Làm nông có phải là một nghề

28/05/2014, 17:52
Chia sẻ cùng bạn bè

LÀM NÔNG CÓ PHẢI LÀ MỘT NGHỀ

 

Nghề theo từ điển tiếng Việt, là công việc của người chuyên làm để sinh nhai. Nghề là một lĩnh vực hoạt động lao động mà trong đó, nhờ được đào tạo, con người có được những tri thức, những kỹ năng để làm ra các loại sản phẩm vật chất hay tinh thần nào đó, đáp ứng được những nhu cầu của xã hội. 

Công việc làm nông thuở xưa không ai gọi là một nghề để mưu sinh, sản phẩm làm ra từ sản xuất nông nghiệp lúc bấy giờ chỉ phục vụ cho cái ăn hàng ngày, công việc làm được lặp đi lặp lại và sản phẩm thu được từ làm nông cũng không có gì thay đổi. Tổ tiên ta chưa có khái niệm làm nông là một nghề, vì cho rằng nói đến nghề là phải nói đến khoa học và kỹ thuật, kỹ năng, nghề là cái gì đó mà nó phái khó nhiều hơn làm nông, không phải chỉ nghe, nhìn thấy mà có thể làm được ngay, còn làm nông ai ai mà chẳng biết, do vậy người xưa có câu: “Ruộng bề bề không bằng một nghề trong tay” là vậy.

 

Khi khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi chưa được đưa vào áp dụng trong sản xuất nông nghiệp thì cái cảnh một nắng hai sương, bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, đi không ai thấy về không thấy ai, hạt cây giống gieo trồng xuống đất nếu ít lâu không có được trận mưa giông cho đậm thì nỗi lo toan của nông dân: giống sẽ không nẩy mầm, hạt giống lên rồi vẫn ngong ngóng chờ mưa cho cây trồng tươi tốt thì mới mong trổ hoa kết nụ mới có ngày thu hoạch sản phẩm, cây sắn bãi, sắn đồi cũng khao khát những trận mưa giông lắm, đấy là chưa nói đến nhưng năm lũ lụt sớm cuống trôi các loại cây trồng, ngoài việc ở đồng án, mỗi nhà đều có nuôi con heo cầm chuồng, nuôi ít con gà thả rông để chờ lớn mà cúng giỗ, ăn thịt....Nỗi vất vả của nghề nông ngày ấy là vậy. Ai dám chắc rằng làm nghề nông sẽ khấm khá hơn chứ chưa dám ước mơ giàu lên từ nghề nông.  Phú hộ, địa chủ ngày trước đất đai, ruộng nương, trâu bò nhiều như thế... trả công thuê lao động rẻ mạt...mà trong số họ cũng không mấy người giàu có ở thuở ấy. Quê mình cũng vậy thôi các bạn ạ.

 

Vậy làm nông có phải là một nghề không? Chủ quan tôi cho rằng đấy cũng là một nghề, bởi vì lấy nó để mà sinh sống hết đời này đến đời khác. Tổ tiên ta ngày trước thường nói: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”. Hạt gạo là hạt ngọc của trời cho, nó quý hiếm biết đến chừng nào! Nếu lỡ bị mất mùa gạo không giáp hạt thì nguy cơ thiếu đói cơm. Ngày nay khi đời sống vật chất ngày càng được nâng lên, đã có nhiều loại lương thực thực phẩm đáp ứng cái ăn hàng ngày cho con người, nhưng chưa ai dám chắc rằng trong cái ăn hàng ngày mà sẽ không cần dùng đến cơm nấu từ hạt gạo!

 

Như nhiều vùng quê khác ở trung trung bộ, Duy Xuyên (Quảng Nam) từ khi có con người đặt chân đến vùng đất này, các cư dân Thanh Nghệ cũng đã biết khai hoang vỡ hóa để trồng cây lương thực để có cái ăn, trồng cây chống xói lở ven sông suối, ven đồi để chắn gió ngăn gió lũ bảo vệ nhà cửa và đất đai sản xuất... Biết trồng cây tre và dùng tre để làm nhà cửa chuồng trại, đan đác ghe, mủng, bầu, bội... Biết dùng trâu bò để làm sức kéo để phục vụ cho công việc làm nông.

Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội, vì hầu hết cư dân các vùng nông thôn ở Việt Nam đa số làm nghề nông, con người đã sử dụng đất đai để trồng trọt  chăn nuôi, khai thác cây trồng và vật nuôi để làm tư liệu sản xuất và nguyên liệu phân bón đầu tư lại cho cây trồng ...

Dựa vào khái niệm trên, sản xuất nông nghiệp cũng được xem như một nghề trong xã hội, nhóm cư dân tập trung ở một vùng để sản xuất một loại cây trồng, chế biến... chung cùng sản xuất ra một loại hàng hóa, thì người ta gọi là là làng nghề, làng nghề phát triển có tính chuyên sâu cao phục vụ cho đời sống con người và tồn tại qua nhiều đời thì người ta gọi là nghề truyền   thống... Trong điều kiện hiện nay, nghề nông chỉ có tồn tại và phát triển chứ không thể tiêu vong được, mặc dù một số ngành nghề trong nông nghiệp có bị mai mọt...

