Lễ Bà Chiêm Sơn: Khai hội đầu xuân xứ Quảng
Theo quan niệm vũ trụ luận của Phương Đông, mùa xuân - mùa giao hòa của đất trời, là thời điểm thiêng để diễn ra nghi lễ tín ngưỡng cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, no ấm và hạnh phúc. Ở Quảng Nam, vào dịp xuân về, có rất nhiều cộng đồng làng xã tiến hành lễ hội, đặc biệt là Lễ Bà Chiêm Sơn còn giữ được nghi thức tế lễ vào ngày 12 tháng Giêng Âm lịch với nét nguyên bản xưa. Đây cũng là nơi khai hội đầu xuân của Xứ Quảng.
Làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh thuộc vùng trung du của huyện Duy Xuyên là một trong những làng xã hình thành từ rất sớm vào thế kỷ XV ở Quảng Nam khi những cư dân Thanh - Nghệ di dân vào khai phá mở mang bờ cõi với tiền hiền là tộc Nguyễn Công, Nguyễn Văn và Nguyễn Đình(1). Vào thời kỳ đầu các chúa Nguyễn (thế kỷ XVII), làng Chiêm Sơn là nơi trù phú, nổi tiếng về nông nghiệp, dệt lụa tơ tằm. Qua nhiều thế hệ phát triển, đến những năm cuối thế kỷ XIX, Chiêm Sơn, làng quê nông nghiệp phồn thịnh điển hình nhất của Phủ Duy Xuyên với “số ruộng đất của làng đã lên đến 800 mẫu kể cả công tư điền thổ, nhân khẩu trên 1500 người; thổ sản của làng là lúa, khoai, đậu phụng; nhiều nhất là sắn, mỗi năm tiêu thụ không hết phải bán ra ngoài”(2).
Duy Xuyên là thánh địa vương quốc Chăm, từ thuở đầu tiên, khi người dân Việt lưu xứ đến khai canh định cư vùng đất này, với tâm thức của cư dân nông nghiệp, họ đã gửi gắm niềm tin vào tín ngưỡng dân gian, mong trời đất thần linh phù trợ được mùa, no ấm. Vì vậy, ngay từ buổi đầu lập làng, người dân Chiêm Sơn đã dựng miếu/dinh thờ nữ thần bổn mệnh. Ngày nay, nếu có dịp đi ngang qua xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên thì sẽ thấy một ngôi miếu tọa lạc tại làng Chiêm Sơn, tổng Mậu Hoà là nơi thờ vị phúc thần với khá nhiều truyền thuyết. Dinh Bà hiện còn một pho tượng nữ thần cao khoảng 1 mét, ngồi thế “kiết già” tự nhiên, làm bằng đá sa thạch, tai dài, đầu đội mũ, chân xếp bằng, mặc áo choàng vai, chung quanh vương miện có 7 đầu rắn thần. Tượng nguyên gốc là một phù điêu nữ thần Chăm, vào khoảng thế kỷ XVII người Việt khi đến vùng đất này đã tạc lại với những chi tiết tín ngưỡng Việt mà đến nay còn rất rõ nét. Tuy nhiên, ngày trước tại Dinh Bà còn có một tượng Voi, một tượng Cù của người Chăm đều làm bằng đá(3), nơi linh thiêng này từ xưa kiêng kỵ không ai được trồng trọt và giết mổ gia súc, gia cầm.
Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa, giữa cồn cát làng An Tây xuất hiện một tảng đá giống người đàn bà, gọi là Bà Đá. Người dân trong các làng lân cận cảm nhận sự linh thiêng của tảng đá nên dự định đến chuyển về để thờ cúng nhưng không sao làm được. Nghe truyền về câu chuyện kỳ bí này, thừa một đêm trăng sáng, tám người chăn trâu ở làng Chiêm Sơn có ý định thử vận may mang Bà Đá về làng mình. Họ đã làm được và chuyển về làng định đem thờ trong ngôi chùa. Nhưng vừa đi được nửa đường qua ngọn đồi Chiêm Sơn bỗng nhiên dây khiêng bị đứt và Bà Đá rơi xuống bám chặt vào đất, người dân dùng mọi cách cũng không thể nâng lên được. Lúc này trong làng xuất hiện một cậu bé mặt đỏ tươi, miệng há hốc như đang nhập đồng, nói rằng Bà Đá là vị thần thường gọi Bô Bô Thái Dương Phu Nhân, bà quyết định ở ngay vị trí đó, không được chuyển đi đâu hết vì không muốn thờ chung với các vị phật. Để thỏa nguyện ý Bà, tám người chăn trâu làm một ngôi miếu nhỏ lợp tranh tre để thờ, mặt ngôi miếu nhìn ra nơi tìm thấy tảng đá.
