KHÁI QUÁT VỀ ĐỊA LÝ, NGUỒN GỐC
LỊCH SỬ VÀ TÌNH HÌNH KINH TẾ, XÃ HỘI
XÃ DUY TRINH NHŨNG THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỸ 20 *
I/ KHÁI QUÁT VỀ ĐỊA LÝ – NGUỒN GỐC LỊCH SỬ:
- Về địa lý:
Duy Trinh là một trong 14 xã – thị trấn thuộc huyện Duy Xuyên, cách trung tâm huyện ly 4 km về hướng Tây. Toàn bộ phía Bắc nằm bên bờ một nhánh sông Thu Bồn, giáp với các xã vùng Gò Nổi (Điện Bàn); phía Nam là dãy núi thấp giáp với xã Duy Sơn, hướng Đông Nam giáp xã Duy Trung, phía Đông giáp Thị Trấn Nam Phước, phía Tây giáp xã Duy Châu.
Về địa hình, vùng đất phía Tây thuộc địa phận thôn Chiêm Sơn là nơi có nhiều đồi núi. Thôn Đông Yên, Phú Bông, Thi Lai là vùng thổ cư, hằng năm đều được phù sa sông Thu bồi đắp nên đất đai màu mỡ, có nhiều ao hồ, đầm bàu,…
Tổng diện tích đất tự nhiên là 1977 ha, trong đó đất nông nghiệp có 366 ha, đất lâm nghiệp có 595,4 ha, đất phi nông nghiệp có 476,8 ha, còn lại 539 ha là đất chưa sử dụng bao gồm bãi cát, đồi trọc, núi đá,…
Nằm trên bờ Nam một nhánh sông Thu Bồn nên Duy Trinh sớm có loại hình giao thông đường thủy, là điều kiện quan trọng trong giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trước năm 1945, khi đường bộ chưa phát triển và nhánh sông ở phía Bắc của xã chưa bị bồi lấp nhiều, thủy lộ nơi đây rất thịnh vượng, đã hình thành nên các bến đậu lớn như: bến Lớn, bến Trống, bến Củi, bến Đò Gặp… Hàng ngày ghe xuồng ra vào buôn bán tấp nập: xuôi thì về Hội An, Bàn Thạch, ngược thì lên Trung Phước, Đại Bình, Giao Thủy, Hòn Kẽm Đá Dừng… Về đường bộ, sau những năm 20 của thế kỷ XX địa bàn xã có hơn 3 km đường tỉnh lộ 104 (nay gọi là ĐT 610) chạy qua: hướng Đông nối với khu vực Trà Kiệu, trước đây là kinh đô của người Chăm, cách Quốc lộ 1A tại Nam Phước khoảng 8 km, hướng Tây nối với cung cầu đường sắt Chiêm Sơn, có thể lên đến các xã huyện Nông Sơn. Ngoài hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy, sau năm 1932, nơi đây còn có hơn 3 km đường sắt Bắc – Nam đi qua, từ trung tâm xã đến ga xe lửa Trà Kiệu chỉ hơn 2 km, đây là một nhà ga nhỏ, tàu chạy Sài Gòn – Hà Nội không dừng, muốn đi tàu suốt, hành khách phải ra Đà Nẵng hoặc vào Tam Kỳ mua vé nhưng trong thời kỳ ngành dệt phát triển (1934 – 1945), tàu suốt đã chịu dừng lại đón khách và vận chuyển hàng hóa với khối lượng lớn, nhất là các mặt hàng như tơ lụa, vải vóc, hang thủ công mỹ nghệ nổi tiếng của nhân dân địa phương vào Sài Gòn, Nam Vang, ra Bắc. Trước đó, Pháp còn lập ga phụ ở xóm Hòa An (gọi là Ga Bể thuộc thôn Đông Yên ngày nay), những năm 60, thời Mỹ Diệm, còn mở thêm tuyến đường sắt chạy từ cung cầu Chiêm Sơn lên khu Tây, nối với khu kỹ nghệ An Hòa, tạo thuận lơi cho việc vận chuyển, tiêu dùng hàng hóa ở địa phương. Với hệ thống giao thông thủy bộ như vậy đã góp phần giúp cho Duy Trinh có điều kiên để xây dựng và phát triển. Sau do chiến tranh ác liệt, ga phụ ở Hòa An và tuyến đường sắt lên khu Tây không còn sử dụng.
