Lê Đồng Lợi - Người khai sinh nghề dệt vải tuýt - xo Quảng Nam

30/07/2014, 21:36
Chia sẻ cùng bạn bè

 LÊ ĐỒNG LỢI
 NGƯỜI KHAI SINH NGHỀ DỆT VẢI TUÝT - XO QUẢNG NAM

 

 

Ông Lê Đồng Lợi (1894 - 1990)

Cùng thời với ông Võ Dẫn ở Thi Lai sáng chế ra khung cửi máy, mở ra thời kỳ phát triển cực thịnh cho nghề ươm tơ dệt lụa xứ Quảng Nam, ông Lê Đồng Lợi ở Đông Yên lại là người có công cải tiến máy ươm tơ tằm và là người mở đầu cho nghề dệt vải tuýt-xo (tussore) Quảng Nam nổi tiếng một thời.

Ông Lê Đồng Lợi sinh năm Giáp ngọ (1894) tại làng Đông Yên, quê hương của cô thôn nữ hái dâu họ Đoàn, người sau này trở thành Hiếu Chiêu Hoàng Hậu, được nhân dân tôn vinh là Bà chúa Tàm tang xứ Quảng.

Tổ tiên vốn người miền Bắc, theo dòng người di dân vào nam lập nghiệp. Ban đầu đến lập nghiệp tại Thuận Hóa, mấy đời sau mới có người vào lập nghiệp ở Đông Yên. Tính từ cụ tổ vào Đông Yên đến ông Lê Đồng Lợi là được năm đời.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất dâu tằm tơ lụa, ngay từ lúc còn trẻ ông Lê Đồng Lợi đã nuôi ý tưởng canh tân ngành nghề truyền thống của quê nhà. Năm 15 tuổi, ông đã một mình tìm đường ra Nam Định, nơi có nghề dệt lụa phát triển để học hỏi thêm kỹ thuật về nghề ươm tơ, dệt lụa đến sáu năm. Năm 21 tuổi ông trở về quê, mang theo những kinh nghiệm đã học được, ông tổ chức một cơ sở ươm tơ, dệt lụa tại quê nhà Đông Yên.

Theo địa bạ Gia Long năm 1812, làng Đông Yên thời đó có tên là Đông An Tây châu[1], là một trong 48 làng của thuộc Hoa Châu, phủ Thăng Hoa. Toàn diện tích 446 mẫu 2 sào 10 thước, trong đó tư thổ (trồng dâu) là 292 mẫu 8 sào 5 thước, diện tích đất trồng dâu của Đông Yên lớn hơn tổng diện tích đất trồng dâu 5 làng của Phú Bông và 3 làng của Thi Lai cộng lại (283 mẫu). Vì vậy, nghề nuôi tằm, ươm tơ vốn là thế mạnh ở của người dân Đông Yên, trong khi nghề dệt lụa là thế mạnh của người dân Phú Bông và Thi Lai.

Cây dâu, con tằm, cái kén, sợi tơ đã trở thành nguồn sinh kế của bao thế hệ người dân Duy Trinh, trở thành nghề truyền thống. Ngày nay, do nhiều tác động khách quan, ngành nghề này dần dần mai một. Theo đà phát triển khoa học kỹ thuật và sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng, có thể rồi đến một ngày nào đó, cây dâu con tằm sẽ chỉ còn đọng lại trong ký ức của những người già. Người viết xin bạn đọc dành một chút thời gian tìm hiểu đôi nét về nghề này; để rồi đây, cho dù vùng đất Duy Trinh hoàn toàn vắng bóng cây dâu, không thể nào còn tìm thấy những sợi tơ vàng nữa; nói như đại thi hào Nguyễn Du: “Mai sau dù có bao giờ”[2], thì trang viết này cũng có thể giúp cho các thế hệ ngày sau biết đến một ngành nghề truyền thống đã từng nuôi sống bao thế hệ ông cha, một thời mang lại sự phồn vinh và danh tiếng của quê mình.

Đầu tiên là nghề trồng dâu nuôi tằm. Theo sách sử thì ngày xưa, người ta dùng giống dâu thân lớn, lá nhỏ và mỏng, ngày nay người ta gọi là cây dâu Chăm. Giống dâu này hiện nay vẫn còn được trồng trong vườn ở các huyện trung du Quảng Nam. Có lẽ đây là giống dâu mà Cristophoro Boris, một nhà truyền giáo Châu Âu ở xứ Đàng Trong đã viết từ năm 1621 “Họ có nhiều tơ lụa đến nỗi dân lao động và người nghèo cũng dùng hàng ngày. Vì thế đã hơn một lần tôi rất thích thú khi thấy đàn ông, đàn bà khuân vác đá, đất, vôi và những vật liệu tương tự mà không hề cẩn thận giữ cho áo đẹp và quí họ mặc khỏi rách hay bẩn. Điều này không có gì lạ, nếu biết rằng có những cây dâu cao lớn người ta hái lá để nuôi tằm được trồng trong những thửa ruộng rộng lớn như cây gai bên ta và mọc lên rất chóng”[3].

Người trồng dâu ở Quảng Nam thời gian sau này chủ yếu sử dụng giống dâu bầu thân nhỏ nhưng lá lớn, dày, năng suất cao.

 Ở các huyện đồng bằng, đất bãi màu mỡ, thích hợp với cây dâu bầu, năng suất cao nên người ta đã tập trung cho giống nầy và bỏ dần những giống dâu có trước đó. Sau tiết đông chí, khi đất đã im, mưa lớn không còn, người ta tiến hành dọn đất trồng dâu. Đất được dọn sạch cỏ, dùng cuốc đánh thành từng luống rồi cắm hom dâu. Hom dâu, dài chừng 3 tấc, chọn ở những đoạn thân dâu giống khoẻ, mập mạp, không bị bệnh. Ở những bãi do bị cát vùi lấp sau những trận lũ, người trồng dâu phải dùng những cái mai cán dài để đào những lỗ sâu, tìm đến lớp đất phù sa nằm dưới lớp cát rồi mới dùng những hom dâu dài cắm xuống đó.

