Từ làng dệt truyền thống Duy Trinh đến khu dệt Bảy Hiền
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN

Lê Thương
Trước khi nói đến Khu dệt Bảy Hiền. Không thể không nói đến làng dệt truyền thống tại xã Duy Trinh- huyện Duy Xuyên – Tỉnh Quảng Nam.
Từ rất lâu xa rồi người dân Quảng Nam sống dọc hai bên bờ sông Thu Bồn đã có nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, điều này cũng dễ hiểu vì đây là vùng đất trầm tích bãi bồi phù sa màu mỡ rất thích hợp cho việc trồng dâu và cây bông vải:
Trồng dâu nuôi tằm: tại Giao Thủy, Ái Nghĩa huyện Đại Lộc; Thanh Châu, Đông Yên, Phú Bông ngũ thôn, Thi Lai, Mã Châu, huyện Duy Xuyên; Hà Mật, Phú Bông chợ huyện Điện Bàn
Ươm tơ: chỉ có làng Đông Yên thu mua kén các làng nuôi tằm về để ươm tơ cung cấp cho các các gia đình thực hiện công đoạn dệt vải.
Làng dệt: Đã có từ rất lâu rồi với chiếc máy dệt vải bằng gỗ chân đạp, tay phóng thoi, khổ vải chỉ dệt được 0,8m, dệt vân điểm 1/1, năng suất rất thấp.
Đến năm 1932 ( 1937 ?) tại làng Thi Lai có nghệ nhân Võ Dẫn (Cửu Diễn) nhân vào Sài Gòn xem triển lãm chiếc máy dệt bằng sắt của người Pháp, về ông nghiên cứu chế chiếc máy dệt đạp bằng gỗ cải tiến. Lúc đầu ông nhờ ông Trần Thống thợ mộc ở thôn Phú Bông (Ngũ thôn) để đóng hoàn thành chiếc máy dệt đạp bằng gỗ năng suất rất cao.
Các bộ phận trong máy dệt gồm có: khung gỗ, thoi, đòn 1 bộ, chén go 1 bộ, con ác 1 bộ, đòn đánh, tay đánh 1 cặp, mặt bàn, cùi 1 cặp, cục gùi 1 cái, trục dẫn, trục chuyền, bánh trớn, bánh nhông, cần đạp, dỏ khổ, máy cuốn, trục cuốn, đó là các bộ phận trong máy dệt gỗ cải tiến của ông Võ Dẫn ( xem thêm: Ông Võ Dẫn và cuộc " cách mạng" ngành dệt xứ Quảng , tác giả Hồ Trường, trong mục " Ngành nghề truyền thống- www.duytrinh.vn ).
Với máy dệt cải tiến này sản xuất được các mặt hàng tơ tằm chất lượng rất cao như: Lụa, Mỹ A, đệm, các mặt hàng Bông Hạnh Phước. Sau khi chiếc máy dệt cải tiến được thành công rồi lan tỏa ra bà con trong làng Thi Lai Phú Bông Ngũ Thôn (Mỹ Hòa, Trung Thái, Tố An, Trung Mỹ, Nam Xuyên) rồi dần dần đến các làng thuộc huyện Duy Xuyên và huyện Điện Bàn nhà nhà đều dệt. Phải nói thời gian từ năm 1932 – 1945, ngành dệt tơ tằm tại Duy Xuyên, Điện Bàn Quảng Nam là thời kỳ thịnh vượng vang bóng một thời. Lúc bấy giờ tại làng Thi Lai có nhóm họp một chợ bán hàng vào lúc 4 – 5 giờ sáng để bán các sản phẩm tơ tằm do bà con sản xuất. Những người buôn hàng tơ tằm đến mua đưa vào Sài Gòn, Nam Vang, Băng Cốc bằng đường tàu hỏa từ ga Trà Kiệu đến Sài Gòn để bán.
Sau cuộc cách mạng 1945 đến năm 1946 thì xảy ra cuộc chiến tranh giữa Mặt trận Việt Minh và Pháp. Từ đó con đường tơ lụa từ Quảng Nam vào Sài Gòn bị gián đoạn. Bà con làng dệt đành phải "treo gươm gác kiếm".
