Thôn Thi Lai: Văn hóa - Xã Hội - Giáo dục

Thôn Thi Lai: Văn hóa - Xã hội - Giáo dục

14/04/2015, 00:12
Chia sẻ cùng bạn bè

THÔN THI LAI

PHÁT TRIỂN  VĂN HÓA - XÃ HỘI - GIÁO DỤC

                                                        Mai Trực

 

Đa số tổ tiên người Thi Lai có nguồn gốc từ Thanh - Nghệ, theo cuộc Nam tiến, di cư lập nghiệp lấy nông nghiệp làm căn bản. Tuy nhiên do đất chật, người đông, Tổ tiên người Thi Lai đã tìm cách chọn nghề dệt hàng tơ tằm để tạo thêm nguồn thu nhập cho con cháu, các nghề khác là nghề phụ. Do tác động của ngành nghề cần phải hợp tác để sản xuất nên tính nết người Thi Lai phóng khoáng hơn, có chí tiến thủ và quyết đoán.

Người Thi Lai sống hợp quần, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Thi Lai là làng đất chật người đông. Dân ngụ cư khá nhiều mà không có sự tranh chấp, kỳ thị. Đầu thập kỉ 1930, nghề dệt hàng tơ tằm ở làng Thi Lai phát triển mạnh, dân bản địa và ngụ cư cùng nhau hợp tác sản xuất và tiêu thụ, không hề xảy ra sự đố kỵ, kiềm khích.

Trước năm 1945, Thi Lai có 2l tộc họ là: Võ Công, Võ Văn, Võ Đình, Mai Văn, Phạm, Lương, Trương, Trương Văn, Nguyễn Văn, Nguyễn Hữu, Nguyễn Viết, Nguyễn Trường, Ngô, Ngô Văn, Xa, Huỳnh, Trịnh, Hồ, Bùi, Lưu, Trần và khá đông dân ngụ cư.

I. PHONG TỤC, TẬP QUÁN

Ngày nay, không tìm được tài liệu nào nói về phong tục, tập quán sinh hoạt riêng của người Thi Lai trong buổi đầu khai khẩn lập làng, nên chỉ ghi lại nếp sống của người Thi Lai vào đầu thế kỷ XX.

1. Tín ngưỡng

Tuyệt đại đa số người Thi Lai chịu ảnh hưởng Nho giáo, lấy sự thờ cúng ông bà tổ tiên làm trọng. Nhà nào cũng đặt bàn thờ tổ tiên ở gian nhà giữa.Trong làng không có người theo đạo Thiên chúa mặc dù Thi Lai ở sát làng Trà Kiệu Thượng (một trung tâm thiên chúa giáo ở Quảng Nam).

Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, người giữ chùa là ông thầy Xướng (một người làm nghề phù thủy).

Những câu phương ngôn sau đây phần nào phản ánh nhân sinh quan của người Thi Lai ngày ấy:

“Tu mô cho bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ rõ là đi tu”

“Tụng kinh gõ mõ đêm ngày

Không bằng cúi lượm cành gai giữa đàng ”

Thi Lai có đến 21 dòng họ cư trú, nhưng đều là những tộc họ nhỏ, ít người. Trước năm 1945, Thi Lai Tây chỉ có 2 nhà thờ của tộc Mai Văn và Nguyễn Văn. Năm 1960, nhà thờ tộc Ngô Văn được xây dựng tại Thi Lai Thượng (đã bị tàn phá trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp - Mỹ). Mãi đến những năm 1990, bà con Thi Lai ở xa quê về góp sức xây dựng lại nhà thờ tộc họ. Đến năm 2000, Thi Lai có tám nhà thờ tộc là: Nhà thờ tộc Võ Văn, Mai Văn, Phạm, Ngô Văn, Võ, Đình,  Trương, Nguyễn Văn, Lương….

 

2. Ngôn ngữ

Người Thi Lai xưa có giọng nói mang âm sắc đặc thù của người xứ Quảng. Khi nói chuyện thường đem những câu phương ngôn, tục ngữ ra để củng cố luận cứ của mình. Thí dụ, khi nói đến cảnh dì ghẻ, con chồng thường có câu “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót lá mà nằm; chuyện vợ theo trai thì kèm theo câu “Ông ăn chả, bà ăn nem, đầy tớ có thèm thì kiếm mà ăn”... Nói đến chuyện mẹ chồng, nàng dâu thì có câu: “Thương chồng mới khóc mụ gia. Gẫm tui với mụ có bà con chi... hoặc trả lời bằng cách hỏi ngược lại (nói xóc hông hay nói móc họng).

Thí dụ:

Hỏi     = Xưa rày bác mạnh khỏe không?

Trả lời = Bộ mi muốn tau đau hoài hả!

Hỏi     = Lên trường đi đường mô rứa trò?

Trả lời = Cái trường chình ình trước mắt mà cũng không thấy!

Cũng như mọi người Quảng Nam khác, người Thi Lai dùng nhiều tiếng địa phương, ngày nay không dùng nữa.

Thí dụ:

Bậu    = Bạn, vợ hay người yêu. (Ví dầu tình bậu muốn thôi, Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra...).

Huýnh = Lâu lắm rổi (Chểt tám huýnh = Chết lâu lắm rồi)

Qua    = Tôi (đại từ nhân xưng ở bậc cao hơn). Hôm qua, qua nói qua nhà mà qua không qua = Hôm qua, (Chú, anh, chị …) nói sang nhà (Chú, anh, chị …) mà không qua được.

Mình   = Vợ chồng hay bạn bè thân thích xưng hô với nhau.

Hướ, Bớ = Huớ làng, Bớ xóm! = Ôi làng xóm ơi!

Nhơn  = Nhân

Huê    = Hoa

Chánh = Chính

Quới   = Quý

Bường  =  Bằng

Hường  =  Hồng

Hễ      =  Nếu như

Đờn (Đờn ông, đờn bà, cây đờn =  Đàn (Đàn ông, đàn bà, cây đàn)

Giúng như = Giống như

Cùm = phía dưới (Cùm bàn, cùm giường = gầm bàn, gầm giường = dưới bàn, dưới giường).

Cách xưng hô: Người Thi Lai, lúc còn bé chỉ gọi tên cha mẹ đặt cho, nhưng đến tuổi thành niên thì gọi kèm theo thứ tư trong gia đình: Hai Phương, Năm Quán, Bảy Phú, Mười Định... Có con rồi thì tên của người con đầu lòng trở thành tên cha mẹ, còn tên cha mẹ đặt cho trước đây là tên tục, chỉ được dùng để ghi vào gia phả, và c loi giấy tờ hành chánh, cấm dùng hằng ngày. Ví dụ: Ông Mười Định có con đầu lòng đặt tên là Tương thì phải gọi vợ chồng ông Mười Định là ông bà Tương, ngay cả cha, mẹ, anh, em, ông Mười Định cũng gọi vợ chồng ông này là Lão, Mụ,Chú, Anh, Cậu Tương.

