HỒ NGHINH
NGƯỜI GHI DẤU SON TRÊN CHẶNG ĐƯỜNG
LỊCH SỬ ĐẤT QUẢNG

(1913 - 2007)
Vùng đất Duy Trinh vào những thế kỷ trước đã sản sinh nhiều nhân vật nổi tiếng, sự nghiệp của họ đã để lại những dấu ấn đậm nét trên một chặng đường lịch sử Đất Quảng.
Theo sách Thủy Kinh của một người Trung Quốc tên Lịch Đạo Nguyên viết vào khoảng thế kỷ thứ 6, là một bộ chuyên trước viết về hệ thống sông ngòi thời cổ đại của Trung Quốc, sau này các nhà nghiên cứu sách Thủy Kinh đã chú thích kỹ nơi xuất xứ của các dòng sông, khảo cứu tường tận sự thiên lưu của chúng và các dấu vết của việc thành lập các châu quận cùng sự duyên cách, hưng phế của các thành trì Trung Quốc, trong đó có phần liên quan đến lịch sử và địa lý nước ta. Sách có đoạn mô tả hai dòng sông Đại Nguyên Hoài và Tiểu Nguyên Hoài từ miền biên giới phía tây hợp lại chảy vào thành Điển Xung, kinh đô của nước Lâm Ấp. Đầu thế kỷ 20, các nhà khoa học người Pháp thuộc viện Viễn Đông Bác Cổ đã khảo sát thực địa, đối chứng với những ghi chép từ sách Thủy Kinh Chú và đi đến kết luận Trà Kiệu chính là thành Điển Xung, hai con sông Đại Nguyên Hoài và Tiểu Nguyên Hoài chính là sông Vu Gia và Thu Bồn ngày nay.
Thôn Phú Bông ngày nay nằm sát bên cạnh Trà Kiệu, địa giới là một con suối nhỏ. Vào thuở xa xưa, vùng đất các thôn Đông Yên, Phú Bông, Thi Lai và thậm chí cả khu vực Gò Nỗi là một dòng sông lớn chảy vào kinh đô của nước Lâm Ấp. Trải qua nhiều thế kỷ, dòng sông này bị bồi lắng tạo nên những đầm bàu và bãi bồi hoang hóa. Đến khoảng cuối thế kỷ thứ 16, nửa đầu thế kỷ 17, những lưu dân ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An theo chúa Nguyễn Hoàng vào lập nghiệp ở Đàng Trong, một số người đã đến vùng đất bãi bồi bên kinh thành cổ này khai khẩn rồi định cư. Trong số lưu dân đến Duy Trinh ngày ấy còn có thể là những người lính Đàng Ngoài, bị chúa Nguyễn bắt làm tù binh, sau đó được chúa Nguyễn đưa vào khai hoang lập nghiệp từ Điện Bàn, Thăng Hoa đến Phú Yên[1].
Vùng đất các thôn Đông Yên, Phú Bông, Thi Lai ngày nay đã có tên trong danh sách 58 thôn, 1 phường, 2 giáp 3 châu của Hoa Châu thuộc, Thăng Hoa phủ, Quảng Nam dinh được Lê Quý Đôn ghi chép trong sách Phủ Biên Tạp Lục năm 1776. Đất đai màu mỡ (đất ba châu) gặp người lưu dân mang khát vọng đổi đời đã biến nơi này trở nên trù phú, trở thành vùng đất địa linh, sản sinh ra nhiều nhân kiệt.
Theo một số tài liệu khảo cứu của các nhà nghiên cứu về phong tục tập quán, giọng nói và tính cách của người Quảng Nam, trên vùng đất này đã diễn ra sự cộng cư, cộng hôn và tiếp biến văn hóa giữa những người Chăm tiền trú với những lưu dân người Việt qua nhiều thế kỷ, từ đó đã tạo nên một bản sắc văn hóa riêng của con người xứ Quảng.
Do yếu tố lịch sử và địa lý đặc biệt, từ xưa con người Quảng Nam nói chung đã nổi tiếng về tính cương trực và khảng khái. Các nhà soạn sách Đại Nam nhất thống chí - Quốc sử quán triều Nguyễn có một nhận xét rất thú vị về con người Quảng Nam: “Đàn ông lo việc cày ruộng trồng dâu, đàn bà chuyên nghề nuôi tằm dệt cửi. Núi sông thanh tú cho nên nhiều người có tư chất thông minh dễ học. Sĩ phu có khí tiết cứng cỏi dám nói, nhưng vì thổ lực không hậu và thế nước chảy gấp, nên tính tình hay nóng nảy ít trầm tĩnh, duy có người nào học vấn uyên thâm mới không bị phong khí ràng buộc”[2].
Xã Duy Trinh từ ngày xưa đã có nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa nổi tiếng. Cũng từ nghề trồng dâu dệt lụa, nơi đây trong lịch sử đã diễn ra một chuyện tình thơ mộng và lãng mạn. Khoảng năm 1615, cô thôn nữ Đoàn Thị Ngọc trong một đêm trăng hái dâu bên bãi sông Thu Bồn, tiếng hát của cô đã làm rung động trái tim đa cảm của chàng công tử Nguyễn Phúc Lan lúc này đang theo cha du ngoạn trên sông. Cuộc gặp gỡ này là duyên tiền định, cô thôn nữ về làm vợ công tử Nguyễn Phúc Lan, người sau này kế thừa ngôi chúa, được vua Gia Long truy phong Hiếu Chiêu Hoàng Đế, bà Đoàn Thị Ngọc được truy phong Hiếu Chiêu Hoàng Hậu.
Nghề dệt vải ở Duy Trinh cũng xuất hiện từ rất sớm, nhưng giai đoạn phát triển cực thịnh là vào những năm 1930 – 1945, khi trong làng Thi Lai có ông Võ Dẫn (còn gọi là Cửu Diễn) sáng chế được khung cửi máy theo nguyên lý của chiếc máy dệt Jacka của người Pháp. Chiếc máy dệt kiểu Cửu Diễn nhanh chóng lan sang các làng nghề dệt khác của tỉnh Quảng Nam, tạo ra một cuộc “cách mạng” trong ngành dệt xứ Quảng. Sau này người Duy Trinh mang chiếc máy dệt này vào miền Nam lập nghiệp, tạo nên làng dệt Bảy Hiền nổi tiếng ở Sài Gòn.
Nghề dệt ở Duy Trinh thời đó đã tập trung một lực lượng lao động đông đảo, đã hình thành nên nếp sống thị dân. Thợ dệt buổi sáng uống cà phê, ăn điểm tâm rồi mới vào xưởng, buổi tối có thể đi xem hát ở trường hát trong vùng (khu vực Gò Dỗi ngày nay)…Một số nhà trí thức và hào phú trong làng đã vận động xây dựng trường tư thục dạy chữ cho con em. Các nhà hoạt động cách mạng, các văn nghệ sĩ nổi tiếng cũng về đây dạy học và truyền bá những tư tưởng tiến bộ vì vậy trình độ dân trí và phong trào cách mạng nơi đây đã phát triển vượt bậc.
Ở tỉnh Quảng Nam thời đó có hai địa phương là Bảo An ở Gò Nỗi và Đông Yên, Phú Bông, Thi Lai ở Duy Trinh là những nơi có ngành tiểu thủ công nghiệp phát triển, người dân có mức sống cao hơn hẳn các điạ phương khác. Đây cũng là những nơi có trình độ dân trí cao, có nhiều trí thức Nho học và Tây học, trong đó có nhiều trí thức yêu nước và cách mạng tiêu biểu vào thế kỷ 19 và 20.
Làng Trung Thái, tổng Duy Đông, phủ Duy Xuyên, nay là thôn Phú Bông xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên vào đầu thế kỷ 20 có một gia đình trí thức Nho học sinh ra năm người con trai, trong đó có ba nhà trí thức yêu nước nổi tiếng là các ông Hồ Nghinh, Hồ Thấu và Hồ Liên (tức nhà ngoại giao Hoàng Bích Sơn).