Sau 9 năm kháng chiến, đến 1954 Hiệp Định GENEVA được ký kết, hòa bình lặp lại, ở Sài Gòn đã có những người từ các làng dệt của huyện Duy Xuyên và huyện Điện Bàn vào sinh sống.
Người dân làng dệt rời khỏi quê hương sau chiến tranh chẳng mấy ai có của dư của để, mang vào xứ người mà lập nghiệp, có người ra đi với hai bàn tay trắng. Nhưng người dân làng dệt bao giờ cũng đoàn kết, đùm bọc, nương tựa vào nhau, bằng cách chơi hụi lấy thảo góp vốn cho nhau mà tạo nên sự nghiệp lúc ban đầu, vẫn giữ lấy và mở mang nghề dệt truyền thống với tính cần cù, tiết kiệm, chịu khó và bề dày kinh nghiệm được tích lũy của xứ tằm tang, với ý chí quyết tâm cao và tâm hồn của con người xứ Quảng, từ đó các làng dệt ở Sài Gòn bắt đầu được hình thành.
Người thì đưa khung dệt từ quê vào, người thì đóng khung mới tại Sài Gòn. Các làng dệt bắt đầu được thành hình ở đan xen với cư dân địa phương khắp Sài Gòn Chợ Lớn như: Bàu Sen, Ngã Bảy, Bình Tiên, Lò Gốm, Xưởng Chén, Lý Kim Ký.Găp được môi trường làm ăn thuận lợi, bà con ta làm không kể giờ nghỉ của người địa phương, khi vận hành máy dệt phát ra tiếng ồn làm cho người địa phương không ngủ nghỉ được, từ đó thường bị thưa ra cảnh sát, nên giờ sản xuất bị hạn chế. Từ đó những người làng dệt tại nội thành Sài Gòn Chợ Lớn bắt đầu đi tìm vùng đất mới, ra khỏi nội thành đi về vùng ngoại ô đến địa phận tỉnh GiaĐịnh. Lúc bấy giờ từ trường đua ngựa Phú Thọ về hướng Bắc có một con đường độc đạo đi giữa rừng cao su từ đài phát tín đến Ngã tư Bảy Hiền. Tại ngã tư Bảy Hiền lúc bấy giờ còn hoang sơ lắm, phía bên phải là đồn lính Nhảy dù sau đó xây dưng Bệnh viện Vì Dân nay đổi tên Bệnh Viện Thống Nhất, qua khỏi ngã tư góc đường Lê Văn Duyệt ( nay là đường Cách Mạng Tháng 8 ) là đồn cảnh sát và sở chăn nuôi nay có Trường Nguyễn Thượng Hiền, phía đối diện sở chăn nuôi là nghĩa địa lính Pháp ( nay là Trung tâm triển lãm và hội chợ Tân Binh ). Từ Ngã tư Bảy Hiền về hướng Bà Quẹo bên phải một số bà con người Bắc di cư 54 ở khu Tân Việt. Còn vùng đất từ góc Ngã tư Bảy Hiền về hướng Tây là đồng ruộng hoang hóa ủng thủy nằm bên cạnh rừng cao su phía Nam. Nguồn gốc đất và rừng cao su thuộc đất của Nhà chung do nhà thờ Chí Hòa quản lý. Vào khoảng thời gian năm 1956 – 1959, người dân làng dệt Quảng Nam ở các nơi Sài Gòn, Chợ Lớn về nhà thờ Chí Hòa xin mướn đất tại đồng ruộng hoang hóa để làm nhà xưởng, mỗi năm phải đóng thuế hoa màu cho nhà chung.