Ngoài xã hội, người ta gọi tên kèm theo chức vị dù đã thôi việc. Thí dụ: Xã Niệm, Xã Hiên... Trùm Sự, Trùm Hân, Hương Chừ, Hương Nhì, Thủ Truyền...

Vì cách xưng hô phức tạp này mà ngày nay nhiều gia đình con cháu không biết tên thật của ông bà cha mẹ mình!

3. Y phục

Cũng như người Xứ Quảng, y phục của người Thi Lai cho đến đầu thế kỷ XX vẫn chưa thay đổi bao nhiêu so với nhiều thế kỷ trước. Áo quần thường được nhuộm màu đà (nâu), chàm. Người nghèo dùng vải, thao, đũi, kẻ khá hơn dùng lãnh, lụa, xuyến, lương, the... là hàng tự sản xuất hoặc mua của dân chúng trong vùng. Đàn ông mặc áo MÃ HÒ, cài khuy bên trái, cổ đứng giống như áo dài nhưng thân chỉ dài đến mông. Khi ra ngoài hoặc tiếp khách, người ta mặc thêm chiếc áo dài đen (nếu trẻ tuổi) hoặc áo dài rộng màu xanh, đỏ (người già). Quần đàn ông có lưng rất rộng. Dây lưng là một tâm vải riêng rộng khoảng 3dm, dài chừng 2 mét, được buộc trước bụng, gút lại thành 4 mối để dài đến tận đẩu gối. Người ta lồng lưng quần bên trong thắt lưng rồi kéo ra ngoài. Trong thắt lưng có một hầu bao (giống như cái bao tử heo) đựng trầu cau, thuốc lá v.v... Đàn ông thường có một chiếc khăn dài vắt ngang vai:

Chiều chiều lại nhớ chiều chiều,

Nhớ người quân tử khăn điều vắt vai…

Đàn bà thì quần vận, yếm mang. Phụ nữ vận quần nút trái ổi (không có thắt lưng lớn như đàn ông mà cuộn lưng quần lại thành nút tròn trước bụng). Yếm gồm hai mảnh vải hình thoi chồng lên nhau, một góc được khoét cong may cổ yếm (nhiều màu xanh, đỏ, lục …), có dây nhỏ buộc vào cổ; góc đối cắt hình bầu dục, hai góc tù có hai dây dài dùng để buộc chéo sau thắt lưng. Lớp yếm ngoài thường dùng vải, lụa tốt nhuộm các màu hồng, lục..., lớp yếm trong là vải trắng có nhiều túi nhỏ.

Một thương tóc bỏ đuôi gà

Hai thương ăn nói mặn mà có duyên

Ba thương má lúm đồng tiền

Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua

Năm thương cổ yểm đeo bùa,

Sáu thương nón Nghệ quai tua dịu dàng...

Bên ngoài chiếc yếm, các bà thường mặc thêm áo cụt, thân ngắn có tay áo dài hoặc áo cánh có tay áo ngắn. Khi tiếp khách hay đi xa, các bà mặc them chiếc áo dài đen, trắng hoặc có màu sẳc. Phụ nữ luôn đeo bên hông mình một khăn nhỏ gói trầu cau. Khăn trầu cũng là vật trang sức của các bà, các cô. Họ thường đeo vào khăn trầu nhiều chiếc khâu nhỏ bằng mã não hoặc đồng xứng (kim loại đồng pha vàng).

Trong lúc lao động, đàn ông, đàn bà đều bịt khăn đầu rìu để giữ tóc, khi tiếp khách hoặc đến nơi trang nghiêm mới mặc khăn áo chỉnh tề... Những người đỗ đạt thường để móng tay dài chứng tỏ mình thuộc tầng lớp SĨ, một tầng lớp có địa vị cao nhất trong xã hội bấy giờ (Sĩ, Nông, Công, Thương).

Trước năm 1908, giống như đa số người Việt, người Thi Lai dù đàn ông hay đàn bà đều búi tóc, nhuộm răng đen, ăn trầu.

“Miếng trầu làm đầu câu chuyện”

Phần đông người Thi Lai đi chân đẩt, thỉnh thoảng có người lấy gỗ vông đẽo làm guốc, quai bằng sợi dây mây, vài phụ nữ khá giả có hài thêu nhưng chỉ dùng vào những khi tham dự đình đám quan trọng.

Năm 1905, hưởng ứng phong trào Duy Tân do các cụ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Khánh khởi xướng, người Thi Lai đã mạnh dạn thay đổi cách sinh hoạt, cắt tóc ngắn hơn, ăn mặc gọn gàng hơn. Bộ áo bà ba, quần dây lưng rút dần dần  thay thế bộ y phục cũ tuy vẫn còn nhuộm chàm, nhuộm nâu.

Từ những năm l934 về sau nghề dệt hàng lãnh tơ tằm phát đạt, người Thi Lai giao tiếp với dân thành thị nhiều hơn, y phục của họ thay đổi nhanh chóng. Khi dạo chơi trong xóm, thanh niên thường diện bộ quần áo bà ba bằng vải Hồng mao trắng tinh (vải phin, vải quyến) thay cho quần áo nâu chàm, chân mang guốc xuồng “xà lan” bằng gỗ cây mức, quai guốc bằng da trâu. Khi đi xa, lớp trung niên mặc áo  dài vải phin trắng hoặc the đen, đầu đội nón Gò Găng, hoặc nón nỉ, nón cối, có người đội khăn đóng màu đen, tay cầm dù đen, đi giày hạ (giày Gia Định) hoặc giày da Bốt-tin. Đám thanh niên nhiều người dùng Âu phục, các bà mặc quần lãnh đen, áo dài lương, the, lụa, với chiếc khăn vuông to được xếp chéo thành hình tam giác choàng qua hai vai rồi thắt nút trước ngực (khăn choàng hầu), chân đi guốc gỗ,đầu đội nón lá Bài thơ. Y phục của các thiếu nữ cũng thay đổi khá nhiểu, lắm người mạnh dạn mặc quần dài trắng (trước đó các bà mẹ không cho phép con gái mặc quần dài trắng vì cho là không đứng đắn, đĩ thõa), áo Lơ Muya (Le Muya là kiểu áo thời trang lúcbấy giờ do họa sĩ Cát Tường vẽ). Họ bắt đầu làm quen với xà phòng giặt, không nhuộm răng đen nữa và dùng bàn chải răng vi savon dentifrice hiệu GIBB, hộp bằng nhôm tròn...