Ông nội của ba nhà trí thức yêu nước Hồ Nghinh, Hồ Thấu, Hồ Liên là cụ Hồ Văn Chất, từng là thành viên trong đội quân bảo vệ các vua nhà Nguyễn. Năm 1885, sau sự biến kinh thành Huế thất thủ, cụ Chất theo hộ giá vua Hàm Nghi xuất bôn ra Tân Sở Quảng Trị, nơi đây nhà vua ban chiếu Cần vương kêu gọi sĩ phu nổi lên đánh Pháp. Cụ theo bảo vệ nhà vua cho đến khi vua bị giặc bắt, sau đó bị đày sang Algérie ở Bắc Phi, theo lời dặn của người thủ lĩnh[3], cụ trở về quê nhà làm ruộng nuôi con.
Thân sinh của các ông Hồ Nghinh, Hồ Thấu, Hồ Liên là cử nhân Hán học Hồ Hoàng, đỗ cử nhân khoa thi năm Kỷ Dậu (1909) dưới triều vua Duy Tân. Cụ làm quan trông coi việc học (Huấn đạo các huyện Tiên Phước, Quế Sơn), sau đó làm Trưởng ty Niết và Trưởng Ty Phiên của một tỉnh, được phong chức Hồng Lô tự Thiếu Khanh, hàm Tòng tứ phẩm.
Cụ Hồ Hoàng là một vị quan thanh liêm, đức độ. Phẩm hạnh của cụ đã có nhiều ảnh hưởng đến nhân cách những người con của cụ sau này. Do sớm nhận thấy sự suy tàn của nền Nho học và xu thế của thời đại nên cụ đã hướng những người con trai của mình theo Tây học. Những người con của cụ tuy học cao, hiểu rộng theo nền học vấn phương Tây, nhưng suốt đời vẫn kế thừa ở người cha cái cốt cách của một nhà nho, cái khí tiết của những sĩ phu thời hiện đại.
Người anh cả là tham tá Hồ Phùng, một người thông minh và có ý chí tự học cao. Sau khi tốt nghiệp bậc tiểu học, ông vào làm việc trong ngành công chính ở Qui Nhơn, từng có thời gian làm phụ tá cho Hoàng thân nước Lào – Kỹ sư công chính Xuhanuvông, khi vị Hoàng thân này làm kỹ sư chính chỉ huy xây dựng một số công trình của người Pháp tại Trung kỳ. Tuy học vấn chưa cao nhưng nhờ bản tính thông minh, có nhiều kinh nghiệm thực tế nên khi đang làm việc tại Lào, gặp dịp chính quyền Đông Dương tổ chức thi tuyển nhân sự vào ngạch tham tá, ông được đặc cách thi và đậu thứ hạng cao, trở thành nhân viên cao cấp trong ngành công chính ở Đông Dương thời đó. Ông Hồ Phùng bị bệnh và qua đời ở tuổi ngoài ba mươi.
Người em kế ông Hồ Nghinh là Tri huyện Hồ Tống, một người thông minh, học rất giỏi. Năm hai mươi tuổi, ông đã đỗ cùng lúc ba bằng tú tài: Tú tài toán học, tú tài triết học và tú tài bản xứ. Sau khi thi đỗ tú tài, ông được nhiều trường ở Huế mời về dạy học. Năm 1935, ông đỗ đầu kỳ thi tri huyện do nhà nước Bảo hộ Pháp tổ chức tại Trung kỳ và được bổ nhiệm làm tri huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên. Trong ký ức của những người cao tuổi ở Duy Trinh, khi tri huyện Hồ Tống “bái tổ vinh quy” có chức sắc và dân làng mang võng lọng vào ga Trà Kiệu đón rước. Với bản tính giản dị, khiêm tốn, không muốn mang lại sự phiền phức cho bà con dân làng, ông lẳng lặng rời ga, một mình băng đồng về nhà.
Do cảnh nhà thanh bạch, cuộc sống thanh đạm, bản thân chuyên chú học hành nên sức khỏe ông giảm sút và đổ bệnh. Ông mất khi tuổi đời chưa đến ba mươi. Tiếc thương người con đức tài lừng lẫy nhưng sớm bạc mệnh, cha ông - cụ Cử Hồ Hoàng làm đôi câu đối khóc con:
“Vì nước hiến mình, vì nhà ra sức. Hai vai đang trung hiếu nặng nề. Ngán thay con tạo ghen tài. Tiếc đấng hiền lương đành một thuở.
Làm thầy đạo hạnh, làm quan thanh liêm. Chiếc thân đủ đức tài lừng lẫy. Vội bấy người hiền lánh thế. Để danh tuấn kiệt trải ngàn năm”.
Các ông Hồ Nghinh, Hồ Thấu, Hồ Liên đều theo Tây học. Ông Hồ Nghinh và Hồ Thấu cùng học ở trường Quốc học Huế. Trước năm 1945, cả ba anh em tham gia mở trường dạy học ở quê nhà, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ba anh em cùng tham gia hoạt động cách mạng và trở thành những nhà hoạt động chính trị, ngoại giao chuyên nghiệp.
Đây là những nhà trí thức yêu nước nổi tiếng ở Duy Trinh trong thế kỷ 20.
Ông Hồ Nghinh sinh năm 1913, là con thứ sáu trong gia đình có 10 anh chị em. Thuở nhỏ ông sống ở quê, vừa học chữ Nho và chữ quốc ngữ ở trường làng. Lớn thêm một chút, ông lên học tiểu học ở trường tỉnh tại Vĩnh Điện. Giai đoạn này Nho học đã suy tàn, nền giáo dục nước nhà đã chuyển qua giảng dạy theo chương trình của người Pháp. Tuy theo Tây học song ông Hồ Nghinh đã sớm được hấp thụ những tinh hoa Nho giáo từ thuở nhỏ và chịu nhiều ảnh hưởng từ người cha, một cử nhân Nho học.
Khoảng thời gian 1926 - 1929, ông ra Huế học tại trường Quốc học Huế, cùng lớp với ông Võ Nguyên Giáp, người sau này trở thành vị đại tướng lừng danh. Học đến năm thứ ba ở trường Quốc học Huế, do tham gia các hoạt động chống lại sự đô hộ của người Pháp, ông bị bắt năm 1930 và bị kết án tù 2 năm.
Bối cảnh xã hội Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ 20, sau thất bại của phong trào Duy Tân của các sĩ phu và những cuộc khởi nghĩa chống Pháp liên tiếp nổ ra sau đó, vai trò lãnh đạo trong cuộc đấu tranh dân tộc và tiên phong xã hội mới được trao vào tay những người Mác-xít từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập năm 1930. Chủ nghĩa Mác đến Việt Nam như một công cụ giải phóng, nó kế tục Nho giáo để đem lại cho đất nước một học thuyết chính trị và xã hội giúp giải quyết những vấn đề thực tiễn. Những người trí thức yêu nước lúc bấy giờ đã tìm thấy nơi đây con đường thực hiện mục đích tối cao của con người là phải tham gia gánh vác những trách nhiệm xã hội, đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc.
Cũng như nhiều trí thức yêu nước cùng thời - có nhà sử học gọi họ là thế hệ vàng bởi họ đã thừa hưởng những tố chất mà những thế hệ trước và sau nó không thể có - ông Hồ Nghinh được hưởng một nền Quốc học căn bản được duy trì trên cả lĩnh vực kiến thức và đạo lý, với quan niệm dạy học và dạy làm người. Lại được tiếp nhận nền văn minh phương Tây với tinh thần khoa học và dân chủ nên đã vượt lên trên sự ràng buộc và hạn chế của nền giáo dục thuộc địa.
