Người Duy Trinh Với Con Đường Tơ Lụa

15/04/2014, 20:58
Chia sẻ cùng bạn bè

Trong suy nghĩ của nhiều người, “con đường tơ lụa” là con đường gắn với nền ngoại thương của một quốc gia; trên con đường ấy, những sản phẩm được mang đi mua bán, trao đổi chủ yếu là tơ lụa; nó cũng đồng nghĩa với sự sung túc và giàu có. Trong lịch sử, “con đường tơ lụa” đã từng mang lại sự phồn vinh cho cả một quốc gia, cho một địa phương hay cho một vùng đất.

Trung Quốc là nước đầu tiên tìm ra cách trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa từ thế kỷ thứ 3 TCN. Tơ lụa thời đó chỉ dành riêng cho vua chúa và tầng lớp quý tộc. Con đường tơ lụa của Trung Quốc được hình thành từ thế kỷ 2 TCN, nhưng lúc đầu con đường này được thành lập với ý định quân sự nhiều hơn mục tiêu thương mại. Muốn tìm được những đồng minh nhằm khống chế bộ lạc Hung Nô, năm 138 TCN, vua Hán Vũ Đế đã cử Trương Khiên đi về phía tây để tiếp kiến với thủ lĩnh các bộ lạc khác, chẳng may ông bị chính người Hung Nô bắt và giam giữ 10 năm. Năm 126, Trương Khiên trở về Trung Quốc; tuy thất bại trong việc tìm kiếm đồng minh, nhưng ông đã thu thập được nhiều kiến thức để sau đó viết cuốn sách Triều dã kim tài, cuốn sách này đề cập đến những vùng đất ông đã đặt chân tới, vị trí địa lý, phong tục tập quán, sản vật, hàng hóa và tiềm năng giao thương. Chính từ quyển sách Triều dã kim tài đã kích thích mạnh các thương gia Trung Quốc, họ mang vải lụa, gấm vóc, sa nhiễu…đến Ba Tư và La Mã để bán; ngược lại các thương gia phương Tây cũng tìm đến Trung Hoa. Con đường tơ lụa dần dần được hình thành, bắt đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh (Trung Quốc) qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, xung quanh vùng Địa Trung Hải và đến tận châu Âu; ngoài ra con đường tơ lụa nầy cũng còn đi đến cả Hàn QuốcNhật Bản, có chiều dài khoảng 7 ngàn cây số.

Có tài liệu nói rằng những bậc đế vương và những nhà quý tộc của La Mã rất ưa thích lụa Trung Hoa, thích đến mức họ cho cân lụa lên và đổi chỗ lụa đó bằng vàng với cân nặng tương đương. Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra (69 - 30 TCN) lúc đó chỉ mặc toàn váy may từ lụa của người Trung Quốc.

Ở nước ta, vào đầu thế kỷ thứ 17 và nửa đầu thế kỷ 20 cũng đã hình thành những “con đường tơ lụa”. Tuy quy mô không lớn, không để lại những dấu ấn đậm nét như con đường tơ lụa của Trung Hoa nhưng cũng mang lại sự phồn vinh cho xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn vào thế kỷ 17 và tỉnh Quảng Nam nửa đầu thế kỷ 20. Vùng dâu tằm tơ lụa Duy Trinh đã có những đóng góp không nhỏ vào con đường tơ lụa ở hai thời điểm nầy.

Nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa ở Duy Trinh đã có từ lâu, tuy không có tài liệu nào chứng minh thời gian xác thực, nhưng có thể dựa vào một số sự kiện và tư liệu lịch sử để suy đoán.

Không phải chỉ khi lưu dân người Việt đến vùng đất này sinh sống thì nghề trồng dâu, nuôi tằm mới có, mà chính người dân Chăm tiền trú nơi đây đã phát triển nghề nầy từ nhiều thế kỷ trước đó.

