Các dòng tộc

Tộc Đoàn

06/06/2014, 18:06

ĐÔI NÉT VỀ QUÊ HƯƠNG VÀ DÒNG HỌ ĐOÀN

 

 

Huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam nguyên là đất Chiêm Động, vùng đất mang ấn tích thánh địa Mỹ Sơn, được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới. Trên tuyến Quốc lộ I A, từ ngã ba Nam phước hướng về phía Tây chừng 7 kilomet, nhìn sang phía Bắc là địa phận xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Ngược dòng lịch sử và theo gia phả tộc Đoàn ghi lại: Khi vua Lê Thánh Tông mở mang bờ cõi của nước Đại Việt, cùng với các dòng họ khác ở xứ Đàng Ngoài có công với đất nước, người họ Đoàn từ xã Khuông Phụ, huyện Gia Phúc phủ Thừa Tuyên Hạ Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là thị trấn Gia Lộc tỉnh Hải Dương) đã đặt chân đến vùng đất nầy khai hoang, lập làng.

Khi vào xứ Đàng Trong, ông Đoàn Đại Lang (tự là An Phận) cùng bà Nhứt Nương (tự là An Tâm) ông đã để lại người con trai là ông Đoàn Công Huyền quy dân lập làng khai khẩn ruộng đất là làng Đông Yên Châu từ Chiêm Sơn chạy dài đến chợ Củi (cầu Câu Lâu ngày nay) thuộc huyện Hà Đông, phủ Thăng Ba, xứ Quảng Nam.

Ông Đoàn Công Huyền được sắc phong “Hộ Quốc tý dân, Mẫn trứ linh ứng, Bổn cảnh khai cơ, Dực bảo trung hưng, Thượng đẵng thần” ông sinh hạ được ba người con trai là: Đoàn Công Nhạn, Đoàn Công Tín (còn gọi là ông Tấn), Đoàn Công Luận (còn gọi là ông Kim), mà sau nầy tộc Đoàn hình thành ba phái. Tại mảnh đất nầy ông, bà ta đã biết dựa vào những cánh đồng thổ canh, bãi sa bồi ven sông Thu Bồn để trồng trọt cây lương thực, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa và phát triển cho đến ngày nay.

Hơn 500 năm, người họ Đoàn đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương Quảng Nam trong đó có nghề trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa nổi tiếng không những trong nước mà đến cả Viêng Chăn, Nam Vang…gắn liền với công đức của Hiếu chiêu Hoàng hậu Đoàn Quý Phi - Bà Chúa tàm tang.

Theo xuôi ngược dòng đời, người họ Đoàn đã phát triển và hành trang mang theo là nghề truyền thống nầy đã loang tỏa đến nhiều vùng ở phía Nam của Tổ quốc, nhưng là dù ở đâu người họ Đoàn vẫn chung một cội nguồn.

TINH THẦN ĐOÀN KẾT, GẮN BÓ KEO SƠN

CỦA CON CHÁU DÒNG HỌ ĐOÀN

 

 

Chim có Tổ, người có Tông

Cây có cội, nước có nguồn

Cây có cội mới xanh cành, mở ngọn

Nước có nguồn mới biển rộng sông sâu

Con người nguồn gốc từ đâu

Có tổ tiên trước rồi sau mới có mình

Những câu ca dao mộc mạc ấy từ bao giờ đã ăn sâu vào tâm thức con người Việt Nam như một lẽ sống. Đó là đạo lý của dân tộc, đạo lý làm người mà từ ngàn xưa cho đến ngày nay trải qua bao cơn binh lửa chiến tranh, bao sự hưng phế thăng trầm của đất nước, bao nhiêu biến cố của cuộc đời. Dân tộc ta nói chung và dòng họ Đoàn nói riêng đều thành kính với tổ tiên, giữ trọn đạo nghĩa huyết thống với tâm nguyện tưởng nhớ đến cội nguồn tiên tổ, thành kính tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân đã dày công mở đường cho hậu thế.

Xuất phát từ tinh thần ấy mà ngôi từ đường tại mảnh đất Đông Yên Châu ngày xưa, nay thuộc thôn Đông Yên, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam này đã được xây dựng để thờ phụng tổ tiên, đã đặt nền móng vững bền và tiếp nối cho con cháu đến ngày nay.