Là một thanh niên yêu nước, được hấp thụ những tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của phương Tây, chịu ảnh hưởng từ phong trào Cần vương chống Pháp của các văn thân và phong trào Duy Tân của các sĩ phu trước đó cùng với việc tiếp thu học thuyết Mác; các yếu tố đó đã thúc giục tinh thần yêu nước, tinh thần giải phóng dân tộc, ông Hồ Nghinh đã dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng.
Vốn là người thông minh, chăm chỉ nên ông có một kiến thức khá rộng. Trong thời gian ở tù, ông vừa nghiên cứu chủ nghĩa Mác, vừa tranh thủ học tiếng Anh, tiếng Trung Quốc ngoài tiếng Pháp là ngôn ngữ đã sử dụng thành thạo. Từ đó, ông có điều kiện nghiên cứu sách báo, theo dõi tin tức, thời sự hàng ngày. Thời ấy, người ta gọi ông là “Con người: Đông, tây, kim, cổ”, như là quyển cẩm nang biết được mọi chuyện trên đời.
Tháng 2 năm 1932 được mãn hạn tù, ông về trở quê chịu sự quản thúc của chính quyền thực dân. Việc đầu tiên khi về quê, ông mở lớp dạy học ở chính ngôi nhà của cha mẹ ông ở Trung Thái - Duy Trinh. Theo lời kể của các cụ già nay đã gần 90 tuổi, là học trò trong các lớp học ngày đó kể lại, ông dạy một lúc 5 lớp, học trò phần lớn ở Phú Bông ngũ thôn, ngoài ra còn có một số ở các vùng lân cận như Đông Yên, Thi Lai, Trà Kiệu, Mã Châu…Có thời gian số học trò theo học đông, có các người em của ông là Hồ Thấu và Hồ Liên lúc này đã nghỉ học về quê dưỡng bệnh đã giúp ông đứng lớp.
Ở Duy Trinh lúc này có hai trường công dạy sơ học yếu lược, một ở Đông Yên và một ở Trung Thái. Trường sơ học Trung Thái nằm ở Đò Gặp (gần nhà thờ tộc Thái hiện nay). Cả huyện Duy Xuyên lúc này cũng chỉ có một trường tiểu học công lập ở phủ lỵ, không có trường tiểu học tư thục nào.
Thời kỳ này, ông Võ Dẫn ở Thi Lai đã sáng chế ra khung cửi máy, đưa ngành dệt lụa tơ tằm ở Duy Trinh phát triển cực thịnh, đã biến đổi một vùng quê thành những làng nghề ươm tơ, dệt lụa có trình độ kỹ thuật cao, sản xuất hàng hóa lớn, thương mại dịch vụ phát triển, mang lại đời sống ấm no, sung túc cho đại bộ phận dân cư trong vùng. Một số gia đình làm nghề dệt trở nên khá giả, họ sẵn sàng đóng góp tiền của để con em họ có một chỗ để học chữ gần nhà, khỏi phải lặn lội ra Vĩnh Điện hoặc xuống tới Hội An. Nhân dịp này, ông cùng các ông Nguyễn Đình Cừ (Ấm Cừ), Huỳnh Cự, Phan Đán ở Phú Bông và các ông Trương Thắng, Mai Tuyển, Trương Kỉnh, Cửu Diễn ở Thi Lai vận động xin phép mở trường tư thục lấy tên Tân Tân tại địa phận làng Trung Thái, tiếp giáp với Thi Lai. Đây là ngôi trường tiểu học tư thục hợp pháp đầu tiên ở phủ Duy Xuyên[4].
Trường Tân Tân được xây trên một khu đất rộng, mái ngói tường vôi, cửa lớn và cửa sổ đều lắp kính, nền láng xi măng. Bàn ghế của thầy và trò đều đóng theo quy cách do nha Học chánh quy định. Sân trường có diện tích rộng, có đường tập chạy, có hố nhảy…Trường dạy đủ 6 lớp bậc tiểu học thời bấy giờ, chịu sự giám sát chặc chẽ của nha Học chánh.
Là một trường tư thục nhưng trường Tân Tân chỉ thu học phí tượng trưng, mọi chi phí giáo dục đều dựa vào sự đóng góp của các nhà hảo tâm ở Phú Bông và Thi Lai.
Học sinh Tân Tân đi thi bằng tiểu học, bằng sơ học đều có tỷ lệ đỗ rất cao, có cả thủ khoa, vì vậy học trò các nơi khác như Trà Kiệu, Mã Châu, Hà Nhuận, Bàn Thạch, Quế Sơn …đến xin học rất đông.
Ông Hồ Nghinh là người sáng lập trường, cũng là người trực tiếp đem kiến thức và những tư tưởng tiến bộ truyền thụ lại cho học sinh. Những thế hệ học trò của ông ở trường Tân Tân về sau nhiều người tham gia kháng chiến, có người tham gia Tỉnh ủy, Thường vụ Tỉnh ủy, sĩ quan cao cấp trong quân đội.
Tên Tân Tân mà ông chọn để đặt tên cho một ngôi trường dân lập trước cách mạng Tháng Tám có ý nghĩa rất sâu xa. Sau này, khi tìm hiểu qua cuộc đời hoạt động chính trị của ông, có nhiều trường hợp ông đã sử dụng một cách tài tình các điển tích, điển cố trong sách xưa vào những tình huống cụ thể để tuyên truyền, giác ngộ; làm cho người nghe thấm thía, chấp nhận và tự giác làm theo.
Trong những năm 1943 - 1944, ông liên lạc với cán bộ Việt Minh, tiếp thu chủ trương của Việt Minh về đánh Pháp đuổi Nhật cứu nước. Năm 1945, ông tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở xã Duy Trinh. Sau khởi nghĩa vì bị bệnh nên phải tạm nghỉ hoạt động một thời gian. Dưỡng bệnh xong, cấp trên chỉ định ông làm Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện Duy Xuyên. Năm 1946, ông gia nhập hàng ngũ những người cộng sản, tham gia cấp ủy tại huyện nhà. Năm 1947, làm Phó bí thư huyện ủy Duy Xuyên. Đến tháng 1 năm 1949, tham gia Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Một năm sau được bầu vào Thường vụ Tỉnh ủy, làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh. Năm 1954 Hiệp định Genevơ được ký kết, đất nước tạm thời chia làm 2 miền để chờ 2 năm sau sẽ tiến hành tổng tuyển cử. Do chủ trương đưa đại bộ phận cán bộ, bộ đội chuyển quân ra Bắc, song vẫn để lại một bộ phận khác hoạt động, ông Hồ Nghinh được tổ chức ra hoạt động công khai dưới cái vỏ bọc bên ngoài là Bí thư Đảng Xã hội Quảng Nam. Cũng lập trụ sở, trương bảng hiệu đàng hoàng. Nhưng treo biển ngày hôm trước thì ngay ngày hôm sau chính quyền miền Nam đã đưa người đến vây bắt. Năm lần bảy lượt cuối cùng ông phải lên núi, sau đó ra miền Bắc.
Năm 1956, gặp lúc Pháp đề nghị hai bên cử sĩ quan đi tìm mồ mả vì trong chiến tranh đã có nhiều lính Pháp bỏ xác trên miền Bắc, phía Việt Nam đồng ý và cũng là dịp cử sĩ quan vào tìm mồ mả ở phía Nam. Ông Hồ Nghinh được cử vào đoàn sĩ quan này. Sau khi giải thể đoàn sĩ quan đi tìm mồ mả, đầu năm 1956 ông được điều đi tham gia công tác sửa sai trong cải cách ruộng đất ở Nam Định.