Ngược dòng lịch sử, vào thế kỷ thứ 6, Lịch Đạo Nguyên đã viết về nền nông nghiệp của người Chăm “Thái thú quận Cửu Chân là Nhâm Diên, bắt đầu dạy dân cày bừa. Việc giáo hóa tập tục ở đất Giao Chỉ đã nhanh chóng lan đến đất Tượng Lâm[1]. Nhân dân biết cày bừa đến nay đã hơn 600 năm. Nghề đốt rẫy gieo giống, cách làm cũng giống người Hoa. Ruộng gọi là bạch điền (là ruộng trồng lúa mùa), thì trồng lúa trắng. Tháng 7 đốt rẫy, tháng 10 có lúa chín, ruộng gọi là xích điền (ruộng trồng lúa Chiêm), thì trồng lúa đỏ, tháng 12 trồng, tháng 4 có lúa chín, người ta gọi hai vụ lúa là vậy. Còn như cỏ nứt mầm nhiều thì tháng gieo hạt thay giống, trồng các giống đồng, lục (giống lúa trồng trước chín sau thì gọi là đồng, giống lúa trồng sau chín trước gọi là lục), các giống sớm muộn, không tháng nào là không tốt, công cày bừa nặng, lợi thu được ít, nên mùa vụ chóng là vì vậy. Gạo không phân tán ra ngoài, thường xuyên làm cho nước giàu có. Việc trồng dâu nuôi tằm một năm thu tám lứa kén”[2].

Nghề nuôi tằm của người Chăm “một năm thu tám lứa kén” vào thời đó, chứng tỏ người Chăm đã đạt trình độ rất cao về kỹ thuật. Ngày nay, với khoa học kỹ thuật hiện đại, ở Quảng Nam, nghề nuôi tằm chỉ đạt nhiều lắm là 7 lứa, nếu nhà nào làm thêm lứa tằm muộn vào khoảng tháng 8 âm lịch thì được thêm 1 lứa nữa, gọi là lứa “ tằm chặp[3] nhưng thường thì kết quả không cao.

Đối với người Việt, nghề trồng dâu, chăn tằm, dệt vải cũng xuất hiện khá sớm. Cả vùng đất bãi ven sông Đuống ở miền Thuận Thành, Hà Bắc được mang tên bộ lạc “Dâu”. Thời các vua Hùng, tằm là một loại sâu đã được tổ tiên người Việt chăn nuôi để lấy tơ. Vùng đất Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh có chùa Dâu, gắn với truyền thuyết về người con gái vùng dâu đó, người sau này trở thành Ỷ Lan phu nhân[4].

Chuyện kể rằng vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072) đã bốn mươi tuổi mà chưa có con trai nối dõi, do đó nhà vua thường đi cầu tự ở nhiều ngôi chùa. Một hôm vua đi cầu tự ở chùa Dâu, nhân dân các làng đổ xô ra đường xem và đón vua, duy chỉ có cô gái hái dâu vẫn miệt mài hái lá trong nương dâu, khi xa giá nhà vua tới gần, cô gái mới ngừng tay, đứng tựa gốc dâu. Thấy bóng cô gái một mình thấp thoáng trong bãi dâu, nhà vua lấy làm lạ, bèn sai quân lính đòi cô gái tới hỏi chuyện. Thấy cô gái xinh đẹp, ăn nói dịu dàng, nhà vua truyền lệnh đưa cô gái về kinh. Vua sai xây cho nàng một cung điện, đặt tên là cung Ỷ Lan và gọi cô gái hái dâu là Ỷ Lan cung phi.

Ỷ Lan phu nhân là người có tài trị nước, vốn là con nhà nghèo nên bà rất thấu hiểu nỗi khổ của người dân, giúp dân phát triển mạnh mẽ nghề trồng dâu nuôi tằm ở quê hương và khắp nước.

Trong sách Nghề cổ đất Việt có ghi “Theo thần phả ở một ngôi đền tại làng Cổ Đô, huyện Ba Vì, tỉnh Sơn Tây cũ, làng Cổ Đô nổi tiếng về nghề dệt lụa. Công chúa Thiều Hoa, con vua Hùng Vương thứ 6 chính là người đầu tiên đã tìm ra con tằm và phát minh ra nghề dêt lụa. Dân làng Cổ Đô nay vẫn thờ công chúa Thiều Hoa và tôn bà là tổ nghề dệt lụa”[5].

