Trường Tân Tân

Trường Tân Tân

23/04/2014, 20:05
Chia sẻ cùng bạn bè

VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG

 

Không phải là một ngôi trường rộng lớn, khang trang, đã đạt nhiều thành tích xuất sắc, được tặng thưởng các danh hiệu vinh dự Nhà nước trong thời kỳ đổi mới. Đây là một ngôi trường được thành lập với “sức dân”, đã biết “xã hội hóa giáo dục” vào năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XX, đó là trường tiểu học tư thục Tân Tân, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

 

Đôi nét về vùng quê ngày ấy

 

Như bao làng quê khác ở Duy Xuyên, Quảng Nam, thuở ấy người dân cơm chưa no, áo chưa lành, chứ nói gì đến chuyện đi học để có cái chữ. Cả thời kỳ đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, ngoài các thầy dạy chữ Nho còn có một số thầy mở trường tư tại nhà để dạy Quốc ngữ, nhưng cũng chỉ dạy đến Sơ học yếu lược (lớp Ba bây giờ), nếu có điều kiện muốn học lên nữa thì phải đến trường của huyện xa hơn, do vậy phần lớn học sinh đành bỏ học khi đang ở lứa tuổi 11, 12 tuổi, và họ đã trở về gia đình làm nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải hoặc trở thành những người nông dân chân lấm tay bùn, một nắng hai sương.

 

Duy Trinh là xã có truyền thống cách mạng, phong trào truyền bá chủ nghĩa Mac-Lê-Nin được truyền bá bằng nhiều con đường khác nhau qua các tổ chức biến tướng như hội Trợ táng, hội Bóng đá rồi đến các hội như Hội đọc sách báo, hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác Lê Nin. Chi bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam mang tên Ngũ Thôn (là một trong những chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) được thành lập vào ngày 02/5/1930 tại bến Thủ Ân, thôn Phú Bông, xã Duy Trinh.

 

Duy Trinh, Duy Xuyên là vùng đất nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải với những mặt hàng phổ biến như lanh, sa nhiễu, đũi, the... Tơ lụa Đông Yên cùng Mã Châu từng theo chân các thương thuyền nước ngoài đi khắp vùng biển Đông. Làng Đông Yên còn là nơi diễn ra câu chuyện tình thơ mộng của thôn nữ Đoàn Thị Ngọc và Công tử Nguyễn Phúc Lan. Khi cô thôn nữ hái dâu cất lên tiếng hát dịu dàng trong đêm trăng thanh cũng là khi Chúa Nguyễn thấy tim mình rung động, thế là thôn nữ họ Đoàn trở thành Quý phi. Đoàn Quý Phi mang nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa của làng mình truyền lại cho muôn dân và sau này được mệnh danh là “Bà Chúa tàm tang”, nghề tằm dâu, dêt vải ở quê hương cũng theo đó mà phát triển hưng thịnh. Sau cuộc canh tân nghề dệt tại quê nhà (năm 1932), mà công lớn thuộc về cụ Võ Dẫn (Cửu Diễn) người làng Thi Lai, Duy Trinh, ông đã cùng với các cộng sự của mình đã chế tạo thành công từ khung cửi dệt tay thành chiếc máy dệt tự động bằng gỗ, đạp bằng chân, khổ rộng, có năng suất cao, thì người dân Duy Trinh bắt đầu có mức sống khá hơn, nhưng ước muốn con em mình biết cái chữ cũng không có trường để học.

 

Duy Trinh là xã có truyền thống hiếu học, vốn được hình thành khá sớm. Nhiều người học hành đổ đạt từ Tú tài trở lên, nhiều người được phong chức sắc như Tú Lễ, Tú Ba, Tú Bảy, Tú Mai, Tú Quỳnh, Tú Diên, Ấm Cừ...Do vậy, việc nâng cao dân trí được quan tâm và là nỗi ray rứt trong lòng mỗi con người đang sống ở quê nhà. Vào năm 1938 -1939 một trường tiểu học dân lập tên là trường Tân Tân được ra đời, là một sự kiện giáo dục lớn đã chấn hưng ngành giáo dục tại một vùng quê. Trường Tân Tân đảm nhận dạy đầy đủ các lớp bậc tiểu học (từ lớp Năm đến lớp Nhất). Đây là ngôi trường được hình thành từ lòng hảo tâm và tinh thần trách nhiệm với tầm nhìn xa hơn về tương lai đối với thế hệ trẻ của vùng quê dâu tằm tơ lụa này.