Trước năm 1945, khi ra ngoài như đi chợ, mua bán.., đàn bà dù giàu hay nghèo đều mặc áo dài. Do gồng gánh nhiều, vai áo bị sờn, rách, nhiều người phải vá áo bằng một tấm vải (làm đệm) từ vai xuống đến nửa lưng (áo vá quàng). Học trò đi thi Sơ học Yếu lược và học từ lớp Nhì trở lên (học ở trường công lập) phải mặc áo dài, nam sinh phải mặc áo sơ mi, quần sooc, mang xăng đan có quai sau gót. Thầy giáo mặc áo dài đen hay trắng hoặc âu phục, complet, cà vạt – veston.

Từ thập niên 1930, trẻ trai cúp tóc ca-rê (carre') chừa tóc ngắn 2cm phía trước, còn thì gọt sát da đầu thay cho việc cạo trọc chỉ chừa lại ba miếng tóc (vá) nhỏ ở phía trước và hai bên đầu, khi đến 15 - 16 tuổi mới được dưỡng tóc dài, hớt tóc có đường ngôi rẽ tóc ra hai bên; thanh niên thì hớt tóc dài vuốt ra sau, chải dầu brillantin láng bóng. Trẻ gái vẫn còn để chỏm, chừa rìa như xưa, theo số tuổi người ta cho “rìa” lớn dần; khi được 15 tuổi, cô gái sẽ có mái tóc dài hoàn hảo, xinh đẹp. Thiếu nữ buông tóc dài kẹp tóc sau lưng, khi có chồng thì búi tóc lên, các cụ già vẫn còn búi tóc.

4. Nhà ở

Thi Lai ở Nam ven sông Thu Bồn, khi có lũ lụt cả làng chìm ngập trong biển nước, cho nên nhà cửa có nhiều điểm khác với những nơi cao ráo. Ngày xưa Thi Lai chỉ có “nhà tranh, phên tre”, không có “nhà tranh, vách đất ”.

Thi Lai có nhiều nhà tranh lớn nhỏ khác nhau nhưng đều làm theo kiểu ba gian, hai chái. Sườn nhà bằng tre ngâm, cườm mây, có đủ rui, mè, mái lợp tranh săng. Cột nhà là gốc tre già còn tươi. Chung quanh nhà che phên tre có nhiều cửa sổ. Phên tre được đan thành tấm bằng nhiều nan chẻ mỏng, dùng phân trâu bò chà lên lấp các khe hở, để che gió và chống mối mọt. Trước nhà có ba cửa chống (cửa rèm), khung cửa bằng tre ngâm, lợp tranh, treo sát mái nhà. Khi dùng cây chống cả ba cửa lên là thành một hàng hiên nhà rộng rãi. Phía trước gian giữa, sát cửa có đặt một tấm vách đan bằng tre rất đẹp. Bàn thờ Tổ tiên, ông bà đặt ở gian giữa. Gian phía dưới có buồng ngủ và chứa đồ dùng, gian và chái nhà phía trên thường để khung cửi.

Ban ngày, người ta dùng cây (gậy chống rèm) chống nâng các cửa chính lên, mở các rèm tre che cửa sổ, nhà thoáng mát và đủ ánh sáng cho việc sản xuất; tối lại, sập cửa, ngôi nhà trở nên kín gió, rất ấm (mùa đông). Nhiều nhà còn có một cái giường thùng để chứa đựng tài sản (tơ, hàng lãnh...), tối lại chủ nhà nằm ngủ bên trên đề phòng kẻ trộm.

Cạnh nhà chính còn có các nhà ngang nhỏ hơn. Nhà ngang có bếp, là nơi ăn uống, để dụng cụ nghề dệt như xa quay tơ, xa sut chỉ,… hoặc nông cụ.

Bếp nấu ăn Thi Lai cũng khác nhiều nơi. Những nơi khác người ta chỉ cần một góc nhà bếp đặt mấy ông Táo và một cái đòn ngồi (ghế thấp và nhỏ) là đã có nơi nấu ăn, ta thường gọi là bếp ngồi. Mùa đông, tháng lạnh, chó có thể vào nằm trên đống tro để sưởi ấm. Nhưng bếp nấu ăn ở Thi Lai giống như một cái trường kỷ bằng tre, dài khoảng l,5m, rộng 0,8m, có 4 chân cao khoảng 0,8m, dọc theo chiều rộng có hai tấm gỗ bề ngang khoảng 0,2m, một bên theo chiều dài là một tấm tre đan cao khoảng  0.8 m. Sàn bếp cũng bằng tre đan nên chắc chắn hơn. Người ta lấy rơm nhào với đất, tô thật dày lên các mặt tre đan, nhất là sàn bếp. Phải phơi nhiều ngày cho bếp khô rồi mới khiên đến nơi đã chọn đặt làm chỗ nấu ăn. Sau khi đổ một ít tro bếp vào, đặt mấy ông Táo mới có được nơi nấu ăn tươm tất.

Khoảng trống dưới bếp được làm ngăn để củi nấu. Sở dĩ bếp Thi Lai khác thường vì nơi đây hay bị lụt, nước tràn vào nhà nên phải có bếp nấu cao hơn.

Ở Thi Lai có nhiều nhà nền được đắp cao hơn mặt đường khoảng một mét để tránh lụt. Nền nhà bằng đất thịt trộn tro bếp, muối, nện chặt cho láng mịn, không bị nứt nẻ .

Trước năm 1930, Thi Lai chỉ có lưa thưa vài ba ngôi nhà ngói kiểu xưa, ba gian, hai chái, lợp ngói âm dương vi ba khung cửa gỗ, mỗi khung có từ ba đến năm cánh cửa. Trong nhà, gian giữa đặt bàn thờ, hai gian bên là phòng ngủ hoặc để chứa lương thực ngăn cách phía trước bằng tấm phên lụa (khung gỗ mỏng). Phần trước gian giữa để một bộ ván (căn phản), hai gian bên thường có rương xe, giường ngủ, trường kỷ v.v...