Cũng có truyền thuyết thứ hai cho rằng, trong một khu rừng nhỏ làng Mậu Hoà, dân làng phát hiện một pho tượng đá. Với đức tin đó là vị thần từ trên trời giáng xuống, nhiều làng lân cận đến tìm cách chuyển về nhưng không được vì pho tượng nặng lạ kỳ. Vào một đêm trăng sáng, tám người chăn trâu làng Chiêm Sơn đem theo dây thừng, tre đến khiêng thì được. Theo ý các hương lão Chiêm Sơn thì sẽ thờ Bà chung với vị thần Cao Các(4) trong làng. Khi họ khiêng về đến nơi hiện nay là Dinh Bà, thì bỗng nhiên dây bị đứt, họ cố khiêng về làng nhưng pho tượng có sức ỳ khủng khiếp, rơi xuống đất đè lên người khiêng, ý muốn nói chỉ thờ một mình Bà mà thôi.
Ngoài, ra một tài liệu cổ ở Duy Xuyên ghi chép là “Theo truyền khẩu của các ông hào cựu thì Bà Thái Dương Phu Nhơn, hồi trước cốt bà nầy tự nhiên nổi lên trên mặt nước bến Tây An, nơi rừng cấm Mậu Hòa. Các làng lân cận, khi ấy thấy thế, đến xin rước bà về thờ, nhưng bao nhiêu dân đến gánh không nổi. Khi ấy, làng Chiêm Sơn cũng đến xin rước bà về để thờ, lại được”(5).
Cộng đồng dân làng Chiêm Sơn có đức tin Bà Đá là vị phúc thần phù trợ và tạo phúc cho làng, từ xưa đến nay đã nhiều lần làng Chiêm Sơn bị hạn hán nặng nề, sâu bọ phá hoại mùa màng, người dân đến cầu khấn tại Dinh Bà thì khỏi. Có lần cả tỉnh Quảng Nam bị hạn hán khủng khiếp, dân làng Chiêm Sơn đến khấn cầu Bà thì tức khắc mưa rơi xuống ngay giữa buổi đang làm lễ tế, lúc hương đèn còn đang cháy! Sự linh nghiệm của Bà Chiêm Sơn còn được tô thêm màu huyền thoại và lưu truyền trong dân gian là khi vua Minh Mệnh đi kinh lý Quảng Nam, có đến viếng lăng mộ Hiếu Chiêu Hoàng Hậu và Hiếu Văn Hoàng Hậu, đoàn xa giá phải đi theo con đường lộ trước dinh, thật bất ngờ khi đi ngang qua, ngựa nhà vua đang cưỡi bỗng lồng lên rồi vùng chạy, may có quan quân hộ giá nên nhà vua không bị ngã. Vua lệnh cho dân làng phải quay hướng Dinh Bà ra phía sau để tránh con đường, kể từ đó ngôi miếu được xây dựng lại và quay hướng ra cánh đồng, nhìn về phía núi cho đến ngày nay.
Vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm, dân làng Chiêm Sơn và vùng lân cận tổ chức Lễ hội Bà Chiêm Sơn mà người dân địa phương thường gọi tên dân gian là Lễ Bà. Lễ vật cúng tế do dân làng sắm sửa gồm cơm, thịt heo và trái cây, ngoài các lễ vật ấy bắt buộc phải có một con cua đồng, một nhánh tỏi, một cây cải và một con chồn, người dân nào có lòng thành thì dâng cúng một đĩa xôi và một con gà luộc. Sau lễ toàn bộ vật cúng tế đều chia cho dân trong làng và bắt buộc phải sử dụng hết trong ngày. Những người dâng lễ là các hương lão làng Chiêm Sơn, từ 20 đến 30 người, được chọn từ các vị cao niên và có uy tín trong làng, vị chủ bái đội khăn đen, áo dài thụng tay rộng màu thiên thanh, quần dài lụa trắng và đi chân trần. Ba ngày trước khi tế Lễ Bà, vị chánh bái phải kiêng cử và chay tịnh như người tu hành, trước khi tế vị chánh bái dùng một loại nước được nấu từ lá cây và hoa thơm để tắm rửa pho tượng gọi là Lễ Mộc dục. Khi mặt trời đã tắt, vào tối ngày 11, dân làng Chiêm Sơn làm lễ cúng tiên thường gọi là Lễ Túc yết để hương chức trong làng dâng lễ vật ra mắt các vị thần, mời Bà về dự (Túc: Đêm; Yết: ra mắt). Lễ vật cúng Lễ Túc yết gồm một mâm cơm, hoa quả và bánh tráng là vật cúng không thể thiếu trong các lễ cúng của người Quảng. Trong Lễ Túc yết chỉ đọc chúc cáo mà không đọc chúc văn với nghi thức 4 lạy nguyên, 4 lạy tạ và 2 lạy chúc cáo. Lễ Đại tế được tiến hành vào lúc nửa đêm, thời điểm chuyển giao giữa ngày 11 sang ngày 12 lúc giờ thiêng của thần. Sáng ngày 12 là Lễ Rước sắc từ Bến Giá bên bờ sông Thu Bồn về Dinh Bà Chiêm Sơn. Đi đầu đám rước là đội múa lân sư, đến đội chiêng, trống cái, theo sau là bát âm, kiệu nông sản và kiệu sắc do 16 trai tráng trong làng khiêng, rồi đến đoàn lính phù giá và toàn thể nhân dân trong làng cùng khách thập phương. Về đến Dinh Bà, đoàn rước dừng lại, kiệu sắc tiến vào dinh. Theo lệ cũ, sau khi rước sắc, dân làng làm lễ tuyên sắc để tưởng nhớ công đức của Bà trước khi tế thần. Đây là nghi thức Đại tế cổ truyền ở làng Chiêm Sơn, diễn ra với 20 lần xướng cùng với tiếng chiêng trống hòa với nhạc lễ trang nghiêm. Ngày xưa, lúc Đại tế, những người không tinh khiết, người say rượu, bị bệnh “nghễnh ngãng” không được vào dinh thờ; còn thường ngày, ai đi ngang qua dinh thờ phải xuống xe, xuống ngựa, ngã nón và nhất là không được nhìn thẳng vào chánh điện, nếu phạm thì lệ làng phạt một mâm trầu cau, rượu, vật tam sinh (trâu, bò, heo). Xưa kia tại Dinh Bà có lệ hát 3 năm 1 lần, nhưng những năm gần đây, vào ngày Lễ Bà đã thu hút rất đông khách thập phương, nên có thêm những hoạt động văn hóa dân gian của cộng đồng với Lễ xuống đồng, Lễ mục đồng và phần hội hè phong phú như chợ quê với các món ăn dân dã, đá gà, võ thuật, cờ tướng, múa lân sư, hô hát bài chòi, thi nghé khỏe đẹp… vào ngày 11 tháng Giêng.
Lễ Bà Chiêm Sơn không những giữ được bản sắc truyền thống, tính cố kết của cộng đồng làng xã mà còn lưu giữ tính thiêng là phần hồn quan trọng của lễ. Bởi sự cổ kính linh thiêng của ngôi miếu và uy lực siêu nhiên mà Bà Đá đem lại qua hai lần ban sắc của triều đình, Bà được sắc phong Thái Dương Phu Nhân tôn thần, tiếp đến là Trung đẳng thần. Tuy nhiên vì chiến tranh, ngôi miếu và cả đình làng Chiêm Sơn ở xóm La Ngà xưa kia bề thế nhất vùng đã bị tàn phá, sau này dân làng mới quyên góp để xây dựng lại. Năm 2011, khi nghiên cứu di sản Hán Nôm, chúng tôi đã sưu tầm được 14 sắc phong làng Chiêm Sơn, trong đó có 8 sắc phong thần Cao Các (ngày 17.9 năm Minh Mạng thứ 7; ngày 4.12 năm Thiệu Trị thứ 3, ngày 14.5 năm Thiệu Trị thứ 3, ngày 25.9 năm Tự Đức thứ 3, ngày 24.11 năm Tự Đức thứ 33, ngày 1.7 năm Đồng Khánh thứ 2, ngày 11.8 năm Duy Tân thứ 3, ngày 4.7 năm Khải Định thứ 9); 4 sắc phong Thành Hoàng (ngày 17.9 năm Minh Mạng thứ 7, ngày 14.4 năm Thiệu Trị thứ 3, ngày 14.5 năm Thiệu Trị thứ 3, ngày 25.9 năm Tự Đức thứ 3) và đáng chú ý nhất là 2 sắc phong và toàn bộ văn tự thần tích Bà Chiêm Sơn. Theo tài liệu lưu trữ, năm 1943, Hội Folklore Đông Dương (thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ - BEFEO) đã tiến hành nghiên cứu, khảo tả về Lễ bà Chiêm Sơn, Hội có công văn giao cho Đốc học Quảng Nam tại Hội An đề nghị giáo sư Chung Lợi Chúc, Hiệu trưởng Trường trung học Trung Thái, giáo sư Trường trung học Mỹ Xuyên Đông, Trường Thanh Châu (phủ Duy Xuyên) gửi gác bản trình, trong đó ghi lại lời kể của của ông Lưu Tấn Tu, 80 tuổi, ông Nguyễn Hợi 54 tuổi, lý trưởng làng Chiêm Sơn và ông Lưu Tú 82 tuổi cùng ở làng Chiêm Sơn (cả 3 tài liệu trên đều viết bằng tiếng Pháp - Quyển số XX 12, 15, 16 - Viện Khoa học xã hội).
