Trong tạp chí "Văn Hoá các Dân Tộc" số 8 (1994), tác giả bài báo là Phan Chí Anh đã xác định chùa Lầu, được xây dựng cách đây gần 400 năm (trang 62).
Theo sự ghi chép của ông Đoàn Phúc cố trưởng ban nghi lễ chùa Lầu và sau đó là ông Hồ Minh Đức đương kim trưởng ban kiến thiết chùa Lầu thi cây xo cò của chùa Lầu cũ có hàng chữ Hán sơn son thếp vàng như sau : Sáng lập : "Hồng Nghĩa danh y, niên hiệu Dương Hòa, Ất Hợi phật nhựt. Căn cứ vào cây xo cò này chúng ta có thể biết được người sáng lập ngôi chùa và ngày tháng năm dựng chùa. Từ Hồng Nghĩa có liên quan đến Thiền sư Tuệ Tĩnh một danh y sống vào cuối thế kỷ 16. Thật ra Hồng Nghĩa không phải là hiệu của ông mà là tên bộ sách "Hồng Nghĩa giác tư y thư được tái bản năm 1717 đời Trịnh Cương (Xem phần tiểu sử Thiền sư Tuệ Tĩnh). Và năm Dương Hòa, Ất Hợi là năm 1635.
Vậy căn cứ vào hàng chữ Hán này thì ngày thượng lương ngôi chùa Lầu là ngày Phật Đản năm Ất Hợi 1635 do thiền sư Tuệ Tĩnh sáng lập.
Nếu quả như thế thì thật là một vinh dự lớn lao cho xã Duy Trinh chúng ta. Có điều đáng tiếc là cây xo cò ấy, sau năm 1975 bị cưa làm vật liệu xây dựng tạm nơi thờ Phật. Ôi ! Cái khó nó bó cái khôn là như thế.
Chánh điện Chùa Lầu ngày xưa dài 11m, rộng 8 mét, mặt tiền xây về hướng Nam lấy núi Hòn Bằng làm chuẩn: Nơi thờ đức Bổn sư Thích Ca có cổ lầu phía trên. Vì vậy mà dân chúng địa phương gọi là Chùa Lầu. Trong chánh điện, chạy dài hai hàng về phía trước có thờ thập bát La Hán. Vườn chưa rộng 1 mẫu mốt (1 mẫu 1 sào) có giếng nước hiện nay ở gần nhà thờ tộc Nguyễn Hữu, tổng cộng số đất ruộng mà thiện nam tín nữ đã cúng cho chùa là 2 mẫu 7 sào, được chia ra các vùng như sau:
Bãi trước : 8 sào.
Khu đò Tú Ba : 3 sào.
Ruộng đồng nhất : 2 sào.
Trước cổng chùa : 3 sào.
Đặc biệt cổng tam quan chùa Lầu cao hơn 6 thước, có cổ Lầu thờ tượng Hộ Pháp, Tiêu Diện đại sĩ, có bờ thành chạy dài từ phía Đông sang Tây, dày 1 mét, cao 2 mét trông rất hùng vĩ đứng sừng sững oai phong chứng kiến nhiều cuộc biển dâu, mãi đến năm Mậu Thân (1968) mới chịu ngã xuống.

Trước đây có thể chùa Lầu đã được trùng tu hai lần. Lần thứ nhất vào đời Lê Dụ Tông, niên hiệu Bảo Thái (1720); lần thứ hai vào thời Minh Mạng (1823). Trước năm 1945 đã có thầy Thân về ở từ rồi đến thầy Thông Nguyên. Sau năm 1948 chùa Lầu bị hư hoại vì chiến tranh.
