Nhớ thi sĩ - chiến sĩ Hồ Thấu

05/05/2014, 18:44
Chia sẻ cùng bạn bè

Nhớ thi sĩ - chiến sĩ Hồ Thấu

 

Hồ Thấu có bút danh Huyền Thông, ông là một nhà trí thức cách mạng, một nhà giáo, một nhà thơ tài hoa, một trong những người đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử quê hương Quảng Nam. Ông đã giã từ cuộc sống năm 31 tuổi, khi đang ở cương vị là một Tỉnh uỷ viên Đảng bộ Quảng Nam-Đà nẵng, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Liên Việt tỉnh, nhà thơ tài hoa bạc mệnh ra đi làm xúc động tiếc thương vô hạn trong cán bộ, đảng viên, thanh niên học sinh và nhân dân  xứ Quảng lúc bây giờ.

            Hồ Thấu sinh năm 1918 tại làng Trung Thái, nay thuộc Thôn Phú Bông, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông là người con thứ của gia đình Nho học Hồ Hoàng, ông có tiếng là thông minh từ thuở bé và học giỏi trong vùng. Khi ông ra học ban chuyên khoa Tú tài tại Quốc học Huế, cùng thời với nhà thơ Tố Hữu và nhà thơ Huy Cận, ở đấy ông cũng đã nỗi tiếng là người học giỏi cả nhạc, họa, thơ, văn...

 

  Hồ Thấu được sống và học ở những nơi có nhiều phong trào cách mạng, ông chịu ảnh hưởng trực tiếp của các phong trào cách mạng lúc bấy giờ như phong trào học sinh bãi khoá ở Huế, ảnh hưởng tư tưởng dân chủ của Mặt trận Bình dân Pháp, phong trào Mặt trận Dân chủ, phản đế sôi động trong cả nước. Người thanh niên tài hoa ấy đã nhạy cảm, tiếp nhận các trào lưu tư tưởng, các phong trào cách mạng tại Huế cũng như các phong trào cách mạng lúc bấy giờ ở quê hương ông.

 

         Nhà trí thức cách mạng – nhà giáo:

         Năm 1938, ông Hồ Nghinh (1) cùng một số trí giả và hào phú kinh doanh tơ lụa ở quê ông đã góp tiền của xây dựng một ngôi trường mái ngói tường xây vào loại khang trang có đủ các lớp học tại quê nhà lấy tên là trường Tân Tân (2). Hồ Thấu vừa dưỡng bệnh vừa cùng em mình (3) tham gia dạy học và đến năm 1940-1941 ông được mời làm Hiệu trưởng, khi ở cương vị Hiệu trưởng bước đầu ông đã thực hiện công việc “Cao dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” theo thuyết Tam dân của cụ Phan Châu Trinh ngay tại quê hương mình. Ở quê nhà, ông vừa dạy học, vừa tự học vừa viết văn, làm thơ, là tri thức trẻ nhạy cảm trước thời cuộc ông sớm tiếp cận với cao trào cách mạng, ông đã tham gia tích cực vào phong trào yêu nước ở địa phương.

 

         Trong cuộc đời hoạt động của mình ta thấy công việc làm thơ viết văn đối với ông không phải là công việc chính, thơ của ông tuy không nhiều nhưng ông đã để lại cho đời những thi phẩm bất hủ, ở mỗi hoàn cảnh khác nhau người ta đã chuyền nhau đọc cho nhau nghe các tác phẩm của ông và cứ thế mà nhiều người đã thuộc các bài thơ ấy, và bài thơ được nhiều người biết, thuộc và sử dụng nhiều nhất vẫn là bài thơ Gởi kỳ .

 

         Thơ của ông trữ tình cách mạng, lời thơ mượt mà nhưng ý tưởng cách mạng, ý chí tiến công đậm nét và thơ ông mang tính kêu gọi, thôi thúc các tầng lớp đứng lên đấu tranh chống áp bức, nghèo nàn bất công, gia nhập vào các lực lượng cách mạng. Ông viết:

                   “Đời xây trên bất công

                  Đời xây trên áp bức

                  Ai hút máu của muôn đời lao lực

                  Sống phù hoa trên thi thể nhân gian...”

                  ...

                   “Hãy đứng dậy lên đường

                  Nhập vào lòng biển cả

                  Đời không còn xa lạ

                  Đời chỉ là mến thương!...”

                                             (Lên đường -1944)

 

                   “Ai đi những sớm mai tươi

                  Từng đoàn tắm nắng sáng ngời chí trai

                  Ai đi sứ mệnh nặng vai

                  Lòng vui nhiệm vụ chẳng nài gian lao..”