 Cũng theo sách Nghề cổ đất Việt thì bà tổ nghề dệt lụa ở Vạn Phúc (Hà Đông) là bà Lã Thị Nga. Thời nhà Đường đô hộ nước ta (618 - 907), ở làng Vạn Phúc có bà Lã Thị Nga là người có nhan sắc, lại giỏi nghề dệt. Cao Biền khi ấy là Tiết độ sứ, sang nước ta xây thành Đại La, lấy bà làm vợ lẽ, đồng thời giao phó bà trông nom khu vực phường cửi trong thành. Khi Cao Biền về nước, bà về ở làng Vạn Phúc và có mời thêm một bà cụ giỏi nghề dệt gấm, vóc, lụa để dạy nghề cho dân làng. Sau khi bà Lã Thị Nga chết, dân làng nhớ ơn và tôn bà làm thành hoàng làng. Hiện nay, trong hậu cung đình còn một cái kéo, một cái vạch, một cái thước sơn son thếp vàng để thờ. Còn bà cụ thợ già trở về quê cũ, dân làng Vạn Phúc nhớ ơn, lập đền thờ ở cạnh chùa, gọi là đền Phường Cửi[6].

Làng dệt lụa Vạn Phúc là trung tâm dệt lụa Hà Đông. Nói tới lụa Hà Đông là nói tới lụa Vạn Phúc. Ngược lại nói tới lụa Vạn Phúc là nói tới lụa Hà Đông. Lụa Hà Đông có nhiều loại như: lụa, lĩnh, lượt, đoạn, lương, vân, vóc, sa, đũi, the, chồi, là, xuyến, quế, gấm, băng, nái, thao…Mỗi mặt hàng lại có nhiều mã hàng khác nhau, ví dụ hàng vân đã có nhiều mẫu như vân tứ quý, vân hồng điệp, vân trúc điểu, vân cúc mai, vân chữ hỷ, vân chữ triện…

Lụa Hà Đông rất nổi tiếng nên có một nhà thơ đã viết:

Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông [7].

Ngoài làng lụa Vạn Phúc, ở Hà Đông còn có làng La Khê nổi tiếng với nghề dệt gấm. Ông tổ nghề dệt gấm ở La Khê là Trần Quý, là người thợ dệt có tài ở La Khê. Thời Minh Mạng, ông bị bắt đi lính và bị đưa vào lính thủy, do đó ông có điều kiện đi nhiều cảng trong nước cũng như ở Trung Quốc, Cao Miên … Tới đâu ông cũng chú ý xem xét các chế phẩm của nghề dệt, sau này về quê ông phát triển nghề dệt gấm cho cả làng.

Phùng Khắc Khoan[8] được coi là ông tổ nghề dệt lượt ở làng Bùng (Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Tây), ông là người có công chế ra cỗ máy dệt hàng lượt. Lượt dày hơn the nhưng mịn và rất bền, là thứ hàng để may áo, làm khăn vấn đầu, do đó thành ngữ có câu “quần là áo lượt” là chỉ hình thức ăn mặc đẹp, sang trọng thời xưa. Dân làng Bùng khá giả lên cũng nhờ ông trạng này truyền nghề, dân làng phường thợ dệt suy tôn ông là ông tổ nghề dệt lượt[9].

Khi lưu dân người Việt vào lập nghiệp trên vùng đất của người Chăm, có thể có người mang theo kỹ thuật nuôi tằm, dệt lụa ở quê cũ vào, cùng với người Chăm phát triển kỹ thuật nuôi tằm trên giống dâu Chăm. Vùng hạ lưu sông Thu Bồn có nhiều bãi bồi phù sa, thích hợp cho cây dâu và phát triển nghề nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa.

Một số thư tịch cổ và tài liệu có đề cập đến nghề tơ lụa của người Việt ở Quảng Nam từ những thế kỷ trước. Sớm nhất là sách Ô châu cận lục của Dương Văn An viết năm 1553, trong phần phong tục tổng luận của huyện Điện Bàn có nêu “Mạc Châu nhiều vườn hồng. Lang Châu nhiều lụa trắng”[10]. Địa danh Mạc Châu đến nay không còn.