 

Cây dâu Chăm hàng trăm tuổi được sưu tầm ở vùng trung du Quảng Nam,
hiện được trồng tại khu du lịch Làng Lụa Hội An, chiều cao khoảng 10 mét

Hầu như người ta không bón phân cho cây dâu, vì đất trồng dâu khá màu mỡ. Bốn tháng sau khi trồng, nắng xuân ấm áp, dâu đã có thể cho lứa thu hoạch lá đầu tiên và cứ thế sau 7 ngày lại là một lần hái lá dâu. Mùa dâu cho lá, cũng là mùa nuôi tằm, ươm tơ.

 

 

Bến mộng Gia Hòa xanh ngát dâu

Áo tơ vàng cũ biết tìm đâu

(Đi giữa đôi bờ - thơ Tường Linh)

Muốn nuôi tằm, người ta phải làm nhà riêng hoặc buồng riêng cho tằm, chỉ có người chăn tằm mới được ra vào chăm sóc. Nhà tằm thường là nhà tranh, che kín bốn mặt, chỉ có một cửa ra vào rộng hơn đường kính của nong tằm với vài ô cửa nhỏ cho thông thoáng. Các cửa sổ đều có rèm tre che kín nhằm ngăn ruồi nhặng vào cắn đốt tằm. Tùy theo quy mô nhà tằm, người ta để một hay nhiều cái đũi (khung bằng tre có nhiều tầng dùng để những nong tằm), trên đũi có khoảng 7- 8 nong tằm.

 

 

Trứng tằm được cung cấp từ những cơ sở chuyên sản xuất trứng, người ta cho bướm tằm (con ngài) giống đẻ trứng trên những tờ giấy bản rồi bán cho người nuôi. Khi tằm nở, người ta hái những lá dâu non, xắt thật nhỏ, nhuyễn như thuốc cứa (thuốc lá xắt để quấn giấy quyến) rải sương lên lớp tằm mới nở để cho tằm bắt dâu, tức là tằm con biết ăn, nổi đều lên lớp dâu đã được xắt nhuyễn ấy.

Tằm đã bắt dâu, thì sang qua trẹt (như cái sàng, nhưng đan khít không chừa lỗ). Lúc này, tằm ngủ để rụng lông. Qua mỗi giai đoạn trưởng thành, tằm thường ngủ một ngày một đêm. Mỗi tuần, tằm ngủ một lần. Sau một lần ngủ, tằm đi từ thời kỳ rụng lông, đến ăn mốt, ăn hai, ăn ba còn gọi là thức lớn, hoặc ăn rộ, tằm bắt đầu tin, đến chộ, đến tróc, tức tằm chín đều và bắt bỏ lên bủa để làm kén.

Qua từng thời kỳ trưởng thành như vậy, người ta sang tằm từ trẹt, qua nia, qua nong, để tằm được trải dàn đều. Tất cả những vật dụng trên được đặt trên một cái đũi. Nếu lứa tằm tốt, thì ngày tin sẽ chín vài ba con (da con tằm bóng lên và có màu hồng hồng, gọi là chín), ngày sau chộ sẽ chín khoảng một bàn tay người lớn, ngày tiếp theo là tróc, nghĩa là chín đều, trên 95%. Để cho mí tằm (lứa tằm) được tốt thì người ta phải đầu tư phần lớn công sức chăm sóc. Từ lúc tằm ăn hai, mỗi ngày phải thay phân một lần, nếu không, phân tằm ứ đọng bốc hơi lên, tằm sẽ bị bệnh. Trên các đũi phủ màn tránh ruồi, hoặc những tấm sáo (tre vót nhỏ như tăm hương, rồi kết dính lại bằng những sợi chỉ), vì ruồi là một trong những duyên cớ chính làm tằm mắc bệnh. Nếu mí tằm nào gặp phải tằm lưng đầu (mới ăn xong thì xanh cả con, nhưng chừng 5 phút thì phía đầu trong vắt, không còn màu xanh như phía đuôi), tằm da vải (da mốc và dày), tằm da mủ (nổi từng khúc không đều, đụng tới thì chảy nước), tằm hơi (mới ăn xong thì xanh, nhưng chừng 5 phút thì trắng nõn) coi như bỏ công, bởi có ráng nuôi chỉ tốn công, tốn của.

Nhà nuôi tằm phải thoáng mát. Chế độ cho tằm ăn cũng phải chấp hành nghiêm ngặt. Mỗi ngày cho tằm ăn ít nhất 6 lần: Sáng - nửa buổi - trưa - nửa chiều - tối -khuya. Và tuỳ sức lớn hàng ngày của tằm mà người ta xử lý dâu. Thời kỳ tằm rụng lông, dâu phải non và xắt nhuyễn. Tằm ăn mốt, dâu được xắt nhỏ nhưng không cần nhuyễn lắm. Tằm ăn hai, dâu hái về giũ sạch, bỏ nhánh, rải nguyên lá vào nong. Tằm ăn ba, chỉ cần giũ sạch dâu, rồi bỏ nguyên cả cộng lẫn lá không cần phải chọn, vì vậy có câu “ăn như tằm ăn lên”. Nuôi tằm là một nghề vất vả “Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, kinh nghiệm bao đời qua của nhân dân địa phương đã nói lên sự vất vả và công kỹ của nghề này.