 

Từ kinh tế đến văn hóa

Từ những chiếc máy dệt gỗ đạp chân khổ rộng có năng suất cao, sự phát triển mạnh mẽ ngành tơ lụa tại xã nhà đã làm biến đổi nhanh chóng thành những làng dệt với trình độ sản xuất cao, đã cho ra được nhiều mặt hàng có chất lượng nỗi tiếng không những trong vùng mà cả đến Nam Vang, Viêng Chăn...Cảnh mua bán tấp nập “trên xe dưới thuyền” đã mang lại đời sống ấm no đại bộ phận dân cư lúc bấy giờ, cùng với Mã Châu (Duy An) đã hình thành một trung tâm kinh tế tơ lụa rộng lớn phát đạt ở Duy Xuyên - Quảng Nam. Kinh tế phát triển dẫn đến các mặt văn hóa giáo dục cùng phát triển, nhu cầu học tập ngày càng là nhu cầu bức thiết. 

         Duy Trinh có truyền thống hiếu học, Nho học cũng đã đến lúc suy tàn vì không đáp ứng được yêu cầu mới, những đòi hỏi của xã hội về nâng cao dân trí, về học hành nhất là dạy và học chữ Quốc ngữ là động lực thúc đẩy các bậc phụ huynh, nhất là các doanh nghiệp và các nhà trí thức tân học và họ đã vận động chung sức lập trường dạy chữ cho con cháu mình học chứ không thể ngồi chờ ân huệ của chính quyền thực dân Pháp.

 

         Các sáng lập viên của trường gồm các ông Trương Thắng (Truyền), Mai Tuyển (Tâm), Võ Dẫn (Cửu Diễn), Nguyễn Thăng (Thảng), Huỳnh Cự (xã Cự), Phan Chuyển, Trần Do (Yến), Nguyễn Đạm (ông Thảng, chùa Lầu) và ba vị thân sĩ trí thức là Hồ Nghinh, Trương Kỉnh,  Nguyễn Đình Cừ.

 

Về quy mô trường lớp

         Trường tiểu học tư thục Tân Tân có tên là “Institution Tân Tân”. Lúc bấy giờ chưa có khái niệm trường “dân lập” nên gọi là trường tư thục, nhưng thực chất đây là một trường dân lập, vì trường chỉ thu học phí tượng trưng, ngôi trường do những nhà doanh nghiệp, nhà trí thức và nhân dân trong vùng đóng góp xây dựng nên. Tôn chỉ mục tiêu của trường là chăm lo cho con cháu được học hành nhằm nâng cao dân trí, mở mang văn hóa. Tân Tân có nghĩa là mới mới, đổi mới, đột phá từ giáo dục để canh tân quê hương theo chủ trương của phong trào Duy Tân do cụ Phan Châu Trinh đề xướng.

Trường được xây dựng trên mảnh đất khoảng 2.000 mét vuông điểm tiếp giáp giữa thôn Thi Lai và thôn Phú Bông Ngũ thôn. Trường xây dựng thành một dãy dài gồm 4 phòng học, tường vôi mái ngói, có sân chơi và sân tập thể dục thể thao rộng rãi... Trường có tủ sách với nhiều sách giáo khoa, sách thiếu nhi...phục vụ cả thầy và trò.

 

Chất lượng giáo dục của trường

         Niên khóa đầu tiên (1940-1941) thầy Võ Văn Chúc, người ở Đà Nằng vào làm Hiệu trưởng. Các thầy giảng dạy như nhà thơ Lưu trọng Lư, thầy Võ Huống, thầy Vũ Hân (ở Hội An), thầy Nguyễn Thiện, thầy Nguyễn Xuân Vân (ở Điện Bàn), thầy Phạm Bằng (ở Phú Nhuận), thầy Ngô bá Phước, Võ Thủ Lễ (chợ Chùa), cùng các thầy ở địa phương như thầy Hồ Thấu (về sau làm Hiệu trưởng), Nguyễn Đình Cừ, Trương Kỉnh, Nguyễn Tuyến...