Trải qua trên 500 năm và hơn 20 thế hệ, con cháu Đoàn tộc ngày càng đông, cùng đùm bọc, chở che trong tinh thần gia tộc với tình làng, nghĩa xóm trọn vẹn thủy chung, trải qua bao thế kỷ, biết bao trôi nổi thăng trầm, biết bao thiên tai, địch họa, biết bao thảm cảnh của cuộc đời nhưng đúng như ông bà ta đã dạy“một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Tình gia tộc cũng từ đây mà luôn gắn bó keo sơn, nhìn lại cuộc đời của các vị tiền bối quả thật là lầm than khổ cực nhưng sự nghiệp của các cụ là vô cùng to lớn đã để lại cho con cháu chúng ta một di sản quý giá, để lại một nền tảng vững chắc cho gia tộc, con cháu cứ theo đà ấy mà vươn lên, trưởng thành theo chiều dài của lịch sử. Đó là sự bảo vệ tinh hoa khí tiết của gia tộc, bảo vệ giống nòi dòng họ của Đoàn.

Thế nhưng những năm tháng chiến tranh ác liệt, ngôi từ đường chung của đại gia đình Đoàn tộc tại mảnh đất Đông Yên cũng như nhiều ngôi từ đường Đoàn tộc của các chi phái khắp các nơi trong tỉnh hầu hết đều bị chiến tranh, bom đạn tàn phá, chỉ còn lại đống gạch vụn đổ nát, điêu tàn...

Xót xa, trăn trở với những ngày tế lễ truyền thống hằng năm, con cháu xa gần tề tựu về ngày càng đông nhưng nơi thờ tự tổ tiên còn tạm bợ, trong lúc hoàn cảnh kinh tế gia đình của con cháu sau ngày giải phóng còn thiếu thốn trăm bề. Các chú, các bác, các anh trong hội đồng gia tộc phải tìm mọi cách để biến những trăn trở ấy thành hiện thực dù chưa phải khang trang lộng lẫy nhưng phải có nơi để thờ phụng tổ tiên, có nơi cho con cháu tụ họp đốt nén nhang dâng lên tiên tổ trong các dịp lễ tết. Rồi cũng từ đó tại mảnh đất Đông Yên, di tích của tiên tổ để lại, ngôi từ đường Đại Đoàn tộc được tái lập trên nền cũ.

Suốt 35 năm qua từ khi quê hương được giải phóng, đất nước được thanh bình, đã nhiều lần ngôi từ đường được nâng cấp, hết tiền đường đến hậu tẩm, mới đây được xây dựng thêm từ môn cho đến hôm nay tuy chưa toại nguyện với đà phát triển chung của toàn xã hội nhưng phần nào cũng đã an lòng anh em con cháu trong dòng tộc. Kết quả đó không những thể hiện công lao to lớn của dòng tộc mà còn là biếu hiện tấm lòng nhiệt thành của các bác, các chú, các cô ở TP HCM, Hà Nội, tuy xa xôi hàng ngàn cây số nhưng với tấm lòng hướng về cội nguồn tiên tổ kêu gọi đóng góp để gửi về góp phần cùng gia tộc, những con cháu ở địa phương chắt chiu dành dụm tiết kiệm chi tiêu để cùng chung tay góp sức dựng xây. Rồi không quản ngại nắng mưa, ngày đêm lăn lộn mong cho ngôi từ đường được hình thành và ngày càng khang trang, đẹp đẽ xứng với tầm vóc chung của gia tộc. Không những tập trung cho ngôi từ đường chung của toàn gia tộc tại quê nhà, mà  tại Ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình, TP HCM, các bác, các chú, các cô cùng anh em con cháu cũng đã chung tay góp sức xây dựng nhà thờ để tiện việc cho con cháu sum họp. Rồi tại các địa phương như Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Núi Thành, Tam Kỳ, Phú Ninh và nhiều nơi khác ngôi từ đường Đoàn tộc thuộc các chi nhánh cũng được hình thành, lăng mộ của tiên tổ, ông bà cũng dần dần trùng tu nâng cấp.

Làm sao ta quên được công lao của các ông, các bác, các chú đã nhiều năm đành gác lại việc riêng, tập trung đứng mũi chịu sào lo cho việc tộc. Đặc biệt có cụ Đoàn Công Bửu sinh sống tại Phan Thiết, mặc dầu trong hoàn cảnh chiến tranh nhưng ông đã dành nhiều thời gian, công sức tập trung trí tuệ, mài mẫn điêu khắc, chạm trổ hình thành một bàn hương án để gửi về dâng cúng tổ tiên (hiện bàn hương án đang còn nguyên vẹn ở nhà thờ Duy Trinh).