Khi nghề dệt phát triển mạnh, nhiều người Thi Lai trở nên giàu có, xây nhiều nhà ngói. Thi Lai có hai nhà cổng kín, tường cao là nhà ông trùm Sự làm theo kiểu xưa: năm gian, hai chái, có thêm nhà ngang, nhà giữa, nhà dầm hàng, nhà kho chứa lúa, nhà bếp v.v... và nhà ông Cửu Diễn kiểu mới có lầu, nhà giữa, nhà ngang, xưởng dệt, xưởng đóng khung cửi, nhà bếp, nhà để ôtô... Các ông: Tú Mai, Ninh, Trinh, Trọng, Chừ, xã Kỷ, Năng, Hạ, Thể, xã Ngọ, Hường, Tùng, Sĩ, Hữu, Lĩnh, Phiến, xã Hiên, xã Điển, Truyền, xã Túc, Lượng …. Có nhà ngói kiểu xưa. Trong số này nhà ông Lượng đẹp nhất, sườn nhà chạm trổ rất công phu với nhiều hình chim, dơi, sóc, chùm nho, hoa, quả nổi …… đang bám vào cột kèo trông như vật thật. Các ông: Cửu Diễn, Tâm, Cẩm, Liễu, Đạm, Văn, Liễn, Phú …. có nhà xây theo kiểu mới hơn. Nhà tam cấp, mái hiên, cửa sổ, cửa lá sách bên ngoài, cửa gương bên trong, trần nhà làm bằng gỗ đánh véc-ni, nền nhà lát gạch bông của Pháp, Ý; vài nhà tráng nền bằng xi-măng, lát gạch Tàu. Ngoài ngôi nhà chính, còn có nhà ngang, xưởng dệt, nhà ăn, nhà bếp riêng đều có mái ngói, tường xây. Các ông Phương, Tuyên còn có nhà lầu.

Mỗi nhà ngói hay tranh, phía trước đều có sân rộng, lát gạch hay nện đất, có chuồng heo, gà riêng. Nhiều nhà còn có ghe riêng để đi lại trong ngày lũ lụt.

5. Ăn uống

Đến đầu thế kỉ XX, người Thi lai vẫn lấy nông nghiệp làm chính, cửi canh là nghề phụ vì thị trường còn nhỏ hẹp. Do sản lượng lương thực không đủ dùng nên ăn uống rất kham khổ. Ngày ba bữa cơm độn khoai bắp ăn với mắm cà, tương rau thỉnh thoảng trong mâm cơm mới có dĩa cá, lát thịt... Cơm thường chia phần cho từng người, mỗi người một bát, chưa no thì ăn thêm khoai, bắp. Thợ dệt hàng, lãnh cũng chỉ được một bát cơm đầy mà thôi:

“Ai ơi!Ăn bát cơm đầy,

Dẻo thơm một miếng, đắng cay muôn phần”

“Tổ cha thằng Khách bên Tàu,

Khéo làm cái chén cho nhà giàu bới cơm! ”

Sở dĩ có những câu hát như vậy vì có một số chủ khung dệt mua các loi chén bát do người Tàu làm ra nhỏ hơn loi chén bát do người Việt sản xuất để giảm bớt phần cơm của thợ.

Thuở ấy người Thi Lai rất khổ cực, thường phải chế biến khoai, bắp làm thức ăn thay cơm.

Khoai lang, củ lớn thái mỏng phơi khô để dành hấp cơm, củ nhỏ thì nấu chín làm khoai chà (khoai nấu chín, chà qua cái rổ lấy bột phơi khô, muốn ăn khoai chà thì cho bột khoai vào bát với một ít đường đen hay muối và đổ nước sôi vào, chờ một lúc, khoai mềm mới ăn được). Bắp hột đem xay thành hạt nhỏ để hấp cơm hoặc đem rang (dùng nồi rang bằng đất có sẵn một ít cát đã rửa sạch, đun to lửa chờ cát thật nóng mới đổ bắp hột vào, dùng đũa to khuấy nhanh. Khi có vài hạt bắp nổ tung thì bắt nồi xuống rế, lấy rổ đậy miệng nồi lại, bê nồi lên xoay thật mau, tiếng bắp nổ rào rào một lúc rồi im hẳn, đổ bắp ra rổ, sàng nhanh, hạt bắp còn lại trên rổ, cát rơi xuống dưới. Người ta ăn hạt bắp nổ bung, còn những hạt chai cứng thì đem giã nhỏ với đường đen làm món lớ.

Phần đông người Thi Lai dùng nồi đất, chén đất, đũa tre, mâm gỗ..., khi ăn lớ thì lấy lá mít để xúc. Những nhà khá giả hơn, có chén bát kiểu bịt bạc (có vòng bằng bạc bọc quanh miệng chén). Loại chén bát này chỉ dùng trong dịp cúng, giỗ, đãi khách rồi cất kỹ trong rương.

Do cuộc sống quá khó khăn, người Thi Lai lúc bấy giờ lo bữa ăn cho người lao động là chính, còn trẻ con chcho ăn cầm chừng, cha mẹ không quan tâm lắm, vì cho rằng: Trâu ăn, trâu này. Nghé ăn, nghé nhảy!

Khi nghề dệt phát triển, mức sống được nâng cao, các loi cá biển lớn như cá thu, rựa, chim, khế,…cùng với thịt heo, bò … thường xuất hiện trên mâm cơm nhiều gia đình. Cháo gà vịt, bún bò, mì tôm thịt, bánh tráng cuốn thịt heo luộc, là món ăn lúc nửa buổi, nửa đêm. Rất nhiều gia đình, trẻ con được ăn uống thoải mái, không còn bị hạn chế như ngày trước nữa.

Trong đám tiệc cưới, giỗ …, người Thi Lai đãi khách theo mâm, mỗi mâm 6 người với rất nhiều món ăn, mỗi món đều có 2 đĩa hoặc 2 bát (loại bát, đĩa cỡ trung). Thức ăn được xếp chồng lên nhiều lớp, trên cùng là cái bánh tráng nướng (mâm cao, cỗ đầy). Điều thú vị là trong mâm phải có 2 đĩa xôi nếp, xôi ngọt. Người dự cỗ chỉ ăn xôi ngọt khi đã ăn các món khác gần no bụng, nên có câu tục ngữ:  Ăn xôi, rồi tiệc!

Các món ăn chơi như: mì, lòng thả gà, tuy tên gọi giống như các nơi trong vùng nhưng cách chế biến ở Thi Lai có khác đôi chút và hương vị cũng khác.

* Mì Thi Lai được chế biển đại để như sau:

- Lá mì tráng hơi dày hơn lá phở Bắc.

- Rau sống gồm bắp cây chuối sứ xắt mỏng ngâm qua nước muối thêm, rau húng, quế, giá đậu xanh.