Người dân làm nghề dệt, khi đã mướn đất của nhà chung rồi, bắt đầu quy hoạch mở hai con đường chính vào khu đất, khi có đường rồi được ông Trưởng ấp Chí Hòa 2 Nguyễn Văn Vàng (người Thiên Chúa) đặt tên cho 2 con đường, một con đường tên Nguyễn Bá Tòng, một con đường tên Hồ Tấn Đức (Võ Thành Trang ngày nay). Địa phận hành chánh lúc bấy giờ thuộc ấp Chí Hòa 2, xã Tân Sơn Hòa, Quận Tân Bình, tỉnh Gia Định. Khi có đất rồi bà con làng dệt tự xây cất nhà xưởng, ai có đủ điều kiện tài chánh thì xây tường lợp tôn, tráng nền xi măng. Ai không đủ điều kiện thì lợp tôn, vách đóng thùng tơ hoặc ống tơ, nền nhà đầm đất cho phẳng mặt để máy và tạm ở như vậy. Bà con làng dệt Quảng Nam ở các nơi đổ về mướn đất xây cất nhà xưởng ngày càng đông, ai về trước thì xây cất nhà xưởng từ đầu đường Nguyễn Bá Tòng hoặc đường Hồ Tấn Đức. Cứ như vậy mà xây dựng nối tiếp nhau vào sâu trong khu dệt. Làng dệt Bảy Hiền được hình thành từ đấy.
Mọi chi phí xây dựng nhà xưởng, điện, giếng nước, đường sá đều do bà con làng dệt tự bỏ ra. Việc xây dựng được một khu xưởng dệt truyền thống Quảng Nam, giữa một vùng đất nguyên là đồng ruộng hoang hóa ủng thủy, mỗi năm cứ 6 tháng mùa mưa thì nước lúc nào cũng ngập đường và tràn vào nhà, người dân phải vừa dệt vừa tát nước, do vậy mà năm nào cũng phải tôn tạo nền nhà, nền đường cho đến khi nào nước trong làng dệt chảy băng qua Ngã tư Bảy Hiền mới thôi tôn tạo nhà đường. Thật vậy, bà con ta bỏ ra không biết bao nhiêu mồ hôi công sức, tiền của để trở thành bề thế khang trang một làng dệt truyền thống quê hương Quảng Nam thứ 2 giữa thành phố Sài Gòn, Gia Định.
Nói về chiếc máy dệt gỗ cải tiến khi còn ở quê nhà vận hành phải bằng sức người, mỗi máy đứng một người, dệt bằng sợi tơ tằm. Cũng máy này, khi vào Sài Gòn vận hành bằng điện, hoặc máy nổ, dệt bằng sợi Visco (tơ bóng ) hoặc sợi tổng hợp.
Những nhà tiêu biểu ở đường Nguyễn Bá Tòng hồi bấy giờ, đầu đường từ ngoài vào là xưởng Hồ tơ sợi Quảng Nam Hưng của anh em ông Võ Lẫm, Võ Quý, Võ Đào, đến xưởng ông Cai Tổng rồi kế tiếp đến xưởng các ông Hai Nhàn, ông Huynh, ông Yêm,ông Thợ Bảy, Ô. Cam, Ô.Sinh xưởng hồ tơ sợi, Ô.Hồ Trung,v.v… bà con cất nhà san sát cho đến chợ Bà Hoa (Linh Hoa)
Những nhà tiêu biểu ở đường Hồ Tấn Đức, đầu đường từ ngoài vào là xưởng nhôm Tiến Đức, xưởng hồ tơ sợi Đức Hiền. Kế bên là nhà bà Đặng Thị Sĩ, xưởng dệt ông Bồi, xưởng dệt ông Cảo, Ô Hai Trúc, Ô Mười Xây, Ô Văn (Mười Lùn), Nhà bà Thái Thị Tập (bà Trúc) pháp danh Diệu Giai, xưởng hồ tơ sợi Đông Thịnh, nhà bà Lê Thị Nghĩa, xưởng dệt ông Hồ Thơ Hồ Nhàn, bà con cất nhà san sát nhau cho đến dãy nhà ngang Bà Nghĩa (Lê Thị Nghĩa).