Ở Duy Xuyên, người ta thường nuôi tằm vào những tháng nắng ráo, khoảng từ tháng hai đến tháng 8 âm lịch. Mùa mưa lụt ít ai nuôi, bởi lá dâu đã bị bùn non đóng. Nơi nào có nuôi được, thì khi “vầy”, tức là rải tằm lên bủa để làm kén sẽ phải mất rất nhiều công sức. Phía dưới mỗi cái bủa thường phải để lò than sưởi ấm, thậm chí bên trên bủa đôi lúc còn phải phủ tấm chiếu. Nếu không làm như vậy, tằm bị lạnh, khó mà nhả tơ. Phần lớn số kén này bị tan, ươm không đạt. Khi đem bán lại không được giá. Tuy nhiên, việc nuôi tằm trong mùa mưa - gọi là nuôi “tằm chặp” – có mục đích để mót dâu, tức là để tiêu thụ số lá dâu ở vùng cao ráo, tránh lãng phí.

Chu trình phát triển của con tằm.



 

Tằm là loại biến hình trùng đặc biệt: ăn, ngủ, lột xác, đẻ trứng …theo từng giai đoạn riêng biệt. Khi ăn, tằm ăn cả ngày lẫn đêm không ngủ; khi ngủ lại ngủ suốt ngày đêm không ăn, thức dậy là lột xác lớn gấp bội. Sau nhiều lần ăn, ngủ như vậy, tằm lớn có màu vàng óng sẽ không ăn nữa mà kéo kén, làm tổ, biến thành nhộng rồi hóa ra con ngài cắn tổ chui ra tìm nhau giao hợp, đẻ trứng xong rồi chết.

Người nuôi tằm phải biết tập tính của tằm, luôn theo dõi bữa ăn giấc ngủ của chúng, tránh gió độc, gió lùa, nhiệt độ cao; không để côn trùng xâm nhập cắn phá, biết xắt lá dâu đúng cỡ theo từng thời kỳ tăng trưởng của tằm, phải chịu khó thức khuya dậy sớm chăm sóc và cho tằm ăn .

Nuôi tằm là một nghề vất vả, lại chịu nhiều ảnh hưởng từ thời tiết, môi trường. Mỗi khi thấy tằm lớn không đều, da tằm tái bủng, đít tằm teo thì chỉ còn một cách là đem cả lứa tằm đổ đi để khỏi tốn công chăm sóc và bớt được tiền mua dâu. Gặp khi tằm đang lớn mà thiếu dâu ăn, năng suất kén sẽ sụt giảm ngay, người nuôi tằm như ngồi trên đống lửa:

Vì tằm thiếp phải chạy dâu

Vì chàng thiếp phải qua cầu đắng cay

Nhưng khi việc nuôi tằm suôn sẻ, tằm đã đưa lên bủa nhả tơ làm kén, người nuôi tằm thở phào nhẹ nhõm, tận hưởng niềm vui từ thành quả lao động của mình: “Làm ruộng ba năm không bằng nuôi tằm một lứa” hoặc “Một nong tằm là năm nong kén, một nong kén là chín nén tơ”.

Những cái kén là thành quả của người nuôi tằm

 

 

Hình ảnh con tằm rút ruột nhả tơ đã đi vào thi ca từ nhiều thế kỷ trước. Lý Thương Ẩn (813-858), nhà thơ lớn của Trung Quốc sống vào đời Đường đã viết:

 Xuân tàm đáo tử ty phương tận

 Lạp cự thành hôi lệ thủy can

(Con tằm đến thác tơ còn vướng/Nến thắp chưa tàn lệ vẫn sa)

Ở nước ta, có nhiều áng văn thơ đã mượn hình ảnh con tằm rút ruột nhả tơ để so sánh với sự sáng tạo và cống hiến hết mình của những người nghệ sĩ:

                        Một ngàn năm, một vạn năm

                        Con tằm vẫn kiếp con tằm vương tơ

                                                (Thơ Nguyễn Bính)

Từ công việc hái dâu, chăn tằm, đã nảy sinh nhiều mối tình thơ mộng, nổi tiếng là câu chuyện tình và tiếp sau đó là cuộc hôn nhân của cô thôn nữ họ Đoàn ở Đông Yên với chàng công tử con nhà chúa:
                                    Thuyền rồng chúa ngự nơi đâu

                                    Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình

 Hay dân dã hơn:

                                    Chiều chiều mang giỏ hái dâu

                                    Hái dâu không hái, hái câu ân tình

                                   

                                    Chiều chiều ngả bóng nương dâu

                                    Vịn cành bẻ lá, em sầu tơ duyên

 

 

Ươm tơ là ngành công nghiệp chế biến từ sản phẩm của ngành nông nghiệp: trồng dâu nuôi tằm.

Nghề ươm tơ thời trước làm theo phương pháp thủ công, thợ ươm tơ là nữ, quay guồng xa ươm là việc của trẻ em. Lò ươm đắp bằng đất có đặt hai nồi bằng đất nung, một lớn, một nhỏ, nước trong nồi đun nóng từ 70 - 80 độ C.

Trước tiên, một người thợ cho kén vào nồi nhỏ dùng đũa bắt những sợi tơ xấu bên ngoài vỏ kén gọi đũi hay còn gọi là gốc giũ. Tơ là mặt hàng cao cấp, còn gọi là thao lột. Tuỳ theo tay nghề và dụng cụ, nếu sợi tơ lớn gọi là thao càn; sợi tơ nhỏ hơn thao càn, lớn hơn thao lột gọi là thao kiệt. Loại kén được “vầy” trong những ngày mưa lạnh thì cũng chỉ kéo đũi, bởi kén bỏ vào nồi nước sôi cứ chạy tan ra mỗi nơi một cái không chụm vào được để kéo thành sợi theo ý muốn. Ngày xưa, giới buôn kén thường áp dụng những mánh lới để ép giá. Họ múc nước mưa vào nấu, hoặc lén bỏ vào nước chút phèn chua để thử thì kén có tốt bao nhiêu cũng tan. Do đó, việc cân kén, thử kén phải là người biết việc. Tùy theo độ to nhỏ của sợi tơ, người thợ bắt một số kén nhất định trong nồi lớn (tơ nhỏ từ 13-15 con, tơ lớn 20-22 con) cho vào lỗ nhỏ đưa sợi tơ qua máy lan ra guồng đang quay, mỗi guồng chạy 2 sợi tơ sau thành 2 chẻ tơ. Loại tơ này không bền, muốn đưa vào dệt vải lụa thì chỉ có thể dùng làm chỉ ngang hoặc muốn mắc thành sợi dọc thì phải qua hồ mới dệt được.