         Từ tư duy mới về giáo dục toàn diện, cải cách phương pháp dạy và học, với tình cảm thương yêu học sinh của các thầy. Vừa mới ra đời, trong niên học đầu tiên trường Tân Tân đã có học sinh (Lương Trương) chiếm thủ khoa của kỳ thi Sơ học yếu lược toàn phủ, tại các kỳ thi học sinh Tân Tân chiếm số đông thi đổ so các huyện phủ trong tỉnh, trong đó có Nguyễn Văn Thi đổ thủ khoa kỳ thi năm 1941, đến năm học 1942 – 1943 có học sinh Trương Bồi, Lê Bá Khanh chiếm đầu bảng ở kỳ thi Tiểu học (Primerime) tại Hội An. Từ đó số học sinh các huyện lân cận như Quế Sơn, Đại Lộc, Điện bàn và Hội An cũng xin vào trường để học.

         Trường tiểu học Tân Tân tiêu biểu cho một nền giáo dục toàn diện: Trí dục, đức dục, thể dục. Học sinh của trường được học tiếng Việt, tiếng Pháp và chữ Hán, nhà trường chú trọng dạy môn Quốc Văn. Nhờ có được các thầy giỏi về văn như thầy Hồ Thấu, Lưu Trọng Lư, Võ Thủ Lễ, Vũ Hân, Võ Văn Huống giảng dạy, mà nhiều học sinh của trường khi học đến lớp Nhất (lớp Năm bây giờ) đã biết làm thơ, làm văn...

         Ngoài việc dạy học trường Tân Tân còn có công đưa môn kịch nói (là hình thức nghệ thuật mới có ở thành phố, còn ở thôn quê chỉ có hát bội, cải lương) vào dạy, tập luyện và biểu diễn, thầy và trò của trường đã tập và biểu diễn thành công một số vở kịch được nhân dân trong vùng tán thưởng. Từ thành công này thầy và trò của trường còn đi biểu diễn ở Tam Kỳ, Vĩnh Điện, Hội An...bán vé lấy tiền để ủng hộ, giúp đỡ bà con chợ Hàm Rồng (Trà Kiệu) bị hỏa hoạn và cứu trợ nạn đói ở Bắc Kỳ.

 

Trường Tân Tân với phong trào cách mạng ở địa phương

 

Hoạt động của nhà trường trong tình hình phong trào cách mạng ở địa phương đang phát triển mạnh, chi bộ Đảng đã được ra đời, đã ảnh hưởng nhiều đến thầy và trò nhà trường. Khi cách mạng tháng tám bùng nổ, trong làn sóng mitting biểu tình có mặt hầu hết các thầy và trò của trường.

         Sự kiện đáng ghi nhớ tại trường tiểu học Tân Tân đó là: trường là điểm bầu cử Quốc hội đầu tiên của  nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trường vinh dự là nơi đón tiếp ông Phạm Văn Đồng, đại diện Chính phủ về tiếp dân, động viên nhân dân xã nhà đứng lên trường kỳ kháng chiến chống Pháp.

 

Kháng chiến bùng nổ, thầy trò trường Tân Tân đã “xếp bút nghiên” tham gia Vệ Quốc đoàn, dân quân tự vệ chiến đấu, các đoàn thể cứu quốc, các tổ chức Đảng và chính quyền không những ở địa phương mà cả trên huyện, tỉnh, khu và nhiều học sinh của trường đã anh dũng hy sinh khắp các chiến trường, những người còn sống về sau đã trưởng thành và đảm nhận các cương vị quan trọng ở huyện, tỉnh và trung ương.

         Trường tiểu học tư thục Tân Tân chỉ tồn tại trong 8 năm (1940 – 1947). Tám năm không dài so với lịch sử nhưng hình ảnh của Ban sáng lập trường, các thầy và trò của nhà trường đã in đậm trong tâm trí người dân quê hương, đã hòa quyện vào dòng lịch sử quê hương. Là biểu tượng của văn hóa mới “dựa vào sức dân”, “xã hội hóa giáo dục”.