Về tổ chức đơn vị tập thể lúc bấy giờ bà con làng dệt thành lập HTX dệt đầu tiên là HTX dệt Đồng Tiến, văn phòng đặt tại đường Trần Quốc Toản (3 tháng 2), quận 11 do ông Đỗ Văn Luyến làm chủ nhiệm đầu tiên. Sau đó ra đời thêm HTX dệt tơ sợi, văn phòng đặt tại Ngã tư Bảy Hiền. Tất cả bà con làng dệt ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định đều vào làm xã viên hai HTX này, nhiệm vụ của HTX là đai diện cho xã viên tổng hợp nhu cầu nguyên liệu trong năm để liên hệ Phòng Thương mại Sài Gòn, xin cô ta cấp ngoại tệ để nhập nguyên liệu về cho xã viên theo kế hoạch sản xuất suốt một năm, vì vậy mà nguyên liệu sản xuất hồi bấy giờrất ổn định không bị cao hạ đột biến.
Hồi bấy giờ ở Ngã tư Bảy Hiền có các nhà đại lý bán cửi trục, tơ sợi như: nhà ông Huynh, Ô Giảng (Bắc), Ô Hồ Tiến, Ô Phạm Sanh,v.v… điều kiện mua nguyên liệu hồi bấy giờ mua về sản xuất trước trả tiền sau. Nhờ vậy bà con dệt chỉ cần đủ tiền đóng máy dệt là có thể ra làm riêng được. Về sản xuất mọi người đều chú trọng đến uy tín của thương hiệu, của cá nhân, hàng hóa của mình phải đạt chất lượng, nếu hàng hóa sản xuất ra không đạt thì bán không ai mua. Nhà dệt chỉ lo sản xuất thật tốt, còn tiêu thụ hàng hóa thì có các thương hiệu hàng hóa như: Nam Hoa, Vĩnh An, ở Chợ Lớn, Long Thành (Bà Tư nhỏ), ở Ngã tư xóm gà Gò Vấp,v.v…hằng ngày đến các nhà dệt thu mua hàng mộc đạt chất lượng rồi đem về hoàn tất đóng thương hiệu của mình vào cây vải rồi đưa ra thị trường tiêu thụ.


Máy dệt gỗ cải tiến từ làng dệt truyền thống Thi Lai, Phú Bông đưa vào sản xuất tại Sài Gòn Gia Định
Suốt thời gian dài xây dựng gian khó, những người con làng dệt Bảy Hiền luôn luôn vượt qua mọi khó khăn để xây dựng nên cơ nghiệp với ý chí quyết tâm cao khi rời khỏi quê hương vào đến Sài Gòn chỉ biết có dệt và dệt, thậm chí khi đứng máy dệt vừa dệt vừa ăn. Khi ngưng máy dệt tối lên ngủ trên máy dệt, suốt một tuần đứng máy đến chủ nhật được nghỉ cũng chẳng biết đi đâu, thỉnh thoảng nếu có đi thì đi xuống rạp hát Thanh Vân đường Lê Văn Duyệt ( Cách Mạng Tháng 8 bây giờ ) để ăn ly chè đậu đỏ bánh lọt hay đi ăn tô phở Cây Mai ở Chợ Lớn. Bà con ta chắt chiu từng đồng để tạo sự nghiệp và gửi về quê giúp đỡ gia đình.
Mọi thành quả lao động miệt mài chịu gian khó rồi có ngày phải gặt hái kết quả. Xây dựng nhà xưởng máy móc thiết bị dần dần được ổn định, sản xuất được thuận lợi, bà con ta ăn nên làm ra. Không mấy lâu nói đến khu dệt Bảy Hiền ai ai cũng biết.
Trong suốt thời gian dài làm ăn ở Sài Gòn Chợ Lớn Gia Định không phải lúc nào cũng thuận lợi hết cả đâu, có những lúc bà con ta dệt ra bán hàng không được vì ế ẩm, phải tạm thời ngưng sản xuất, có người phải đi làm hãng bia, hay đi làm sở khai phá đồn điền để trồng cao su ở Phước Long, hay đi đốt than ở Bình Tuy, v.v…
Nhưng khó khăn nào rồi cũng qua đi, bà con ta lại tiếp tục dệt đến lúc hàng hóa cạnh tranh chất lượng cao, làng dệt ai có điều kiện tài chánh lo canh tân máy dệt, nhập các máy dệt bằng sắt từ Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan về dệt mặt hàng Repsatin bằng sợi Visco. Khoảng năm 1972 – 1974. Bà con làng dệt Bảy Hiền đã ra mua đất khu Sở Mỹ để chuẩn bị máy dệt hiện đại về trang bị tại khu vực đó, nhưng đến năm 1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng thì ý định đó không thành.