- Nhân mì: Tôm, thịt heo ba chỉ xắt mỏng. Khử mùi dầu phụng cho thơm, xong đổ thịt vào xào săn lại, cho tôm đã ướp gia vị, màu... và nước mắm là được.

Làm mì ra tô:

- Xắt mì thành sợi nhỏ đều, chao nước sôi cho sợi mì nóng, dẻo.

- Cho rau sống, bắp chuối sứ... vào tô. Đổ nhân mì vừa đủ thấm lên trên lớp rau. Mỗi tô có hai con tôm và vài ba lát thịt ba chỉ. Thêm một muỗng nhỏ dầu phụng đã khử chín, mấy miếng tóp mỡ heo, bánh tráng dày chiên dòn, đậu phụng rang giã nhỏ, tương ớt cay, hành lá xắt nhỏ, ngò lá tươi, một trái ớt xanh.

Mì Thi Lai ăn kèm với bánh tráng mè dày nướng dòn, bóp nhỏ, trộn vào thì ngon tuyệt. Tô mì Thi Lai, nước nhân chỉ vừa đủ thấm vào sợi mì và bánh tráng, không lềnh bềnh nước nhân như mì ở những nơi khác.

Ngoài mì tôm thịt còn có mì cá tràu (cá lóc, cá quả) được nhiều người ưa thích.

Cá tràu làm sạch, luộc vừa chín, ráy (lọc, chọn) lấy thịt ướp với nén ( hành tăm ), tiêu, mắm ngon, um dầu phụng cho dậy mùi thơm. Phần xương, đầu cá đen giã nhỏ cho vào túi vải nấu lấy nước. Nấu xôi nước xương, nước luộc và thịt cá đã nên gia vị, màu…là đã có món nhân cá tràu thơm phức.

Mì ông Bân, ông Cân ở Thi Lai ngon có tiếng một thời

* Lòng thả gà Thi Lai là món ăn bổ và mát. Cách chế biến hơi cầu kỳ có thể tóm tắt như sau:

Chọn gà mái tơ thật mập (gà mái dầu) làm thịt, rửa bằng nước muối pha loãng cho thật sạch. Lột da gà để riêng, lóc thịt, loại bỏ những sợi gân dính trong thịt rồi thái thật mỏng, ướp hành, tiêu, mắm và một ít lá chanh non. Khi thịt đã thấm gia vị cho thêm nước cốt chanh tươi vào trộn đều. Phần xương, đầu, cổ, cánh đập dập, cho vào túi vãi nấu lấy nước. Vớt túi xương ra, thêm vào một nắm gạo, đậu phụng tươi giã nhỏ, lòng gà, da gà (đã làm sạch, thái nhỏ, ướp gia vị cho thấm, xào chín) đun lửa nhỏ đến khi cháo thật chín nhừ.

Cách ăn: Bỏ một ít thịt gà đã ướp vào tô, đổ cháo đang sôi trộn đều, ăn với bánh tráng dày bóp nhỏ và rau sống (cây chuối sứ con xắt mỏng, lá tía tô, cây cải cay non và rau mùi...).

Lòng thả gà là món ăn vừa mát vừa bổ, người Thi Lai rất thích.

* Nước uống

Thi Lai có trên 30 cái giếng xây bằng đá (gồm nhiều tấm vòng cung ghép hình vành khăn chồng lên nhau), nền giếng lót đá tấm, không cho nước bẩn thấm lại giếng nên dân làng có nước uống hợp vsinh. Dù là giếng nước công cộng hay của tư nhân, mọi người đều có thể đến lấy nước, không phải tốn tiền, hằng năm cùng nhau đến súc giếng (dọn vệ sinh). Người ta dùng đôi gàu gánh bằng tre đan trét dầu rái tựa chiếc gàu tát nước vào ruộng của nhà nông để lấy nước giếng. Nước gánh về đổ vào hồ chứa hay ảng, chum, vại và lấy gáo dừa múc ra dùng dần.

Giếng nước Thi Lai cũng là nơi họp mặt của các thiếu nữ đến gánh nước, là nơi thông báo cho  nhau nghe chuyện trên trời, dưới đất, trong xóm ngoài làng, … Nhiều khi các cô mải chuyn quên cả việc nhà, bị mẹ la mắng! Nhưng rồi đâu lại vào đấy. Các cô không thể thiếu nguồn tin của đài giếng nước này được!

Giổng như nhiều người Quảng Nam khác, người Thi Lai giải khát bằng chè đen Tiên Phước. Nhà nào cũng có một cái nồi đất nhỏ gọi là ôm để nấu chè. om chè luôn được nấu trên bếp lửa hoặc vần trong tro nóng bên cạnh ông táo. Người ta bỏ những lá chè đã ủ, chế biến xong có màu đen vào om, bắc lên bếp nấu sôi vài lượt rồi rót ra tô lớn (bát uống nước) cỡ hơn nửa lít mời khách hoặc giải khát. Những lúc lao động, trời nóng bức, mổ hội ướt đẫm cả người, có được một bát nước chè đen, uống xong khà một tiếng, tưởng không có gì sảng khoái cho bằng. Ra đồng, đem tô theo dễ vỡ, dùng mo cau xếp thành gáo, đổ nước chè vào uống ngon không kém! Tuy nhiên với những vị khách quý, người Thi Lai vẫn có nhiều loại trà Tàu ngon để tiếp đón.

6. Ánh sáng

Trước 1934, người Thi Lai dùng dầu phụng để thắp sáng. Đèn dầu phụng là một dĩa nhỏ bằng đất nung (thếp đèn) đựng dầu, có tim đèn bằng ruột bấc (ruột cây cỏ lùng hay sợi vải) gác ngang. Thếp đèn đặt trên một mắt tre có cung gắn một cái rổ nhỏ che gió (dày che mưa, sưa che gió), trên cùng là móc treo đèn. Có người dùng dầu trẩu, dầu lai, dầu mù u. Dầu phụng cho ánh sáng tù mù nhưng còn khá hơn các thứ vừa kể, đã ít sáng mà còn có mùi khét lẹt. Một số người nghèo quá không có đèn dầu để thắp, đành ăn cơm trước khi trời tối; có người lấy nhân trái dầu lai, mù u, xâu lại thành que để đốt sáng khi thật cần thiết. Ban đêm, đi đường thì dùng đuốc bó bằng ruột tre, bã mía, hom dâu, đã phơi khô. 