 Theo bài viết Lụa Đông Yên, đũi Chợ Chùa của tác giả Võ Thủ Lễ đăng trong tập sách Quảng Nam - Đà Nẵng đất nước, con người và đổi mới do Hội đồng hương QN-ĐN xuất bản năm 1995, tác giả dự đoán địa danh Mạc Châu tức là Mã Châu (thị trấn Nam Phước ngày nay), và câu nhiều hoa hồng, ông cho rằng “Quê lụa được ca ngợi là điều dễ hiểu, còn trồng nhiều hoa hồng mà được ghi vào sử sách là điều đáng ngạc nhiên, thú vị, mặt khác cũng nói lên nếp sống hào hoa phong nhã của ông cha ta ngày trước và trình độ thẩm mỹ của nhà viết sử”. Sự suy đoán từ Mạc Châu ra Mã Châu chắc là không có cơ sở, vì ở chương bốn sách này có dẫn chứng địa danh Mã Châu thời chúa Nguyễn là một làng của thuộc Hoa Châu, nghĩa là vùng đất có sau này, cách sự kiện Dương Văn An nêu hàng trăm năm.

Theo sách Địa chí xã Điện Quang thì thủy tổ các dòng họ vào khai cơ lập nghiệp ở thôn Văn Ly, trấn ở Mạc Xuyên và Văn Xuyên, nay là Phú Văn và Văn Ly. Do việc đào sông Câu Nhí, lưu lượng ngước sông tập trung vào vùng này cắt đôi làng Văn Ly làm hai vùng: Văn Ly bên bờ nam nay thuộc xã Điện Quang, Văn Ly bên bờ bắc nay thuộc xã Điện Hồng. Có thể Mạc Châu mà sách Ô châu cận lục đề cập chính là Mạc Xuyên và Văn Xuyên này.

Hoa Hồng được Ô châu cận lục đề cập ở đây không phải là loại hoa hồng ngày nay người ta dùng để tặng người yêu hay để trang trí, mà đó chính là một vị thuốc của đông y, có tính tán huyết. Trong Phủ biên tạp lục có nêu các loại thuế sai dư chúa Nguyễn thu ở huyện Phú Châu phủ Điện Bàn thời đó có loại thuế hoa hồng “Hai châu Dinh Trận Đông Tây, nộp thuế hồng hoa, mỗi bao 10 thưng, nộp thay bằng tiền 5 tiền 19 đồng. Châu Kiêm Đà nộp thuế đậu xanh, mỗi bao 15 bát”[11].

Lang Châu ngày nay là vùng đất thuộc xã Duy Phước, gần với Chợ Chùa, nơi ngày xưa có nghề dệt đũi nổi tiếng, gọi là đũi Chợ Chùa. Vùng đất này, cùng với các địa danh Vân Quật, Thi Lại, Mông Lĩnh, Trà Đình … thời đó vẫn còn thuộc huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong, thừa tuyên Thuận Hóa, mãi đến năm 1604, chúa Nguyễn Hoàng mới tách ra khỏi phủ Triệu Phong nhập vào dinh Quảng Nam.

Câu chuyện cô thôn nữ hái dâu ở làng Đông Yên tên Đoàn Thị Ngọc, trong một đêm trăng năm 1615 gặp chàng công tử con nhà chúa đáp thuyền chơi trăng trên sông, người sau này trở thành vợ chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, hai trăm năm sau, được vua Gia Long phong là Hiếu Chiêu Hoàng Hậu. Bà được nhân dân yêu quý gọi là Đoàn Quý phi, hay dân dã hơn là Bà chúa Tàm tang xứ Quảng. Sự kiện này cho phép chúng ta hình dung nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa ở Duy Trinh vào đầu thế kỷ 17 đã khá phát triển.