         Ở quê ta, từ lâu ngoài nghề nông như trồng cây lương thực (lúa, bắp, khoai, sắn,...), cây thực phẩm, chăn nuôi gia súc gia cầm, còn có nghề truyền thống là trồng dâu nuôi tằm – Ươm tơ dệt lụa, không những phục vụ đời sống cư dân tại chỗ mà còn bán được ra thị trường trong nước và cả đến nước ngoài. Người dân quê tôi có câu “Làm ruộng ăn cơm nằm – làm tằm ăn cơm đứng”. Công việc trồng dâu - nuôi tằm khác nhiều với với trồng và chăm sóc các loại cây trồng và chăn nuôi các loài súc vật khác, nó đòi hỏi phải vừa đảm bảo tính khoa học kỹ thuật cao và vệ sinh môi trường an toàn cho cây trồng (lá dâu, thức ăn của con tằm) và con vật nuôi (con tằm). Người quê tôi gọi nghề nông này là tàm tang (con tằm ăn là dâu làm tổ thành con kén rồi nhả ra sợi tơ)

         Đã từ lâu kinh tế của người dân ở quê tôi chủ yếu sống dựa vào việc trồng lúa nước, trồng sắn khoai bắp... mà nghề nông không phải lúc nào cũng có việc, thường chỉ tập trung những ngày đầu vụ hoặc những ngày cuối vụ thì người nông dân mới có việc làm nhiều, vất vả như: cày bừa, cấy, sạ, làm cỏ cho đến gặt lúa, phơi khô... người ta gọi nông nghiệp tấn thời, những ngày còn lại trong năm thì nhà nông xem như nhàn hạ, rất ít việc để làm. Thu nhập từ nghề nông cũng chẳng đủ trang trải cuộc sống, nếu chưa nói đến có những năm có nhiều thiên tai nắng hạn hoặc bão lũ lớn thì nghề nông xem như bị mất mùa, đời sống người làm nông lại gặp khó khăn thiếu thốn...Từ đó nhiều người đã bắt đầu tìm kiếm thêm công việc khác để làm nhằm mục đích ban đầu là cải thiện cuộc sống thường ngày và những nhu cầu thiết yếu và về sau là tăng thêm thu nhập cho gia đình để có cái ăn cái để, đầu tư sửa sang lại nhà cửa tránh mưa nắng, bão lũ. Đấy là chuyện về nghề nông quê ta nhiều thập kỹ trước...

         Từ khi quê nhà có công trình thủy lợi Vĩnh Trinh, việc trồng cây lúa nước và các loại cây trồng khác được chủ động tưới tiêu, năng suất cao hơn, khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi được áp dụng rộng rãi, đất đai được cải tạo bồi bổ, nhất là các loại cây công nghiệp ngắn ngày, cây công nghiệp dài ngày, cây công nghiệp chế biến, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải được phát triển rộng khắp nơi trong xã, thu nhập có tăng lên, đời sống vật chất và tinh thần người dân quê hương cũng được nâng lên rõ nét... Ngoài các ngành nghề trong nghề nông nói ở trên quê ta còn có nghề vấn chổi đót, chổi chà, nuôi bò, các trang trại chăn nuôi phát triển, các dịch vụ cũng phát triển phục vụ cho nghề nông, Ra đến ruộng, ra bãi sông, đồi gò mới thấy nghề nông, nghề nông ở quê ta bây giờ cũng nhiều thuận lợi, cùng với việc đường làng ngõ xóm, cầu cống, nhà cửa được xây dựng cơ bản, công tác dồn điền đổi thửa đã nâng cao năng suất cây trồng và làm tăng vẻ đẹp của một nông thôn mới...

         Những năm gần đây, trong sản xuất nông nghiệp ở quê ta được chuyên môn hóa trong tất cả các khâu sản xuất nông, gồm cả việc sử dụng máy móc trong trồng trọt, chăn nuôi, hoặc trong quá trình chế biến sản phẩm nông nghiệp. Nông nghiệp chuyên sâu có nguồn đầu vào sản xuất lớn, bao gồm cả việc sử dụng hóa chất và các biện pháp phòng trừ chuột, sâu bệnh, diệt cỏ, phân bón, lai tạo giống, ứng dụng đưa các loại các giống mới vào từng cánh đồng phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng đất, công việc thu hoạch, nhất là thu hoạch cây lúa cũng rất nhanh khi có máy gặt liên hợp, mùa thu hoạch lúa chỉ diễn ra trong vòng một tuần lễ, nhất là mùa thu hoạch dưa hấu, ớt xuất khẩu, các cây họ đậu rộn ràng niềm vui, xe máy xe tải xe container, bao thùng kẻ bán người mua tấp nập nhất là những năm được mùa. Diện mạo mới nghề nông ở nông thôn quê ta đã đổi thay rất nhiều, nếu bạn về thăm quê đúng vào những lúc này sẽ thấy niềm vui rộn ràng và hối hả của những người làm nghề nông. Làm nông ở quê tôi bây giờ không còn nông nhàn như xưa nữa, cây trồng được xen canh các loại cây công nghiệp ngắn ngày, cây thực phẩm... cùng với các ngành nghề khác nữa nên người làm nông cũng trở nên bận rộn bốn mùa.

         Nghề nông là một ngành sản xuất lớn từ bao đời nay nó bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi. Làm nông bận rộn nhiều, mùa nào thức ấy... Nghề nông cũng đã nỗi lên nhiều mô hình nông dân sản xuất giỏi. Nhờ nghề nông mà biết bao gia đình đã vượt nghèo và trở nên khấm khá. Nghề nông ở quê ta  bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. Có phải chăng làm nông là một nghề!

 

               ĐOÀN CÔNG TIẾN

                          Quê hương, Hè 2014