                                             (Nhớ đường -1947)

 

              Nhớ nhà thơ tài hoa - bạc mệnh:

 

         Hoàn cảnh lúc bấy giờ điều kiện xuất bản chưa có, nhưng do thơ Hồ Thấu trữ tình cách mạng nên nhiều người đã đọc và họ đã thuộc làu, về sau những người thân thuộc, bạn bè, học trò của ông đã lưu giữ trong lòng những bài thơ mang tính cách mạng hùng hồn sôi nỗi mang tính động viên mọi người hăng hái tham gia vào các tổ chức cách mạng.

         Hồ Thấu bắt đầu viết thơ từ năm 1939 và viết thơ cách mạng từ năm 1944, trong các tác phẩm của ông hầu hết  là thơ cách mạng.

         Cảm xúc khi đứng trước những nấm mồ xiêu dạt không có người viếng thăm, không ai nhang khói, ông như than thở:

                  “Ngày hôm nay đứng trước mộ các ngươi

                    Biết đâu đấy là nơi ta nghỉ bước...”

                                                               (1939)       

         Có lẽ đó là hai câu thơ như dự báo cho số phận của một nhà thơ tài hoa mệnh bạc (về sau bị bệnh nan y) mà đúng mười năm sau ông đã xa lìa cõi đời này.

 

         Cuộc đời của Hồ Thấu chỉ biết làm cách mạng, cách mạng về giáo dục và văn hoá...một tâm hồn trong trắng, chưa từng được và nghĩ đến có phút giây về tình yêu lứa đôi, chỉ tiếc rằng mình không còn sống để cùng được đồng bào đồng chí hoạt động cách mạng khi phong trào cách mạng đang khí thế bừng lên.

 

                   “Đời lên cho nẻo đẹp thơ

                  Ra đi chỉ tiếc cuộc cờ thiếu tay...”

                           ...

                   “Chừ đây ôn lại đời ta

                  Một đời trong trắng như hoa giữa dồng

                  Ái ân chưa bận tấc lòng

                  Bạc tiền chưa bẩn túi không bao giờ...”

                                                               (Gởi Kỳ - 1948)

Có điểm khác với thi phẩm đương thời, trong các tác phẩm của ông hầu như ta không bắt gặp hình ảnh người thiếu nữ xinh đẹp mà chỉ thấy quê hương , biển trời, sông núi, chỉ thấy đồng chí, đồng đội, bạn bè, hình ảnh người dân quê...Trong bài Quê hương ta mới thấy hình ảnh của người thiếu nữ mà người nữ ấy là người nữ binh vận đã khéo dùng mưu trí và nhan sắc của mình gan dạ bước vào đồn địch vận động được cả sỹ quan Pháp ôm súng tiểu liên về với chính quyền cách mạng, rồi chị bị địch bắt tra tấn dã man... Cảm xúc trước sự hy sinh cao cả ấy Hồ Thấu viết:

 

                  “...Anh hùng thân nhi nữ

                       Vào đồn dắt thù ra

                       Quặn đau từng thớ thịt

                       Trong non nước Việt Nam

      Lòng ta vui dũng liệt

      Say gian khổ căm hờn...”

 

                                             (Quê hương - 1947)

 

         Hồ Thấu là nhà chính trị, nhà thơ; khi ông đã lâm bệnh, dù đang dưỡng bệnh biết mình không được cùng các đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng, nhưng  ông mang một tâm hồn vẫn trong trẻo một niềm tin vào cuộc sống vào đồng chí đồng đội tha thiết yêu đời và luôn tin tưởng vào ngày mai tươi sáng dù đã cảm nhận cái chết đang thì thầm bên mình, nhưng ông đã vượt lên sự thì thầm ấy vẫn luôn nỡ những nụ cười, niềm vui trong ánh mắt và được mọi người yêu thương, quý mến

                “...Ai đi những sớm mai tươi

                  Từng đoàn tắm nắng sáng ngời chí trai

                  Ai đi sứ mệnh nặng vai

                  Lòng vui nhiệm vụ chẳng nài gian lao...”

                                            (Nhớ đường -1947)

 

         Vượt lên nổi đau do căn bệnh hiểm nghèo của mình mà vẫn luôn nhớ về bạn:

                   “Bạn đau nằm bến sông Thu

                  Ta đau nằm tít xa mù biển Đông

                  Bạn buồn ra ngắm núi sông

                  Ta buồn ra ngắm mênh mông biển trời...”