         Trong đêm dài nô lệ dưới ách thống trị của thực dân Pháp, trường Tân Tân là một điểm sáng của nền giáo dục không những ở Duy Xuyên mà là của tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ. Trường đã có công vun xới, chăm sóc mầm non cho quê hương đất nước.

 

         Từ Quỹ giải thưởng đến việc tái lập ngôi trường Tân Tân

 

Tự hào về quê hương và mái trường ngày ấy, với ý tưởng làm một việc gì đó để đáp nghĩa với quê hương Duy Trinh, Duy Xuyên, thầy và trò của nhà trường đã vận động thành lập “Quỹ Giải thưởng Tân Tân” từ năm 1995 đến nay để tặng thưởng các em học sinh địa phương xuất sắc trong học tập và  vượt khó trong học tập. Quỹ được hoạt động tại quê nhà và ở thành phố Hồ Chí Minh.

Đến năm 1998, thầy và trò của trường đã tổ chức vận động kinh phí xây dựng lại ngôi trường tại thôn Thi Lai với 4 phòng học (theo mô phỏng trường Tân Tân ngày ấy) nhằm lưu giữ tên trường cũ, trường được mang tên Phân hiệu Tân Tân, thuộc trường tiểu học Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, phân hiệu này được dạy từ lớp Một đến lớp Ba.

 

Thay lời kết

Sự ra đời và những hoạt động tiến bộ của trường tiểu học tư thục Tân Tân đã góp phần xứng đáng vào quá trình truyền bá những tư tưởng dân chủ tiến bộ, chủ nghĩa Mác Lê Nin và con đường cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Góp phần nâng cao ảnh hưởng nhận thức cách mạng trong quần chúng nhân dân nhát là đối với các tầng lớp thanh thiếu niên. Trường tiểu học tư thục Tân Tân là điểm sáng về “dựa vào sức dân” và “xã hội hóa giáo dục” ở Quảng Nam thời ấy.

Ngày nay, khi mà trí tuệ đã trở thành yếu tố hàng đầu thể hiện quyền lực và sức mạnh của một quốc gia, thì giáo dục không chỉ là phúc lợi xã hội, mà thực sự là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế, phát triển xã hội.  “Con người là nguồn lực quý báu nhất, đồng thời là mục tiêu cao cả nhất. Tất cả do con người và vì hạnh phúc của con người, trong đó trí tuệ là nguồn tài nguyên lớn nhất của quốc gia. Vì vậy, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài là vấn đề có tầm chiến lược, là yếu tố quyết định tương lai của đất nước”. “Do vậy, giáo dục, đào tạo giữ vai trò cốt tử đối với mỗi quốc gia”.

 

Trường tiểu học tư thục Tân Tân tuy không còn nữa, những người dân quê hương tôi còn nhớ mãi ở đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XX đã có những con người tư duy mới về giáo dục và đã vận động thành lập một ngôi trường như thế./.

 

                                   Tháng giêng năm 2013

                                       Đoàn Công Tiến

                                   Duy Xuyên – Quảng Nam

----------------------------------------------------------------------------

Tư liệu tham khảo:

+  Kỷ yếu trường tư thục Tân Tân, NXB Đà Nẵng, năm 2001.

+ Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam (giai đoạn 1930 – 1975)

+ Một số tư liệu khác

(Bài đăng trong “Quảng Nam-Đà Nẵng ĐẤT VÀ NGƯỜI”)

 

 

 

 

 

 

Nhớ thi sĩ - chiến sĩ Hồ Thấu

 

Hồ Thấu có bút danh Huyền Thông, ông là một nhà trí thức cách mạng, một nhà giáo, một nhà thơ tài hoa, một trong những người đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử quê hương Quảng Nam. Ông đã giã từ cuộc sống năm 31 tuổi, khi đang ở cương vị là một Tỉnh uỷ viên Đảng bộ Quảng Nam-Đà nẵng, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Liên Việt tỉnh, nhà thơ tài hoa bạc mệnh ra đi làm xúc động tiếc thương vô hạn trong cán bộ, đảng viên, thanh niên học sinh và nhân dân  xứ Quảng lúc bây giờ.