Không những lo cho có nơi thờ phụng, làm sao chúng ta quên được công lao của các cụ cao niên của dòng họ không quản vất vả, khó khăn, với tuổi cao, sức yếu tập trung nhiều thời gian sưu tầm, tái lập chỉnh sửa tông đồ gia phả của  tộc rồi bảo quản gìn giữ từ bộ lư hương đến từng tấm bài vị cho đến ngày nay.

                    CÁC LĂNG MỘ THỦY TỔ VÀ TIÊN TỔ VÀ LỄ TẾ TỘC

 

Thọ hưởng phúc đức tiên tổ, bổn phận cháu con ngoài việc nâng cấp trùng tu các tự đường để thờ tự còn phải tu tảo các phần mộ tiên linh đã sản sinh ra mình. Nhìn những lăng mộ nầy ta mới thấy hết sự nỗ lực của ông bà ta ngày trước và sự nhiệt tâm của các thế hệ dòng họ đã tu tảo giữ gìn cho đến ngày nay.

Cứ mỗi dịp đầu Xuân vào ngày 20 tháng giêng âm lịch, cháu con của các chi phái dù ở đâu cũng về nhà thờ chính (thông Đông Yên xã Duy Trinh huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam) để dự tế lệ họ Đoàn. Lễ tế lệ được tổ chức theo nghi thức cổ truyền, trang nghiêm ấm áp tình gia tộc, là ngày hội lớn của gia tộc.

 

              ĐÔI NÉT VỀ MỪNG THỌ 

            VÀ KHUYẾN HỌC KHUYẾN TÀI CỦA TỘC

 

Hội đồng gia tộc có chủ trương phối hợp với gia đình tổ chức mừng thọ các cụ cao tuổi trong họ vào tuổi 70 trở lên nhân ngày lễ hội hằng năm tại gia đình và tại nhà thờ các chi nhánh.

Nhằm giáo dục truyền thống dòng tộc, để con cháu biết thương yêu kính trọng ông bà, tri ân sự đóng góp của các cụ vào sự duy trì, phát triển dòng tộc về mọi mặt.

Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên Đán kết hợp trong lễ tạ ông bà sau 3 ngày xuân, con cháu trong gia đình tổ chức mừng thọ cho các cụ thọ từ 60 tuổi trở lên phù hợp với điều kiện của gia đình (đối với những nơi chưa có nhà thờ chi, nhánh), còn những nơi đã có nhà thờ thì các cụ được hội đồng trị sự của gia tộc mời về tại nhà thờ, tổ chức mừng thọ chung.

Lễ mừng thọ được tổ chức trang nghiêm ấm áp tình gia tộc, tại các chi nhánh, phần dâng hương cho ông bà theo nghi lễ truyền thống, đại diện trong chi nhánh (hoặc tự tôn), có lời chúc mừng thọ, trao quà, con cháu theo thứ bậc vào chúc mừng, mừng tuổi các cụ tùy theo khả năng như phong bì, tấm khăn quàng cổ, tấm áo điều, bông hoa, đọc thơ, hát chúc mừng…trong tiệc trà thân mật, con cháu tiếp đón và hầu chuyện, lắng nghe nhưng lời chỉ dẫn, những điều ăn, nết ở trong cuộc sống cho con cháu.

 

Với cả tộc, thì cứ 3 năm nhân ngày giỗ tổ 20 tháng giêng Hội đồng gia tộc tổ chức mừng thọ cho các cụ từ 80 tuổi trở lên với quy mô hơn. Chính nhờ cách tổ chức như thế này mà con cháu trong tộc đã nhận thức được bản thân mà tu luyện trở thành con cháu hiếu thảo, công dân gương mẫu trong xã hội, đồng thời ông bà cũng vì con cháu mà tiếp tục tạo điều kiện cho con cháu trên nhiều mặt, vui vẻ trong những năm cuối đời, trở thành ông bà mẫu mực, sống thọ, sống vui, sống khỏe, sống có ích…

 

Những con em tộc Đoàn học giỏi ở các cấp hoặc trúng tuyển vào Đại học được Tộc khen thưởng những người đạt học vị cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ hoặc được Nhà nước tặng danh hiệu cao quý hoặc thành đạt trong cuộc sống được Tộc tổ chức đón tiếp trang trọng. Tộc khuyến khích các gia đình, các chi phái, nhánh trong tộc tập trung đầu tư chăm lo việc học tập cho con cháu, góp phần vào công việc tộc họ để gia đình, tộc họ vững chắc nhằm góp phần chung vào sự phát triển của đất nước, có những trường hợp đỗ đại học mà không có điều kiện để học tập tốt thì được sự động viên, nhận đỡ đầu, cho mượn kinh phí học tập không tính lãi đến khi ra trường có công ăn việc làm thì hoàn lại và lại tiếp tục đầu tư cho những con cháu kế tiếp.