                                             (Nhớ Trinh Đường – 1948)

 

         Trước lúc đi xa, Hồ Thấu nằm trên giường bệnh, hấp hối nhưng ông lại xuất thần sáng tác được một bài thơ vào loại xuất sắc nhất của chất thơ kháng chiến nhưng giàu âm hưởng trữ tình, lãng mạn cách mạng trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Gởi Kỳ  là một bài thơ ứng khẩu theo thể thơ lục bát gồm 78 câu thơ, mà nhiều người rất hâm mộ thường đọc cho nhau nghe. Khó ai quên được:

                          “Chiến trường ai khóc chia phôi

                          Khải hoàn ai nhắc đến người hôm qua...”

         Như một thông điệp để lại cho người còn sống và nhắc nhở các thế hệ đừng bao giờ quên quá khứ gian lao, nghiệt ngã, nhưng vinh quang và hào hùng, ông vẫn tin vào các thế hệ nối tiếp:

                      “...Với ta ta chết từ lâu

                       Với ta đời vẫn một màu tươi son...” 

 

            Và ông đã xem cái chết tựa lông hồng, sự ra đi rất thanh thản nhẹ nhàng:

 

                 “...Chết đi như khách qua đường

                  Ôm đầy hoa lá giàu sang xuống mồ...”

 

         Thật đáng tiếc Hồ Thấu, nhà trí thức cách mạng, nhà giáo, nhà ngoại giao, nhà thơ tài hoa đã ra đi quá sớm, ông ra đi khi tuổi đang căng đầy nhựa sống, tiếc thay ông không được đóng góp nhiều hơn- lớn hơn sức mình vào sự nghiệp cách mạng . Những thi phẩm của ông có thể đã bị thất thoát do hoàn cảnh chiến tranh, số thi phẩm sưu tầm được chỉ đếm trên đầu ngón tay (4)

. Khóc thương luyến tiếc ông ; thi nhân-người chiến sỹ hiền lành, một con người chưa vướng bận ái ân, tiền bạc, trong đời chỉ đẹp và thơ .

..

                  “...Khóc thương anh biết mấy kể cho vừa

                      Vì hoa rụng giữa mùa căng nhựa sống...”

                           ...

                  ..”.Hơi còn đây thì hồn thơ còn mãi

                       Đến bao giờ vốc cạn đáy tâm tư..”.

                                      (Khóc anh Hồ Thấu của Phạm Văn Kỳ,1949)

 

                        “...Mênh mông cát trắng bạt ngàn

                       Ý thơ ngày cũ nồng nàn còn đây...”

                                      (Nhớ anh Hồ Thấu, của Nguyễn Xuân Vũ)

 

 Hồ Thấu không những là người đã có những cống hiến xuất sắc cho cách mạng cho nhân dân trên quê hương đất Quảng dẫu ở cương vị công tác nào, mà ông còn là một nhà thơ tài hoa, những thi phẩm của ông đã để lại cho người hôm qua, hôm nay và các thế hệ một tâm hồn trong trắng, và những thi phẩm bất hủ ấy như lời nhắn nhủ tâm tình

        

                    ...”Chiến trường ai khóc chia phôi

                         Khải hoàn ai nhắc đến người hôm qua...”

 

         Thi sĩ-chiến sĩ Hồ Thấu không còn nữa nhưng các thi phẩm của ông vẫn còn sống mãi với quê hương đất nước./.

 

------------------------------------------------------------------------------------

(1) Hồ Nghinh, anh ruột Hồ Thấu, nguyên Ủy viên BCHTW Đảng CSVN. Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng. Anh hùng LL VT ND

(2) Ngôi trường tiểu học tư thục tại Duy Trinh tiêu biểu cho cái mới lúc bấy giờ.

(3) Hồ Liên (Hoàng Bích Sơn), nguyên UVBCHTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao-Trưởng ban Đối ngoại TW Đảng.

(4) Hồ Thấu nhà trí thức cách mạng, xuất bản tại Đà Nẵng năm 1999 thì phần thơ Hồ Thấu chỉ mới sưu tầm được 10 bài, trong đó có 02 bài không có tiêu đề và mỗi bài chỉ có 02 câu thơ.

                                                                

                                                    Đoàn Công Tiến              

                                             Duy Xuyên-Quảng Nam

                    (Bài đăng trong Đặc san Xuân Duy Xuyên năm 2009 trang 70)

 

Trang 1 / 2 1 2 »