Bà con Duy Trinh và xứ Quảng xa quê , nơi đất khách quê người không chỉ biết làm ăn gầy dựng sự nghiệp mà còn quan tâm không ít đến các hoạt động về tín ngưỡng tâm linh, văn hoá giáo dục và từ thiện xã hội.
Về tín ngưỡng tôn giáo, những người con Duy Trinh và xứ Quảng xa quê, ngay từ những ngày đầu mới vào lập nghiệp, đã chọn Phật Giáo làm lý tưởng , lấy giáo lý Phật - Đà để tu học và định hướng cho sinh hoạt tâm linh cùng trên bước đường lập nghiệp của mình.
Đầu năm 1967 , những người con khu dệt Bảy Hiền, kẻ góp công người góp của mua đất và xây dựng ngôi chùa Quảng Hiền ( Quảng Nam ở Bảy Hiền ), đến cuối năm 1969 đổi tên chùa thành chùa Phổ Hiền, số 198 Hồ Tấn Đức ( bây giờ là đường Võ Thành Trang ), phường 11, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.
Khi bà con khu dệt Bảy Hiền xây dựng được ngôi chùa rồi, đây là nơi nương tựa tinh thần để tu học ,làm lễ cầu an đầu năm, cầu siêu cho ông bà Cữu Huyền Thất Tổ trong dịp lễ Vu Lan, rằm Tháng Bảy, là nơi để thờ hương linh ông bà cho tất cả bà con khu xưởng dệt, cho nên nói rằng chùa Phổ Hiền là ngôi Đại Từ Đường cũng được.
Tục lệ cúng xóm: Giới chủ xưởng dệt ,từ ngày vào ở tại khu Bảy Hiền lập nghiệp, những năm đầu lo xây dựng nhà xưởng và sản xuất nên chẳng ai nghĩ đến việc cầu an và cúng xóm đầu năm. Sau khi cuộc tranh đấu của Phật giáo 1963 thành công rồi, vào đầu năm 1964, giới chủ xưởng dệt và Phật giáo chi Hội Quảng Hiền phối hợp tổ chức Đại lễ cầu an đầu năm từ mùng 8 đến mùng 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn (1964). Tổ chức 3 ngày đêm theo nghi thức Phật giáo cho toàn khu dệt Bảy Hiền. Năm 1965 lễ cầu an năm nay giới chủ xưởng dệt không còn phối hợp với Phật giáo để tổ chức lễ cầu an chung cho khu dệt. Giới chủ xưởng dệt tổ chức cúng xóm riêng lẻ từng liên gia (tổ dân phố) theo nghi thức cúng mặn, từ việc cúng xóm này kế tiếp những năm sau cho đến bây giờ, bà con khu dệt Bảy Hiền sau khi ăn Tết, từ mùng 8 đến rằm tháng Giêng là phải lo cầu an và cúng xóm đầu năm xong rồi mới khai trương, sản xuất. Đây là nếp văn hoá đặc trưng của con người xứ Quảng.
Về giáo dục đào tạo - xây dựng Trung Tâm Văn Hoá Xã Hội , Trường Trung tiểu học Bồ Đề Hạnh Đức và Ký Nhi Viện. Năm 1970, Đại đức Thích Tâm Thanh đứng ra vận động quí vị mạnh thường quân và bà con khu dệt Bảy Hiền đóng góp tiền của công sức để xây dựng , đến năm 1973 khánh thành trường Bồ Đề Hạnh Đức và Ký Nhi Viện. Trường mở lớp để giáo dục con em tại khu dệt Bảy Hiền . Đến năm 1975 , chính quyền Cách Mạng tiếp quản Trung Tâm Văn Hoá Xã Hội trường Bồ Đề Hạnh Đức và đổi tên thành trường Võ Văn Tần đường Võ Thành Trang, phường 11 , quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh cho đến ngày nay.