Từ năm 1957 - 1959 ông được điều về công tác tại khu vực Vĩnh Linh, làm Thường vụ Khu ủy phụ trách công tác Dân vận - Mặt trận. Trong năm 1959, khi có Nghị quyết Trung ương 15, Ban thống nhất Trung ương bắt đầu tổ chức các đoàn cán bộ về lại miền Nam. Ông Hồ Nghinh là một trong những người đầu tiên trở lại miền Nam tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống xâm lược tại chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng và Khu 5. Ông được phân công tham gia Tỉnh ủy, rồi sau đó vào Thường vụ tỉnh ủy. Năm 1961 được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Năm 1963 được cử làm Bí thư tỉnh ủy Quảng Đà. Từ năm 1964 - 1972 là Khu ủy viên Khu ủy 5, trực tiếp làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà. Năm 1973 được Đại hội Đảng Bộ khu V cử vào Thường vụ Khu ủy, phụ trách phong trào các đô thị. Từ năm 1973 - 1975 là Thường vụ Khu ủy, Bí thư tỉnh ủy Quảng Đà.
Từ năm 1975 – 1982 là Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng, đại biểu Quốc hội khóa VI, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng khóa V.
Trong suốt hai cuộc kháng chiến từ năm 1945 đến năm 1975, chỉ trừ khoảng 4 năm được Trung ương điều ra công tác ở miền Bắc, hai mươi sáu năm còn lại với các cương vị Bí thư Huyện ủy, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy, Thường vụ Khu ủy V, ông Hồ Nghinh luôn có mặt ở những nơi gian khổ ác liệt nhất của chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng và Khu V. Trong cuộc chiến đấu sinh tử này, ông Hồ Nghinh đã để lại cho đồng bào, đồng chí và chiến sĩ ở Quảng Nam – Đà Nẵng nhiều ấn tượng sâu sắc về trí tuệ, nhân cách, ý chí kiên cường và tinh thần quả cảm.
Là người lãnh đạo cao nhất ở chiến trường Quảng Đà, là vị tướng không quân hàm (báo chí Sài Gòn thời đó khi đưa tin về chiến trường Quảng Đà thường gọi ông là thiếu tướng Việt cộng Hồ Nghinh), ông đã tổ chức và chỉ đạo sâu sắc, là chỗ dựa và niềm tin, là ngọn cờ tập hợp, là tấm gương cổ vũ cho tất cả nhân dân và chiến sĩ Quảng Đà.
Là người chỉ huy thường xuyên ở phía trước, mặt giáp mặt với quân thù. Trong những ngày gian nan ác liệt ở Gò Nỗi, ven sông Thu Bồn, ở vùng giáp ranh núi Hòn Tàu hay những ngày tổng tiến công nổi dậy tết Mậu Thân giữa lòng đô thị Đà Nẵng, người lính già quả cảm, người chỉ huy Hồ Nghinh đã có những quyết định chỉ đạo sắc bén, sát thực tế.
Nhà văn Nguyên Ngọc, người đã có nhiều năm công tác gần ông trong thời gian chiến tranh đã viết: “Sự dũng cảm của anh Hồ Nghinh dường như là sự tổng hợp hài hòa nhuần nhuyễn đến mức tự nhiên, gần như thản nhiên, giữa cái đức hy sinh quên mình truyền thống của những người anh hùng dân tộc, cái khí tiết trầm tĩnh, thâm thúy của nhà nho, với cái minh mẫn trí tuệ của con người hiện đại”[5].
Ông Hồ Nghinh là con người giàu nhân nghĩa, suy nghĩ thấu đáo, đối nhân xử thế khoan hòa không chỉ với nhân dân, đồng chí mà cả những người bên kia chiến tuyến. Những văn nghệ sĩ, những thuộc cấp và cộng sự của ông trong chiến tranh đã kể lại nhiều câu chuyện về cách suy nghĩ và hành xử của ông, một người lãnh đạo có tầm cao về văn hóa. Xin nêu một vài câu chuyện:
Câu chuyện thứ nhất: Thời đó người ta thường có định kiến với những văn nghệ sĩ, trí thức, xem họ là thành phần tiểu tư sản ít được tin cậy. Riêng ông Hồ Nghinh lại luôn đối xử trân trọng với họ, tạo mọi điều kiện tốt nhât để họ cống hiến cho cách mạng, những khi vui ông thường gọi họ là các anh em “tạch tạch sè”. Ông Nguyễn Đình An, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng kể lại: “Có ai đó nói với anh Nghinh rằng mấy anh em báo chí văn nghệ chúng tôi là tiểu tư sản. Anh cười nói lại: “Mấy ông ăn chuối cây, chúng nó cũng ăn chuối cây. Mấy ông thái to chấm mắm. Nó xắt nhỏ như thuốc rê lại bóp bột cam Mỹ, ăn ngon hơn thế là chúng nó văn minh hơn chứ”[6].
Câu chuyện thứ hai: Ngay khi Hiệp định Paris vừa ký kết cuối tháng 01.1973, từ chiến khu trên núi Hòn Tàu, ông Hồ Nghinh đã trao đổi với những người cộng sự về kế hoạch bảo vệ Musée Chàm khi về tiếp quản Đà Nẵng, nơi lưu giữ những tác phẩm điêu khắc của nền văn minh Chămpa rực rỡ nhiều thế kỷ trước, sau này đã được công nhận là di sản văn hóa của nhân loại.
Câu chuyện thứ ba: Ngay giữa cuộc chiến tranh ác liệt, hận thù chồng chất, ông Hồ Nghinh đã nghĩ đến ngày đất nước sẽ yên bình, mọi người sẽ cùng nhau sống trong sự hòa hợp dân tộc, không để lại vết hằn trong lòng các thế hệ tương lai.
Có một người ở phía bên kia mắc nhiều tội ác với cách mạng, đã bị bắt hai lần, lần trước được tha, lần bị bắt sau ông ta nghĩ rằng chắc sẽ khó thoát tội chết nên tỏ ra “tiết tháo”, ăn nói khinh thị. Những đồng chí của ông Hồ Nghinh cũng muốn xử tử ngay người nầy cho hả giận. Ông Hồ Nghinh chỉ thị cấp dưới giam giữ và đối xử với ông ta tử tế, vạch rõ tội lỗi của ông ta đã gây ra và tuyên truyền đường lối của cách mạng. Sau đó một thời gian, ông Hồ Nghinh đã có một quyết định bất ngờ là tha tội chết và cho phóng thích ông ta. Từ chỗ đang hung hăng, ăn nói bất cần, người nầy bỗng sụp xuống khóc, lạy tạ như một đứa trẻ con. Nhiều đồng chí của ông Hồ Nghinh không đồng tình với quyết định này, ông ôn tồn nói: “Đúng là tội ác của y tày đình. Nhưng y đã già. Hãy rộng lượng cho y được chết bằng cái chết già đang đến, cái chết không để lại vết hằn trong lòng con cháu y”[7].
Khi đất nước chuyển sang thời bình, ông Hồ Nghinh tiếp tục cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng từ năm 1975 đến năm 1982. Trong công cuộc tái thiết và xây dựng quê hương sau chiến tranh, là người lãnh đạo hàng đầu ở địa phương, ông Hồ Nghinh đã để lại nhiều dấu ấn trong thời gian này. Một số công việc ông đã chủ trương và đã trực tiếp chỉ đạo thực hiện, thể hiện nơi ông bản lĩnh, tầm nhìn có tính nhân văn sâu sắc.
Ngày 30.3.1975, ngày thứ hai sau khi tiếp quản Đà Nẵng, ông Hồ Nghinh với cương vị Chủ tịch ủy ban quân quản đã ra lệnh xuất gần 2000 tấn gạo từ kho gạo tịch thu được để cứu đói cho dân, không phân biệt họ là cán bộ, đảng viên, cơ sở cách mạng hay gia đình binh lính, sĩ quan chế độ cũ. Đồng thời tạo mọi điều kiện để đưa người dân tản cư ở các đô thị và trại tập trung trở về quê hương. Bảo đảm nhu cầu ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh cho nhân dân khi trở về quê cũ, thực tế lúc này là những vùng đất hoang tàn, đổ nát bởi chiến tranh.
