo và học sinh lớn tuổi ở trường Tân Tân tham gia cách mạng, nhiều người giữ những trọng trách ở huyện và tỉnh; một số người tham gia quân đội, sau này trở thành sĩ quan cao cấp. Một số học sinh tiếp tục việc học tại trường Tân Tân cho đến năm 1947 thì phải chạy tản cư, sau đó theo học ở các trường trong vùng kháng chiến như trường cấp 2 Duy Mỹ (nay là thôn Tây Lễ xã Đại Thạnh huyện Đại Lộc), trường Phan Châu Trinh ở Cẩm Khê, Tam Kỳ và một số trường ở Thăng Bình…
Đến trước Cách mạng tháng Tám, ở Duy Trinh có nhiều người chưa biết chữ. Trong những năm 1945 – 1946, chính quyền Việt Minh tổ chức các lớp bình dân học vụ, nhiều người được cán bộ Việt Minh vận động ra lớp. Các lớp học bình dân này đã mang lại kết quả tốt, nhiều người biết đọc, biết viết.
Người ta kể lại một chuyện vui thời đó, số là để tạo áp lực cho người dân phải lo học và biết đọc, nhất là chị em phụ nữ. Trên đường từ Duy Trinh qua chợ Hàm Rồng, cán bộ Việt Minh giăng ngang một sợi dây, bên cạnh đặt một tấm bảng có viết chữ, nếu ai đọc được chữ viết trên bảng thì cho đi qua để đến chợ, người nào không đọc được thì phải quay trở về. Có một bà do không chịu học nên không đọc được chữ nhưng nhanh miệng ứng khẩu hai câu thơ:
Trăng lu vì bởi chùm mây
Tôi không biết chữ bởi thằng Tây ở Hòn Bằng!
Mọi người có mặt ai cũng cười, cán bộ đành cho bà ta đi qua.
Trong chín năm kháng chiến, xã Duy Trinh nằm trong vùng khống chế của địch; giặc Pháp ngày đêm càn quét, đốt nhà, giết người cướp của; người dân phải gồng gánh tản cư từ Quế Sơn, Thăng Bình cho đến Tam Kỳ; làng xóm tiêu điều như mô tả trong bài thơ Quê hương của nhà thơ Hồ Thấu:
Chiến khu mưa chiều đổ
Buồn vây nhớ quê hương
Nhà ta trống cửa ngõ
Giặc đốt trơ mảnh tường
Láng giềng vui mấy kẻ
Lạnh tanh còn ai đâu
Người tản cư lặng lẽ
Người chết chôn không sâu
Làng ta mấy trận đốt
Nhà cửa liệt tro tàn[21]
Cây cối thiêu xơ xác
Đất chết đồng bỏ hoang
Không gà gáy, chó sủa
Không giọng hát đưa em
Bếp trưa không đỏ lửa
Hoàng hôn không ánh đèn
Nằm giữa ba đồn giặc
Rực rỡ lò hy sinh…

Đồn Hòn Bằng, nơi giặc Pháp thường xuyên đưa quân càn quét xã Duy Trinh
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, người dân Duy Trinh từ nơi tản cư trở về quê hương, ra sức khôi phục kinh tế và dựng lại trường lớp cho con em có chỗ học hành sau nhiều năm thất học. Trường tiểu học Nam Thi ra đời trong thời gian này.
Theo lời kể của thầy Ngô Văn Long, một nhà giáo dạy học ở Duy Trinh thời kỳ đó, sở dĩ trường có tên Nam Thi là do ban đầu được các nhà hào phú ở Thi Lai như các ông Võ Dẫn, Trương Bán, ông Liễu, ông Phương,…tự góp tiền xây dựng ở xóm nam của làng Thi Lai (vị trí phân hiệu Tân Tân của trường tiểu học Duy Trinh ngày nay) và đặt tên là trường Nam Thi. Nói là trường nhưng thực ra là một ngôi nhà tre lợp tranh, chỉ có một lớp học. Sau này chính quyền hợp thức thành trường công, đưa thầy Nguyễn Ngọc Châu là giáo học bổ túc thời Pháp, quê ở xã Tam An huyện Tam Kỳ ra làm hiệu trưởng.