            Hồ Thấu sinh năm 1918 tại làng Trung Thái, nay thuộc Thôn Phú Bông, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông là người con thứ của gia đình Nho học Hồ Hoàng, ông có tiếng là thông minh từ thuở bé và học giỏi trong vùng. Khi ông ra học ban chuyên khoa Tú tài tại Quốc học Huế, cùng thời với nhà thơ Tố Hữu và nhà thơ Huy Cận, ở đấy ông cũng đã nỗi tiếng là người học giỏi cả nhạc, họa, thơ, văn...

 

  Hồ Thấu được sống và học ở những nơi có nhiều phong trào cách mạng, ông chịu ảnh hưởng trực tiếp của các phong trào cách mạng lúc bấy giờ như phong trào học sinh bãi khoá ở Huế, ảnh hưởng tư tưởng dân chủ của Mặt trận Bình dân Pháp, phong trào Mặt trận Dân chủ, phản đế sôi động trong cả nước. Người thanh niên tài hoa ấy đã nhạy cảm, tiếp nhận các trào lưu tư tưởng, các phong trào cách mạng tại Huế cũng như các phong trào cách mạng lúc bấy giờ ở quê hương ông.

 

         Nhà trí thức cách mạng – nhà giáo:

         Năm 1938, ông Hồ Nghinh (1) cùng một số trí giả và hào phú kinh doanh tơ lụa ở quê ông đã góp tiền của xây dựng một ngôi trường mái ngói tường xây vào loại khang trang có đủ các lớp học tại quê nhà lấy tên là trường Tân Tân (2). Hồ Thấu vừa dưỡng bệnh vừa cùng em mình (3) tham gia dạy học và đến năm 1940-1941 ông được mời làm Hiệu trưởng, khi ở cương vị Hiệu trưởng bước đầu ông đã thực hiện công việc “Cao dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” theo thuyết Tam dân của cụ Phan Châu Trinh ngay tại quê hương mình. Ở quê nhà, ông vừa dạy học, vừa tự học vừa viết văn, làm thơ, là tri thức trẻ nhạy cảm trước thời cuộc ông sớm tiếp cận với cao trào cách mạng, ông đã tham gia tích cực vào phong trào yêu nước ở địa phương.

 

         Trong cuộc đời hoạt động của mình ta thấy công việc làm thơ viết văn đối với ông không phải là công việc chính, thơ của ông tuy không nhiều nhưng ông đã để lại cho đời những thi phẩm bất hủ, ở mỗi hoàn cảnh khác nhau người ta đã chuyền nhau đọc cho nhau nghe các tác phẩm của ông và cứ thế mà nhiều người đã thuộc các bài thơ ấy, và bài thơ được nhiều người biết, thuộc và sử dụng nhiều nhất vẫn là bài thơ Gởi kỳ .

 

         Thơ của ông trữ tình cách mạng, lời thơ mượt mà nhưng ý tưởng cách mạng, ý chí tiến công đậm nét và thơ ông mang tính kêu gọi, thôi thúc các tầng lớp đứng lên đấu tranh chống áp bức, nghèo nàn bất công, gia nhập vào các lực lượng cách mạng. Ông viết:

                   “Đời xây trên bất công

                  Đời xây trên áp bức

                  Ai hút máu của muôn đời lao lực

                  Sống phù hoa trên thi thể nhân gian...”

                  ...

                   “Hãy đứng dậy lên đường

                  Nhập vào lòng biển cả

                  Đời không còn xa lạ

                  Đời chỉ là mến thương!...”

                                             (Lên đường -1944)

 

                   “Ai đi những sớm mai tươi

                  Từng đoàn tắm nắng sáng ngời chí trai

                  Ai đi sứ mệnh nặng vai

                  Lòng vui nhiệm vụ chẳng nài gian lao..”

                                             (Nhớ đường -1947)

 

              Nhớ nhà thơ tài hoa - bạc mệnh:

 

         Hoàn cảnh lúc bấy giờ điều kiện xuất bản chưa có, nhưng do thơ Hồ Thấu trữ tình cách mạng nên nhiều người đã đọc và họ đã thuộc làu, về sau những người thân thuộc, bạn bè, học trò của ông đã lưu giữ trong lòng những bài thơ mang tính cách mạng hùng hồn sôi nỗi mang tính động viên mọi người hăng hái tham gia vào các tổ chức cách mạng.