Trong sự nghiệp tái thiết quê hương; nhà trí thức, nhà lãnh đạo Hồ Nghinh đã đưa ra nhiều chủ trương cụ thể nhưng cũng hàm chứa nhiều điều ông suy nghĩ sâu xa hơn. Chẳng hạn nhân trên đà người dân trở về quê cũ, phải vận động người dân thay đổi cách sống, dời đổi phong tục để sao cho cuộc sống ngày càng đổi mới, văn minh hiện đại, phù hợp với xu thế thời đại. Nếu không nhân cơ hội này tiến hành làm ngay thì ngày sau sẽ khó.
Cùng với việc cấp đất cho người dân hồi cư làm nhà ở, ông chỉ đạo các địa phương phải quy hoạch lại đường làng ngõ xóm trong những khu dân cư. Các tuyến đường cũ ngày trước được nắn lại cho thẳng hoặc phóng lại tuyến mới, cùng với việc quy hoạch các tuyến đường ngang theo ô bàn cờ. Quy định cho người dân xây dựng nhà mặt trước hướng ra đường để vừa đẹp vừa tiện lợi trong việc kết nối hệ thống điện, nước sinh hoạt sau này. Ngày nay, hệ thống đường giao thông nông thôn của nhiều địa phương ở các huyện đồng bằng bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, trong đó có xã Duy Trinh quê ông được quy hoạch hiện đại cũng đã được thực hiện từ chủ trương này.
Thời trước, mồ mả ông bà được chôn cất rải rác khắp nơi, thậm chí chôn ngay trong vườn, trong xóm. Phần lớn mồ mả được chôn cất ở các cánh đồng, chiếm nhiều diện tích canh tác và là hang ổ của chuột bọ, sâu bệnh phá hoại mùa màng. Ngoài việc bàn bạc, đề ra chủ trương trong ban lãnh đạo, ông Hồ Nghinh đã trực tiếp xuống từng địa phương để vận động nhân dân đồng tình việc di dời mồ mả ông bà đến nơi cao ráo, dành đất ruộng để trồng lúa giải quyết cái ăn. Và, cái quan trọng nhất của chủ trương này là đưa nghĩa địa từng tộc họ đến một nơi riêng biệt, con cháu dễ chăm sóc, thăm viếng; giải quyết nhu cầu tâm linh và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Đối với người dân ở Quảng Nam – Đà Nẵng bao đời nay, việc động chạm đến mồ mả ông bà là điều tối kỵ. Có nhiều người ban đầu phản ứng quyết liệt với chủ trương này. Tuy nhiên, nhờ kiên trì vận động, người dân đã được thuyết phục và đồng tình thực hiện di dời mồ mả, nhờ vậy làng xóm đã phong quang hơn, diện tích đất đai canh tác lương thực đã gia tăng đáng kể.
Ông Hồ Nghinh cũng là người có tầm nhìn xa trong việc bảo tồn những công trình văn hóa ở Quảng Nam để sau này trở thành di sản văn hóa của nhân loại. Nếu không có ông can thiệp và chỉ đạo kịp thời, người ta đã triệt hạ các công trình kiến trúc cổ ở đô thị cổ Hội An do sự thiếu hiểu biết và nhận thức sai lệch lúc bấy giờ.
Tương tự, nếu không có chỉ đạo kịp thời của ông, chính quyền địa phương đã cho ngăn con đập Khe Thẻ để lấy nước tưới cho vài mẫu ruộng ở vùng Tây Duy Xuyên. Việc này nếu được thực hiện, có nghĩa khu đền tháp Mỹ Sơn, kiến trúc cổ xưa hơn cả mà nền văn minh Ấn Độ còn để lại ở Đông Dương đã vĩnh viễn bị vùi sâu dưới lòng hồ thủy lợi.
Mặc dù còn nhiều thiếu thốn, bề bộn trong những năm đầu tái thiết quê hương, ông Hồ Nghinh và ban lãnh đạo tỉnh đã có một quyết định táo bạo và kịp thời là khởi công xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh vào năm 1977, lấy nước tưới cho 26.000 héc ta ruộng khô cằn ở các huyện Núi Thành, Phú Ninh, Tam Kỳ, Thăng Bình, Quế Sơn và một phần huyện Duy Xuyên, nhờ vậy đã giải quyết kịp thời và căn bản vấn đề lương thực cho cả tỉnh, làm thay đổi diện mạo nhiều làng quê và đổi đời cho nhiều số phận.
Cùng với việc khôi phục sản xuất nông nghiệp, ông Hồ Nghinh cũng đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp khôi phục và phát triển các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, xây dựng các nhà máy ươm tơ, khôi phục nghề dệt vải tại các địa phương trong tỉnh.
Trong cải tạo Công thương nghiệp và phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở Quảng Nam – Đà Nẵng, ông Hồ Nghinh cũng đã có những quyết định linh hoạt, khôn khéo hạn chế đến mức thấp nhất những mất mát bởi những sai lầm, chủ quan lúc bấy giờ.
Năm 1982 ông được điều về Hà Nội giữ chức vụ Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, phụ trách lĩnh vực phân phối lưu thông. Làm việc ở Trung ương, có điều kiện đi đây, đi đó nhiều nơi, tiếp cận nhiều hơn với những vấn đề ở tầm vĩ mô, ông Hồ Nghinh đã hình thành những suy nghĩ mới, những cách làm mới mà ít người lúc đó đã nghĩ tới.
Thời gian ra công tác ở Ban Kinh tế Trung ương, ông Hồ Nghinh đã để lại dấu ấn đậm nét trong công cuộc đổi mới vào năm 1986, là người góp phần không nhỏ trong việc xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, tìm hướng đi mới cho nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Chế độ quan liêu, bao cấp đã hình thành ở miền Bắc từ những năm đất nước còn chiến tranh, với mục đích huy động mọi nguồn lực cho chiến trường. Sau ngày đất nước thống nhất, chế độ này vẫn được tiếp tục duy trì nên đã đưa đất nước vào thời kỳ khủng hoảng trầm trọng; nền kinh tế mất cân đối; sản xuất đình trệ; lạm phát tăng cao, lên mức đỉnh 774,7% vào năm 1986; hàng tiêu dùng thiết yếu bị thiếu hụt trầm trọng; đời sống người dân vô cùng khó khăn.
Ngay từ thời còn làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, ông Hồ Nghinh đã thể hiện những suy nghĩ và hành động về việc phá bỏ cơ chế này. Bà Nguyễn Thị Lãnh, nguyên là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong thời kỳ ông Hồ Nghinh còn làm Bí thư của tỉnh, viết: “Anh sớm phát hiện những hạn chế của chế độ quan liêu, bao cấp. Do những qui định ràng buộc đối với quyền hạn và trách nhiệm của địa phương áp dụng cho miền Bắc từ trước ngày miền Nam giải phóng, sau này lại đem áp dụng cho cả miền Nam. Anh thường nói “phải phá rào” chứ không nói chung chung là “thay đổi”. Phải phá cái cơ chế đó …Anh Hồ Nghinh dám nói những điều cách đó mười năm người ta chưa dám nói, đó là phản ánh chế độ quan liêu bao cấp. Việc ấy lúc bấy giờ, ít ai dám nói, vì sợ người ta cho là làm trái với quan điểm của Đảng”[8].
