Rộn Ràng Thoi Đưa

18/03/2014, 11:25
Chia sẻ cùng bạn bè
Từ Nam Phước, đi dọc theo tỉnh lộ ĐT 610 chưa đầy mười cây số về phía tây, rẽ phải vài bước, vừa đặt chân qua bên kia con suối nhỏ, mọi xúc cảm của ta dường như thay đổi hẳn. Bên kia là thị tứ tấp nập - bên này là làng quê hiền hòa. Bên kia nhà tầng san sát - bên này nhà vườn xinh xinh. Bên kia muôn màu đua sắc - bên này ngút mắt màu xanh. Màu xanh hàng chè tàu, màu xanh hàng cau thẳng tắp. Xanh lúa, xanh ngô... Và một điểm khác biệt rất đặc trưng, đó là ta bỗng như rơi thỏm, vây bọc bởi không gian của một thứ âm thanh rất riêng biệt “Lách ca, lách cách! Lách ca, lách cách!”. Tiếng thoi đưa nhịp nhàng của hàng ngàn khung cửi vang ra từ mọi ngõ ngách của một làng nghề truyền thống: làng dệt Phú Bông - Thi Lai. Nếu chọn trụ sở HTX Dệt - May Duy Trinh làm tâm điểm, xuôi xuống phía đông hoặc ngược lên phía tây trong phạm vi khoảng hơn cây số, chúng ta sẽ thấy đa phần dân ở đây làm nghề dệt hoặc dịch vụ liên quan đến nghề dệt.

Làng dệt Phú Bông - Thi Lai ra đời từ rất sớm, ban đầu là dệt lụa, gắn với nghề trồng dâu - nuôi tằm - ươm tơ và cùng đồng hành với lịch sử phát triển của huyện Duy Xuyên. Điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi đây là vùng bãi bồi ven sông Thu Bồn, phù sa màu mỡ, rất thích hợp cho việc trồng dâu và cây bông vải; đồng thời còn là nơi thuận lợi cho cả ba loại hình giao thông: đường săt Bắc Nam có ga dừng Ga Be, đường bộ có tỉnh lộ đi qua, đường sông có bến Đò Gặp nối liền thương cảng Hội An sầm uất một thời của xứ Đàng Trong. Nguyên nhân để nghề tàm tang ở đây phát triển còn bắt nguồn từ tình yêu nghề và tình yêu quê hương tha thiết, mãnh liệt của cô thôn nữ họ Đoàn được tiến cung và trở thành vợ Chúa. Trong suốt thời gian ngự tại Chánh cung, lúc nào Bà cũng dành tâm trí của mình cho việc truyền đạt, khuếch trương, quảng bá nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Bà được nhân dân yêu mến xưng tụng là Bà Chúa Tàm Tang xứ Quảng. Nếu chỉ có vậy thì cũng chưa đủ để làng dệt này dù phải trải qua bao thăng trầm chìm nổi, từng làm mưa làm gió thị trường trong Nam ngoài Bắc, vượt ra khỏi biên giới quốc gia, rồi cũng từng có thời ngậm đắng nuốt cay, treo gươm gác kiếm nhưng vẫn tồn tại phát triển bền vững cho đến ngày nay. Đó chính là tính kiên cường, lòng dũng cảm, sự đam mê, óc sáng tạo, tinh thần hợp tác liên kết và ý chí khắc phục mọi khó khăn để giữ lấy nghề - một nét riêng rất độc đáo của những cư dân nơi đây.