Về hoạt động từ thiện xã hội. Những bà con Duy Trinh và xứ Quảng vào khu Bảy Hiền lập nghiệp , phần đông bà con khi đến xứ người với hai bàn tay trắng, nhưng với ý chí , quyết tâm cao, nhờ đức tính cần cù , siêng năng , tiết kiệm nên không bao lâu đã tạo nên sự nghiệp và không ít người đã thành đạt qua các thời kỳ. Bà con vẫn không quên lúc cảnh còn nghèo khó ở quê nhà , nên dù đi đâu ,ở đâu luôn luôn nhớ về cội nguồn , nơi chôn nhau cắt rốn. Từ bao nhiêu năm qua cho đến bây giờ , khi nghe quê nhà hay những nơi khác của quê hương miền Trung có thiên tai bão lụt , hoả hoạn hay các nơi có trại người mù , trại tâm thần , trẻ em mồ côi, người già neo đơn , vùng sâu vùng xa nghèo khó , hay khuyến học cho trẻ em ... đều có sự đóng góp nhiệt tình của những người con Duy Trinh xa quê.
Lại tiếp tục nói về ngành dệt. Sau giải phóng mọi sản xuất dệt tư nhân đều ngưng, chờ nhà nước sắp xếp lại ngành dệt. Sau một thời gian các tổ sản xuất, các HTX dệt được thành lập như: Hợp tác xã dệt Rạng Đông, Sao Mai, Công Thành,Chí Thành, Thiện Chí, Ánh Sáng, Nhật Tân, Đông Thành, Quảng Minh (Chợ Lớn), Phú Hoà, Tân Hưng , Đông Thịnh, Đông Hòa,Phước Long, Phi Long , Sông Thu ( quận 10 ), Thống Nhất ( gò Vấp ), bà con làng dệt lại chuyển mình qua cung cách làm ăn theo hình thức tập thể, tất cả đều làm gia công cho các xí nghiệp quốc doanh, nguyên liệu đều do nhà nước cung cấp và quản lý. Trong suốt thời gian bao cấp, các đơn vị tập thể dệt tại Bảy Hiền đã sản xuất cho các doanh nghiệp nhà nước một số lượng hàng vải rất lớn, lúc bấy giờ ngành dệt là ngành mũi nhọn của thành phố, mà nói đến ngành dệt là nói đến khu dệt Bảy Hiền. Qua thời kỳ bao cấp đến thời kỳ đổi mới theo cơ chế thị trường, các đơn vị tập thể đều giải thể để chuyển qua đơn vị cá thể, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, bà con ta thấy thoải mái quá, ai cũng xin ra khỏi đơn vị tập thể. Khi trở về không còn đủ sức cạnh tranh với cơ chế thị trường nên không ít bà con gặp khó khăn. Những ai có khả năng thì thành lập Doanh nghiệp tư nhân, hoặc Công ty Trách nhiệm Hữu Hạn, đổi mới thiết bị mới đủ khả năng cạnh tranh với cơ chế thị trường. Những người con quê hương xứ Quảng rời khỏi quê hương, sống tại Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định đã hơn ½ thế kỷ sống tập trung nên giữ được nếp văn hóa đặc thù của con người xứ Quảng. Từ việc thờ cúng Ông Bà, thanh minh, chạp mả, cúng giỗ Tổ Tiên trong 3 ngày Tết, văn hóaẩm thực như lúc còn ở quê nhà. Chợ Bà Hoa là trung tâm bán các hàng đặc sản Quảng Nam, từ trước đến nay, người Quảng Nam dù ở các nơi khác trong thành phố, muốn mua các đặc sản Quảng Nam thì phải về chợ Bà Hoa ở khu dệt Bảy Hiền.
Những người con quê hương Quảng Nam xa quê làm nghề dệt ở tại Sài Gòn , Chợ Lớn , Gia Định đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi , tôn giáo và tín ngưỡng tại quê nhà .
