Đàn bò cho quê nhà

12/05/2014, 21:21
Chia sẻ cùng bạn bè

ĐÀN BÒ CHO QUÊ NHÀ                                              

                                            Phóng sự                                         

        Cũng là những con bò như bao nhiêu con bò khác, vậy mà khi đưa chúng tôi đến thăm đàn bò của mình, những người nuôi bò ở Duy Trinh (Duy Xuyên, Quảng Nam) ai cũng ứa nước mắt vì mừng vui, xúc động. Con bò tưởng chừng nhỏ nhoi, bé mọn  nhưng với họ hoá ra lại là cả một tài sản lớn lao giúp họ thoát được khó nghèo mà trải bao mong ước họ vẫn chưa có được, mãi cho đến một ngày gần đây...

        BÒ NGHĨA BÒ TÌNH

        Khó diễn tả được hết nỗi vui mừng của vợ chồng anh Nguyễn Văn Tương (thôn Chiêm Sơn) khi con bò nái lai của họ vừa mới "hạ sinh" thêm một bê cái bụ bẫm. "Mừng đến không ngủ được. Trời lạnh như cắt rứa mà đêm mô vợ chồng tui cũng cứ ra thăm chừng con bê con, quậy bột bắp cho con bò mẹ uống. Bê cái gấp đôi giá bê đực, cái hên của nhà tui là con bò mẹ đẻ ba năm được liền ba bê cái. Không nhờ  "anh Ba ở Sài Gòn" giúp vốn mua cho con bò nái, số hộ nghèo như tui ở đây dễ chi ai cũng có được bò đàn bò bầy như chừ...", anh Tương ve vuốt con bê con, hồ hởi với chúng tôi. Theo anh, ba con bò vừa mẹ vừa con của nhà  anh hiện nay giá khoảng 22 triệu, nguồn tài sản mà những người làm ruộng nghèo khó như anh không ai dám nghĩ tới.  Còn khoản vốn vay không lãi 3 triệu thì anh đã trả xong khi đáo hạn hai năm hồi cuối năm 2004 từ khoản tiền bán con bê đầu. Cũng tràn niềm vui với đàn bò "bỗng dưng có được" - nói theo lời những người được anh Ba giúp cho mượn vốn mua bò - chị Huỳnh Thị Cảnh  (thôn Chiêm Sơn) đã đội mưa chăn bò ra bãi. "Con bò giúp mình thoát nghèo thoát khổ làm răng mình không hết lòng với nó. Đàn bò chừ là của mình mà có lúc mình cứ tưởng như là của ai. Mới năm xưa thấy con bò của người ta mình cứ nhìn mà mơ ước...", chị Cảnh nói.  Và nay thì vợ chồng con cái nhà chị đã thoả ước mơ : có được đàn bò 3 con trị giá 20 triệu đồng.  Cũng như nhà anh Tương,  cái may của nhà chị là con bò nái  mở màn cho việc xoá đói giảm nghèo của nhà chị qua ba lần sinh đều cho nhà chị ba bê cái. Để trả nợ mượn mua bò, vợ chồng chị đã bán đi con bê  đầu với giá gần năm triệu hồi  cuối năm 2004.

        Nhưng dù  bò nái không sinh rặt bê cái, tính đến nay, sau ba năm tậu nuôi từ số vốn 3 triệu được giúp, người nuôi bò khi đã trả xong nợ vẫn có được đàn bò mẹ con, giá ít nhất cũng đến 15 triệu. Phó trưởng thôn Chiêm Sơn Phạm Ngọc Dũng -  cũng là hộ nghèo được giúp vốn - chỉ cho chúng tôi xem đàn bò hai con - một bò mẹ đang có chửa và một nghé cái - rồi cho biết nếu tính luôn số tiền 5,8 triệu từ con nghé đực anh mới bán hồi giữa năm nay, ít nhất anh cũng có được trên 16 triệu, còn khoản vốn mượn thì cũng như cách làm của  những người được mượn vốn cùng đợt với anh : bán con nghé đầu để trả hồi cuối năm 2004

       Quả là một niềm vui lớn với những người  nghèo khó ở Duy Trinh khi họ có được con bò nái trong chuồng. Niềm  vui đó càng lớn lên bội phần khi giờ đây họ đã có được cả một đàn bò hai - ba con. Và cũng không thể không kể thêm về niềm hạnh phúc của họ trước một kết quả mà họ cứ luôn nói là quá lớn. Bên ngôi nhà tạm bợ, bên đàn bò hai con, anh Huỳnh Thành (thôn Thi Lai) chân chất : “Từ nhỏ đến chừ  vợ chồng tui mới có được khoản của cải lớn thế ni. Những người nghèo sống ở vùng biền bãi như tui sống dựa con cá chài được trên sông, cái ăn còn không đủ, làm răng dám mơ đến con bò bạc triệu..." Cũng như anh Thành, bà mẹ goá Bùi Thị Mùi  (thôn Thi Lai) cho rằng cho đến tuổi 50 chị mới làm chủ được đàn bò trị giá trên 15 triệu đồng - nguồn của cải  mà  những người mẹ goá khó nghèo như chị không ai dám mơ tới...