- Nguồn gốc lịch sử:
Trước năm 1471, Duy Trinh thuộc vùng đất người Chăm, nằm bên kinh thành Simhapura (thành Sư Tử), Trà Kiệu ngày nay. Sau năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông mở rộng biên cương, Duy Trinh thuộc huyện Hy Giang của phủ Thăng Hoa, một trong 3 phủ của Thừa Tuyên Quảng Nam đạo (đạo thứ 13 của nước Đại Việt). Đến năm 1604, Chúa Nguyễn Hoàng đổi tên là huyện Duy Xuyên, vẫn thuộc phủ Thăng Hoa. Đa số cư dân Duy Trinh ban đầu xuất thân từ Thanh Hóa, một ít từ Nghệ An, Hải Dương, vốn là quan, quân nhà Lê và nông dân đã từng tham giai phong trào chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước theo vua Lê Thánh Tông tiến về phía Nam. Bên cạnh đó còn một bộ phận cư dân vào đây từ đầu thế kỷ XV (thời Hồ Hán Thương) và một bộ phận khác vào sau khi Nguyễn Hoàng làm trấn thủ dinh Quảng Nam, chủ yếu tập trung ở ven bờ Nam thuộc một nhánh lớn của sông Thu Bồn và khu vực gần kinh thành Trà Kiệu. Vùng đất Duy Trinh trong thời kỳ khai hoang, lập ấp phần lớn đất đai là ao hồ, đầm lầy, đồi núi hoang vu. Trong quá trình phát triển, qua nhiều thế hệ cùng góp công xây dựng, đấu tranh chống chọi với những điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên để dần mở rộng thành vùng đất mới màu mỡ, phát triển về nhiều mặt. Ngày nay vẫn còn lưu lại trong gia phả của nhiều tộc họ và dấu tích ở nhiều làng ghi nhận công lao khai hoang lập làng của bao dòng họ đã cùng nhau chung lưng đấu cật xây dựng vùng đất nơi đây trở thành nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, Duy Trinh thuộc tổng Duy Đông, gồm các xã: Duy Đông, Trung Mỹ, Trung Thái, Mỹ Hòa, Tố An, Nam An, Thi Thượng, Thi Tây, Thi Đông. Còn Chiêm Sơn thuộc tổng Mậu Hòa.
Sau cách mạng tháng Tám, huyện Duy Xuyên được chia làm 4 khu, Duy Trinh thuộc khu Hữu Mẫn.
Đến tháng 3/1946, giải thể khu để chia xã. Duy Trinh lúc này gồm 4 xã nhỏ:
- -Chiêm Sơn lập thành xã Châu Dương (gồm: Sơn Lệ, Trung Thành, Chiêm Sơn).
- -Đông Yên lập thành xã Quang Trung.
- -Phú Bông Ngũ Thôn lập thành xã Yên Bái.
- -Thi Lai lập thành xã Bạch Đằng.
Do nhu cầu kháng chiến, từng thời kỳ Duy Trinh nhiều lần nhập, tách, chia xã, lần lượt có tên: Xuân Trinh, Châu Dương (1946 – 1947), Duy Hòa (1948 – 1950), Duy Trinh (1950 – 1954), Xuyên Trường (1955 – 1975), sau 30 tháng 4 năm 1975 có tên là Duy Hòa, từ năm 1977 đổi thành xã Duy Trinh và giữ cho đến ngày nay.
Ở Chiêm Sơn, trong buổi đầu có tên là “Phụ lũy Chiêm Sơn”. Nhờ vào công khai khẩn, lập nghiệp mà ông Thủy tổ dòng họ Nguyễn Công là Nguyễn Tá Triều đã được Vua Lê Thánh Tông sắc phong “Thất hầu nhị bá” (để chỉ các đơn vị đã có công kế tiếp nhau lập nghiệp).
Vùng Đông Yên gồm có 6 thôn: Đông Yên, Hòa Yên, Thoại Yên, Vĩnh Yên, Mỹ Yên và thôn Tân Lân.
Vùng Ngũ Thôn bao gồm: Nam An, Tố An, Trung Mỹ, Trung Thái, Mỹ Hòa gọi chung là Phú Bông Ngũ thôn (để phân biệt với Phú Bông chợ ở Điện Bàn). Vùng đất này khi mới khai phá có tên là Bồ Ba Châu (1650). Theo Gia phả tộc Nguyễn Hữu, ông Nguyễn Đại Lang là một quan chức theo phụ tá cho Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng khi xin lập làng lấy tên là Bình An, sau đổi thành Tố An và từ đấy mở rộng ra thành Phú Bông Ngũ Thôn.
Thi Lai ban đầu có tên là Thi Lai Châu gồm 3 thôn: Thi Lai Tây Châu thôn, Thi Lai Châu Đông thôn, Thi Lai Châu Thượng thôn. Trước cách mạng tháng Tám, các thôn trên đổi thành các xã Thi Tây, Thi Đông, Thi Thượng.
Về dân số, mỗi ngày một phát triển, thời Pháp thuộc, có khoảng trên 2000 người, đến thời điểm năm 1975, khi quê hương được giải phóng, dân số tăng lên khoảng 4000 người. Tính đến thời điểm cuối năm 2009 dân số Duy Trinh có 8168 người, chiếm tỷ lệ 14,8% dân số của toàn huyện.