         Hồ Thấu bắt đầu viết thơ từ năm 1939 và viết thơ cách mạng từ năm 1944, trong các tác phẩm của ông hầu hết  là thơ cách mạng.

         Cảm xúc khi đứng trước những nấm mồ xiêu dạt không có người viếng thăm, không ai nhang khói, ông như than thở:

                  “Ngày hôm nay đứng trước mộ các ngươi

                    Biết đâu đấy là nơi ta nghỉ bước...”

                                                               (1939)       

         Có lẽ đó là hai câu thơ như dự báo cho số phận của một nhà thơ tài hoa mệnh bạc (về sau bị bệnh nan y) mà đúng mười năm sau ông đã xa lìa cõi đời này.

 

         Cuộc đời của Hồ Thấu chỉ biết làm cách mạng, cách mạng về giáo dục và văn hoá...một tâm hồn trong trắng, chưa từng được và nghĩ đến có phút giây về tình yêu lứa đôi, chỉ tiếc rằng mình không còn sống để cùng được đồng bào đồng chí hoạt động cách mạng khi phong trào cách mạng đang khí thế bừng lên.

 

                   “Đời lên cho nẻo đẹp thơ

                  Ra đi chỉ tiếc cuộc cờ thiếu tay...”

                           ...

                   “Chừ đây ôn lại đời ta

                  Một đời trong trắng như hoa giữa dồng

                  Ái ân chưa bận tấc lòng

                  Bạc tiền chưa bẩn túi không bao giờ...”

                                                               (Gởi Kỳ - 1948)

Có điểm khác với thi phẩm đương thời, trong các tác phẩm của ông hầu như ta không bắt gặp hình ảnh người thiếu nữ xinh đẹp mà chỉ thấy quê hương , biển trời, sông núi, chỉ thấy đồng chí, đồng đội, bạn bè, hình ảnh người dân quê...Trong bài Quê hương ta mới thấy hình ảnh của người thiếu nữ mà người nữ ấy là người nữ binh vận đã khéo dùng mưu trí và nhan sắc của mình gan dạ bước vào đồn địch vận động được cả sỹ quan Pháp ôm súng tiểu liên về với chính quyền cách mạng, rồi chị bị địch bắt tra tấn dã man... Cảm xúc trước sự hy sinh cao cả ấy Hồ Thấu viết:

 

                  “...Anh hùng thân nhi nữ

                       Vào đồn dắt thù ra

                       Quặn đau từng thớ thịt

                       Trong non nước Việt Nam

      Lòng ta vui dũng liệt

      Say gian khổ căm hờn...”

 

                                             (Quê hương - 1947)

 

         Hồ Thấu là nhà chính trị, nhà thơ; khi ông đã lâm bệnh, dù đang dưỡng bệnh biết mình không được cùng các đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng, nhưng  ông mang một tâm hồn vẫn trong trẻo một niềm tin vào cuộc sống vào đồng chí đồng đội tha thiết yêu đời và luôn tin tưởng vào ngày mai tươi sáng dù đã cảm nhận cái chết đang thì thầm bên mình, nhưng ông đã vượt lên sự thì thầm ấy vẫn luôn nỡ những nụ cười, niềm vui trong ánh mắt và được mọi người yêu thương, quý mến

                “...Ai đi những sớm mai tươi

                  Từng đoàn tắm nắng sáng ngời chí trai

                  Ai đi sứ mệnh nặng vai

                  Lòng vui nhiệm vụ chẳng nài gian lao...”

                                            (Nhớ đường -1947)

 

         Vượt lên nổi đau do căn bệnh hiểm nghèo của mình mà vẫn luôn nhớ về bạn:

                   “Bạn đau nằm bến sông Thu

                  Ta đau nằm tít xa mù biển Đông

                  Bạn buồn ra ngắm núi sông

                  Ta buồn ra ngắm mênh mông biển trời...”