Một thời gian sau đó, do yêu cầu phải xây dựng một ngôi trường tiểu học cho toàn xã đủ năm lớp học, những người có trách nhiệm quyết định xây mới trường Nam Thi trên nền cũ đình châu Ngũ Thôn ở Phú Bông. Sở dĩ có sự lựa chọn này là do ngôi đình Ngũ Thôn đã bị san bằng trong cuộc chiến tranh chống Pháp, có sẵn mặt bằng rộng rãi, cao ráo, vị trí đi lại thuận tiện cho học trò cả xã. Đó là trường Nam Thi hiện nay. Tuy trường dời về vị trí mới nhưng vẫn mang tên cũ Nam Thi do đã sẵn con dấu đã được cấp trước đó.
Thầy Thân Đức Duyệt quê ở Điện An, huyện Điện Bàn về làm hiệu trưởng thay thầy Nguyễn Ngọc Châu chuyển đi nơi khác. Khoảng ba hoặc bốn năm sau đó thì thầy Hồ Xuân Thảo người Huế về thay thầy Thân Đức Duyệt. Cả hai thầy đều tốt nghiệp tại trường Giáo học bổ túc Qui Nhơn.
Lúc này chính quyền quận Duy Xuyên do quận trưởng Hồ Ngọc Tuấn chủ trương cho xây dựng ở mỗi xã một trường tiểu học theo quy cách thống nhất, mặt hướng ra đường lộ 104. Trường tiểu học mới được xây dựng trên nền một nghĩa địa cũ ở Đông Yên (vị trí của trường THCS Phù Đổng ngày nay), có 5 lớp học và vẫn mang tên là trường tiểu học Nam Thi, ngôi trường cũ ở Phú Bông thì gọi là trường Ngũ Thôn.
Có nhiều điểm đặc biệt và thú vị về ngôi trường Nam Thi ở Duy Trinh.
Người Duy Trinh không chỉ đi đầu về lĩnh vực phát triển kinh tế, nhất là về dâu tằm tơ lụa; trong lĩnh vực giáo dục, người Duy Trinh cũng luôn đi trước một bước so với các địa phương khác. Đặc biệt các nhà hào phú ở Thi Lai là những người đi đầu trong việc mở mang trường lớp, chăm lo việc học của con em mình. Những năm 1938 – 1940, họ là những người đóng góp nhiều tiền của để xây dựng trường tư thục Tân Tân nổi tiếng một thời. Sau kháng chiến chống Pháp, họ lại là người nghĩ đến việc mở trường sớm nhất ở Duy Xuyên để cho con em không bị thất học sau chín năm bị gián đoạn vì chiến tranh. Tên gọi Nam Thi từ một lớp học ở xóm nam của làng Thi Lai trở thành tên gọi cho ngôi trường tiểu học toàn xã. Sau này, chính quyền hợp thức thành trường công và xây dựng lại những điểm trường mới ở các địa điểm khác với quy mô lớn hơn nhưng vẫn giữ lại tên ngôi trường ban đầu. Thậm chí sau này ở mỗi xã xây dựng một trường tiểu học và lấy tên xã đó để đặt tên trường như trường tiểu học Xuyên Hiệp, trường tiểu học Xuyên Thanh…thì ở xã Xuyên Trường (tên xã Duy Trinh lúc đó) vẫn giữ lại tên trường tiểu học Nam Thi.
Trường tiểu học Nam Thi được hình thành sớm, có đầy đủ 5 lớp học, có thời gian học trò lớp nhất (lớp năm ngày nay) ở Xuyên Hiệp phải qua học trường Nam Thi để sau đó thi vào trường trung học Sào Nam.
Ngoài hai trường chính ở Phú Bông và Đông Yên có đủ năm lớp học, ở Chiêm Sơn và Thi Lai mỗi nơi cũng có một điểm trường công với một số lớp học từ vỡ lòng đến lớp tư (lớp 2 ngày nay). Điểm trường Thi Lai nằm bên cạnh chùa Làng, lúc này có thầy Nguyễn Hồng Giáo (đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh) và thầy Hoàng Lực đứng lớp.