        NỐI DÀI KẾT QUẢ

        "Vốn ít, hiệu quả cao", theo  nhận xét của phó bí thư Đảng uỷ xã Duy Trinh Nguyễn Trường Sơn, 75 hộ được anh Ba giúp vốn nuôi bò nái đợt đầu (cuối 2002) đến nay hầu hết đã có thể ra khỏi danh sách hộ nghèo tại địa phương. Được vậy, ngoài việc nhờ bà con hết lòng chăn giữ, cái chính là nhờ việc chăn nuôi mở ra đúng lúc :  ngay sau khi  bà con tậu mua bò không lâu, giá bò, đặc biệt là bò nái, bò nái lai, đã tăng lên khá cao. "Có thể nói từ trước đến nay tại Duy Trinh chưa có một dự án làm ăn nào với số vốn  khiêm tốn nhưng lại đạt hiệu quả tốt như thế nầy.  Từ kết quả đó, mấy  năm nay ai ở đây cũng hướng đến việc nuôi bò như là cách làm kinh tế tích cực để xoá đói giảm nghèo để từng bước khá lên, giàu lên. Đàn bò trong xã  từ 840 con trong năm 2003 nay đã lên đến  1750 con, trong đó bò lai Sind chiếm đến 80%. Thật đáng mừng!" - phó bí thư Sơn đúc kết.

        Những người thoát được khó nghèo từ đồng vốn quý hoá nầy ai cũng hăm hở  với những tính toan. Với ba khung dệt đặt trong mái xưởng mới được xây bên ngôi nhà hãy còn tuềnh toàng, vợ chồng anh Trương Văn Long (thôn Đông Yên) cứ như luôn nao nức với những gì mình đã có được. “Với 3 triệu được giúp tui thêm vô 1,5 triệu mua được một bò mẹ với một bê con. Nuôi được một năm tui bán cả hai được 10 triệu, lấy ra 6 triệu mua 2 khung dệt, còn lại mua một nghé, đến nay đã lớn thành bò mẹ, có chửa gần đẻ, trị giá trên 10 triệu. Với 3 khung dệt, hai năm nay mỗi tháng vợ chồng tui dệt kiếm được chừng tám  - chín trăm ngàn. Có bò, có khung dệt, có điều kiện để làm ăn rồi, mình chăm chỉ làm, tiện tặn là chắc chắn sẽ khá lên thôi...”, anh Long hân hoan bên khung dệt đang chạy. Điều đáng mừng là phần đông những người được giúp vốn nuôi bò ai cũng cố gầy thành bò đàn. Với đàn bò 3 con - trong đó có một nghé đực - chị Huỳnh Thị Cảnh nói dù có khó đến mấy vợ chồng chị cũng cố nuôi giữ lại những con bê cái, gầy dựng cho được đàn bò nái để nhanh khá lên. “Vợ chồng tui chưa  nghĩ đến chuyện  làm nhà cửa, mái tôn phên nan thế ni là được rồi. Cố gầy cho được đàn bò nái để may chi có thể nuôi hai đứa nhỏ đang học lớp 11, lớp 8 học lên, đừng như đứa anh chúng, mới lớp 8 dã phải bỏ học  vô Sài Gòn làm thuê...”, cho chúng tôi xem những bằng khen của hai đứa con mình, chị Cảnh  bày tỏ. Với bò mẹ và hai nghé cái toàn giống lai Sind, anh Nguyễn Văn Tương nói  nay thì ước mong gầy cho được đàn bò nái của vợ chồng anh đã gần như trở thành hiện thực. "Tui làm ruộng, chẻ đá kiếm thêm sống cũng tạm đủ. Bà xã tui thì chăm đàn bò. Mấy năm nay người nuôi bò ở đây đã biết trồng cỏ, cho bò uống thêm bột bắp bột gạo nên con bò nuôi nhanh lớn hơn thời trước rất nhiều.  Có được đàn bò, siêng năng chăn giữ thì  chắc chắn là thoát nghèo không khó...", anh Tương phấn khởi. Với một bò nái mẹ đang có chửa và một nghé cái, anh Võ Thiện Cơ (thôn Đông Yên) nói anh quyết  nhen nhúm để sớm có đàn bò nái lai trong vài ba năm nữa để đưa đẩy cuộc sống đi lên.  “Chưa hồi mô nuôi bò dễ phất lên như chừ. Nhiều ngươi bỏ ra chỉ vài chục triệu  nuôi bò trong vài năm đã kiếm hăm lăm, ba chục triệu tiền lãi. Mình nuôi bò gặp lúc nên chuyện khá lên chắc là không khó...”, anh Cơ nói. Và còn rất nhiều những tính toan vươn tới rất thực tế của những người nuôi bò từ đồng vốn được giúp...