Vải lụa là mặt hàng xuất khẩu và tiêu dùng phổ biến của người dân Quảng Nam. Vào đầu thế kỷ 17, một nhà truyền đạo người Ý tới xứ Đàng Trong và ở đây gần 5 năm trời, ông đã có những nhận xét rất lý thú “Còn về tất cả những gì thuộc đời sống hàng ngày, xứ Đàng Trong cũng rất đầy đủ. Thứ nhất là áo mặc, họ có nhiều tơ lụa đến nỗi dân lao động và người nghèo cũng dùng hàng ngày. Vì thế đã hơn một lần tôi rất thích thú khi thấy đàn ông, đàn bà khuân vác đá, đất, vôi và những vật liệu tương tự mà không hề cẩn thận giữ cho áo đẹp và quí họ mặc khỏi rách hay bẩn. Điều này không có gì lạ, nếu biết rằng có những cây dâu cao lớn người ta hái lá để nuôi tằm được trồng trong những thửa ruộng rộng lớn như cây gai bên ta và mọc lên rất chóng. Thế nên chỉ trong một ít tháng là tằm được đưa ra nuôi ngoài khí trời và đồng thời nhả tơ, làm thành những cái kén nhỏ với số lượng rất nhiều và dư thừa đến nỗi người Đàng Trong đủ dùng cho riêng mình mà còn bán cho Nhật Bản và gởi sang nước Lào để rồi đưa sang Tây Tạng. Thứ lụa này tuy không thanh và mịn nhưng bền và chắc hơn lụa Tàu”[12].

Trong các sản phẩm xuất khẩu của xứ Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn, tơ là một trong các sản phẩm xuất khẩu chủ lực “Một cuộc điều tra do Johan van Linga thực hiện năm 1642 đã đưa ra bảng danh sách các hàng hóa có thể kiếm được ở Đàng Trong hàng năm như sau: “100 picul tơ (6.000 kg), từ 50 đến 60 picul gỗ trầm hương, từ 40 đến 50 catty kỳ nam, 100 picul hồ tiêu nếu được mùa và 300 đến 400 picul (18.000 - 24.000 kg) đường phổi”. Như vậy tơ và hồ tiêu là hai mặt hàng có số lượng xuất khẩu lớn thứ hai sau đường phổi”[13].

 Bằng nguồn tư liệu phong phú về ngoại thương xứ Đàng Trong nửa đầu thế kỷ 17, Li Tana viết “Người Nhật tới Đàng Trong thoạt tiên là vì tơ lụa. Họ có thể mua tơ lụa ở đây dễ dàng hơn ở các nơi khác vì tại cảng chính là Hội An có một số người Nhật sinh sống và những người Nhật này có thể thu gom tơ sống trước khi tàu của họ tới. Hoạt động này ở thị trường địa phương đã trở nên quan trọng đến nỗi giá tơ lụa ở Đàng Trong vào thời kỳ này lên xuống tùy theo nhịp độ Châu ấn thuyền tới cảng. Các nhà sản xuất tơ lụa địa phương ở Đàng Trong chia thu hoạch của họ thành hai loại, theo thời điểm tàu người Nhật đến. “Tơ mới” được thu hoạch từ tháng Tư đến tháng Sáu, vào thời người Nhật thu mua. “Tơ cũ” được thu hoạch từ tháng Mười đến tháng Mười hai. Vì các thuyền của người Nhật thường rời Đàng Trong trước ngày 20.7, nên vụ tơ này quá muộn đối với họ, do đó họ trở lại vào tháng Tư năm sau. Do tình hình này mà loại “tơ cũ” chỉ bán được với giá từ 100 đến 110 lạng một picul (khoảng 60kg), trong khi “tơ mới” có thể bán với giá từ 140 đến 160 lạng một picul. Giá có thể cao hơn, chẳng hạn, báo cáo của VOC ghi nhận là giá tơ lên tới 180-200 lạng một picul khi hai tàu của công ty này đến Đàng Trong năm 1633, vì có hai thuyền của Nhật vừa mua 400.000 real tơ lụa”[14].

