TRƯỜNG THCS PHÙ ĐỔNG
SAU MƯỜI BA NĂM TÁI THÀNH LẬP VÀ ĐI LÊN

Trường Trung học cơ sở Phù Đổng - nguyên trước đây là trường phổ thông cấp I, II Duy Trinh.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, do điều kiện khó khăn chưa có trường lớp nên con em địa phương Duy Trinh phải học chung với học sinh xã Duy Sơn và các xã khu tây tại trường cấp II Khu Tây đặt tại xã Duy Sơn.
Được sự quan tâm của nhà nước các cấp, trường Phổ thông cấp I, II Duy Trinh được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm học 1978 – 1979, đến năm học 1983 – 1984 đổi tên thành Trường phổ thông cơ sở Phù Đổng, sau đó qua nhiều lần tách nhập cấp 1 và cấp 2 do thay đổi qui mô trường lớp; năm học 1985 – 1986 Trường phổ thông cơ sở Phù Đổng tách thành hai cấp học riêng, cấp 1 đổi thành Trường Tiểu học Trần Quốc Toản và cấp 2 đổi thành Trường Trung học cơ sở Phù Đổng;
Trong giai đoạn thập niên 80 của thế kỷ trước Trường THCS Phù Đổng là một trong những trường có phong trào học sinh giỏi, học sinh năng khiếu nổi bậc nhất huyện Duy Xuyên, là một trong những ngọn cờ đầu của ngành Giáo dục Duy Xuyên và Giáo dục Quảng Nam - Đà Nẵng thời bấy giờ;
Đến năm học 1990-1991 xuất phát từ việc điều chỉnh quy mô trường lớp của huyện, Trường Trung học cơ sở Phù Đổng được sát nhập với Trường Trung học cơ sở Nguyễn Thành Hãn thuộc xã Duy Sơn thành trường liên xã Trung học cơ sở Nguyễn Thành Hãn. Con em địa phương Duy Trinh lại phải khắc phục khó khăn đi xa 5 đến 6 km để đến trường học tập và tên Trường THCS Phù Đổng từ đó cũng vắng bóng trong ngành giáo dục Duy Xuyên.
Năm học 1999 - 2000 theo nguyện vọng của Chính quyền và Nhân dân xã Duy Trinh, ngày 17 tháng 8 năm 1999 Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam ra Quyết định số 26/1999/QĐ-SGDĐT, Quyết định thành lập Trường Trung học cơ sở Phù Đổng thuộc xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Ngay sau ngày tái thành lập nhà trường chỉ vỏn vẹn có 10 phòng, dành 9 phòng để giảng dạy 18 lớp, chỉ có 1 phòng vừa làm Văn phòng vừa làm phòng Hội đồng sư phạm và hoạt động khác; với sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ CC-VC và học sinh nhà trường, cùng với sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội nhà trường đã nhanh chóng xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy học và từng bước khẳng định được vị thế của mình trong phong trào thi đua chung của toàn huyện.
Là một trong 4 trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của bậc học THCS vào năm học 2004 – 2005; phong trào học sinh giỏi ngày càng được khôi phục; sau 13 năm có 2 năm đạt vị thứ nhì, 4 năm đạt vị thứ ba, 4 năm đạt vị thứ tư toàn đoàn về phong trào học sinh giỏi trong toàn huyện; ngoài ra còn nhiều thế hệ học sinh đạt giải cao ở cấp huyện và cấp tỉnh về phong trào học sinh năng khiếu và học sinh giỏi;
* Về đội ngũ: Từ chỗ chỉ có 3 giáo viên có trình độ đại học khi tái lập trường, đến nay đã có 22/32 giáo viên có trình độ đại học đạt tỉ lệ 68,75%. Hầu hết đội ngũ nhiệt tình và có trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ được giao và đối với học sinh; đóng góp tích cực vào thành tích chung của nhà trường.