Hiệu trưởng trường Nam Thi thường là người ở các địa phương khác được trên điều động đến nhận nhiệm vụ vài ba năm rồi lại thuyên chuyển đi nơi khác. Thầy hiệu trưởng vừa là người quản lý các điểm trường (lúc này có các điểm trường ở Đông Yên, Phú Bông, Thi Lai và Chiêm Sơn), vừa là người trực tiếp dạy lớp nhất vì có trình độ chuyên môn cao, các giáo viên khác được phân công dạy các lớp thấp hơn.
Học trò tiểu học ngày đó phần đông là con nhà nghèo, cùng trong một lớp học nhưng có nhiều lứa tuổi khác nhau, thậm chí chênh lệch nhau từ một đến ba, bốn tuổi là chuyện bình thường. Khi đứa trẻ vào học lớp vỡ lòng, đầu tiên thầy giáo cho học thuộc hai mươi bốn chữ cái, bắt đầu bằng chữ a,b,c. Có đứa dù đã học thuộc hai bốn chữ cái nhưng vì mải ham chơi bỏ quên mất vở, hôm sau mang vở mới đến thầy lại cho học lại chữ a,b,c…Cũng có đứa đang học ở trường công, vì phải lo cắt cỏ chăn trâu phụ giúp gia đình nên phải chuyển qua học lớp buổi trưa ở trường tư, việc học thường bị gián đoạn vì vậy có thể kéo dài đến vài năm ở lớp vỡ lòng.
Hiệu trưởng cuối cùng của trường Nam Thi là thầy Nguyễn Cang, người tộc Nguyễn Văn, nhà ở Đò Gặp. Thầy giáo trường Nam Thi nay còn thầy Dương Tấn Hiền, thầy Hồ Tăng đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh và thầy Ngô Văn Long đang sống tại quê nhà ở Chiêm Sơn. Riêng thầy Long sau năm 1954 về dạy học ở trường Chiêm Sơn (là trường hương học hay còn gọi là trường sơ cấp chỉ dạy vài lớp dưới) được một thời gian thì được điều xuống dạy ở Nam Thi. Giai đoạn cuối thầy được đưa về dạy lại ở trường Chiêm Sơn, do chiến tranh lan rộng, trường đóng cửa, khoảng năm 1965 thầy Long tản cư xuống Hội An tiếp tục nghề dạy học cho đến năm 1975.
Năm 1965, chiến tranh ngày càng lan rộng, khu vực các điểm trường Nam Thi thường xảy ra giao tranh ác liệt giữa hai bên. Thầy trò trường Nam Thi dời vào học tạm tại nhà bà Phiến ở xóm Văn Thánh (chỗ xưởng dệt của HTX Dệt Duy Trinh ngày nay), nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì lại phải đóng cửa, từ đây thầy trò đành chia tay mỗi người mỗi ngã.
Bên cạnh trường tiểu học công lập Nam Thi, ở Duy Trinh giai đoạn này còn có trường tư thục của thầy Ngô Muộn ở Phú Bông, là ngôi trường có tiếng tăm, nhiều người theo học.
Thầy Ngô Muộn có tham gia kháng chiến chống Pháp, sau năm 1954 về quê mở trường dạy học tại nhà. Học trò trường thầy Muộn từ lớp vỡ lòng đến lớp nhất, ngày dạy ba xuất, đặc biệt có xuất học dành cho con em nhà nghèo tranh thủ giờ rảnh buổi trưa để đến lớp. Học trò ở Phú Bông, Đông Yên, Thi Lai và cả ở Xuyên Kiệu, Xuyên Hiệp cũng đến học trường này khá đông, có nhiều lúc trò đông hết chỗ ngồi, một số học trò lớp vỡ lòng phải vào ngồi học tạm trên bộ ván gỗ kê giữa nhà thầy. Ngoài thầy Ngô Muộn trực tiếp đứng lớp, trường còn có cô Mười con ông Lụa là một người tu tại gia ở Đò Gặp và thầy Nguyễn Đình Lộ tham gia dạy học. Học trò học hết lớp nhất trường thầy Muộn, nếu muốn học lên trung học thì thi vào lớp đệ thất trường trung học Sào Nam.