Thương nhân người Nhật còn đến tận các vùng nông thôn để gom tơ. “Đàng Trong cung cấp không đủ và người Nhật định cư ở Hội An thường xuyên lui tới các vùng sản xuất tơ (chủ yếu là các phủ Thăng Hoa và Điện Bàn ở Quảng Nam) và mua trước cả vụ rồi”[15].

Đọc đoạn văn Cristophoro Borri mô tả về những cây dâu to lớn như cây gai bên châu Âu, chắc nhiều người sẽ ngạc nhiên và không tin, bởi vì lâu nay chúng ta đã quen nhìn những bãi dâu với những cây dâu bầu thấp, nhỏ. Gần đây, một nhà doanh nghiệp trẻ quê Đại Lộc đến Hội An lập khu du lịch Làng Lụa. Khu du lịch này có các hoạt động: trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa để phục vụ khách tham quan. Có một điều rất thú vị khi chứng kiến những cây dâu được trồng ở đây, ngoài giống dâu bầu đang thịnh hành, còn có nhiều cây dâu cao lớn như Cristophoro Borri đã mô tả, gọi là cây dâu Chăm.

Theo lời người chủ khu du lịch, ban đầu anh cũng không biết là có loại dâu này, chính các chuyên gia người Nhật đã gợi ý cho anh tìm kiếm loại dâu mà ngày xưa tổ tiên họ đã thấy khi đến các vùng dâu ở Thăng Hoa, Điện Bàn để mua tơ. Cơ duyên đã đến trong một lần đến vùng trung du Quảng Nam để mua ngôi nhà cổ về dựng tại khu du lịch ở Hội An, tại đây lần đầu tiên anh thấy một cây dâu cổ thụ như mô tả của các chuyên gia người Nhật, sau đó người dân ở đây đã chỉ cho anh một số cây dâu nữa. Anh kể: “Tôi đã cùng những chuyên gia người Nhật lặn lội đi tất cả các vùng quê trồng dâu nuôi tằm ở Quảng Nam. Vẫn không tìm đâu ra cây dâu có thân to và lá hình chân chim. Mỗi ngày trôi qua là ngọn lửa trong lòng tôi như mạnh thêm. Những đêm nằm giữa núi rừng bạt ngàn, lạnh lẽo tôi vẫn mơ đến dòng tơ vàng óng ả. Cuộc tìm kiếm 3 năm đằng đẵng rồi cũng có kết quả, ngày tôi đứng trước gốc dâu đen trùi trũi với chiếc lá hình chân chim tôi đã khóc. Mừng vui đến vỡ òa”[16]. Kết quả anh đã tìm và đem về trồng tại khu du lịch bốn mươi cây dâu loại này, trong đó có một cây hàng trăm năm tuổi, cao trên 10 mét, tàn nhánh xum xuê. Chính cây dâu này, người Chăm đã nuôi được tám lứa tằm trong một năm, có thể hiểu là với loại dâu cao lớn này, lá không bị ảnh hưởng bởi mùa nước lụt xảy ra vào khoảng tháng 8 – 9 âm lịch, người nuôi tằm có thể làm thêm lứa tằm thứ tám, “lúa hai mùa, tằm tám lứa” là vậy. Trong khi với cây dâu bầu thấp nhỏ, bị ngập lụt nên rất khó tìm lá để nuôi lứa tằm cuối vụ, gọi là “tằm chặp”. Sở dĩ có tên này vì người nuôi tằm phải từng chặp chạy đi mót số lá dâu trên ngọn, chưa bị ngập nước lụt về cho tằm ăn.

Lê Quý Đôn cũng đã viết rằng ngày trước Đoan Quốc Công (Nguyễn Hoàng) hàng năm lấy lụa thuế của huyện Phú Châu, phủ Điện Bàn để cung cống phú ra Bắc, số lượng hàng năm là 2.358 tấm. Còn ở Hoa Châu phủ Thăng Hoa “hàng năm nộp lụa thuế 809 tấm, lụa lễ 11 tấm, chứa vào 17 hòm để nộp, thuế là để dâng lên, lễ là để biếu quan trấn, cũng có ý đời cổ vậy”[17].