Từ năm 1934 về sau, mức sống được nâng lên, dần dần mọi nhà đều dùng dầu lửa thắp sáng. Thuở ấy dầu lửa gọi là dầu Tây, được chứa vào những thùng bằng thiếc 20 lít, ban đầu chỉ có dầu con sò của hãng Shell (nhãn Sò Điệp) độc quyển, về sau thêm dầu con gà hãng Standard (nhãn Ngựa Bay) xuất hiện. Đèn dầu lửa cũng có nhiều loại: loại đèn lớn nhất gọi là đèn Tọa, có gắn khung treo đèn và che bên trên một chụp phản quang (À bas jour) treo ở nhà chính hoặc lấy ánh sáng cho khung cưởi khi dệt vào buổi tối. Loại đèn nhỏ hơn có gắn tấm phản quang một bên, treo trên tường và nhỏ nhất là đèn hột vịt có tim đèn rất nhỏ, chong đèn bàn thờ. Những nhà có nhiều máy dệt dùng đèn khí đá (các buya), măng xông. Khi đi lại vào ban đêm, nhiều người dùng đèn pin. Trong kháng chiến chống Pháp ( 1946-1954) thiếu dầu lửa, người ta cắt phần dưới chai thủy tinh rót dầu phụng vào làm đèn. Từ năm 1954, về sau người Thi Lai dùng đèn dầu lửa.

Năm 1989, Thi Lai có điện đến nhà các xã viên Hợp tác xã Dệt. Năm 1997, 100% nhà ở Thi Lai có điện dùng trong sinh hoạt. Đây đó trên các nẻo đường làng đêm về đã có điện chiếu sáng.

7. Phương tiện giao thông

Thi Lai, phía Bắc giáp sông Bà Rén, phía Nam sát tỉnh lộ 104 (nay là tỉnh lộ 610 - đường đi Thánh địa MỹSơn). Cách làng khoảng 2km có ga xe lửa Trà Kiệu Tây nên giao thông đường sắt tương đối thuận tiện. Ga Trà Kiệu Tây lã một ga nhỏ, khi nghề dệt Thi Lai chưa phát triển mạnh tàu suốt Sài Gòn - Hã Nội không dừng, về sau do hành khách, hàng hóa từ Thi Lai đi, đến Hà Nội, Sài Gòn ngày càng tăng nên tàu suốt Hà Nội - Sài Gòn dừng lại ga này đón khách.

Trước 1945, tỉnh lộ 104 trải đá dăm, hàng ngày có hai chuyến xe của ông Bát Già chở khách, hàng hóa chạy từ Kiểm Lâm đi Hội An. Trên quc lộ lA cách làng khoảng 6km, tại Nam Phước có thể đón xe đi Hà Nội, Sài Gòn. Đường sông khá thuận tiện, có ghe thuyền các nơi trong tỉnh qua lại. Hàng ngày tại bến đò Gặp (Phú Bông), bến Lục đều có ghe chở khách đi Hội An, sáng đi, chiều về.

Để đi lại trong vùng thuận tiện, nhiều người Thi Lai dùng xe đạp,  Xe đạp hiệu Altion, Saint Etienne được ưa chung vì có thắng bằng cây sắt, bánh xe to (bánh xe demi ballon) chở được nhiều hàng. Một số thanh niên dùng xe đua (xe course), ghi đông cong xuống phía dưới. Mỗi chiếc xe đều phải có một tấm lắc (bảng nhỏ) bằng đồng khắc tên họ, địa chỉ của chủ xe. Ông Cửu Diễn có chiếc ô tô hiệu Traction và một chiếc mô tô Becaine. Ông Ngô Đạm cũng có chiếc mô tô hiệu Royal, ông Nguyn Ninh và ông trùm Sự có xe kéo riêng, gọng xe bịt đồng. Những người khác cần đi lại thi gọi xe kéo thuê từ bên Trà Kiệu sang.

Do thư từ giao dịch giữa Thi Lai và Hà Nội, Sài Gòn, Nam Vang khá nhiều nên tại ga Trà Kiệu Tây có đặt trạm bưu điện chuyển điện tín, thư từ cho người Thi Lai.

8. Thú vui đồng nội

Lúc rảnh rỗi, người Thi Lai cũng có những trò vui chơi, giải trí, văn nghệ như hát hò khoan, hát đố,…cờ tướng, cờ gánh, đấu vật, đẩy cây,…

Sau đây là một vài câu hát hò khoan, hát đố, đối đáp thời ấy:

* Câu hát hò khoan:

“Bạn ơi! Bớ bạn vô đây. Trầu cau bát bửu đang xây trên bàn! Tội chi đứng sá ngồi đàng. Sương sa lụy nhỏ, cảm thương hàn ai nuôi?”

* Câu hát đối đáp:

- “Bây giờ mận mới hỏi đào,

Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?”

- “Mận hỏi thì đào xin thưa,

Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào”

* Câu hát đố (hát kiến tại)

Đố : - “Gặp yên hùng dám hỏi yên hùng,

Con chim chi một cánh bay cùng nước Nam.

Đáp: -“Thuyn quyên ngộ gặp yêng hùng. Chiếc ghe bườm (thuyền buồm) có một cánh, bay cùng nướcNam.

Đổ: -“Gặp anh đây xin hỏi một đôi câu. Hỏi sao trên trời mấy cái, đáy biển sâu mấy từng. Có mấy cây trên núi, trong rừng. Hễ ( nếu như) anh mà đáp đặng thì em nguyền nâng khăn.”

Đáp: “Bớ em ơi! Em hỏi làm chi cái chuyện khó khăn! Hễ em biết trên đầu có bao nhiêu sợi tóc thì anh bằng lòng trả lời em!. ”...

*Cờ gánh là môn chơi trí tuệ mà rất bình dân, vì bàn cờ chỉ là một hình vuông với những đường gạch ngang, dọc và chéo, vẽ trên mặt đất còn quân cờ là 16 miếng vỏ hến (8 miếng vỏ lật ngửa, 8 miếng lật sấp thành số quân đen, trắng bằng nhau).

Cờ gánh chỉ có một quy ước đơn giản là: “Động đi, mở gánh” (sờ tay vào quân nào thì phải đi quân đó, đối thủ mở chỗ nào phải đi quân vào gánh chỗ ấy. Mở là đi quân mình tạo ra một chỗ trống, hai bên là quân của mình buộc đối thủ phải vào chỗ trống và lật quân của mình ở hai bên thành quân của họ. Khi đối phương gánh xong sẽ tạo ra một khoảng trống, mình đem quân vào lật tất cả quân địch ở vị trí hai bên và những quân bị vây không lối thoát thành quân của mình. Ai bắt được tất cả quân của đối phương làm quân của mình thì thắng cuộc. Cờ gánh tuy đơn giản,dễ chơi nhưng cũng có trình độ cao thấp.