Những tố chất đáng quý đó được thể hiện tập trung và tiêu biểu nhất là sự ra đời của chiếc máy dệt cải tiến - do nghệ nhân Võ Dần, người làng Thi Lai, xã Duy Trinh bây giờ sáng chế và việc canh tân nghề dệt xứ Quảng. Năm 1932, nhân một chuyến đi Sài Gòn, có dịp tận mắt nhìn thấy máy dệt bằng sắt của người Pháp đang triên lãm, vừa tiện lợi, vừa đạt năng suất cao, ông đã mày mò nghiên cứu cải tiến khung cửi cổ truyền, đưa thoi bằng tay nặng nhọc thành chiếc máy dệt bằng gỗ đạp chân năng suất tăng ba bốn lần. Từ một chiếc nhân ra nhiều chiếc; từ hàng lãnh trơn khổ 0,40 mét đã dệt được lãnh đệm khổ 0,80 mét; từ làng Thi Lai máy cải tiến lan rộng ra nhiều vùng, rồi cả tỉnh, đâu đâu cũng say sưa với máy dệt cải tiến, say sưa với hàng tơ tằm ngày một tinh xảo, chất lượng hơn. Tiếng canh cửi rộn ràng vang lên đầu làng cuối xóm tạo ra sức sống mới không chỉ cho Thi Lai mà cho cả một vùng quê rộng lớn. Thi Lai trở thành Chợ Hàng nổi tiếng. Từ đây, hàng tơ lụa tỏa đi khắp nơi ra tận Hà Nội, vào đến Sài Gòn, sang cả Nam Vang. Có thể nói đây là thời kỳ thịnh vượng của làng dệt Phú Bông - Thi Lai.
Cùng với sự biến động của thời cuộc, máy dệt xứ Quảng đã làm một cuộc Nam tiến vào tận Sài Gòn (theo cách nói ví von đầy tự hào của các bậc cao niên vùng dệt). Nơi đất khách quê người, ban đầu chỉ một số nhà dệt lẻ tẻ, sau đó mở rộng quy mô nâng lên thành xưởng với hàng trăm máy tập trung. Thật không ngoa khi nói rằng Duy Trinh là chiếc nôi của nghề dệt và làng dệt Bảy Hiền, Lò Chén ờ Sài Gòn được bắt nguồn từ làng dệt Phú Bông - Thi Lai. Nói chung, dù đi bất kỳ đâu, người dân làng dệt bao giờ cũng đùm bọc, nương dựa vào nhau, vẫn giữ lấy và mở mang nghề.
Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, những người con xa xứ từ mọi miền nô nức về lại quê nhà, chung sức chung lòng khôi phục lại nghề dệt. Người đóng tiền, người góp khung cửi, kẻ góp công và bằng sự liên kết, đầu năm 1976, tổ hợp tác Dệt Duy Trinh ra đời, đánh dấu một thời kỳ phát triển của làng dệt. Tuy quy mô còn nhỏ, chỉ 20 khung cửi khổ hẹp, đội ngũ quản lý có hai người, vừa chỉ huy - giao dịch, vừa đứng máy, nhưng đã tạo ra được một cách làm ăn hiệu quả, mang tính điển hình rất cao lúc bấy giờ. Sự đóng góp ban đầu ấy mang ý nghĩa thật to lớn. Chính họ là những người tiên phong, nhen nhóm, khơi dậy và làm sống lại nghề truyền thống của cha Ông. Vừa ra đời, ngay lập tức, tổ hợp tác trở thành chỗ dựa vững chắc cho người làm nghề dệt và cứ thế ngày một mở rộng để rồi năm 1979 chuyển lên thành hợp tác xã.
Thực ra, hợp tác xã không phải là hình thức hoàn toàn mới. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, ở vùng ven sông Thu Bồn đã hình thành các hợp tác xã như: HTX Dệt Quảng Nam, HTX Dệt Duy Xuyên và ở Duy Trinh cũng đã có HTX Dệt Công Bình. Cái mới của HTX Dệt Duy Trinh chính là uy tín, cách quản lý và chất lượng sản phẩm. Những truyền thống tốt đẹp được phát huy, kỹ thuật hiện đại được áp dụng, công đoạn sản xuất mới được bổ sung. Hàng của Duy Trinh lại tiếp tục dọc ngang vào Nam ra Bắc. Nghề dệt cứ thế lan tỏa dần, đời sống bà con dần được cải thiện và nâng cao. Nông dân cũng dệt, công chức cũng lên khung; làng dệt Phú Bông - Thi Lai thực sự được khôi phục và phát triển. Cùng với Thi Lai, các làng dệt khác như Duy Sơn, thị trấn Nam Phước... cũng được vực dậy và mở rộng.

Nhưng thời thịnh vượng nhất trong lịch sử phát triển làng nghề này và các nơi khác trong huyện phải nói là trong vòng mười năm trở lại đây, từ năm 1998 đến bây giờ, cùng với sự phát triển của tỉnh Quảng Nam, từ khi tách ra khỏi Quảng Nam - Đà Nẵng cũ. Kể ra nghề dệt cũng phải mất hơn mười năm trước đó căng mình chống đỡ sự va đập nghiệt ngã của giai đoạn đầu chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế. Thời kỳ này hầu như các HTX dệt đều rơi vào cảnh bế tắc, có HTX phải giải thể hoặc chuyển sang mặt hàng khác. Nhưng HTX Dệt Duy Trinh vẫn trụ lại được và bà con vẫn còn chỗ dựa. Với vai trò nòng cốt, HTX đã cùng bà con tìm tòi đổi mới, cả công nghệ lẫn hình thức sờ hữu, nâng cao tay nghề và trình độ quản lý, vừa khai thác nội lực vừa tìm kiếm thị trường, cộng với cơ chế khuyến khích của tỉnh, đặc biệt là kết hợp cả hai yếu tố hiện đại và truyền thống, giữa tính kinh tế và tính nhân văn, giữa người lao động và cộng đồng, làng nghề mỗi ngày một khởi sắc và phát triển ngày một bền vững hơn. Năm 2000 HTX được Nhà nước phong tặng Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.