Suốt chặn đường di dân lập ấp, hình thành làng xã, người dân nơi đây đã chung sức chung lòng cùng nhau chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, thú dữ, bệnh tật để tồn tại và phát triển. Trong quá trình đấu tranh sinh tồn đầy gian khổ đó, cha ông ta để lại một truyền thống vô cùng quý giá, đó là tinh thần đoàn kết vì cộng đồng, sự kiên cường bất khuất, đức tính chịu thương chịu khó, lao động cần cù, thông minh, sáng tạo được hun đúc ngay trong chặng đường đầu lịch sử của xã, là sức mạnh tinh thần to lớn, là niềm tự hào, sự cổ vũ lớn lao cho bao thế hệ trước đây, hiện nay và muôn đời sau.
II/ TÌNH HÌNH KINH TẾ, CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945:
- Tình hình kinh tế:
Cho đến nay, nhân dân Duy Trinh đa số vẫn sống bằng nghề nông. Trước đây, trong thời kỳ phong kiến, canh tác chủ yếu là làm thổ, trong sản xuất dựa vào nguồn nước trời là chính, chưa có hệ thống thủy lợi tự tạo, mỗi năm chỉ gieo một mùa; hình thức thâm canh lạc hậu, theo lối cổ truyền nên năng suất thấp; phần do sưu cao thuế nặng, phần do sự chèn ép bóc lột của thực dân phong kiến đã làm cho đời sống của người nông dân nơi đây luôn gặp khó khăn.
Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình, phía Tây có nhiều đồi núi, phía Nam có một số diện tích đất nằm bên bờ sông, hằng năm được một lượng lớn phù sa bồi đắp, thuận lợi cho việc sản xuất các loại hoa màu như cây dâu, bông vải và nhất là có hệ thống giao thông thuận tiện nên Duy Trinh sớm phát triển ngành nghề theo từng khu vực dân cư và cơ bản duy trì cơ cấu đó cho đến bây giờ. Chiêm Sơn thiên sống về nông lâm như đốt than, đi củi, làm ruộng rẫy. Ở Đông Yên, dựa vào những cánh đồng thổ canh, những bãi sa bồi ven sông nên đa số cư dân nơi đây sống bằng nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ và trở thành nghề truyền thống gắn với danh tiếng người con gái họ Đoàn là Bà Đoàn Qúy Phi có công trong viêc khuếch trương, quãng bá, mở rộng nghề dâu tằm tơ lụa, được nhân dân yêu quý xưng tụng là Bà Chúa Tàm tang. Tại Phú Bông, Thi Lai do đất hẹp, người đông, không chủ động nước tưới nên phần lớn chỉ trồng khoai, bắp, ít trồng lúa (chủ yếu là làm lúa gieo) và nghề dệt vải gắn với tên tuổi cụ Võ Dẫn, người có công trong việc cải tiến khung cửi vào những năm 1930, dần dần trở thành nghề truyền thống của nhiều hộ gia đình.
Trước năm 1930, ở Phú Bông – Thi Lai hình thành dệt tơ tằm còn mang nặng tính thủ công, thô sơ. Lúc đầu khung cửi dệt bằng tay, chân đẩy bàn đạp, vừa cồng kềnh, số lượng ít, chất lượng hành lại không cao. Vào năm 1930, nhân dịp đến xem Hội chợ triển lãm máy móc ngành dệt của Pháp tại Sài Gòn, ông Cửu Diễn (tức cụ Võ Dẫn), người làng Thi Lai nảy ý định chế tạo chiếc máy dệt đạp chân để thay thế khung dệt cổ truyền tại quê nhà. Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, cùng với sự cộng tác của ông Trần Thống – người thợ mộc tài danh, đến năm 1932, chiếc máy dệt đầu tiên vận hành bằng hệ thống nhông chuyền, tự cuốn hàng vào trục của ông ra đời, đánh dấu cho sự mở đầu của cuộc canh tân ngành dệt ở Quảng Nam. Công việc của người thợ dệt đỡ vất vã mà năng suất lại tăng lên gấp 3 – 4 lần, sản xuất được nhiều mặt hàng tơ tằm nổi tiếng như Hạnh phước, Thiên hương, Hoa thị, Cẩm tự. Từ đó, Thi Lai trở thành trung tâm sản xuất, mua bán hàng tơ tằm Quảng Nam. Năm 1934 đến năm 1944, Thi Lai – Phú Bông được coi là nơi có nghề dệt hàng tơ tằm thịnh vượng nhất của Quảng Nam. Bên cạnh đó, góp công cho sự phát triển của ngành dệt ở địa phương sau này còn kể đến ông Lê Đồng Lợi, người làng Đông Yên, đã ra vùng dệt Nam Định để nghiên cứu thêm về mặt kỹ thuật, từ đó làm chuyển biến hẳn chất lượng vải sợi ở địa phương, mặt hàng được đưa sang triển lãm tận thành phố Li ông (Pháp). Mặt hàng do ông cải tiến được gọi là Tuýt – xo Lê Đồng Lợi, đươc nhiều nhà dệt ở Đông Yên, Bảo An, Xuân Đài sản xuất.