Chỉ còn cổng Tam Quan và bờ thành. Năm l965 chùa được tái tạo nhưng chưa có dịp khánh thành. Đến năm 1968 thì bị đổ nát một lần nữa cũng vì chiến tranh. Dù trong tình cảnh khó khăn nhiều mặt như thế, nhưng tâm đạo của người dân địa phương rất cao. Như ông Hồ Huýnh, Thái Hường vẫn phát nguyện vào chùa lo hương khói, lễ sám quyết tâm không chịu để cảnh chùa hoang vắng, pháp âm bị đứt đoạn đặc biệt cái đại hồng chung của chùa được Phật tử địa phương đem chôn cất và bảo vệ an toàn đến nay vẫn còn tiếng ngân xa đủ để thức tỉnh trần gian “Thượng thông thiên đường, hạ triệt địa phú”
Dân chúng địa phương có câu tục ngữ : "Chùa tan thì làng mạt”. Cho nên sau lần đổ nát cuối cùng, năm 1968, trước cảnh bi thương ấy, những phật tử và đông bào địa phương còn sống sót đã chung sức dựng một niệm Phật đường ở xóm Tân Lân cách chùa Lầu chừng nửa cây số và sau năm 1975, đồng bào phật tử xã nhà dời Niệm phật đường về nền chưa cũ để ngày hôm nay chúng ta có dịp phát tâm thực hiện công cuộc đại tràng tu chùa Lầu.
Và sau đây là sự diễn tiến chương trình đặt trùng tu.
Giai đoạn 1 : Nhân duyên phát khởi. Gần 20 năm qua, niệm Phật đường từ xóm Tân Lân dời về nền chùa cũ với vật liệu thô sơ xây dựng vội vàng trong tình cảnh khó khăn mọi mặt, nên toàn thể ngôi chùa bị hư nát trầm trọng, nếu không tu bổ kịp thời thì có cơ nguy sụp đổ. Vì vậy đầu năm 1993, Ban đa diện và toàn thể phật tử địa phương mở cuộc họp và cùng nhất trí lên phương án trùng tu. Trước hết Ban Đại diện thảo đơn xin phép với các cơ quan, chính quyền và giáo hội địa phương, sau đó đề cử người vào Nam để vận động tài chánh mà chủ yếu là nhắm vào khu phố Bảy Hiền.
Kết quả sơ khởi rất khả quan. Không những Phật tử ở Bảy Hiền mà Phật tử gốc người Duy Trinh ở cả miền Nam đều nhiệt thành hưởng ứng.
Giai đoạn 2 : Sau khi tiếp xúc với đại diện Phật tử địa phương vào miền Nam để vận động việc trùng tu chùa Lầu, Phật tử Bảy Hiền đã nhất từ mở phiên họp sơ bộ tại nhà Phật tử Minh Đông. Sau đó là cuộc họp tại nhà Phật tử Thái Vĩnh Trinh để thành lập Ban vận động trùng tu và chở đến lúc có giấy phép thì thực hiện chương trình xây dựng.
Trong khi chờ đợi giấy phép mà mọi người tin chắc là sẽ có, Phật tử Bảy Hiền mở phiên họp thứ hai tại nhà Phật tử Như Đài để lên phương án vận động tài chánh thật sự, và Phật tử Thị Cần phát nguyện về địa phương trông coi công trình xây dựng; mọi người đều hoan hỷ chấp thuận.
Khi nhận được bản photo giấy phép của giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Nam đề ngày 9/1/1993 và giấy Phép của sở xây dựng Quang Nam Đà Năng số 049/SXD đề ngày 7/7/1993, ban vận động trùng tu chùa Lầu đã long trọng làm lễ đặt viên đá xây dựng vào ngày 16/6 Quý Dậu ( 3/8/1993) với sự tham dự đầy đủ chư Tăng Ni, Phật tử và nhiều quan khách.
Giai đoạn 3: Sau lễ đặt viên đá, chương trình xây dựng chùa Lầu thật sự bắt đầu trong sự hân hoan cộng tác của mọi người với số ngân khoản gần hai trăm triệu đồng và hôm nay ngôi chùa Lầu đã được hoàn chỉnh nghiêm trang mang ý xuân giải thoát giữa ánh từ quang Di Lặc, trong ngày đại lễ Khánh thành.

THÍCH QUẢNG HẠNH
(Trích Kỷ yếu Chùa Lầu năm Ất Hợi - 1995)
Hình ảnh khánh thành Chùa Lầu năm Ất Hợi - 1995 do ông Hồ Tấn Dũng cung cấp