“Thuận Hóa không có nhiều của cải, đều lấy ở Quảng Nam, vì xứ Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ. Người Thăng Hoa, Điện Bàn biết dệt vải lụa vóc đoạn lĩnh là, hoa màu khéo đẹp chẳng kém Quảng Đông, ruộng đồng rộng rãi, trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vàng bạc, đồi mồi, trai ốc, bông, sáp, đường, mật, dầu sơn, cau, hồ tiêu, cá muối, gỗ lạt, đều sản xuất ở đấy”[18].

Thời Pháp thuộc, người Pháp thấy rõ mối lợi từ nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống của người Việt. Ngày 10.6.1886, Ban nghiên cứu Nông công thương nghiệp Trung Bắc Kỳ được thành lập, nhiệm vụ là thực hiện nghiên cứu, điều tra, hướng dẫn việc khai thác tơ tằm ở Trung và Bắc Kỳ. Tại Trung Kỳ, các địa phương có nghề trồng dâu nuôi tằm nhiều như Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên … Diện tích trồng dâu ở Trung Kỳ là 6.500 ha, nếu tính cả phần xen canh thì lên tới 8.500 ha. Cuối thế kỷ 19, người Pháp đã khai thác được nguồn tơ tằm ở đây đem về nước. Thời kỳ 1898-1902, trung bình mỗi năm xuất 150 tấn tơ sống sang Pháp, từ 1903-1907 trung bình hàng năm là 111 tấn tơ sống, từ 1908 - 1912 là 90 tấn và từ 1913 - 1917 thì chỉ còn 47,8 tấn tơ sống và 53,4 tấn tơ vụn. Tơ tằm Việt Nam chuyển về Pháp biến thành tơ, lụa rồi đưa sang Việt Nam tiêu thụ[19].

Đất đai ở Duy Trinh phần lớn là đất bãi bồi ven sông, thích hợp cho cây dâu. Theo địa bạ thời Gia Long, vào năm 1812, đất đai các làng, thôn ở Duy Trinh phần lớn là đất trồng dâu, dẫn chứng vài số liệu như sau:

 Thi Lai Tây thôn: toàn diện tích 119 mẫu 63 sào 3 thước; tư thổ (trồng dâu): 109 mẫu 8 sào 17 thước 8 tấc; tỷ lệ gần 92%. Bình An thôn[20]: toàn diện tích 82 mẫu 1 sào 6 thước 3 tấc 8.Tư thổ (trồng dâu) 49,8 mẫu; tỷ lệ trên 60%. Trung An thôn: toàn diện tích 149 mẫu 2 sào 3 thước 9 tấc, tư thổ (trồng dâu) 66 mẫu 5 sào; tỷ lệ gần 45%. Trung Mỹ thôn: toàn diện tích 69 mẫu 7 sào 14 thước 5 tấc, tư thổ (trồng dâu) 49 mẫu 2 sào; tỷ lệ trên 70%. Trung Hòa thôn: toàn diện tích 18 mẫu 4 sào 3 thước 7 tấc, tư thổ (trồng dâu) 17 mẫu 1 sào; tỷ lệ gần 93%. Nam An thôn: toàn diện tích 36 mẫu 4 sào 11 thước 7 tấc, tư thổ (trồng dâu) 20 mẫu; tỷ lệ trên 55%. Đông An Tây châu (thôn Đông Yên ngày nay): toàn diện tích 466 mẫu 2 sào 10 thước 6 tấc, tư thổ (trồng dâu) 295 mẫu 3 sào; tỷ lệ trên 63%

Chỉ riêng ba thôn Đông Yên, Phú Bông và Thi Lai, vào năm 1812, diện tích đất trồng dâu đã chiếm tới ba phần tư (¾) tổng diện tích đất canh tác. Đông Yên có diện tích trồng dâu lớn, chiếm gần 50% diện tích đất trồng dâu, vì vậy nghề nuôi tằm và ươm tơ phát triển hơn các làng phía dưới. Ngược lại, các làng Phú Bông, Thi Lai vì đất ít nên phải tìm cách phát triển nghề dệt, và nghề dệt trở thành nghề truyền thống lâu đời tại nơi đây.