 

Chính nhờ sự quan tâm, lòng tự hào về dòng tộc mà con cháu trong tộc ở độ tuổi đi học đã đạt chuẩn phổ cập cấp quốc gia ở bậc học Trung học cơ sở (đại trà); riêng địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng con cháu đạt phổ cập giáo dục bậc Trung học phổ thông, tỉ lệ con cháu có học vị Đại học, Thạc sỹ, Tiến sĩ đã có nhiều ở các chi phái như: Tộc Đoàn Thăng Bình, Tộc Đoàn Núi Thành, Tộc Đoàn Đông Khương Điện Bàn, Tộc Đoàn Ngũ xã Trà Kiệu, Tộc Đoàn Phụng Châu - Nam Phước …ở Đông Yên có nhạc sĩ Thuận Yến, ca sĩ Thanh Lam là những người con của tộc nỗi tiếng về lĩnh vực văn học nghệ thuật.

VỀ HIẾU CHIÊU HOÀNG HẬU: ĐOÀN QUÝ PHI

Nhà hào phú Đoàn Công Nhạn, về sau được tôn phong Thạch Quận Công (là con trai của ông Đoàn Công Huyền) cùng bà thứ thất Võ Thị Ngọc Thành sản sinh ra một mỹ nữ tuấn tú bên dòng sông Thu là Đoàn Thị Ngọc, bà sinh năm Tân Sửu -1601 và mất năm Tân Sửu -1661, thọ 61 tuổi).

Từ ngàn dâu xanh thắm (hôm nay ta như thấy lại hình ảnh) cô thôn nữ họ Đoàn khi xưa cất tiếng hát trong đêm trăng thanh vắng đã làm đắm say chàng công tử Nguyễn Phúc Lan (sau nầy là Hiếu Chiêu Hoàng đế)

Thuyền rồng Chúa ngự nơi đâu

Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình

Câu hát ấy đã đưa cô thôn nữ họ Đoàn đất dâu tằm sắc nước hương trời bước vào phủ Chúa và sau nầy trở thành Hoàng hậu của Chúa Nguyễn xứ Đàng Trong. Chuyện kể rằng: Vào năm 1615, trong một đêm trăng sáng, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên lúc đó đang tuần du ở Quảng Nam dinh cùng con trai thứ hai là công tử Nguyễn Phúc Lan ngẫu hứng dạo thuyền chơi trăng trên sông Thu Bồn. Khi thuyền rồng ngược dòng từ dinh trấn Thanh Chiêm đến địa phận làng Chiêm Sơn, huyện Diên Phước, nay là xã Duy Trinh huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam, vùng đất nổi tiếng về nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, thì một giọng hát trong ngần từ một nương dâu bên bờ sông vọng lại:

Thiếp nghe Chúa ngự thuyền rồng

Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa

Một lát sau cũng giọng hát ấy lại cất lên mượt mà da diết:

Thuyền rồng Chúa ngự nơi đâu

Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình

Tiếng hát ấy đã làm xao lòng công tử, chàng đã cho men thuyền theo dọc triền sông đi tìm tiếng hát. Khi lên bờ, chàng công tử đã rung động trước vẻ đẹp đôn hậu của cô thục nữ vừa độ tuổi trăng tròn. Hai năm sau cuộc gặp gỡ đầy thơ mộng ấy, họ đã kết nghĩa tào khang.

Xuất thân là một cô gái làm nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, nên duyên với bậc thế tử cũng tại nương dâu xanh thắm chốn quê nhà, nên sau khi trở thành Hoàng hậu dù ở bậc cao sang nhưng bà đã hết lòng ủng hộ, khuyến khích nông dân các phủ Điện Bàn, Thăng Hoa phát triển nghề nuôi tằm dệt lụa, nhờ thế mà nghề tàm tang canh cửi xứ Đàng Trong được mở mang từ thời kỳ đó.