Sự phát triển của ngành dệt kéo theo sự phát triển nghề trông dâu nuôi tằm. Hầu hết diện tích đất ven sông, ven bãi được phủ bởi những triền dâu xanh mượt. Mùa nuôi tằm thường kéo dài từ tháng 2 – tháng 11 âm lịch. Song rộ nhất là từ 50 – 70 tấn kén, có hộ thu từ 500 – 700 kg kén trong năm. Phần lớn những hộ nuôi tằm thường kiêm luôn nghề ươm tơ, cả xã có hàng trăm xa ươm tư nhân. Ngành ươm trong thời kỳ đầu Pháp thuộc lao động thủ công là chính nên năng suất và chất lượng đã được cải tiến, từ xa ươm tơ bã đến ươm tơ săn, do đó khi mắc dệt lãnh lụa khỏi phải qua công đoạn hồ sợi. Không phụ công những người đi trước, tuy trải qua nhiều bước thăng trầm nhưng nghề dệt ở Duy Trinh vẫn giữ vững và phát huy cho đến ngày nay.
Dựa vào đặc điểm địa hình, nhờ lợi thế giao thông, công lao khai khẩn mở mang của các bậc tiền nhân, của những người có vị trí cao trong xã hội, có tâm huyết cống hiến cho địa phương, kinh tế Duy Trinh sớm phát triển với đa dạng, phong phú các ngành nghề: nông nghiệp, lâm nghiệp, tiêu thủ công nghiệp và giao lưu buôn bán.
- Chính trị - xã hội:
Dưới thời thực dân phong kiến, cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, nhân dân Duy Trinh phải sống cảnh áp bức bất công. Bọn cường hào dựa vào thế lực thống trị hành hạ nhân dân. Điều đáng chú ý là chính quyền thực dân chia cắt các làng thành nhiều xã nhỏ để dễ bề cai trị. Lúc bấy giờ Duy Trinh có 12 xã nhỏ. Chiêm Sơn có 2 xã, Đông Yên có 2 xã, Phú Bông có 5 xã, Thi Lai có 3 xã. Mỗi xã nhỏ là một đơn vị hành chính riêng biệt, có lý trưởng đứng đầu cùng bộ máy ngũ hương gồm ngũ hương bộ, hương mục, hương kiểm, hương bổn và hương dịch trông coi, bên cạnh ngũ hương còn có hội đồng hào mục, mỗi xã lại chia nhiều xóm, có trùm xóm quản lý, kiểm soát. Trước đây ở xã không có những địa chủ lớn, chỉ có vài địa chủ nhỏ. Những địa chủ này thường là các chức sắc của tổng, của làng bỏ tiền ra mua ruộng ở Nham Đông, Nham Tây (thuộc xã Duy Sơn bây giờ) để phát canh thu tô. Từ khi có Đảng ra đời và lãnh đạo nhân dân đấu tranh, cơn lốc cách mạng đã làm thay đổi lập trường của họ, nhiều địa chủ đứng về phía cách mạng và có những đóng góp trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.
Nhờ cuôc cách mạng về kỹ thuật trong ngành dệt, vùng Thi Lai số gia đình sống bằng nghề dệt lụa ngày một đông kéo theo một số bà con ở các nơi khác như Điện Bàn, Trà Kiệu sang dệt mướn, đã hình thành nên tầng lớp thợ thủ công làm thuê cho các chủ xưởng dệt, xưởng nhuộm. Nhờ sống tập trung và được tác động bởi những tư tưởng tiến bộ nên tầng lớp này thường đóng vai trò là lực lượng chủ yếu làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, phong trào cách mạng ở địa phương.
Tầng lớp tiểu tư sản, tư sản nhỏ cũng bắt đầu hình thành cùng với sự phát triển của các ngành nghề thủ công, số này chiếm rất ít. Họ là chủ các xưởng dệt, xưởng nhuộm, hoặc là những thương nhân chuyên làm nghề buôn bán tơ lụa mà trở nên giàu có. Hầu hết thành phần này là người địa phương, có quan hệ bà con hàng xóm với thợ thủ công nên họ cũng có tinh thần đùm bọc giúp nhau, liên kết với thợ dệt trong cuộc đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, ủng hộ cách mạng qua các thời kỳ lịch sử.
Trong quá trình chinh phục, khai hoang, xây dựng và phát triển quê hương, người Duy Trinh cũng đã xây dựng nên đời sống văn hóa tinh thần phong phú, vừa mang sắc thái riêng vừa hòa quyện trong truyền thống văn hóa dân tộc, mãi trường tồn, phát triển cùng thời gian. Đa số người dân Duy Trinh chịu ảnh hưởng Nho giáo, lấy sự thờ cúng tổ tiên, ông bà, các bậc thánh hiền, những người có công khai khẩn lập làng làm trọng. Trước đây, mỗi làng đều có một ngôi đình thờ các vị Tiền hiền, Hậu hiền, vừa là nơi làm việc của các Hương chức, vừa làm nơi hội họp của dân làng. Chiêm Sơn có đình Chiêm Sơn; Đông Yên có đình Đông Yên; Phú Bông có đình Trung Thái, đình Trung Mỹ; Thi Lai có đình Thi Tây; đình Thi Đông; đình Thi Thượng,…Phong tục cúng tế tại các đình, chùa, miễu ở các thôn xóm được tiến hành đều đặn hành năm. Tại Thi Lai, Phú Bông nhân dân còn xây dựng khu Văn Chỉ và Văn Thánh để thờ các bậc thánh trong đạo Nho như Đức Khổng Tử, Mạnh Tử và các vị nho học đỗ đạt trong vùng nhằm mục đích khuyên răn con cái noi gương theo các bậc tiền bối, gắng công học tập, rèn luyện để thành người tốt. Ngoài ra, tại các xóm còn lưu lại dấu vết các ngôi miếu cổ để thờ Thần Hoàng và các ông Tổ nghề nghiệp.