Quảng Nam, vùng đất dâu tằm tơ lụa nổi tiếng, trong lịch sử đã có những giai đoạn phát triển cực thịnh. Một điều rất ngạc nhiên và cũng rất tự hào: mỗi thời kỳ phát triển như thế đều được bắt đầu từ những con người xuất thân từ đất Duy Trinh.

Thế kỷ 17, tơ lụa Duy Trinh đã đóng góp không nhỏ vào “con đường tơ lụa” trên biển của xứ Đàng Trong, trên những Châu ấn thuyền Nhật Bản qua cửa khẩu Đại Chiêm, con đường ấy có dấu ấn của người con gái đất Đông Yên: cô thôn nữ hái dâu Đoàn Thị Ngọc - Bà Đoàn Quý Phi - Bà chúa Tàm tang xứ Quảng - Hiếu Chiêu Hoàng Hậu.

Ba trăm năm sau, nửa đầu thế kỷ 20, một lần nữa tơ lụa Duy Trinh lại thăng hoa, mang lại sự thịnh vượng cho nhiều vùng quê Quảng Nam; hình thành “con đường tơ lụa” trên những toa chở hàng bằng đường sắt từ ga Trà Kiệu tây đến Sài Gòn - Nam Vang - Băng Cốc - Lyon - Pari…, có công lao của hai người con của đất Duy Trinh: Ông Võ Dẫn - người mở đầu cuộc “cách mạng” ngành dệt xứ Quảng và Ông Lê Đồng Lợi - người mở đầu nghề dệt vải Tuýt - xo Quảng Nam.


HỒ TRƯỜNG

 

(Trích từ bản thảo tập sách: “ĐẤT VÀ NGƯỜI DUY TRINH NHỮNG THẾ KỶ TRƯỚC”)



 

[1] Vùng đất có tỉnh Quảng Nam ngày nay

 

[2] Thủy kinh chú sớ - sđd – tr 387-388

 

[3] Việc nuôi tằm trong mùa mưa - gọi là nuôi tằm chặp – có mục đích để mót dâu, tức là để tiêu thụ số lá dâu ở vùng cao ráo, tránh lãng phí. Phần lớn số kén này bị tan, ươm không đạt, khi đem bán lại không được giá

 

[4] Theo truyền thuyết, Ỷ Lan sinh ngày 7 tháng 3 năm Giáp Thân (1044) tại hương Thổ Lỗi (sau đổi là Siêu Loại. Đời Nguyễn thuộc phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội).

 

[5] Vũ Từ Trang – Nghề cổ đất Việt, tr 327

 

[6] Sđd, tr 329

 

[7] Thơ Nguyên Sa

 

[8] Phùng Khắc Khoan sinh năm 1528 tại làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tinh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội). Tương truyền, ông là em cùng mẹ khác cha với Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đỗ Hoàng giáp Năm 1559, giữ chức Thượng thư bộ Công sau đó là Thượng thư bộ Hộ, tước Mai Quận công

 

[9] Vũ Từ Trang – Nghề cổ đất Việt, tr 332

 

[10] Dương Văn An – Ô châu cận lục – NXB GDVN năm 209, tr 47

 

[11] Sđd, trang 209

 

[12] CRISTOPHORO BORRI – Xứ Đàng Trong năm 1621 – Nxb TP HCM, tr 31 - 32

 

[13] Li Tana – Xứ Đàng Trong, tr 120

 

[14] Sđd, tr 92 - 93

 

[15] Li Tana – XĐT, tr 109

 

[16] file:///E:/21532-to-lua-que-minh.html

 

[17] Lê Quý Đôn –Phủ biên tạp lục, tr 427

 

[18] Lê Quý Đôn –Phủ biên tạp lục, tr 432 - 433

 

[19] Tình hình ruộng đất nông nghiệp và đời sống nông dân dưới triều Nguyễn, NXB Thuận Hóa

 

[20] Bình An, Trung An, Trung Mỹ, Trung Hòa, Nam An gọi chung là Phú Bông ngũ thôn, nay là thôn Phú Bông xã Duy Trinh.