Hiện nay, làng Phú Bông - Thi Lai có gần 1.500 khung cửi đủ chủng loại, máy gồ khổ hẹp, khổ rộng, máy sắt, cả máy kiếm; dệt cho HTX, cho tư nhân hoặc tự sản tự tiêu. Tiếng “Lách ca, lách cách! Lách ca, lách cách!” một lần nữa lại rộn ràng vang lên từ đầu làng đến cuối xóm, cả tuần chỉ có mỗi buổi chiều chủ nhật là im ắng cho thợ nghỉ ngơi, mua sắm. Điểm thú vị là cùng với sự thăng tiến của nghề dệt đã kéo theo sự phát triển của cả cộng đồng, nhiều người dân vùng khác đến mua bán làm ăn, hàng quán nối tiếp mọc lên, đường sá, vườn tược được chỉnh trang, tu sửa; hiện đại nhưng không mất dáng vẻ làng quê, bộ mặt nông thôn dần dần đổi mới và tạo nên một nét đẹp riêng: Phố làng.
Ngày nay Phố làng dệt không chỉ có tại Thi Lai - Phú Bông mà còn có cả ở Mã Châu - TT Nam Phước, Chiêm Sơn - xã Duy Sơn... Chỉ hơn mười năm mà ngành dệt Duy Xuyên - Quảng Nam đã phát triển mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu. Nghề dệt đã vượt khỏi phạm vi truyền thống có mặt từ đầu nguồn đến cuối biển, suốt từ khu Tây như Duy Thu, Duy Tân, Duy Phú, Duy Hòa đến vùng Đông như Duy Thành, Duy Vinh, kéo theo cả hàng ngàn gia đình chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Cả mảnh đất bờ Nam sông Thu Bồn có hơn 7.000 máy dệt, trong đó, hơn 6.000 máy thoi và gần 1.000 máy kiếm; năm 2006 đạt trên 40 triệu mét vải cho thị trường nội địa và xuất khẩu, tạo ra một giá trị lớn đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế đi lên công nghiệp của huyện Duy Xuyên. Nếu so sánh với năm đầu mới lập tỉnh Quảng Nam - 1997 thì số máy dệt tăng gấp tám lần và sản lượng vải tăng lên gấp mười lần, với chủng loại đa dạng và phong phú không chỉ cho tiêu dùng mà còn tham gia xuất khẩu. Nếu so sánh với những năm đầu của thập kỷ tám mươi, với định mức phân phối 5m/người/năm thì ngành dệt Duy Xuyên hiện nay không chỉ đáp ứng đủ vải mặc cho nhân dân toàn tỉnh mà còn có thể trang trải được cho nhiều nơi khác. Thật là một sự phát triển kỳ diệu của ngành dệt tỉnh Quảng Nam ngang tầm và có thể vượt trội so với nhiều lĩnh vực kinh tể khác.

Thời cơ và vận hội đang dồn dập đến với đất nước và nhân dân ta, trong đó có nghề dệt. Cơ hội vàng đang mở ra trước mắt làng nghề dệt vải truyền thống Phú Bông - Thi Lai và của cả những làng dệt quê hương Duy Xuyên - Quảng Nam. Tất nhiên cũng có những thách thức gay gắt hơn trong cuộc hội nhập đầy đủ vào kinh tế thế giới từ năm 2007 khi nước ta đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới: WTO. Với tính cần cù chịu khó và bề dày kinh nghiệm được tích lũy của xứ tàm tang, của những cư dân lâu đời gắn bó với nghề dệt, với tâm hồn và ý chí của con người đất Quảng, với quyết tâm cao của huyện Duy Xuyên sẽ tác động thúc đẩy hình thành nhà máy sợi trên địa bàn để tạo sự chủ động về nguyên liệu sản xuất và giảm dần chi phí cho ngành dệt, chắc chắn những làng nghề, làng quê này sẽ tiếp tục vươn cao vươn xa hơn nữa và sẽ đóng góp tích cực cho sự nghiệp CNH - HĐH tỉnh nhà cả giá trị tăng trường và kinh nghiệm phát triển.

Tiếng thoi đưa “Lách ca, lách cách! Lách ca, lách cách!” nhịp nhàng sẽ mãi là âm thanh gần gũi, thân thương cho cả người đang sống tại quê nhà và những người xa quê vừa đến đầu làng đã nghe lòng xốn xang trào dâng một cảm xúc thiêng liêng đối với mảnh đất thân yêu.

Nguyễn Minh
Rộn Ràng Thoi Đưa
Rộn Ràng Thoi Đưa
Rộn Ràng Thoi Đưa
Rộn Ràng Thoi Đưa