Khoảng năm 1965, chiến tranh lan rộng, trường thầy Ngô Muộn phải đóng cửa, thầy đưa gia đình tản cư xuống Hội An, tại đây thầy tiếp tục nghề dạy học, làm hiệu trưởng trường tiểu học Thanh Đông, sau chuyển về làm hiệu trưởng trường tiểu học Thuận Tình (nay là khu du lịch Thuận Tình – Hội An).

Một lớp học tiểu học ngày trước (ảnh minh họa)
Thầy Ngô Muộn là nhà giáo giàu nhiệt huyết, dạy giỏi và nghiêm khắc, nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành từ ngôi trường tư thục này. Nhiều người lớn tuổi ở Duy Trinh vẫn còn thuộc lòng bài vè lụt năm Thìn do thầy sáng tác sau trận lũ kinh hoàng năm 1964:
Tin nghe sét đánh bên đầu
Đồng bào toàn quốc đâu đâu hãi hùng
Thương cho các tỉnh miền Trung
Bão lụt liên tiếp vô cùng đau thương
Nhân dân cực khổ trăm đường
Trong vòng ba tháng chán chường gian nan…
Nhìn chung, khoảng thời gian 20 năm từ sau CMT8 năm 1945 đến 1965 là quá ngắn, quê hương lại xảy ra nhiều biến cố đau thương như chiến tranh, bão lụt…khiến người dân ly tán, việc học hành của người Duy Trinh trong giai đoạn này vì thế không để lại những dấu ấn đậm nét như những giai đoạn trước đó.
Một số học trò trường Nam Thi và trường tư thục của thầy Ngô Muộn sau năm 1965 vẫn tiếp tục theo học tại các trường tiểu học nơi tản cư ở các xã Xuyên Kiệu, Xuyên Hiệp …, một số theo gia đình đi tản cư xuống Hội An, ra Đà Nẵng hoặc vào Sài Gòn…Nhiều người tiếp tục học lên trung học, đại học. Có người sau này trở thành doanh nhân thành đạt, bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, nhà báo, nhà thơ nổi tiếng trong và ngoài nước.
Học trò trường Nam Thi và trường tư thục của thầy Ngô Muộn họp mặt tại thôn Phú Bông năm 1975 cùng các thầy Ngô Muộn ( người đeo kính và mặt áo vét đen đứng giữa, hàng cuối), thầy Hồ Tăng (hàng thứ hai, đứng ngoài cùng bên trái, thầy Ngô Văn Long (hàng thứ hai, đứng ngoài cùng bên phải).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn – NXB Văn hóa Thông tin 2007
2, Việt sử xứ Đàng Trong của Phan Khoang – NXB Văn học 2001
3, Đạo và đời của Nguyễn Khắc Viện – NXB Khoa học xã hội
4, Khúc tiêu đồng của Hà Ngại – Hồi ký của một vị quan triều Nguyễn – NXB Trẻ 2014
5, Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858 – 1935, NXB Giáo dục
6, Đại Nam nhất thống chí – NXB LĐ - TTVHNNĐT
7, Phan Kế Bính – Việt Nam phong tục, Nxb Văn Học
8, Quốc triều Hương khoa lục của Cao Xuân Dục - NXB LĐ - TT ngôn ngữ Đông Tây
9, Phan Trọng Báu – Giáo dục Việt Nam thời cận đại, Nxb Giáo dục
10, Sĩ tử Việt Nam đời xưa của Nhật Nam – NXB Lao Động
11, Kỷ yếu trường tư thục Tân Tân – NXB Đà Nẵng 2001
12, Gia phả một số dòng họ ở Duy Trinh
13, Một số hình ảnh minh họa lấy từ internet
(Trích từ bản thảo sách Đất và người Duy Trinh những thế kỷ trước của Hồ Trường)