    TẤM LÒNG CHO QUÊ NHÀ

    Người giúp vốn cho các hộ nghèo ở  Duy Trinh nuôi bò ba năm nay vốn được bà con ở đây quen gọi là "anh Ba ở Sài Gòn" chính là anh Võ Quang Ba, quê ở thôn Đông Yên, hiện đang là chủ cơ sở nhuộm định hình Hưng Thịnh  ở phường Hoà Thạnh, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh. Chúng tôi may mắn được gặp anh tại Duy Trinh khi anh về thăm những người được anh giúp vốn nuôi bò. “Nghe mấy anh lãnh đạo xã điện vô nói việc chăn nuôi của bà con đạt kết quả, tui mừng, đang bận nhưng cũng cố tranh thủ về thăm bà con, nhắc nhở họ cố chăn giữ, nên hỏi han ý kiến của mấy anh ở xã nhà về chuyên môn nuôi bò, đừng bán hớ giá, cố mà gầy cho được đàn bò lai để có lợi nhiều hơn...”, anh Ba chân chất. Cùng chúng tôi đi thăm bà con,  nhiều lần anh đã xúc động  khi nghe bà con nói  lên  khoản lợi họ có được sau ba năm nuôi bò. “Nghe các anh  ở xã nói người nuôi bò qua ba năm đã một lời được ba bốn phần tui với bà xã và các con đã mừng quá lắm rồi. Chừ về đây nghe bà con nói là sau khi hoàn vốn lại cho tui, đã bán bớt những con nghé đực, mỗi hộ nuôi bò ai cũng có được đàn bò hai - ba con, trị giá từ 15 đến 20 triệu tui càng mừng hơn. Những  năm 1988 - 1990  tui phụ trách kinh doanh ở  SCITEC - Công ty Dịch vụ khoa học kỹ thuật (TP.HCM) có lúc mang lãi vê cho công ty đến 2 triệu đô-la nhưng tui chưa thấy sướng bụng  như chừ.  Tui cũng đã một thời khó khổ nên không thể quên số bà con còn khó khổ ở quê mình...", anh Ba tâm sự. Day dứt trước nỗi khó khổ của bà con,  mấy năm qua anh đã tính về mở một  nhà máy làm gạch hay một xưởng may ở quê để giúp bà con có  thêm được việc làm. Nhưng rồi thấy đây là những việc khó thực hiện được , anh đã cùng với lãnh đạo địa phương  ngồi lại bàn tìm kế hoạch. Vậy là dự án cho 100 hộ nghèo ở Duy Trinh vay 300 triệu không lãi trong hai năm với mức 3 triệu/hộ để mua bò nái  nuôi đã ra đời vào tháng 11. 2002 với sự giúp sức quản lý của chính quyền địa phương. Nhưng rồi một sự cố  không may đã xảy đến. Trong danh  sách 100 hộ được anh giúp vốn có 25 hộ vẫn chưa được nhận tiền do bởi anh bị cháy một phân xưởng gây thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng hồi tháng 10.2003. Vậy là phải đợi đến khi số bà con đáo hạn trả nợ cho anh hồi cuối năm 2004 anh mới có thể giúp tiếp cho 25 hộ còn lại. Do giá bò ở thời điểm này tăng lên, anh đã tăng số tiền cho mỗi người được mượn đạt mức  6 triệu đồng để đủ mua một bò nái, thời gian mượn cũng tăng lên,  đến 3 năm. Trong số 25 người được anh cho mượn vốn mua bò  lần này còn có hai người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được anh tặng mỗi người một triệu để làm chuồng. “Đã giúp cho quê nhà, cho bà con thoát nghèo vượt khó mình không nên so đo, tính toán. Dù giá vàng có tăng nhanh, dù đồng tiền có rủi sụt giá, vợ chồng tui vẫn vui khi thấy sự tiếp sức của mình đã giúp bà con nghèo ở quê nhà ngày một khá lên, sắp nhỏ có thêm điều kiện để đến trường...”,  anh Ba hân hoan nói.

                                                                                       HUỲNH VĂN MỸ



Chị Hoa (vợ anh Nguyễn Văn Tương) với nỗi vui bên con bê cái mới sinh được năm hôm, vậy là nhà chị coi như đã có được 3 con bò nái cho toan tính gầy dựng dần đàn bò nái



Trang 1 / 5 1 2 3 4 5 »