 

 

Về sau, người ta gắn thêm bộ bông sen vào xa ươm, sợi tơ được xoắn lại nên bền và đều hơn trước. Tơ bông sen vừa bền, vừa sạch, khi dệt không phải dùng bột gạo để hồ.

Đến đầu thế kỷ 20, một doanh nhân người Pháp tên Délignon, chủ xưởng ươm tơ Phú Phong nổi tiếng ở Bình Định, đã đến Giao Thủy mua đất, xây dựng đường sá, rồi lập nên nhà máy ươm tơ Giao Thủy, với hơn 100 chảo ươm. Tơ tằm Giao Thủy ngày xưa rất nổi tiếng, không chỉ bán trong nước mà còn được xuất khẩu sang cả Nhật và Pháp. Năm 1939, ông Lê Đồng Lợi có dịp vào thăm nhà máy ươm tơ tại Giao Thủy, tìm hiểu thiết bị và kỹ thuật ươm tơ của người Pháp. Khi về, ông đã đóng xa ươm tơ cải tiến cách ươm tơ thủ công truyền thống, tăng công suất và chất lượng tơ rõ rệt.

Ngoài việc tổ chức ươm tơ, ông Lê Đồng Lợi còn mở mang nghề dệt vải tuýt-xo. Nếu ông Cửu Diễn ở Thi Lai là người sáng chế khung cửi máy, chuyên dệt vải lụa mềm, dùng sợi tơ nhỏ, cho ra các mặt hàng vải lụa cao cấp như thiên hương, hạnh phước …thì ở Đông Yên, ông Lê Đồng Lợi dùng chiếc máy dệt giật, sử dụng loại tơ sợi lớn, thô để dệt loại vải tuýt-xo (Tussore)[4] rất nổi tiếng lúc đó.

Chiếc máy dệt này ông học được từ những năm tháng học nghề tại Nam Định. Cũng giống như các máy dệt thủ công thời đó, cấu tạo máy dệt vải tuýt-xo rất đơn giản, người thợ dùng chân đạp lên đòn kéo go mở miệng vải, dùng tay giật sợi dây nối mặt bàn đánh thoi, con thoi sẽ mang sợi ngang chạy qua mặt canh, người thợ tiếp tục dùng tay kéo bàn dập để thúc sợi ngang vào sợi dọc, tạo nên mặt vải thô, dợn sóng gọi là vải tuýt-xo.

Vải tuýt-xo dệt bằng loại tơ thô, đứt, tức là loại đáng ra là phế liệu phải bỏ đi, nếu có tận dụng dệt ra vải thì chỉ có người lao động nghèo mới sử dụng, người khá giả hoặc giàu có thì dùng lãnh, lụa, xuyến, lương the…Nhưng chính bằng thứ nguyên liệu tưởng như phế phẩm, đi lượm mót ấy, người làm nghề dệt xứ Quảng, trong đó ông Lê Đồng Lợi là người đi đầu đã sử dụng dệt nên mặt hàng lạ, có dáng vẻ riêng, dợn sóng, thô mộc, nhưng là cái thô mộc tự nhiên, vừa chân chất vừa hiện đại, thành cái “mốt” riêng.

                                    Làng ta ươm dệt tơ tằm

                                    Tay thoi dịu nhút đũa tranh sợi vàng

                                    Vải ta chẳng giống láng giềng

                                    Khổ tuy hẹp tré nhưng mình mịn thanh

                                    Lụa mỡ gà, vải Hà Đông

                                    Đông hàn ấm hiểm, hè nồng mát ghê

                                    Tuýt-xo chỉ đánh hết chê

                                    Đóng bộ đồ lớn bắt mê bắt thèm

                                   

Ở Quảng Nam từ xưa đã có nghề dệt vải “đũi”, người xưa có câu “lụa Đông Yên, đũi Chợ Chùa. Trong sách Tìm hiểu con người xứ Quảng có một đoạn viết: “Ở thành phố Matdưkada thuộc tỉnh Mie phía nam thủ đô Tokyo vào đầu thế kỷ 17 có ông Kađôya sang buôn bán ở Hội An, lấy vợ người Việt. Khi trở về nước, ông đã mang về một loại vải của Việt Nam được người Nhật hết sức ưa thích, coi là vải rất quý, gọi là Liễu Điều Bố. Đó chính là đũi Quảng Nam. Ngày nay, trong điều kiện kỹ thuật tiên tiến, các cô gái Nhật vùng Matdưkada vẫn dệt Liễu Điều Bố bằng sợi bông trên khung cửi tay, bán cho khách làm túi xách, sơ mi, cà vạt, kimono, vét-tông … như một mặt hàng cao cấp”[5].

Để dệt vải đũi, người ta tận dụng loại phế liệu lấy ra từ công đoạn ươm tơ như gốc giũ (lớp vỏ ngoài của con kén) hoặc xác xả (lớp trong cùng của con kén) rồi xe lại gọi là thao càng. Vải đũi được dệt bằng loại thao càng nầy trên máy dệt tay, khổ hẹp, mình hàng thô, mền, ít chất tơ nên chỉ dành cho người lao động và giới bình dân. Từ lâu, người dân Quảng Nam sản xuất và sử dụng loại vải nầy. Ở Chợ Chùa thị trấn Nam Phước xưa kia có nghề dệt đũi nổi tiếng. Có lẽ sách Ô châu cận lục giữa thế kỷ 16 đã nói đến làng dệt đũi này “Lang Châu có nhiều lụa trắng”.