- Sau năm 1978-1979 nhà nước cải tạo Công thương- nghiệp. Thể theo lời kêu gọi của UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẳng kêu gọi bà con xa quê làm nghề dệt về xây dựng lại quê hương . Bà con đem toàn bộ máy móc thiết bị dệt nhuộm hiện đại và nguyên phụ liệu kèm theo ,xây dựng mới xí nghiệp Công Tư Hợp Doanh . Sau đó đổi thành Xí Nghiệp Quốc Doanh Dệt Nhuộm Quảng Đà ở tại Đà Nẳng .
- Từ năm 1993-1994… Bà con xã Duy Trinh xa quê hương cùng với bà con tại quê nhà , xây dựng các công trình như sau :
. Đại trùng tu di tích Chùa Lầu sau chiến tranh bị tàn phá tại xóm Chùa Lầu , thôn Phú Bông , xã Duy Trinh.
. Trùng tu lại di tích Dinh Bà Thu Bồn tại thôn Phú Bông và di tích Dinh Bà Chiêm Sơn , thôn Chiêm Sơn và di tích miếu Văn Thánh xóm Văn Thánh ,thôn Phú Bông xã Duy Trinh , Duy Xuyên , Quảng Nam.
. Ngoài ra con cháu các dòng tộc xa quê , về trùng tu xây dựng lại các nhà thờ tộc tại mỗi địa phương ở quê nhà .
. Xây dựng mới cầu Van Buồng.
Những người con quê hương Quảng Nam xa quê và bà con tại quê nhà đóng góp cùng với chính quyền địa phương ,xây dựng mới cầu Vạn Buồng bằng bê tông cốt thép , chiều dài cầu 80 m , ngang 2,3m , đường dẫn vào cầu 145m . Vị trí xây dựng cầu tại xóm Bến Đò dưới qua sông Thu Bồn đến xóm Vạn Buồng ,thôn Phú Bông,xã Duy Trinh , Huyện Duy Xuyên . Khởi công xây dựng ngày 23 tháng 3 năm 2012, khánh thành ngày 24 tháng 8 năm 2012 . Kinh phí xây dựng hoàn thành cây cầu :1.323.980.000 vnđ
(Một tỷ ba trăm hai mươi ba triệu chín trăm tám mươi ngàn đồng ) tính theo thời giá năm 2012. Sau khi cầu được hoàn thành ,bà con bên bờ sông phía nam huyện Duy Xuyên và bà con bên bờ sông phía bắc huyện Điện Bàn đi lại được thuận tiện nhất là mùa mưa lụt.

Cảnh đốt pháo trong ngày Tết (năm 1983) tại một gia đình trong khu xưởng dệt Bảy Hiền
Qua bao nhiêu thăng trầm và biến thiên của thời cuộc, người ở Khu dệt Bảy Hiền luôn luôn giữ tố chất tâm hồn con người xứQuảng, đoàn kết và phát triển nghề cho đến ngày hôm nay.
Lê Thương.
Liên hệ điện thoại : 0903 316 101 và email: phuongle2264@gmail.com
Ghi chú: Tôi vào Sài Gòn , từ ngày đầu lập nghiệp cho đến hôm nay đã gần 60 năm trời. Tôi viết bài nầy bằng trí nhớ của người trên 70 tuổi nên không sao tránh khỏi những chi tiết còn thiếu sót, mong quí bà con am hiểu về ngành dệt Bảy Hiền giúp tôi bổsung thêm tư liệu để nội dung bài viết đầy đủ , hoàn chỉnh hơn hầu sau nầy khi con cháu chúng ta có đọc được thì sẽ hiểu ông cha chúng , với nghề dệt truyền thống đã rời quê hương Duy Trinh, định cư và xây dựng cuộc sống mới nơi đất Bảy Hiền đầy gian khổ buổi ban đầu , đã tạo dựng cơ nghiệp để có đời sống ổn định sung túc cho đến bây giờ, để chúng càng quí trọng ,càng thương yêu ông bà , cha mẹ những người đi trước , càng quí trọng nghề dệt và luôn nhớ về nguồn cội, quê hương xứ sở Duy Trinh , Quảng Nam.