Ông Hồ Nghinh là một trong những người đóng góp tích cực cho quá trình chuẩn bị Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986. Sự đóng góp của ông đã được các nhà lãnh đạo cấp cao, những người cộng sự có trách nhiệm đã từng khẳng định sự nghiệp đổi mới này phần lớn bắt nguồn từ suy nghĩ và đóng góp tích cực của ông.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết “Sau đại hội V, anh về công tác tại Ban Kinh tế Trung ương. Anh Nghinh cùng một số anh em có đồng quan điểm như anh Hà Nghiệp, anh Đoàn Duy Thành, cùng các chuyên viên đã góp phần làm rõ những nguyên nhân dẫn đến trì trệ trong xây dựng kinh tế do cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp ngự trị quá lâu, cần phải đổi mới toàn diện. Những trăn trở suy nghĩ đó được bộc lộ khá mạnh từ phía anh, đã góp phần cho quá trình chuẩn bị Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, một nghị quyết đóng vai trò then chốt để đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay. Tiếp sau trong quá trình thực hiện tôi có dịp gặp gỡ trao đổi riêng với anh Hồ Nghinh. Anh vẫn kiên định về sự nghiệp đổi mới của đất nước và thường bày tỏ sự lo ngại về lực cản của sự phát triển”[9].
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình viết “Anh là một người có trí tuệ, suy nghĩ sâu sắc, có bản lĩnh vững vàng, cũng như nhiều đồng chí, đầy tâm huyết với sự nghiệp của đất nước. Sau khi đất nước thống nhất, anh trăn trở trước vô vàn khó khăn trở ngại của đất nước. Theo tôi, những suy nghĩ và ý kiến của anh Nghinh đã đóng góp vào việc tìm ra đường lối “đổi mới” của Đảng. Rất tiếc lúc đó tuổi của anh, hoàn cảnh của anh không cho phép anh đi vào thực tế để thể nghiệm những ý kiến của mình, để có những đóng góp cụ thể, xác đáng hơn”[10].
Nói về trí tuệ và bản lĩnh của ông Hồ Nghinh trong công cuộc đổi mới, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã có những dòng như là đúc kết: “ Đọc khá nhiều sách kinh điển Mác - Lênin, kiến thức rộng, ảnh hưởng văn hóa Pháp khá sâu, cộng với tính khí của tỉnh nhà, lại là người có suy nghĩ, có nghiên cứu, trải qua nhiều năm tháng nơi chiến trường ác liệt, anh có cái nhìn rất thực tế về tình hình xã hội và chủ trương chính sách chung của ta. Đà Nẵng là thành phố lớn, tuy sau này phát triển nhảy vọt do Mỹ sử dụng làm căn cứ vừa tiền tiêu vừa hậu cần phía Bắc Trung Bộ, song vẫn hình thành những nét của chủ nghĩa thực dân mới. Anh Hồ Nghinh có dịp tiếp cận với một hình thái kinh tế xã hội phương Tây hiện đại nên khi đi vào xây dựng, anh đủ thực tế để tán thành cái đúng và không ngại phê phán cái mà anh cho là chưa đúng”[11].
Để hiểu được ý nghĩa và đóng góp của ông Hồ Nghinh trong công cuộc đổi mới này, xin hãy đọc ý kiến nhận định của giới sử học: “Người giữ vai trò kiến trúc sư trưởng của công cuộc Đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo hồi ấy là ông Trường Chinh, đó là điều đã được lịch sử thừa nhận. Tuy nhiên có không ít thông tin cho thấy dường như ông Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương thân quý của chúng ta cũng có tác động đáng kể đến quá trình đổi mới của ông Tổng Bí thư ngay đêm-trước-của-đổi-mới. Chắc chỉ là nhàn đàm trà dư tửu hậu giữa hai bậc tiền bối cách mạng thôi chứ không phải họp hành làm việc chính thức gì cả, nhưng những gì ông Hồ Nghinh trao đổi bộc bạch này – bằng tất cả sự trải nghiệm thực tế hơn sáu mươi năm, bằng tất cả tâm huyết của một người từng vào sinh ra tử một lòng một dạ trung thành với Đảng với Dân và bằng cả cái chất giọng Quảng Nam hay cãi, có lẽ đã góp phần tạo nên trong ông Trường Chinh một ấn tượng sâu đậm, thậm chí một cú hích tư duy đủ để người hai lần giữ chức Tổng Bí thư có thể từ bỏ những cách nghĩ cách nhìn quen thuộc song đã lỗi thời”[12]
Những năm tháng cuối cuộc đời, ông Hồ Nghinh về sống trong một căn nhà nhỏ bên bờ biển Bắc Mỹ An, thành phố Đà Nẵng. Nơi đây, người trí thức Hồ Nghinh, người lãnh đạo chính trị Hồ Nghinh, người lính già Hồ Nghinh vẫn dõi theo thời cuộc, vẫn ưu tư trăn trở khi xã hội có nhiều đổi thay không theo như mong ước mà vì nó ông đã cống hiến cả cuộc đời.
Thời gian này, nhà thơ Thu Bồn, một người làm việc cùng ông thời ở chiến khu đã đến thăm và làm tặng ông một bài thơ “Người tắm biển kỳ lạ”[13].
NGƯỜI TẮM BIỂN KỲ LẠ
Kính mến tặng anh Hồ Nghinh, nguyên Ủy viên Ban chấp hành
Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Quảng Nam Đà Nẵng
Trên bờ biển Tiên Sa
Có một ông già múc nước đại dương đổ vào thau chậu
Mỗi sáng mai ông tắm
Sóng nước tự mình tạo ra
Lũ trẻ đi ngang vô tình cười diễu
Chúng biết đâu núi Chúa ngắm Sơn Trà
Từ trên đỉnh Ô Rây xưa ông từng mơ ước
Có ngày về tắm lội nước Trường Giang
Nay sông đã cạn rồi còn biển
Khí phách con người đâu để níu phao bơi
Sóng vô tư nhưng trò đời ai biết?
Chỉ chậm chân là biển nuốt phăng trời
Bèo bọt hùa vào hòng khỏa lấp
Bỡ bãi quê mình lóng lánh kim cương
Xưa ông lái thuyền giờ ông lái sóng
Hai tay ghìm bờ cho bến bãi đừng trôi.
(Trích từ tập sách Gói nhân tình của Hoàng Minh Nhân, NXB Văn học, tr 105)
Từ một trí thức yêu nước, ông Hồ Nghinh đã sớm lựa chọn con đường làm người chiến sĩ trong cuộc đấu tranh dân tộc và tiên phong xã hội mới, trở thành một nhà lãnh đạo có tâm, có tầm. Tuy không xuất thân từ “Cửa Khổng sân Trình” song nhờ được hấp thu những tinh hoa Nho học, bám sâu sắc vào trong gốc rễ bản sắc văn hóa dân tộc, giữ được cái hồn cốt cao quý của nhà Nho cộng với sự học hỏi, tích lũy tri thức thời đại nên ông Hồ Nghinh có trí tuệ sắc sảo, tư duy hiện đại, lãnh đạo điều hành công việc chặc chẽ, khoa học nhưng vẫn luôn giữ cho mình phong cách điềm tĩnh, ứng xử nhẹ nhàng, lời lẽ tự nhiên nhưng vô cùng minh triết. Ông là hiện thân của những sĩ phu đất Quảng như lời nhận xét của những nhà viết sử của Quốc sử quán triều Nguyễn thời trước khi viết về sĩ phu Quảng Nam: “Sĩ phu có khí tiết cứng cỏi dám nói, nhưng vì thổ lực không hậu và thế nước chảy gấp, nên tính tình hay nóng nảy ít trầm tĩnh, duy có người nào học vấn uyên thâm mới không bị phong khí ràng buộc”.
Từng lời nói, từng việc làm của ông Hồ Nghinh đều chứa đựng một chữ “Đạo”: đạo làm người, đạo trời đất, đạo ở đời của những Nho sĩ thuở trước. Ông đã áp dụng những đạo lý đã tiếp thu thành châm ngôn hành động của mình trong thực tiễn.