Vải tuýt-xo cũng là mặt hàng dệt bằng thứ sợi thô như mặt hàng đũi, nhưng nguyên liệu không phải lấy từ các loại phế phẩm của công đoạn ươm mà chính là lấy từ những con kén bỏ đi như kén ông mụ (hai con tằm cùng nhả tơ làm thành 2 mối tơ quấn vào nhau); kén ruồi (con kén có trứng ruồi đẻ bên trong, khi ruồi nở đục vỏ kén chui ra ngoài, do kén có lỗ, nước chui vào nên chìm xuống đáy người ươm không lấy được mối tơ; kén tan (là loại kén được “vầy” trong những ngày mưa lạnh, khi bỏ vào nồi nước sôi cứ chạy tan ra mỗi nơi một cái không chụm vào được để kéo thành sợi theo ý muốn). Các loại kén nầy được phối hợp lại, có trộn lẫn một tỉ lệ kén chạy, tức là kén tốt, khi ươm ra được sợi tơ lớn, thô, xoắn vào nhau; khi dệt trên mặt vải có những dợn sóng, màu sắc lóng lánh, mình hàng thô, cứng. Loại vải nầy trở thành cái “mốt” thời thượng, dành để đóng những bộ đồ vét-tông, ai cũng ao ước được: “Đóng bộ đồ lớn bắt mê bắt thèm”.

Nếu dùng các loại phế liệu bỏ đi để dệt loại vải đũi bình thường thì chẳng ai tôn vinh và bắt chước theo ông Lê Đồng Lợi làm gì, vì loại vải nầy người ta đã sản xuất lâu rồi và ai cũng làm được loại hàng thấp cấp này. Điều đặc biệt ở sáng kiến của ông Lê Đồng Lợi nảy sinh từ ngành ươm. Nhờ vừa tổ chức ươm tơ lại vừa có khung dệt vải; khi ươm tơ, ông thấy tiếc các loại kén xấu (kén mụ, kén ruồi, kén tan) phải bỏ đi, từ đó ông nghĩ ra loại vải sử dụng loại nguyên liệu này và nâng giá trị nó lên không kém gì kén có chất lượng tốt, vải tuýt-xo ra đời từ sáng kiến này. Nếu như vải đũi dệt theo phương pháp thủ công, khổ hẹp (khoảng 40-50 cm) thì vải tuýt-xo dệt trên máy dệt giật, khổ vải được nâng lên gấp đôi, phù hợp với công nghệ may âu phục.

Ông Lê Đồng Lợi vừa là nhà sản xuất ươm tơ và dệt vải tuýt-xo[6]; vừa là nhà buôn tơ lụa trong nước và cả xuất khẩu nên sản phẩm do ông làm ra được nâng giá trị lên gấp nhiều lần, ngày nay ta thường gọi là sản phẩm có “hàm lượng chất xám”. Lụa tuýt-xo của ông được bán trong nước và xuất khẩu sang Pháp, được người Pháp ưa chuộng, gọi là tuýt-xo Lê Đồng Lợi. Sáng kiến của ông Lê Đồng Lợi xuất phát từ thực tế ở gia đình, đồng thời có phần tiếp thu được từ công nghệ của hãng dệt của người Pháp, sản phẩm do ông sản xuất ra sau đó cạnh tranh ngang ngửa với sản phẩm của họ.

Từ sáng kiến của ông Lê Đồng Lợi, người dân nhiều vùng nông thôn ở Quảng Nam đã làm theo và trở nên giàu có.

Ở làng Bảo An, vùng Gò Nỗi thời kỳ trước năm 1945, nghề dệt vải tuýt-xo phát triển rất mạnh, người dân Bảo An cũng đã ghi nhận công lao người khởi đầu, đó là ông Lê Đồng Lợi ở Đông Yên. Sách Bảo An đất và ngườiĐịa chí xã Điện Quang viết rằng “Sau thế chiến thứ nhất, những nhà giàu, quan lại, công chức ở nước ta thường sử dụng vải Pháp để may Âu phục. Trong thời đệ nhị thế chiến, việc giao thông hàng hóa với các nước tư bản châu Âu, nhất là Pháp gặp nhiều khó khăn. Do đó, các loại vải ngoại rất khan hiếm. Thấy trước tình hình trên, vài người Pháp mở xưởng dệt tại Phú Phong (Bình Định) có chi nhánh liên hoàn ở Giao Thủy (Đại Lộc), Bồng Sơn (Bình Định). Người đầu tiên có sáng kiến dệt hàng tuýt-xo là ông Lê Đồng Lợi làng Đông Yên, nhà ở gần ga xe lửa Chiêm Sơn, bắt chước được cách dệt tuýt-xo của xưởng Phú Phong. Ông mở cơ sở có hàng chục khung cửi, hoạt động tương đối tốt”[7].

Người Bảo An học tập nghề dệt tuýt-xo từ ông Lê Đồng Lợi rồi nhanh chóng mở mang rộng ra cả làng, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Chính nghề dệt vải tuýt-xo ở Bảo An đã nuôi sống một gia đình có nhiều trí thức nổi tiếng ở Bảo An, trong đó có nhà toán học hàng đầu Việt Nam, giáo sư Hoàng Tụy. Ông Hoàng Tụy kể: "Có thể nói 1930 - 1931 là giai đoạn cực kỳ khó khăn với gia đình tôi. Người anh cả là một trong 5 đốc học Đông Dương đã bị sa thải vì bị Pháp phát hiện tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, và một năm sau cha tôi (cụ Hoàng Kỵ) mất, khi tôi mới 4 tuổi và cậu em út là Hoàng Chúng còn nằm trong bụng mẹ. Tất cả nhờ nghề dệt mà mẹ tôi đã nuôi nấng chúng tôi nên người". Trong số những người mà nhờ nghề dệt của bà mẹ mà "nên người" có cố họa sĩ Hoàng Kiệt, cố giáo sư ngôn ngữ Hoàng Phê, cố giáo sư vật lý Hoàng Quý và cố giáo sư toán học Hoàng Chúng, ngoài giáo sư toán học Hoàng Tụy. "Tôi còn nhớ gia đình tôi mang vải xo (tuýt-xo) đi bán ở khắp nơi, từ Huế đến Hà Nội và Sài Gòn", giáo sư Hoàng Tụy kể tiếp[8].