Những đêm trăng sáng, thanh niên hay tp trung chơi các trò chơi dùng sức mạnh như đẩy cây (hai người giữ hai đầu một đòn tre, dùng sức đẩy nhau, ai đẩy đối thủ lùi và vượt qua vạch ngăn giữa hai người hoặc hai người cùng ngồi trên hai đầu đòn tre, dùng sức nâng người kia lên khỏi mặt đất thì thắng cuộc); đi quyền (đấu võ).

Trẻ con thì chơi u tù. Cách chơi là phải có hai nhóm với số người bằng nhau, đứng hai bên một vạch ngăn vẽ trên mặt đất, với khoảng cách vạch ngăn cũng bằng nhau, luân phiên nhau mỗi bên một người,lấy hơi đầy phổi để vừa phát ra tiếng u...u..., va chy qua bên địch tìm cách chạm vào đối phương rồi chạy về trước khi đứt hơi. Nếu người u chạy thoát, người bị chạm sẽ thành tù phải qua đất bên người u đứng trong vòng trong phía sau, nếu bị địch bắt thì là tù bên địch. Khi bên mình có nhiều người bị bắt làm tù, người u phải tìm cách vượt qua địch, chạm tay vào tù để giải thoát họ. Bên nào bị bắt tù, hết người thì thua cuộc. Hoặc chơi trò rồng rắn, nhảy năm tiền, trốn kiếm. Trẻ em gái thường chơi đánh thẻ, đánh búng. Muốn đánh búng phải có 5 viên đá cuội, người chơi thả nhẹ các viên cuội xuống đất, lấy một viên dồi lên cao xong dùng tay đã ném viên đá lượm ngay một viên khác, lần lượt lượm hết tất cả đá cuội. Lần tiếp, lượm mỗi lần 2, rồi 3-4 viên. Khi lượm xong lần cuối (4 viên) lại thả đá cuội xuống, dùng tay búng chúng va vào nhau, nếu bắn trúng tất cả các viên cuội thì thắng cuộc. Ngoài ra còn có nhiều trò chơi khác như đánh thẻ, ô ăn quan V.V...

Nhưng thú vị nhất vẫn là trò chơi ra câu đố. Đây là phương pháp rèn luyện để phát triển tư duy cho trẻ con.

*Một số câu đố:

“Bằng cái nong, cả làng đong không hết” (Cái giếng nước)

“Một mình mà ở hai nhà, trời cho một trận tòa loa cái đầu” (Cái máng xối )

“Đông Ngô, Gia Cát đánh lẫn nhau. Khói nổi, lửa bay, cháy mặt mày. Đông Ngô bể bụng Đông Ngô chạy, Gia Cát ở lại đánh trận sau” (Rang bắp) (Lấy điển tích Tam Quốc Chí làm câu đố về sự việc ở làng quê Việt Nam. Chứng tỏ người ra câu đố là người có học rộng, thông minh)

Ba chục nhốt lại một lồng

Một chục có mồng, hai chc lại hăm” (1 tháng)

“Xưa kia em trắng như ngà

Bởi chàng ngủ lắm em đà nên thâm

Lúc bẩn chàng đánh, chàng đâm

Đển khi em sạch chàng nằm lên trên” (chiếc chiếu)

Thời bấy giờ trẻ con phải tự mình làm lấy đồ chơi. Lớp nhỏ thì lấy lá mít làm chén dĩa, chơi trò mua bán hoặc dùng gai cây chanh chằm lá mít thành mũ đội lên đầu, chơi trò hát bội. Lớp lớn hơn dùng các đồng xu đánh đáo, đá dế hoặc câu cá, thả diều, bẫy chim, đuổi cút, v.v... Các bậc cha mẹ lo chạy ăn chưa đủ làm sao còn sức nghĩ tới việc kiếm đồ chơi cho con!

Cuối thập niên l930, ở Trà Kiệu có rạp hát Trà Sơn. Các gánh hát bội của Chánh Đệ, Phó Phẩm và nhiều đào kép nổi tiếng như các ông Sáu Lai, Đội Tảo, Côi, các bà Liễu, Dậu… thường đến diễn tuồng cổ như  Đào viên kết nghĩa, Ngũ Hổ Bình Liêu, Tiết Nhơn Quý chinh đông, Sơn Hậu… (các nghệ sĩ: Nguyễn Phẩm, Nguyn Lai, Nguyễn Thị Liễu, sau năm 1975 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ Sĩ Nhân Dân). Các đoàn Ca Huế, Cải Lương Sài Gòn cũng đến hát. Sau Cách Mạng tháng 8 năm 1945, đoàn kịch nói Anh Vũ (Hà Nội) gồm những văn sĩ, nghệ sĩ nổi danh như: Thế Lữ, Nguyễn Xuân Khoát, Bùi Công Kì, Giáng Hương, Văn Chung đến diễn các vở kịch: Tục lụy, Ngày Yên Báy … Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát với cây đàn Accordeon hát các bài Con Voi, Con Cò… được khán giả Thi Lai hoan nghênh nhiệt liệt. Rạp hát Trà Sơn hoạt động quanh năm, suốt tháng, nhiều gánh hát ở lại một vài tháng. Phần đông khán giả là người Thi Lai, Phú Bông….

Khoảng 4-5 giờ chiều, các rạp hát cho xe kéo chạy đi “rao bảng” qua các đường chính Thi Lai. Họ đánh trống, phèn la, rao mời bà con đến coi tuồng sắp diễn. Từ bảy, tám giờ tối, trên đường đến rạp Trà Sơn, nhiều đoàn người với đèn pin trong tay rủ nhau đi coi hát. Người Thi Lai đã thuộc lòng những câu hát, điệu bộ trong tuồng, nhưng họ vẫn đi xem để thưởng thức tài nghệ của  diễn viên, để được cười hả hê khi nghe các vai hề nói “xâm” (nói xỏ, nói xiên) những cường hào, ác bá, trọc phú trong vùng. Các đoàn ca, kịch cũng biết nhu cầu của khán giả nên trước khi đưa diễn viên chính ra sân khấu và sau tuồng hát chính, bao giờ cũng có một màn hài kịch ngắn.