Hai sắc phong như sau:
敕廣南省濰川縣屬隸瞻山社、奉事太陽夫人之神、護國庇民稔著靈應、向來未蒙頒給敕文。肆今丕承、耿命緬念神庥著封為嫻婉翊保中興之神、特準依舊奉事。神其相佑保我黎民。欽哉。維新五年閏陸月初捌日。
Phiên âm: Sắc Quảng Nam tỉnh Duy Xuyên huyện thuộc lệ Chiêm Sơn xã, phụng sự Thái Dương Phu nhân chi thần, hộ quốc tý dân nẫm trứ linh ứng, hướng lai vị mông ban cấp sắc văn. Tứ kim phi thừa, cảnh mệnh miễn niệm thần hưu trứ phong vi Nhàn Uyển Dực Bảo Trung Hưng chi thần, đặc chuẩn y cựu phụng sự. Thần kỳ tương hữu bảo ngã lê dân. Khâm tai. Duy Tân ngũ niên nhuận lục nguyệt sơ bác nhật (Dịch nghĩa: Sắc ban cho làng Chiêm Sơn thuộc huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam được thờ thần Thái Dương Phu Nhân. Là vị thần có công bảo hộ đất nước và giúp nhân dân rất linh ứng. Nhưng từ trước đến nay chưa được ban cấp một sắc văn nào. Nay ta vâng nghiệp lớn luôn tưởng nghĩ đến các vị thần bèn ghi danh sách phong tặng cho thần hiệu là Nhàn Uyển Dực Bảo Trung Hưng chi thần. Đặc biệt phê chuẩn y như cũ để thờ phụng, ngài sẽ bảo vệ dân. Ta rất kính vậy. Ngày mồng 8 tháng 6 nhuận năm thứ 5 niên hiệu Duy Tân -1911)
敕廣南省濰川縣屬隸瞻山社、從前奉事原贈貞婉翊保中興太陽夫人尊神護國庇民稔著靈應。節蒙頒給敕封、準許奉事肆今正直、朕四旬大慶節經頒寶詔覃恩禮隆登秩。著加贈齋靜中等神特準其奉事、用志國慶而申祀典。欽哉。啟定玖年柒月二十五日。
Phiên âm: Sắc Quảng Nam tỉnh Duy Xuyên huyện thuộc lệ Chiêm Sơn xã, tùng tiền phụng sự nguyên tặng Trinh Uyển Dực Bảo Trung Hưng Thái Dương Phu Nhân tôn thần, hộ quốc tý dân nẫm trứ linh ứng. Tiết mông ban cấp sắc phong, chuẩn hứa phụng sự tứ kim chánh trực, Trẫm tứ tuần đại khánh tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân lễ long đăng trật. Trứ gia tặng Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần, đặc chuẩn kỳ phụng sự dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai. Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật. (Dịch nghĩa: Sắc ban cho làng thuộc lệ Chiêm Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam theo như trước có phụng thờ vị thần Trinh Uyển Dực Bảo Trung Hưng Thái Dương Phu Nhân tôn thần, đã giúp nước phù dân vô cùng linh hiển. Nay tới kỳ ban cấp sắc phong cho thần để thờ phụng, nhân đại lễ mừng thọ Trẫm 40 tuổi, triều đình long trọng ban chiếu sắc phong. Gia tặng tước hiệu Trai Tĩnh Trung Đẳng thần, đặc biệt phê chuẩn cho dân xã phụng thờ thần theo điễn lễ ghi trong khánh tiết triều đình. Trẩm rất kính trọng vậy. Ngày 25 tháng 7 năm thứ 9 niên hiệu Khải Định -1925).