* Về cơ sở vật chất: Ngày càng được hoàn thiện theo hướng chuẩn hoá và hiện đại hoá. Đến nay trường đã có đầy đủ các khối công trình như phòng vi tính, phòng học bộ môn, sân chơi bãi tập đạt chuẩn, có đủ phương tiện phục vụ cho việc ứng dụng và dạy học theo hướng ứng dụng Công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
* Về chất lượng giáo dục: Xác định đây là hoạt động mang tính quyết định cho sự đi lên của nhà trường, nên trong những năm qua nhà trường đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng thực chất cho cả chất lượng đại trà lẫn chất lượng mũi nhọn và là một trong những trường ở tốp dẫn đầu về chất lượng 2 mặt giáo dục và chất lượng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu. Hàng năm trường luôn có học sinh dự thi và đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; với những thành tích sau mười ba năm từ ngày tái lập trường cho đến nay, Trường Trung học cơ sở Phù Đổng đã góp một phần không nhỏ vào thành tích chung của phong trào giáo dục huyện nhà.

Nhìn lại 13 năm qua, bao thế hệ thầy và trò đã đi qua, đã giảng dạy, công tác và học tập; có người còn ở lại, người đã ra đi, có người không bao giờ có thể gặp lại được; chúng tôi thấy sự đóng góp không nhỏ của các thế hệ thầy cô giáo; sự nỗ lực nhiệt tình của các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương và đặc biệt các nhà hảo tâm đã đầu tư, hỗ trợ cho học sinh nghèo, sự đóng góp quí báu chân tình của mọi tầng lớp xã hội đã giúp sự nghiệp trồng người của nhà trường ngày một khởi sắc hơn.

Nhớ lại 13 năm qua đã bao lần oằng mình chống chọi cùng bão lũ, chúng tôi thấy gắn bó hơn với mái trường này; Năm 1999 - năm đầu tiên mới tách về gặp cây lũ lớn nhưng trường chưa có gác chống lũ, tất cả hồ sơ nhà trường chỉ xếp trên đầu tủ ở phòng hội đồng - lúc bấy giờ tất cả bộ phận hành chính và hội đồng chung một phòng – trong lũ tôi cùng thầy giáo L.V.A bơi ghe vào trường, nước chảy xiếc nhưng cố gắng kèm được ghe vào phòng mở cửa không được phải nhảy xuống nước - đứng trên hiên trường mà nước đã đến trên ngực, lạnh buốt cả người - cố gắng mở khóa vào phòng thì bàn ghế ngỗn ngang không đưa ghe vào được, loay hoay mãi rồi chúng tôi cũng đưa được ghe vào trong phòng, lấy được toàn bộ hồ sơ lên ghe là sự cố gắng lớn, rồi đưa về nhà Thầy Tịnh gởi nhưng cũng ướt khá nhiều;
Năm 2006 lại gặp bão lớn, tốc hết mái tôn khu phòng học bộ môn và khu hành chính, các thầy chúng tôi phải cùng nhau đi nhặt từng tấm tôn bay vung vãi ở xóm làng khi mức nước sân trường vẫn còn ở lưng quần; rồi năm 2007 nước lũ ập đến ban đêm bất ngờ và quá nhanh do xả đập ở thượng nguồn; thế là 8 giờ tối các thầy cô giáo chúng tôi lại điện thoại gọi nhau đến dọn lụt, năm ấy những thầy nhà ở cánh ngoài cầu Thuận Mỹ dọn xong đã 11 giờ đêm nước lớn qua cầu, không thể về nhà được phải ở lại trường với bao nỗi lo âu nào nhà cửa, nào con cái …; lại đến năm 2009 một cây lụt lớn cả trường là biển nước mênh mông, nước đứng trên nền trường lút cả đầu của các thầy cô giáo; sau lũ lụt cả thầy và trò cùng nhau thu dọn “bãi chiến trường” bùn non dày cả tất, nghĩ lại mà thấy ớn cả người. Mới đây năm 2013 lại đón tiếp cây bão số 11 và trận lũ lớn, cũng nhờ có sự chuẩn bị chu đáo nên nhà trường không bị thiệt hại về tài sản nhưng hàng cây bóng mát trồng trên sân giáo dục thể chất bị ngã đổ hoàn toàn.

Giờ đây với ngôi trường đã được đầu tư xây dựng khang trang, có dãy phòng học 2 tầng với đầy đủ trang thiết bị dạy học, khuông cảnh thanh bình, rợp bóng mát các hàng cây, nhà trường đang nổ lực thi đua “Dạy tốt, học tốt” phấn đấu “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, đảm bảo môi trường học tập an toàn, cho mọi học sinh được phát huy khả năng của mình một cách tốt nhất, để mỗi ngày các em đến trường thật sự là một ngày vui./.
Hiệu Trưởng Đoàn Xuân Đình