Phong tục cúng tế mỗi khi xuống đồng hay kết thúc sau mỗi mùa vụ vẫn còn được duy trì ở các thôn xóm. Đây không chỉ là phong tục ở địa phương mà còn là nét sinh hoạt đôc đáo trong đời sống tinh thần phong phú, là chất kết dính để mọi người trong thôn xóm xích lại gần nhau hơn.
Tại thôn Chiêm Sơn, hằng năm vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch, cộng đồng dân cư còn tổ chức một lễ hội dân gian truyền thống gọi là Lệ Bà Chiêm Sơn, nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, an cư, lạc nghiệp, gồm các hoạt động chính như: Lễ tế tại Dinh Bà, lễ rước sắc, hô hát bài chòi và các trò chơi dân gian,… thu hút đông đảo dân làng ở tại địa phương và cả những người làm ăn xa xứ và bà con các vùng lân cận tham gia. Dinh Bà thờ Bà Chiêm Sơn, một vị thần được nhân dân trong vùng gọi là Phúc Thần, mà theo truyền thuyết luôn phò trợ và tạo phúc cho dân làng. Bà Chiêm Sơn được vua Duy Tân sắc phong là Thái Dương phu nhân vào năm 1911, sau được vua Khải Định tôn vinh là Trung Đẳng Thần. Dinh Bà Chiêm Sơn được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng Di tích văn hóa cấp tỉnh vào năm 2007.
Ngoài phong tục thờ cúng tổ tiên, một bộ phận dân chúng còn theo đạo Phật hoặc đạo Ki tô (Thiên chúa giáo). Đạo Phật được truyền bá vào địa phương khá sớm với ngôi Chùa Lầu, một công trình kiến trúc đẹp được xây dựng từ rất lâu (năm 1635), đã bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Sau ngày quê hương giải phóng, đươc sự quan tâm của chính quyền địa phương, đồng bào Phật tử xây lại ngôi chùa mới khang trang trên nền đất cũ, thỏa được lòng tín ngưỡng của bà con theo đạo. Bên cạnh đạo Phật, đạo Công giáo cũng được truyền bá vào địa phương thời kỳ đầu Pháp thuộc, đi liền với thời gian hình thành khu giáo đường Trà Kiệu. Năm 1956, tại xóm Hòa An, đồng bào giáo dân nơi đây đã dựng thêm một Nhà Nguyện dùng làm nơi hành lễ cho giáo dân quanh vùng. Ngoài hai tôn giáo lớn, rải rác trong xã có một vài gia đình theo đạo Cao đài, Tin lành nhưng không dựng thánh thất để thờ. Còn lại đa số dân cư trong xã không theo đạo.
Duy Trinh còn tự hào là nơi sinh ra Bà Đoàn Qúy Phi, người con gái tài hoa, đức hạnh, trở thành hoàng hậu của xứ Đàng Trong nước Đại Việt, đã đi vào lịch sử đất nước và để lại dấu ấn sâu sắc trong đời sống văn hóa của người dân địa phương. Cuộc đời của cô gái trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa ở làng Chiêm Sơn bên bờ sông Thu Bồn, trở thành Vương phi vừa mang tính lịch sử vừa có yếu tố trữ tình. Bà có tên là Đoàn Thị Ngọ, sinh năm Tân Sửu (1610), con gái của Thạch quận công Đoàn Công Nhạn. Câu hát làm say lòng chàng công tử Nguyên Phúc Lan và trở thành vợ Chúa đã đi vào truyền thuyết và sử sách dân gian địa phương, được lưu truyền qua bao thế hệ cho đến tận bây giờ và mãi mãi về sau:
Tai nghe Chúa ngự thường rồng
Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa…
…………………………………
Thuyền rồng chúa ngụ nơi đâu?
Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình…
Sau khi trở thành phu nhân của Phó tướng Nhân Lộc hầu Nguyễn Phước Lan (sau này là Chúa Thượng), bà Đoàn Thị Ngọc đã hết lòng ủng hộ, khuyến khích nghề trông dâu dệt lụa ở các phủ Điện Bàn, phủ Thăng Hoa… Nhờ đó mà nghề làm tàm tang ở Đàng Trong được mở mang vào đầu thế kỷ thứ XVII và đã sản xuất được nhiều mặt hàng tơ lụa nổi tiếng như đoạn, the, gấm, vóc,…bán trong nội địa và xuất khẩu ra nước ngoài qua thương cảng Hội An. Bà được nhân dân yêu mến xưng tụng là Bà Chúa Tàm tang xứ Quảng, Bà mất cũng vào năm Tân Sửu( 1661), được con trai là Chúa Hiền Nguyễn Phước Khoát truy dâng là “Trinh Thục Từ Tĩnh Huệ Phi”, về sau thêm 2 chữ “Mẫn Duệ” thành “Trinh Thục Từ Tĩnh Huệ Phi Mẫn Duệ”, được vua Gia Long truy tôn là “Trinh Thục Từ Tĩnh Mẫn Duệ Kính Hiếu Chiêu hoàng hậu”. Để tưởng nhớ công đức của Bà và tạo điều kiện khôi phục làng nghề, được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, 3 năm một lần, chính quyền địa phương tập trung tổ chức Lễ hội với quy mô lớn trong toàn cộng đồng gọi là Lễ hội Bà Chúa Tàm tang.
Duy Trinh vinh dự còn được lưu giữ một số lăng mộ quý giá của nhà Nguyễn với những kiến trúc cổ được xây dựng khá kiên cố đến nay vẫn còn. Đó là Lăng mộ của Bà Đoàn Qúy Phi được vua Gia Long cho xây dựng từ năm 1812, tọa lạc trên Gò Cốc Hùng của làng Chiêm Sơn, gọi là Vĩnh Diên Lăng, lăng Vĩnh Diện của Bà Hiếu Văn Hoàng hậu Mạc Thị Giai (nhạc mẫu của Bà Đoàn Qúy Phi) được xây dựng trước đó, cách lăng Vĩnh Diện hơn nửa cây số. Đây là 2 ngôi lăng mộ của người Việt cổ nhất và lớn nhất còn lại ở đất Quảng Nam ngày nay (trích trong bài “Di tích và con người có liên quan đến dòng họ Nguyễn Phước trên đất Duy Xuyên thuộc tỉnh Quảng Nam” của nhà nghiên cứu Văn hóa Huế Nguyễn Đắc Xuân, tập sách “Bà Chúa Tàm tang xứ Quảng” – Nhà xuất bản Đà Nẵng năm 2003). Lăng mộ của Quận chúa Nguyễn Ngọc Dung (con gái Bà Đoàn Qúy Phi) được xây dựng cách đó không xa, thuộc địa phận thôn Đông Yên, được nhân dân địa phương gọi là lăng Bà Bé. Hiện nay lăng Bà Đoàn Qúy Phi đã được cấp hạng Di tích lịch sử cấp Tỉnh năm 2006 và đang hoàn thành thủ tục công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia; lăng Bà Mạc Thi Giai và Quận chúa Ngọc Dung đươc xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Ngoài Chùa Lầu được xây dựng sớm còn phải kể đến Vĩnh An Tự (còn gọi là Chùa Vua, hay Chùa Ngự) hiện giờ vết tích vẫn còn. Nguyên trước đây, vào thời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, Miếu hiệu Hy Tông Hiếu Văn Hoàng Đế (1613 – 1635), Bà phi Mạc Thị Giai đã cho xây dựng một ngôi chùa trên đỉnh núi Non Trược gọi là Bửu Châu Quan Tự, nhưng đến triều đại Minh Mạng năm thứ V (1824), ngôi chùa này được dời đến xây dựng tại địa phận thôn Chiêm Sơn, đổi tên là Vĩnh An Tự. Mục đích xây dựng Vĩnh An Tự là để thờ phụng các thân nhân hoàng tộc Nhà Nguyễn, do đó Vĩnh An Tự là ngôi chùa dành riêng cho Hoàng tộc. Sau do chiến tranh tàn phá đến nay Chùa Vua chỉ còn lại nền gạch cũ. Năm 2008, phế tích này được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng Di tích Khảo cổ học cấp Tỉnh.
Như vậy, cho đến nay, tại Duy Trinh có 8 di tích, phế tích đươc UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích cấp Tỉnh, trong đó lăng Bà Đoàn Qúy Phi đươc đề nghị xếp hạng cấp Quốc gia.