Lúc bấy giờ, ở Quảng Nam đã sản xuất được nhiều mặt hàng tơ lụa nổi tiếng như: đoạn, lãnh, gấm vóc bán nội địa và xuất khẩu ra nước ngoài qua thị cảng Hội An. Bởi vậy mà Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục đã viết rằng: “người phủ Thăng, phủ Điện dệt được các loại the đoạn, lụa là hoa màu chẳng kém gì Quảng Đông”.

Bà được tôn vinh là Bà Chúa tàm tang, bà sinh được ba công tử và một công nương tên là Nguyễn Thị Ngọc Dung nhưng đã mất sớm chỉ còn công tử thứ hai là Nguyễn Phúc Tần (sau trở thành Chúa Hiền), người có nhiều công lao trong mở mang bờ cõi về phía Nam và dẹp loạn an dân.

Với lòng biết ơn và tự hào, vào ngày giỗ của bà 17 tháng 5 âm lịch hằng năm bà con Đoàn tộc khắp nơi cùng với tộc Nguyễn Phước tổ chức lễ tưởng niệm một cách trang nghiêm và giản dị. Những năm gần đây Ủy ban nhân dân xã Duy Trinh huyện Duy Xuyên tổ chức lễ hội Bà Chúa tàm tang với quy mô sân khấu hóa.

 Dù đã là bậc mẫu nghi của thiên hạ, là người mẹ hiền của vị Chúa được nhân dân tôn kính nhưng bà vẫn canh cánh bên lòng nỗi nhớ quê hương và thể theo nguyện vọng của Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, khi qua đời mộ của Hiếu Chiêu Hoàng hậu được an tán tại Gò Cốc Hùng thôn Chiêm Sơn xã Duy Trinh, lăng bà có tên là lăng Vĩnh Diên là di tích lịch sử được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia. Linh vị của bà được thờ chung với chồng là Nguyễn Phúc Lan ở gian hữu nhất tại Thái Miếu (Huế) với miếu hiệu Thái tông Hiếu Chiêu Hoàng đế.

Vào năm 1905, để tưởng nhớ công đức của bà, Vua Thành Thái đã ban cho tộc Đoàn 1.000 lạng bạc để xây dựng nhà thờ bà tại thôn Đông Khương (nay thuộc xã Điện Phương huyện Điện Bàn), còn gọi là nhà thờ Đông Yên Đông.

LỜI KẾT

Sự thành công của Đoàn tộc Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung và của Đông Yên nói riêng đến hôm nay phải nói rằng xuất phát từ lòng ngưỡng mộ của toàn cháu con dòng họ đối với cội nguồn tiên tổ. Đây là thành công chung của toàn gia tộc, chúng ta tin chắc rằng cho dù thời gian có qua đi, của cải có mất đi nhưng tình cảm của gia tộc, tình máu mủ ruột rà sẽ mãi mãi bền chặt và anh em con cháu chúng ta sẽ tiếp tục nối gót truyền thống tốt đẹp của dòng họ theo bước cha anh để rồi hôm nay, ngày mai và những đời sau nữa cần có trách nhiệm nặng nề hơn, chung tay gánh vác sự nghiệp thiêng liêng này để mà gìn giữ trùng tu, nâng cấp sửa chữa các công trình của dòng tộc đang bị xuống cấp, hư hỏng để bảo tồn những di sản quý báu này.

 Nếu ai đó trong chúng ta, con cháu trong dòng tộc chưa có điều kiện tìm hiểu về dòng họ, về gia phả, chưa tận tâm, tận lực với công việc của gia tộc mong hãy suy nghĩ và sớm hướng về dòng họ với lòng thành kính tổ tiên vì chúng ta cùng chung một cội nguồn./.

 

HỘI ĐÔNG GIA TỘC TỘC ĐOÀN ĐÔNG YÊN

XÃ DUY TRINH HUYỆN DUY XUYÊN TỈNH QUẢNG NAM

 

(Đoàn Công Tiến, biên soạn và cung cấp)

 

Nhà thờ Tộc Đoàn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam

Nhà thờ Tổ Đoàn Tộc tại 185 Hồng Lạc, P.10, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh

Nghĩ trang Đoàn Tộc ở Nổng Bà Hành (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam)

Trang 1 / 2 1 2 »