Trong số giấy tờ của ông Lê Đồng Lợi còn được người con đầu của ông giữ lại, từ năm 1957 đến 1962 ông liên tục gởi đơn kiện đến các cơ quan của chính quyền Ngô Đình Diệm đòi bồi thường chiến tranh. Nguyên do là thời chiến tranh, lính Pháp do viên quan ba người Pháp từ đồn Hòn Bằng lên đốt nhà xưởng của ông tại làng Đông Yên. Trong lá đơn đề ngày 2.7.1958 gởi Bộ trưởng Bộ Nội vụ tại Sài gòn, ông viết “Nguyên thời tiền chiến, tôi là nhà kinh doanh khá giả, có kinh nghiệm ở Quảng Nam, chính phủ Nam triều và Pháp đều có lời ban tặng Lưỡng quốc - Bội huy chương. Do thúc đẩy của hai chính phủ cùng sự tiến dẫn của Công sứ Dupuis, Bác vật canh nông Bùi Quang Chiêu[9] và cố Tổng đốc Nam Ngãi Ngô Đình Khôi[10] trong việc buôn bán giao thiệp với các nhà buôn sợi ở Lyon (Pháp). Tôi đã bỏ vốn liếng ra xây cất 7 sở nhà làm xưởng dệt tơ lụa tại làng Đông Sơn cũ (xã Xuyên Trường), 7 sở nhà trị giá hơn 1.500.000 đồng”. Trong đơn ông còn liệt kê ngoài nhà xưởng, có nhiều thiết bị, máy móc bị đốt phá, trong đó có 20 máy dệt.

Các đơn kiện của ông đều có công văn trả lời của Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng chính quyền miền Nam thông báo đã tiếp nhận đơn và nêu lý do từ chối giải quyết những yêu cầu của ông do chưa có đạo luật bồi thường chiến tranh (công văn của Bộ Tài chính ngày 19.3.1957) hoặc hướng dẫn ông gởi đơn đến tòa lãnh sự Pháp ở Sài Gòn (công văn của Tổng Giám đốc Hành chính-Ngân sách Bộ Quốc phòng).

Dẫn chứng trên cho thấy, trước năm 1945 ông đã có một cơ sở sản xuất ươm tơ dệt lụa tương đối bề thế; về phương diện kinh doanh tơ lụa, ông đã tạo lập được mối quan hệ buôn bán quốc tế với các thương gia nước ngoài, đặc biệt là các thương gia của nước Pháp. Thời đó ở Duy Trinh cũng có nhiều người kinh doanh tơ lụa, có người mang hàng hóa sang tận Nam Vang, Băng cốc, nhưng ký được các hợp đồng xuất khẩu tơ lụa sang Pháp thì ông Lê Đồng Lợi là người đầu tiên.

Hàng tơ lụa Việt Nam nói chung và tơ lụa Quảng Nam đã được đưa sang dự các cuộc đấu xảo ở Pháp từ rất sớm. Có hai cuộc đấu xảo ghi lại dấu ấn đối với tơ lụa Quảng Nam sau đây:

Lần đầu tiên Việt Nam đưa hàng hóa sang tham gia cuộc đấu xảo tại Pari vào năm 1877. Người Việt Nam có vinh dự đầu tiên mang tơ lụa sang dự đấu xảo là một người Quảng Nam. Đó là ông Nguyễn Thành Ý (1819 - 1897).

Nguyễn Thành Ý người làng Túy La (nay là xã Điện Phước), huyện Điện Bàn, đỗ cử nhân năm Thiệu Trị thứ 5 (1843), trong một gia đình có 5 anh em cùng đỗ đạt, vì thế được vua Tự Đức ban tặng danh hiệu "Ngũ tử đăng khoa" (Gia đình có 5 con trai đỗ đạt). Sau khi Nam Kỳ thất thủ, triều đình Huế ký với người Pháp hiệp ước Giáp tuất (1874), công nhận chủ quyền vĩnh viễn của Pháp ở Nam Kỳ, ông được triều đình Huế cử làm Lãnh sự ngoại giao đầu tiên của Việt Nam tại Soái phủ Sài Gòn.

Năm Đinh Sửu 1877, ông nhận lệnh vua Tự Đức cùng với Võ Văn Phú mang một số hàng sang dự hội chợ đấu xảo tại Paris, năm 1879 ông hướng dẫn một số du học sinh sang Pháp học tại trường cơ khí tỉnh Toulouse.

“Về cuộc đấu xảo quốc tế này, tôi được mấy vị tiền bối kể lại sơ lược. Trong các vị ấy, ông Trương Xuân Mai, một thân sĩ nổi tiếng cho tôi biết món chủ yếu là hàng lụa Quảng Nam. Đó là những hàng lụa dệt đã được đề cập trên kia phần lớn sản xuất tại làng Phú Bông thuộc vùng Gò Nỗi - Điện Bàn, nổi tiếng lâu đời về ngành dệt lụa”[11].