Người Thi Lai rất hâm mộ môn bóng tròn (bóngđá). Đầu thập kỷ 1940, Thi Lai cùng với Trà Kiệu lập đội bóng Trà Thi có sân banh (sân đá bóng) trước rạp hát Trà Sơn. Đội bóng Trà Thi có 2 equipes (1 đội Thanh niên và l đội Thiếu niên). Người Thi Lai chiếm đa số cầu thủ cả 2 đội. Đội bóng Trà Thi đã vang bóng một thời với các cầu thủ người Thi Lai như các ông: Phú, Xuân, Một, Phụng, Tấn, Giáo, Mỉnh, Quán, Đưc, Quới, Giàu,...ở đội Thanh niên và Thêm, Sang, Xưng, Thiện,... ở đội Thiếu niên. Hai đội bóng đá được các Mạnh Thường Quân nòng cốt đỡ đầu như các ông Mai Tuyển, Ngô Đạm, Nguyễn Thảng... Đội Trà Thi hay giao hữu với các đội bóng trong vùng như Mã Châu, Phú Bông chợ, Bảo An,... Thỉnh thoảng đội cũng đi thi đấu với các đội bóng ở Vĩnh Điện, Tam Kỳ v.v...

Mỗi khi có trận thi đấu trên sân Trà Thi thì khoảng 4 giờ chiều, hầu như các máy dệt ở Thi Lai ngừng sản xuất vì các thợ dệt “ bận” đi  coi  đá banh.

Lòng say mê bóng đá lan đến lớp trẻ 11-12 tuổi. Thời bấy giờ, trẻ con làm gì có bóng da hay cao su để chơi. Họ kiếm những cái bòng non (bưởi) hoặc ly lá chuối khô gói thành hình cầu rồi dùng dây chuối đan bên ngoài để thành quả bóng. Tuy vậy những trận đá bóng này vẫn đầy hào hứng, thân thiện.

9. Sinh hoạt ngày mưa lũ

Cuối tháng 8, mùa mưa bắt đầu. Sau 6-7 ngày trời mưa to như trút, nước sông Thu Bồn dâng lên rất nhanh. Nước tràn bờ chảy vào miền đất ven sông , cơn lũ đầu mùa xuất hiện. Lúc này, sinh hoạt của người Thi Lai thay đổi khác thường. Đám thanh niên bỏ dở công việc hằng ngày, đem những cái chạp, cái nhứt tay cất kĩ từ cuối mùa lụt năm trước đem bắt gọng vào rồi lăng xăng chạy đến những nơi nước mới chảy vào để đón bắt lũ cá dưng, diếc, trôi… từ sông Thu Bồn theo dòng nước vào đồng để đẻ trứng. “Ức như cá ức nước”, có khi nước chưa tràn bờ mà cá đã nhảy đến rồi! Người ta reo hò mừng rỡ khi bắt được cá.

Nhiều người bắt cá bằng lờ bộng. Nói đến lờ bộng, ta mới thấy người xưa rất hiểu tập tính của từng loài cá, rồi dựa vào tập tính đó  để  lừa bắt chúng. Người ta biết các loi cá trôi, cá diếc, cá gáy thích dỡn bóng đùa nhau vào mùa sinh đẻ. Lờ bộng là chiếc lờ khá lớn, đường kính khoảng 3dm, dài 5dm, đan bằng những sợi nan tre rất nhỏ, mảnh. Họ đặt lờ vào những nơi cá hay bơi qua. Cá đi đẻ trứng thấy lờ bóng đẹp, tự chui vào “dỡn bóng” rồi mắc kẹt trong đó. Vì thể mới có câu: “Con trong lờ đỏ hoe con mắt. Con ngoài lờ ngúc ngoắt muốn vô ”.

Trên các cánh đồng dâu, “dế cơm” ăn lá dâu nên khá lớn, khi nước ngập đồng, cùng với kiến, rắn rết, dế nổi lên, bám víu vào các cành cây chờ nước rút. Người Thi Lai bơi ghe đi bắt dế, chiên dầu ăn với bánh tráng hoặc làm món nhậu rượu một món đặc sản thơm ngon him có.

Ở Thi Lai, nhiều người làm “bung” từ vài tháng trước mùa mưa lũ.

Bung là dụng cụ bắt cá bằng tre, đặt cố định. Khoảng tháng 7-8 âm lịch, dựa vào thế đất, thế nước sẽ chảy qua, người ta đóng hai hàng cọc tre cao chừng 2 mét, dài khoảng 20-30 mét và xây đài bung bằng các tấm mành mành. Mùa mưa bắt đầu là lúc cột các tấn mành mành ( rã ) tre có lỗ vuông cạnh 3cm vào hai hàng cọc đã đóng sẵn. Hai hàng cọc rã này trên đầu miệng cách nhau trên 15 mét dần dần thu hẹp lại theo hình tam giác mà đỉnh đáy là đài bung. Đài bung gồm những tấm rã đã che chắn bên trên và thấp dần về phía đỉnh tam giác, bên trong có hai hàng hom tre, cuối đài là nơi đặt lbung. Rbung có hình cái độc bình dài gần 2 mét, gồm nhiều thanh tre nhỏ dọc theo thân rọ. Nơi miệng rọ có một lp hom tre dày, cổ rọ còn một lớp hom thật dày nữa, đáy rọ có nắp đậy kín.

Khi nước lũ dâng lên, đàn cả trôi, cá gáy v.v...theo dòng nước vào đồng đẻ trứng,chúng dựa theo hàng rã “dỡn bóng” và vào đến dài bung. Khi đàn cá cảm thấy nguy hiểm, muốn trở ra thì gặp ngay hàng hom đầu tiên nhẹ nhàng cản lại. Đường ra hơi khó mà đường vào rộng rãi hơn nhiều, chúng thả mình chui qua hàng hom thứ hai rồi dần dần đi sâu vào cạm bẫy, cuối cùng vào rọ bung để chẳng bao giờ trở ra.

Nước lũ lên to, dân làng bơi ghe đi chơi, đôi khi tổ chức đua ghe giải trí.

Cuối mùa mưa lũ nước lụt còn đọng lại trong các ao, bàu giúp cho những chú cá con được sinh ra vào ngày lũ lớn lên, chúng chờ ngày mưa dầm tháng chạp, nước mưa tràn đầy ao bàu đổ ra sông để trở về nguổn..., nhưng người ta lại be bờ, chỉ dành một chỗ và đặt ở đó mộ tấm sáo cũ cho nước chảy qua, còn các chú cá rầm ở lại cùng với lá gừng vào nồi kho, giúp cho nhiều người có được món ăn vừa ngon, vừa bổ dưỡng!

(Trích trong tác phẩm : Thi Lai quê hương tôi, tác giả Mai Trực, NXB Đà Nẵng - 2014 ).