Về giáo dục, truyền thống hiếu học ở địa phương được hình thành khá sớm. Thời phong kiến đã có nhiều người học hành đỗ đạt được bổ làm chánh phó tổng, lý trưởng như ông xã Tuyến (Nguyễn Tuyến ở Trung Mỹ), hoặc ông Thái Đình Thạc (ở Thi Lai) và ông Đặng Hữu Mai (ở Đông Yên) đậu cử nhân năm 1884 làm quan ở chức Huấn Đạo; ông Nguyễn Thiện Đoan (ở Phú Bông) là nhà nho học tài liêm, có hai học trò đỗ tri huyện: Ông Hường Hồ, Ông Hường Nguyễn hoặc được phong chức sắc như ông Tú Lễ, Tú Ba, Tú Bảy (tộc Võ Văn), Tú Mai (tộc Mai Văn), Tú Quỳnh, Tú Diễn (tộc Phan – Đông Yên), Ấm Cừ (Nguyễn Đình Cừ ở Phú Bông), huyện Tống,… Ông Võ Huy Lượng (Cử Lượng ở Thi Lai) đậu cử nhân năm 1892 nhưng không chịu ra làm quan, ở nhà mở lớp dạy học, suốt cả đời thanh khiết, giản dị. Khi ông mất, Bà Cử Lương một lòng trinh tiết thờ chồng, được vua phong sắc “Tiết hạnh khả phong”.
Thời kỳ 1920 – 1945 có ông Nguyễn Đình Tập (Hường Nguyễn) và Hồ Hoàng (Hường Hồ) ở thôn Phú Bông thi đậu cử nhân được Triều Nguyễn bổ nhiệm ra làm quan và được vua thăng đến chức Hồng Lô Thiếu Khanh. Ông Hường Hồ có ba người con đều là cán bộ cách mạng, hai người đảm nhận vị trí cao trong Đảng và Chính phủ là đồng chí Hồ Nghinh và đồng chí Hồ Liên (tức Hoàng Bích Sơn) và đồng chí Hồ Thấu là nhà giáo, thi sĩ tài hoa, vừa là chiến sĩ cách mạng từng giữ chức chủ tịch UBND cách mạng lâm thời xã Yên Báy (một trong ba xã của xã Duy Trinh lúc này), được công nhận là liệt sĩ.
Truyền thống hiếu học ở Duy Trinh thể hiện rõ nhất vào những năm 30 của thế kỷ XX. Do chính sách ngu dân của thực dân Pháp, tính đến thời điểm năm 1938, toàn phủ Duy Xuyên chỉ có một trường Tiểu học công lập ở phủ ly, không có trường tiểu học tư thục nào. Khu vực xã Duy Trinh lúc bấy giờ có hai trường sơ cấp ở Đông Yên và Trung Thái. Mỗi trường chỉ có một phòng học, do một thầy giáo phụ trách, dạy cùng ba lớp Đồng ấu, Dự bị và Sơ học. Những lớp này tương đương với các lớp một, hai, ba ngày nay. Năm 1930, trên 95% người Duy Trinh vẫn còn mù chữ Quốc ngữ.
Sau cuộc canh tân ngành dệt, người Duy Trinh có mức sống khá hơn, muốn cho con biết chữ cũng không có trường để học. Để đáp ứng nhu cầu này, một số người có điều kiện đã đứng ra mở các lớp học tư gia, tập trung vài chục trò nhỏ đến học. Trong những năm 1936 đến năm 1940, ở Chiêm Sơn có thầy giáo Thám (Cù Đình Qúy), ở Đông Yên có lớp học thầy giáo Niên (Lê Anh Hào), giáo Thiệu, giáo Liễn, giáo Trân,… Phú Bông có lớp thầy Ấm Mỹ (Hồ Nghinh), thầy Ấm Cừ (Nguyễn Đình Cừ), Thi Lai có lớp của thầy Cúc (Trương Kỉnh), thầy giáo Lê Văn Vĩ (hội viên Thanh niên phản đế năm 1939), thầy Sỹ,… Nội dung giáo dục của các lớp học này theo hướng tân học, nơi đây đã từng châm ngòi cho các phong trào chống thuế, phong trào đòi dân sinh dân chủ trong thời kỳ 1936 – 1939 và cách mạng giải phóng dân tộc sau này.
Đăc biệt, năm 1938, tranh thủ thời kỳ thuận lợi đấu tranh đòi mở rộng các quyền dân sinh, dân chủ, các vị xu hướng tân học ở Thi Lai, Phú Bông như ông Trương Thắng (Truyền), Mai Tuyển (Tâm), Trương Kỉnh (Cúc) ở Thi Lai; Nguyễn Đình Cừ (Ấm Cừ), Huỳnh Cự (Xã Cự), Phan Đáng (Phan Chuyển), Hồ Nghinh (Ấm Mỹ),… đã cùng đứng ra vận động quyên góp xây dựng trường Tiểu học tư thục Tân Tân (Institution Tân Tân). Đây là trường Tiểu học tư thục hợp pháp, mang tính quy cũ đầu tiên ở phủ Duy Xuyên. Trường tọa lạc ở làng Trung Thái, nơi tiếp giáp với làng Thi Lai Tây, được xây trên một khu đất rộng, gồm 4 phòng học. Là một trường tư thục nhưng trường Tân Tân chỉ thu học phí tượng trưng, mọi chi phí cho hoạt động giảo dục của trường đều dựa vào sự tài trợ của các nhà hảo tâm ở Thi Lai và Phú Bông. Trường dạy đủ 6 lớp bậc tiểu học thời bấy giờ, nội dung học tập khá phong phú, truyền tải nhiều môn như: Pháp văn, Lịch sử, Địa lý, Khoa Học, Đức Dục, Văn phạm, Tập làm văn, Chỉnh tả,... Qua các kỳ thi bằng Sơ học yếu lược trong những nằm 1941, 1942, 1943 tại phủ Duy Xuyên, trường Tân Tân đều có học sinh đậu thủ khoa, tỷ lệ thi đậu trên 80%.