Tại Hội chợ thuộc địa Marseille năm 1922, ông Lê Đồng Lợi cùng một số nhà sản xuất và kinh doanh tơ lụa Duy Xuyên đã gởi tơ lụa sang triển lãm tại hội chợ này. Theo J.L.Fontana viết trong tác phẩm “L Annam: ses provinces…ses resources” xuất bản tại Hà Nội năm 1925 đã ghi lại tên tuổi cũng như những mặt hàng được trưng bày lúc bấy giờ. Đó là các ông Le Dong Loi (Lê Đồng Lợi?), Phan Hoi (Phan Hối?), Ho Trinh (Hồ Trinh?), Nguyen Kha ( Nguyễn Khả?), Truong Quan ( Trương Quan?), Nguyen Duong (Nguyễn Dương?), Tran Dat (Trần Đạt?), và Xa Kieu (Xã Kiều?). Như vậy, theo J.L.Fontana, ở huyện Duy Xuyên có tất cả 8 nhà buôn gởi sản phẩm sang Pháp. Trong đó, người gửi nhiều nhất là ông Le Đồng Lợi với 9 mặt hàng từ tơ tằm, chủ lực là thao và đũi. Về thao có thao một, thao kiết, thao lập, thao gốc…Về đũi có đũi kén đỏ, đũi hạng nhất, đũi hạng nhì…Ông Phan Hối có hai mặt hàng là hàn mặt võng (soie ajourée) và hàn xanh (soie blanche?). Ông Hồ Trinh có hai mặt hàng là lụa sống hạng nhứt (soie grège 1 er qualité) và lụa sống hạng nhì (satin grège 2 er qualité), Xã Kiều cũng có hai mặt hàng là lãnh trắng (satin blanc) và sô bông trắng (satin fleuri blanc). Những nhà buôn còn lại gồm Nguyễn Khá, Trương Quan, Nguyễn Dương, Trần Đạt mỗi người gởi sang triển lãm một mặt hàng theo thứ tự là lụa sống hạng ba (soie grège 3 er qualité), lụa đậu tư (soie extra fine 4 er qualité), lụa đậu 2 (soie extra fine 2 er qualité), lãnh bông trắng ( satin fleuri blanc)”[12].

Thời ông Lê Đồng Lợi mang tơ lụa sang dự đấu xảo ở Ly-on, ở miền Bắc có làng dệt lụa Vạn Phúc rất nổi tiếng. Nói về sản xuất và buôn bán tơ lụa ở Vạn Phúc, sách Nghề cổ đất Việt có ghi “Những năm 1938-1939 là những năm hưng thịnh của công nghệ dệt Vạn Phúc. Dạo đó làng chỉ có chừng 1.000 người, nhưng có tới 3.000 thợ các nơi đến làng làm thuê công việc quanh các khung cửi. Năm 1931 và 1936, lụa Vân Vạn Phúc đã gửi đi dự hội đấu xảo ở Mác-xây và Pa-ri. Hai chú cháu cụ Đỗ Văn Nhỡ và Đỗ Văn Lương là hai thợ giỏi của làng, đã trực tiếp mang lụa Vân đi dự đấu xảo”[13].

Không rõ ông Lê Đồng Lợi có trực tiếp mang lụa tuýt-xo của ông sang Pháp dự đấu xảo cùng thời gian với các thợ giỏi của làng dệt Vạn Phúc như đã nói trên không thì không thấy gia đình nói đến. Người con gái của ông, bà Lê Thị Hiền kể rằng từ lúc còn nhỏ đã từng được cha dẫn đi chơi ở nước ngoài nhưng không nhớ là ở đâu.

Công việc kinh doanh tơ lụa xuất khẩu ngày càng phát đạt, đòi hỏi người kinh doanh phải có nhiều lớp vốn, người trong gia đình ông Lê Đồng Lợi kể rằng để mở mang cơ sở sản xuất, mua nguyên liệu để sản xuất, mua tơ lụa để dự trữ và buôn bán với người Pháp, ông phải vay nhiều vốn. Thời đó có một loại ngân hàng do người Pháp lập ra để cho những nhà kinh doanh người Việt vay. Tổ chức tín dụng đó gọi là Ngân hàng Nông phố[14]. Thời đó, ở một làng quê Đông Yên, ông đã sử dụng nguồn vốn tín dụng của ngân hàng để mở rộng hoạt động kinh doanh, chứng tỏ ông là một người có đầu óc doanh thương và là nhà kinh doanh lớn.

Tơ tằm Việt Nam chuyển về Pháp biến thành sợi tơ, lụa rồi đưa sang Việt Nam tiêu thụ. Về xuất khẩu tơ lụa từ Việt Nam sang Pháp thời kỳ 1931 - 1939; về tơ, năm cao nhất là 5 tấn tơ sống; về lụa năm cao nhất 13 tấn lụa[15] . Có thể hoạt động thương mại của ông Lê Đồng Lợi giai đoạn nầy đã có đóng góp vào sản lượng tơ lụa xuất khẩu nêu trên. Ngành ươm tơ, dệt lụa ở Duy Trinh đã có một giai đoạn phát triển thịnh vượng, sản phẩm đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia, đứng chân trên thị trường thời trang thế giới như Lyon, Paris của nước Pháp.

 Ngoài quan hệ buôn bán với các thương gia Pháp, ông Lê Đồng Lợi cùng một số nhà kinh doanh khác ở Duy Trinh còn đưa hàng hóa theo đường tàu hỏa vào Sài Gòn, lên Nam Vang, có lúc qua đến tận Băng Cốc - Thái Lan.