Từ thời còn làm ông giáo trường làng, việc đặt tên Tân Tân cho một ngôi trường do ông tham gia sáng lập có thể được ông lấy từ một ý tưởng sâu xa. Theo bài viét “Duy Trinh - Nơi sinh ra Hồ Nghinh, nơi sinh ra trường Tân Tân” đăng trong tập sách Hồ Nghinh - Một chiến sĩ, một con người thì hai chữ “Tân Tân” được giải thích là mới mới, đổi mới, đột phá từ giáo dục để canh tân quê hương…
Ông Trần Văn Tân[14] viết bài “Người tôi yêu quý và tin tưởng nhất” có kể câu chuyện cùng ông Hồ Nghinh đi sửa sai sau cải cách ruộng đất ở Xuân Trường, Nam Định. “Tôi đi họp ở Xuân Trường, thấy dân đắp đê, không gánh như trong mình, mà họ đội đất. Tôi định nói với anh Nghinh điều tôi thấy đó. Chưa kịp nói thì anh đã nói với tôi chuyện đó, và anh tiếp: “Hồi còn trẻ, ông học chữ Hán, ông có nhớ câu: “nhứt nhựt tam tỉnh ngộ thân”, tức là hàng ngày phải tu dưỡng ba lần để coi lại mình thử trong ngày đó mình tốt hay xấu”[15]. Thì ra, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông Hồ Nghinh cũng luôn luôn nhớ lời dạy của thánh hiền để tự sửa mình.
Chưa thấy ai giải thích chữ “Tân Tân” khác cách giải thích trên, riêng người viết bài này trộm nghĩ, một người có kiến thức uyên bác, có suy nghĩ thâm thúy và một tầm nhìn xa trông rộng như ông Hồ Nghinh, có lẽ cái tên Tân Tân có nghĩa lý sâu rộng này được ông vận dụng từ sách vở.
Sách Đại Học của Tăng Tử, một trong bốn tác phẩm kinh điển của Nho học Trung Hoa[16] có câu “Thang chi bàn minh viết: “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân” nghĩa là: Nơi chậu tắm của vua Thang có khắc hàng chữ để cảnh tỉnh như vậy, hàng ngày hãy thành thật mà đổi mới, càng ngày càng mới lại luôn luôn ngày nào cũng mới ”. Câu ấy có ý nghĩa như vậy: mỗi ngày vua Thành Thang đến tắm thấy hàng chữ ấy mà nhớ rằng những điều mình cáu nhiễm trong tâm cũng như mình tẩy sạch những món dơ bẩn dính vào thân. Đó là ngài luôn luôn đổi mới cả thân và tâm[17].
Là một người tinh thông Nho học cộng với việc hấp thụ những tư tưởng tiến bộ của nhân loại, ngay từ lúc còn đang làm một ông giáo trường làng, ông đã nung nấu suy nghĩ phải đổi mới con người, đổi mới xã hội thông qua những việc làm cụ thể. Ông và những người sáng lập trường Tân Tân đặt kỳ vọng sẽ đào tạo ra một lớp người để xây dựng một xã hội mới, tiến bộ: Đã mới rồi, ngày ngày càng đổi mới, tiếp tục đổi mới.
Người ta kể, ở Duy xuyên trong thời kỳ chiến tranh, chính quyền miền Nam lập những khu dồn và gom dân vào ở trong đó để kiểm soát; người dân hàng ngày được phát lương thực, thực phẩm tiêu dùng, tuy nhiên cảm giác mất tự do là thấy rõ, nhiều người muốn về lại làng cũ nhưng còn e sợ. Về phía cách mạng, nếu để mất dân là mất chỗ dựa, mất phong trào. Năm 1973, một lần ông Hồ Nghinh về một xã gần đồn Kiểm Lâm (nay là xã Duy Hòa) công tác, nghe các cán bộ địa phương báo cáo tình hình như vậy, ông suy nghĩ phải làm sao cho dân phá rào về làng cũ nhưng tránh đổ máu. Kiến thức Nho học trong ông đã giúp ông nghĩ được một cách làm độc đáo. Ông biết trong số dân ở khu dồn có nhiều cụ già có học, thông hiểu chữ Nho, có uy tín với dân làng; ông liền viết một lá thư trong đó có đôi câu đối rồi cho người mang vào đưa tận tay các cụ:
Lung kê hữu thực oa thang[18] cận
Dã hạc vô lương thiên địa khoang
Các cụ nhận được thư, bàn nhau ý nghĩa của hai câu đối của ông Hồ Nghinh muốn nói: dân ở trong khu dồn giống như con gà, tuy được cho ăn uống đầy đủ nhưng có cái nồi nước sôi ở bên (trước sau cũng bị giết thịt), còn làm con hạc ngoài đồng, tuy phải tự kiếm cái ăn nhưng lại có trời đất mênh mông (tự do). Từ đó các cụ vận động người dân tìm cách bỏ khu dồn về làng cũ.
Một cán bộ ở Duy Xuyên kể, có một lần nghe ông Hồ Nghinh về nói chuyện với cán bộ huyện trong một hội nghị mở rộng về xây dựng chính quyền khoảng năm 1980. Ông nói về vai trò người cán bộ đảng viên trong tình hình mới. Người kể chuyện nhớ mãi ông dùng một câu trích dẫn từ truyện Tam Quốc: “Cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ” có nghĩa là: tận tụy hết lòng, đến chết mới thôi. Câu này ông lấy từ sự tích lịch sử thời Tam Quốc bên Trung Hoa. Gia Cát Lượng dâng Hậu xuất sư biểu lên Thục Hán Hậu chủ (tức Lưu Thiện là con của Lưu Bị) vào năm Kiến Hưng thứ 6 (226). Bài biểu một mặt trình bày những khó khăn của cuộc Bắc phạt lần thứ hai phản ánh qua các sự kiện lịch sử thời đầu Tam Quốc, mặt khác Hậu xuất sư biểu thể hiện quyết tâm hết lòng hết sức của Gia Cát Lượng vì Hậu chủ mặc dù việc thành bại của Bắc phạt bản thân ông không thể định đoạt. Bài biểu có hai câu nói nổi tiếng sau này đã trở thành biểu tượng cho lòng trung thành của Gia Cát Lượng với nhà Thục Hán nói riêng và của bầy tôi với vua chúa phong kiến Trung Quốc nói chung: “cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ”.
Trong hội nghị cũng có nhiều người đã từng đọc truyện Tam Quốc, biết Lưu Bị, Khổng Minh, nhưng ít ai còn nhớ chứ nói gì đến việc đưa câu nói này làm phương châm xử thế. Khi nghe ông Hồ Nghinh nhắc đến câu này, ai cũng thấy thích thú và khâm phục sự uyên bác của người lãnh đạo cao nhất của tỉnh, một người bận nhiều việc nhưng lại nhớ nằm lòng một câu nói nổi tiếng của Khổng Minh. Đem câu nói của người xưa để liên hệ với ngày nay, nhắc nhở tinh thần trách nhiệm của những cán bộ ở địa phương, thật là trí tuệ, thâm thúy nhưng cũng rất nhẹ nhàng. Ai nghe cũng thấm thía.
Giáo sư Vĩnh Linh trong bài viết “Người anh lớn với trí thức Đà Nẵng” có kể lại câu chuyện thời bao cấp: “Hồi đó bà Thúy, chủ quán bún chả cá ở chỗ hai nhà lầu to, góc đường nhà anh Phan Tứ, tất cả cán bộ mình đến ăn, người ta bảo rẻ, ngon. Nhân chuyện bà Thúy giỏi bán bún chả cá, nhiều người muốn dẹp để mậu dịch ăn uống làm, anh Nghinh phát biểu: “Người ta có khả năng làm, người ta có tiền, người ta ăn, chớ sao buộc người ta theo mình, không ăn? Người ta có tiền người ta ăn, để mình lấy tiền thuế làm chuyện khác”[19].