Với những tài liệu xưa để lại, có thể khẳng định Lễ Bà Chiêm Sơn là một trong những lễ/lệ tín ngưỡng dân gian phổ biến trong nhân dân về thờ Mẫu - Mẹ xứ sở, mà người địa phương thường gọi chung là Bà như các vùng khác ở Quảng Nam: Bà Thu Bồn (Duy Xuyên), Bà Chợ Được (Thăng Bình), Bà Phường Chào (Đại Lộc), Thất vị nữ thần (Điện Bàn), Thần Nữ (Tam Kỳ)… Tín ngưỡng thờ Mẫu dân gian đã song hành theo bước chân cư dân Việt ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ vào phương Nam, để rồi vừa tích hợp đa nguồn vừa tiếp thu tín ngưỡng thờ nữ thần bản địa của văn hóa Champa để biến thể thành tín ngưỡng của người Việt.
Chiêm Sơn là đất địa linh, nơi đây có lăng mộ Hiếu Chiêu Hoàng Hậu Đoàn Quý Phi - được tôn vinh là Bà chúa tàm tang, Hiếu Văn Hoàng hậu Mạc Thị Giai, Chùa Vĩnh An(6) (còn gọi là Chùa Vua, Chùa Ngự) - nơi các vua Nhà Nguyễn ở khi đến viếng lăng mộ tổ tiên, Bến Giá - bến thuyền vua neo đậu... và không xa là Di chỉ khảo cổ học Mậu Hòa, Lăng Bà Thu Bồn, Thánh địa Mỹ Sơn. Trong đó Dinh Bà Chiêm Sơn rất có giá trị về văn hóa bởi nó còn nét nguyên bản của lễ tế xưa gắn các nghi thức tín ngưỡng nông nghiệp rất độc đáo mà ít nơi ở Quảng Nam còn giữ được(7), đây cũng chính là nét son để cộng đồng người dân tự hào về truyền thống văn hóa làng xã tiêu biểu và nổi bật nhất của vùng đất Duy Xuyên.
TÔN THẤT HƯỚNG
Chú thích:
(1): Quảng Nam tỉnh tập biên, mục Phủ Duy Xuyên (bản tiếng Hán, ký hiệu A.3116, Viện Nghiên cứu Hán Nôm): tiền hiền làng Chiêm Sơn gồm 3 tộc họ là Nguyễn Công - Thủy tổ là Nguyễn Tấn Triều; Nguyễn Văn - Thủy tổ là Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Đình - Thủy tổ là Nguyễn Đình Tứ
(2), (5): Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Quảng Nam xã chí (bản viết tay, ký hiệu Ạ.23/4), mục làng Chiêm Sơn, tổng Mậu Hòa, phủ Duy Xuyên.
(3): Theo tài liệu Viện Viễn Đông Bác Cổ, đây là yếu tố đan xen văn hóa Việt - Chăm: Tượng thờ Bà Chiêm Sơn nguyên là tượng nữ thần Lakshmi; tượng Voi là Ganesa, tượng Cù là Makara là tác phẩm điêu khắc Champa.
(4) Cao Các là vị sơn thần ở vùng Trung du, theo bản tiếng Hán “Cao Các tôn thần sự tích”, vào thời Minh Mạng, cả nước có 1519 làng xã thờ thần Cao Các.
(6): Chùa Vĩnh An được xây dựng vào khoảng cuối thời Chúa Nguyễn. Năm Minh Mạng thứ 5, nhà vua cho trùng tu lại chùa, đúc Đại hồng chung nặng 181 cân; đến năm Tự Đức thứ 26 đúc thêm nặng 234 cân (cao 1,2m; đường kính 0,8m, dày 4cm) có khắc 6 chữ: Vĩnh Diện lăng - Vĩnh An tự, ngoài ra nhân dịp này còn cho đúc 6 tượng Phật bằng đồng.
(7): Trước đây Lễ xuống đồng vào ngày 12 tháng Mười và Lễ mục đồng ngày 15 tháng Ba (ÂL) do dân làng quyên góp tổ chức, lễ vật cúng gồm một con gà, xôi, chè, trà, rượu; sau khi tế xong lễ vật được chia cho những người dân đến dự.