Nói về hoạt động thương mại giai đoạn này, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân viết “Tôi đã từng đi trên một chuyến tàu suốt này vào Sài Gòn. Nơi đây tôi chứng kiến sự buôn bán ồ ạt tại các nhà riêng xem như một trạm liên lạc. Ở mỗi trạm một vật xanh đen bề thế lù lù hiện ra như một thách thức: cái tủ sắt: cái tủ đựng tiền bạc và báu vật mà khắp tỉnh, khắp nhiều tỉnh, không phải dễ tìm thấy ngoài các cơ sở chính quyền hay thương gia ngoại quốc. Việc buôn bán nhỏ, các nhà buôn ta thực hiện với người Việt hay Hoa. Một số mãi biển (comprado) thông thạo tiếng Pháp lãnh trách nhiệm liên lạc với chủ hãng Pháp đã ký hợp đồng thương mại. Công việc làm ăn phấn phát, dồn dập hàng ngày không phải chỉ với lãnh lụa. Còn nhiều mặt hàng thợ dệt Quảng Nam đã nhạy bén chế tạo: tuýt-xo may âu phục, họ đã ngang nhiên tranh đua với các loại tuýt-xo Tông Kanh (Tonkin - Bắc kỳ), tuýt-xo hãng Délignon … Đây là một dấu son đỏ chói đóng thêm vào bên cạnh những dấu son khác của khung dệt Võ Dẫn cải tiến. Một câu chuyện lý thú khác tiếp nối chuyện lý thú ở Đà Nẵng lại diễn ra: Những nhà cô đầu Bắc (hình như bảy cái) được dựng lên ở Phú Nhuận (Sài Gòn - NV). Người ta cũng cho tôi biết, khách vãng lai làm trụ cột cho các nhà này lại là những lái buôn hàng xứ Quảng”[16].

Dấu son đỏ chói thứ hai đóng bên cạnh dấu son khung cửi máy Võ Dẫn, không ai khác ngoài ông Lê Đồng Lợi, một người con của đất Duy Trinh.

Ngoài hoạt động kinh tế, đóng góp vào sự phát triển ngành nghề ở địa phương, ông Lê Đồng Lợi cũng là người có lòng nhân ái, sẵn sàng cưu mang đùm bọc những phận người đói khổ. Trong gia phả tộc Lê có ghi sự kiện: năm 1945 ở miền Bắc xảy ra nạn đói[17], có nhiều người đói tìm đường vào Nam, ông Lê Đồng Lợi đã dang tay đón nhận 47 người, phần lớn là người Nam Định, đưa về nhà cho ăn ở và bố trí việc làm cho họ một thời gian.

Ông Lê Đồng Lợi qua đời năm 1990, thọ 96 tuổi. Phần mộ ông được táng tại xóm Hòa An, thôn Đông Yên; nơi ông đã chào đời và trở về với cát bụi hư vô. Tên tuổi của ông vẫn mãi lưu lại cho đời bởi danh tiếng vải tuýt-xo Quảng Nam, Vải tuýt-xo Lê Đồng Lợi.



 

[1] Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – dinh Quảng Nam tập II, tr 125 - 126

 

[2] Truyện Kiều của Nguyễn Du

 

[3] CRISTOPHORO BORRI – Xứ Đàng Trong năm 1621 – NXB TP HCM, tr 31 - 32

 

[4] Tussore : lụa tuytxo, đũi. A tussore suit : bộ quần áo đũi

 

[5] Sđd, tr 93

 

[6] Tuýt xo: hàng dệt bằng tơ theo dạng vân điểm, sợi ngang to gấp nhiều lần sợi dọc

 

[7] Bảo An đất và người – Nxb Đà Nẵng năm 1999, tr 40

 

[8] TuanVietnam.net (http://Vietnamweek.net)

 

[9] Bùi Quang Chiêu (1873 - 1945) là người Việt nam đầu tiên tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp vào năm 1897. Với bằng kỹ sư canh nông tại Pháp, khi hồi hương, ông Chiêu được bổ nhiệm làm phó giám đốc Nha Canh nông ở Hà Nội. Năm sau (1907), ông được đổi về Nam làm Thanh tra nông nghiệp, được Toàn quyền Pháp giao quyền quản lý cơ sở tằm tơ, dệt lụa ở Tân Châu. Năm 1913, ông Chiêu trở ra Bắc nghiên cứu vấn đề tơ lụa cho chính phủ. Về Nam lần thứ hai, ông được chính thức bổ làm Giám đốc cơ sở sản xuất tằm tơ, dệt lụa Tân Châu.

 

[10] Ngô Đình Khôi (1885 - 1945) là quan nhà Nguyễn, tổng đốc tỉnh Quảng Nam từ năm 1930.

 

[11] Nguyễn Văn Xuân – Quảng Nam một thời tơ lụa, in trong tạp chí Khoa học & phát triển số 10.11 năm 1992

 

[12] Phạm Hữu Đăng Đạt – Tạp chí Xưa và nay số 292, tháng 9.2007, tr 34

 

[13] Vũ Từ Trang – Nghề cổ đất Việt, Nxb VHTT – 2007, tr 334

 

[14] Ngân hàng Nông phố là chi nhánh của Ngân hàng Đông Dương. Thành lập năm 1887 với mục đích cho người làm ruộng vay để cạnh tranh với người Hoa, Ấn ở Nam Kỳ rồi lan ra toàn Việt Nam. Từ 1913 được đổi tên là Ngân hàng Nông phố Tương tế ở Nam Kỳ. Từ 1927, được phát triển ra cả Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Năm 1933, ra đời tổ chức điều hành chung là Đông Dương Nông tín Tương tế. Việc chia lãi được phân chia như sau: 20% cho chính quyền thực dân, 20% cho NHNP và 60% cho Ngân hàng Đông Dương (nguồn : daitudien.net).

 

[15] Tình hình ruộng đất và đời sống nông dân dưới triều Nguyễn – NXB Thuận Hóa, tr 210

 

[16] Nguyễn Văn Xuân – Quảng Nam một thời tơ lụa, in trong tạp chí Khoa học & phát triển số 10.11 năm 1992

 

[17] Nạn đói năm Ất Dậu là một nạn đói xảy ra tại miền Bắc Việt Nam trong khoảng từ tháng 10 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945 làm khoảng từ 400.000 đến 2 triệu người dân chết đói.

 

 

 

HỒ TRƯỜNG 

(Trích từ bản thảo tập sách: Đất và người Duy Trinh những thế kỷ trước của Hồ Trường)


Trang 1 / 2 1 2 »