Nhà văn Nguyên Ngọc đã phát hiện sự độc đáo ở con người ông Hồ Nghinh, ông cho đó là điểm khác biệt ở ông Hồ Nghinh so với những người đương thời. “Tôi thấy, có lẽ tất cả những người thuộc thế hệ anh, được đào tạo và có quá trình hoạt động như anh, thuộc cùng một lớp người cách mạng của một giai đoạn đặc biệt của cách mạng Việt Nam như anh, hình như ở anh có một điểm rất khác, anh là một con người hết sức tự do, hiểu theo nghĩa đúng nhất và tốt đẹp nhất của từ này. Anh luôn giữ một sự tự do, độc lập có vẻ nhẹ nhàng nhưng cũng rất triệt để trong tư duy, anh không để mình bị cầm tù trong bất cứ một ý thức tư tưởng chính thức hay giáo điều nào khống chế mình. Con người đầy dũng khí cách mạng ấy cũng lại là một con người có sức nghĩ và tiếp nhận rất rộng mở đối với tất cả những tư tưởng mới mẻ, không tự để cho mình bị bất cứ một định kiến tư tưởng nào kìm hãm, và luôn lấy thực tiễn đời sống của nhân dân, quyền lợi và hạnh phúc lâu dài của nhân dân làm tiêu chuẩn duy nhất cho những định hướng suy nghĩ và hành động của mình…Theo một cách nào đó, cũng có thể coi đó là một con người thực sự đạt được sự “thoát tục” …”[20].
Với những cống hiến xuất sắc, ông Hồ Nghinh được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, truy tặng anh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều huân huy chương các loại. Tên ông đã được đặt tên cho hai con đường lớn ở thành phố Đà Nẵng và thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam. Đây không chỉ là niềm tự hào cho gia đình, dòng họ mà còn là niềm tự hào cho những người dân xã Duy Trinh quê ông và cho cả những người dân đất Quảng.
Vượt lên trên những vinh danh và ca ngợi thường tình, hình ảnh ông Hồ Nghinh, anh Ba Phước, ông Già Áo Xanh …vẫn còn in đậm trong ký ức của nhiều người dân, nhiều bạn bè, đồng chí và cán bộ chiến sĩ ở Quảng Nam - Đà Nẵng, những người đã cùng ông đi qua một thời lửa đạn. Nhiều người vẫn yêu kính khi nhắc đến tên ông Hồ Nghinh, họ gọi ông là: “Người lính già quả cảm, người Chính ủy thân yêu, người Chỉ huy tuyệt vời”[21].
Hậu thế sẽ còn mãi nhắc đến ông, người đã ghi những dấu ấn đậm nét trên một chặng đường lịch sử Đất Quảng: Hồ Nghinh - một sĩ phu Đất Quảng. Hồ Nghinh - một chiến sĩ, một con người. Hồ Nghinh - một nhân cách lớn. Hồ Nghinh - một con người thật sự tự do[22].
HỒ TRƯỜNG
(Trích từ bản thảo tập sách: Đất và người Duy Trinh những thế kỷ trước của Hồ Trường)
[1] Theo các tài liệu lịch sử, lần đánh nhau thứ tư vào năm 1648 tại cửa biển Nhật Lệ, quân Trịnh thua to, quân Nguyễn bắt sống được 3 vạn tù binh. “Chúa cùng các tướng bàn cách khu xử những tàn quân bị bắt. Có người cho rằng quân giặc tráo trở để đấy thì sợ sinh biến, không bằng đưa họ đi chốn núi sâu hay hải đảo để khỏi lo về sau; lại có người cho rằng giết tướng hiệu đi, còn thì thả về Bắc. Chúa nói: “Hiện nay từ miền Thăng (tức phủ Thăng Hoa), Điện (tức phủ Điện Bàn) trở vào Nam đều là đất cũ của người Chăm, dân cư thưa thớt, nếu đem chúng an tháp vào đất ấy, cấp cho canh ngưu điền khí chia ra từng hộ từng xóm, tính nhân khẩu, cấp cho lương ăn để chúng khai khẩn ruộng hoang, thời trong khoảng mấy năm, thuế má thu được có thể giúp quốc dụng, và sau hai mươi năm, sinh sản ngày nhiều, có thể thêm vào quân số, có gì mà lo về sau! Bèn tha bọn Gia, Lý và bọn tỳ tướng hơn 60 người về Bắc, rồi chia tan số binh ra ở các nơi, cứ 50 người làm một ấp, đều cấp cho lương ăn nửa năm. Lại ra lệnh cho nhà giàu bỏ thóc cho họ vay và cho họ được tìm lấy những lợi núi đầm mà sinh sống. Từ đó từ Thăng, Điện đến Phú Yên làng mạc liền nhau, về sau thành hộ khẩu”
[2] Đại Nam nhất thống chí tập 1, NXB Lao động- Trung tâm Văn hóa Đông Tây, tr 334
[3] Khi vua Hàm Nghi bị bắt, Tôn Thất Đạm đang đóng quân ở Hà Tĩnh. Nghe tin, ông đã triệu tập các tướng lĩnh đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của mình lại và khuyên mọi người nên trở về quê quán làm ăn, song chớ nhận chức quyền gì của triều đình mới.
[4] Cho đến năm 1938, toàn phủ Duy Xuyên chỉ có một trường tiểu học công lập ở phủ ly, chưa có trường tiểu học tư thục nào.
[5] Nguyên Ngọc – Một con người hoàn toàn tự do (Hồ Nghinh – Một chiến sĩ, một con người –NXBĐN)
[6] Nguyễn Đình An – Những ngày ấy anh Nghinh và báo chí văn nghệ ( Sách đã dẫn)
[7] Nguyên Ngọc – Một con người hoàn toàn tự do – sđd
[8] Nguyễn Thị Lãnh – Một tấm gương trong sáng về đạo đức, tài giỏi về lãnh đạo (in trong tập sách Hồ Nghinh, một chiến sĩ một con người, NXBĐN, tr 382)
[9] Võ Văn Kiệt – Anh là một người trung thực và có chủ kiến, (in trong tập sách Hồ Nghinh, một chiến sĩ một con người, NXBĐN, tr 8).
[10] Nguyễn Thị Bình – Anh Hồ Nghinh là chỗ dựa cho lớp đàn em đi sau, sđd , tr 13
[11] Trần Bạch Đằng – Hồ Nghinh một sĩ phu Đất Quảng, sđd, tr 27
[12] Thạc sĩ Bùi Văn Tiếng – Hồ Nghinh một trí thức CM giàu thực tiễn (Kỷ yếu hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông do Hội KHLS Đà Nẵng tổ chức tại Đà Nẵng tháng 3.2013)
[13] Hoàng Minh Nhân – Gói nhân tình, NXB Văn học, tr 105 - 106
[14] Nguyên Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh QN-ĐN
[16] Là một trong bốn quyển sách hợp thành bộ Tứ thư nổi tiếng của Trung Quốc.
[17] Tứ Thư – Đoàn Trung Còn dịch, NXB Thuận Hóa-Huế 1996, tr 9
[18] Oa: cái nồi, thang: nước nóng (Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh)
[19] Hồ Nghinh – Một chiến sĩ, một con người tr 134
[21] Trích trong bài viết của ông Nguyễn Đình An, nguyên CT UBMTTQVN thành phố Đà Nẵng
[22] Là tựa đề các bài viết đăng trong tác phẩm “Hồ Nghinh – Một chiến sĩ, một con người”. NXB Đà Nẵng.
 |
Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng Hồ Nghinh trong ngày vui đại thắng mùa xuân 1975 (ảnh tư liệu). |
 |
Ảnh tư liệu về đồng chí Hồ Nghinh. |
 |
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh thời kỳ ở Hòn Tàu. |
Một số đường dẫn để tham khảo thêm về Ông Hồ Nghinh
https://baodanang.vn/channel/5399/201208/anh-hung-ho-nghinh-2183062/
http://www.danangcity.gov.vn/portal/page/portal/danang/chinhquyen/gioi_thieu/danh_nhan?p_pers_id=&p_folder_id=6904289&p_main_news_id=9194566&p_year_sel=
http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/nhip-song/ong-bi-thu-cuu-hai-di-san-van-hoa-the-gioi-2832903.html