                                             (Nhớ Trinh Đường – 1948)

 

         Trước lúc đi xa, Hồ Thấu nằm trên giường bệnh, hấp hối nhưng ông lại xuất thần sáng tác được một bài thơ vào loại xuất sắc nhất của chất thơ kháng chiến nhưng giàu âm hưởng trữ tình, lãng mạn cách mạng trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Gởi Kỳ  là một bài thơ ứng khẩu theo thể thơ lục bát gồm 78 câu thơ, mà nhiều người rất hâm mộ thường đọc cho nhau nghe. Khó ai quên được:

                          “Chiến trường ai khóc chia phôi

                          Khải hoàn ai nhắc đến người hôm qua...”

         Như một thông điệp để lại cho người còn sống và nhắc nhở các thế hệ đừng bao giờ quên quá khứ gian lao, nghiệt ngã, nhưng vinh quang và hào hùng, ông vẫn tin vào các thế hệ nối tiếp:

                      “...Với ta ta chết từ lâu

                       Với ta đời vẫn một màu tươi son...” 

 

            Và ông đã xem cái chết tựa lông hồng, sự ra đi rất thanh thản nhẹ nhàng:

 

                 “...Chết đi như khách qua đường

                  Ôm đầy hoa lá giàu sang xuống mồ...”

 

         Thật đáng tiếc Hồ Thấu, nhà trí thức cách mạng, nhà giáo, nhà ngoại giao, nhà thơ tài hoa đã ra đi quá sớm, ông ra đi khi tuổi đang căng đầy nhựa sống, tiếc thay ông không được đóng góp nhiều hơn- lớn hơn sức mình vào sự nghiệp cách mạng . Những thi phẩm của ông có thể đã bị thất thoát do hoàn cảnh chiến tranh, số thi phẩm sưu tầm được chỉ đếm trên đầu ngón tay (4)

. Khóc thương luyến tiếc ông ; thi nhân-người chiến sỹ hiền lành, một con người chưa vướng bận ái ân, tiền bạc, trong đời chỉ đẹp và thơ .

..

                  “...Khóc thương anh biết mấy kể cho vừa

                      Vì hoa rụng giữa mùa căng nhựa sống...”

                           ...

                  ..”.Hơi còn đây thì hồn thơ còn mãi

                       Đến bao giờ vốc cạn đáy tâm tư..”.

                                      (Khóc anh Hồ Thấu của Phạm Văn Kỳ,1949)

 

                        “...Mênh mông cát trắng bạt ngàn

                       Ý thơ ngày cũ nồng nàn còn đây...”

                                      (Nhớ anh Hồ Thấu, của Nguyễn Xuân Vũ)

 

 Hồ Thấu không những là người đã có những cống hiến xuất sắc cho cách mạng cho nhân dân trên quê hương đất Quảng dẫu ở cương vị công tác nào, mà ông còn là một nhà thơ tài hoa, những thi phẩm của ông đã để lại cho người hôm qua, hôm nay và các thế hệ một tâm hồn trong trắng, và những thi phẩm bất hủ ấy như lời nhắn nhủ tâm tình

        

                    ...”Chiến trường ai khóc chia phôi

                         Khải hoàn ai nhắc đến người hôm qua...”

 

         Thi sĩ-chiến sĩ Hồ Thấu không còn nữa nhưng các thi phẩm của ông vẫn còn sống mãi với quê hương đất nước./.

 

------------------------------------------------------------------------------------

(1) Hồ Nghinh, anh ruột Hồ Thấu, nguyên Ủy viên BCHTW Đảng CSVN. Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng. Anh hùng LL VT ND

(2) Ngôi trường tiểu học tư thục tại Duy Trinh tiêu biểu cho cái mới lúc bấy giờ.

(3) Hồ Liên (Hoàng Bích Sơn), nguyên UVBCHTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao-Trưởng ban Đối ngoại TW Đảng.

(4) Hồ Thấu nhà trí thức cách mạng, xuất bản tại Đà Nẵng năm 1999 thì phần thơ Hồ Thấu chỉ mới sưu tầm được 10 bài, trong đó có 02 bài không có tiêu đề và mỗi bài chỉ có 02 câu thơ.

                                                               

                                                    Đoàn Công Tiến              

                                             Duy Xuyên-Quảng Nam

                    (Bài đăng trong Đặc san Xuân Duy Xuyên năm 2009 trang 70 và Duy Xuyên Online)