Ngoài hoạt động chuyên môn, trường còn lập Đoàn kịch Tân Tân, diễn viên bao gồm thầy trò nhà trường và thêm một số thanh niên nam, nữ ở Thi Lai, Phú Bông. Đoàn kịch đã từng đi công diễn nhiều nơi ở các địa phương trong địa bàn tỉnh, chủ trương bán vé lấy tiền để giúp bà con chợ Hàm Rồng (Trà Kiệu) bị hỏa hoạn, cứu trợ nạn đói ở Bắc Kỳ.
Trường Tân Tân nổi tiếng có thầy dạy hay, trò học giỏi,với thành tích nổi bật trong dạy - học và tổ chức được nhiều hoạt động có ý nghĩa, học sinh ở nhiều nơi như Mã Châu, Trà Kiệu, Hà Mật, Bàn Thạch, Quế Sơn và cả ở Hội An cũng đến xin học. Những thầy giáo tham gia giảng dạy tại trường Tân Tân là những trí thức tiến bộ như Hồ Thấu (sau này là hiệu trường của trường), Nguyễn Đình Cừ, Phạm Bằng, ngoài ra trường còn mời thêm những nhà thơ, nhà văn tên tuổi như Vũ Hân, Lưu Trọng Lư và các chiến sĩ cách mạng tiêu biểu đang bị bọn thực dân quản thúc tại quê hương như Nguyễn Xuân Vân, Ấm Mỹ (Hồ Nghinh) thường xuyên đến thỉnh giảng, nói chuyện. Những tư tưởng tiến bộ và cách mạng từ các nơi đã được các thầy giáo truyền bá, giáo dục, qua đó đã nâng cao nhận thức cách mạng cho bao lớp thanh thiếu niên ở địa phương. Nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành, sớm giác ngộ và tham gia cách mạng như đồng chỉ Ngô Xuân Hạ, nguyên UV thường vụ, Trưỏng ban tuyên huấn, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh QN —ĐN, đồng chí Nguyễn Văn Thi, đồng chỉ Lê Đào, nguyên Phó chú tịch tỉnh QN – ĐN, Nguyễn Hữu Thoại, Hoàng Kim (thiếu tướng QĐNDVN), Đoàn Bá Công,...và nhiều thế hệ thanh niên khác nối tiếp.
Trường Tân Tân được thành lập trong hoàn cảnh Đảng cộng sản Việt Nam đã ra đời và tại địa phương, các Chi bộ Cộng sản cũng đã xuất hiện, tư tưởng cách mạng đang trên đà thẳng thế, lợi ích quốc gia, dân tộc đang được đặt lên trên hết. chính vì thế sự ra đời và những hoạt động của trường tư thục Tân Tân đã góp phần xứng đáng vào quá trình truyền bá những tư tưởng dân chủ tiến bộ, chủ nghĩa Mác — Lênin và con đường cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, nâng cao nhanh chóng nhận thức cách mạng trong quẩn chúng, nhất là trong tầng lớp thanh thiểu niên tại địa phương. Ngoài những cử nhân, cụ tú, nghệ nhân,...Duy Trinh còn lưu truyền những nhân vật có tiếng tăm như Ông Nguyễn Hữu Gia, người thôn Tố An (Ngũ Thôn) có sức khoẻ phi thường, một mình có thể vác nổi tảng đá nặng 200 kg. Ông được Vua Minh Mạng sắc phong “Thọ dân”, nay tại nhà thờ tộc Nguyễn Hữu còn lưu giữ bảng gỗ do Vua phong tặng. Được vua phong “Thọ Dân” lúc này còn có ông Trùm Nhị ( Nhị Lai ). Hoặc huyện cụ Cửu Phu – người thôn Đông Yên viết đơn đòi kiện tên Nguyễn Sĩ Túc, tri huyện vào thời điểm những năm trước 1945, đã khẳng định khí phách chung của con người Duy Trinh không cam chịu cái khổ, can trường đấu tranh chống lại những cái xấu xa, thói hống hách của các quan lại thời bây giờ. Bề dày về truyền thống văn hóa, đời sống tinh thần đã trở thành nhân tố quan trọng và là động lực để người dân Duy Trinh luôn vượt qua được những thách thức của thời gian, chinh phục được thiên nhiên và chiến thắng được mọi kẻ thù hung bạo.
* Tựa bài do Ban điều hành trang Web www.duytrinh.vn đặt.
( Trích Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Xã Duy Trinh, 1930 - 1975, Sở Thông Tin & Truyền Thông tỉnh Quảng Nam , tháng 1 năm 2010 ).