HỒI ỨC TUỔI THƠ VỚI ĐẤT MẸ DUY TRINH
Nói đến quê hương như cái gì gần gủi nhất…dù ai đó đang ở ngàn trùng vẫn canh cánh bên lòng rành rọt và khúc nôi.
Tôi cũng trong những người ấy, quê hương một chân dung không thể phai nhòa bởi những nhát cuốc chôn nhau và những lằn dao cắt rún. Cây đa ấy bên bến nước đục ngầu phù sa nguồn cạn qua những mùa nắng cháy khô cằn. Ngôi đình làng phong rêu hoài cổ có mấy con chim chích chòe thỉnh thoảng hót véo von.
Quê hương…làm sao quên được khi tiếng mẹ ru hời còn đó ca dao-và những đêm lạnh giá mùa đông mà vẫn ấm vòng tay mẹ…cho dù đã tháng năm xa cách, lằn mốc thời gian vượt qua chu kỳ mòn mỏi. Dòng “Hồi Ức” nầy là để khơi lại cái dòng chảy tự nhiên ấy.
Ngược dòng lịch sử 70 năm về trước, khi mới chào đời quê hương chinh chiến điêu tàn! cha mẹ dắt đàn con đi tản cư năm lần bảy lượt. 1945 khi mới một tuổi Cách Mạng giành Độc lập, thuở ấy còn thơ ấu chưa biết gì.
Năm 1947 giặc Pháp tái chiếm Đông Dương do không chấp nhận Việt Minh giành độc lập. Chúng gieo tang tóc tàn sát lương dân. Gia đình lại tiếp tục đi tản cư vào Tam Kỳ, rồi Đo Đo-Tiên Phước, Phú Nham, Tân Phong, Quế Sơn (lớn lên cha và các anh chị đã kể cho nghe như thế)
1) Ký ức hiện về từ quá khứ.
Tôi sinh năm 1944 tại xóm Chùa Lầu, xã Duy trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam trong gia đình chuyên làm nghề tơ tằm dệt lụa, canh cửi quanh năm.
Trước 1945 Việt Minh chưa giành độc lâp, cha buôn bán hàng tơ lụa Sài Gòn –Nam Vang, mẹ chuyên kinh doanh sản xuất nghề dệt lụa, ươm tơ. Song thân tôi có tất cả 7 người con, tôi là Út và một người anh kế cùng người chị- “3 đứa còn nhỏ ở lại với mẹ” Cha đi tản cư cùng 4 người anh chị đã trưởng thành (người lập gia đình, người theo VM tham gia kháng chiến)
Sau 1945 lên bốn năm tuổi còn nhớ như in đêm đêm bộ đôi Việt Minh đánh đồn Non Trượt-Hòn Bằng, thường nghe tiếng súng nổ đì đoàng mẹ dắt 3 đứa nhỏ ra bờ tường sau nhà trốn đạn, thấy đạn bay qua lại trên bầu trời như sao xẹt, hỏa châu sáng ngời, im tiếng súng mới vào nhà. Vì nhà ở trước đồn giặc cách một con suối nên đêm nào Bộ đội cũng ra vào, qua lại trước nhà bàn cách hốt đồn.
Chập choạng tối rằm tháng 10 năm 1949 giặc Tây từ đồn Hòn Bằng dẫn lính Lê dương đi “ba trui” qua Duy Trinh, chúng tàn bạo chặt đầu ông Nhị (người cùng xóm) chết nằm sấp trước sân nhà, rồi chúng vào nhà thấy mẹ con tôi đang gieo quạt lúa vừa phơi khô, chúng nghi bà quạt sạch lúa chuẩn bị tiếp tế cho Việt Minh, ra tay tàn bạo cắt cổ bà, đốt trụi dãy nhà tranh và chất một đống nong tằm cao ngất để đốt luôn căn nhà ngói-cháy lở dở rồi chúng bỏ đi.
Mẹ tuy bị thương nặng vẫn cố dẫn đàn con chạy ra nấp sau Đồng Nhứt rồi trở lại chửa nhà cháy-mặc cho thân thể bị thương máu me đầy mình. Khi giặc rút đi 3 chị em mới rón rén vào nhà tìm mẹ.
Thấy các con, mẹ bảo mấy đứa lên Đông Yên nhờ người Dượng xuống giúp mẹ cầm máu, trị thương; tôi và người anh đêm khuya lặn lội lên Đông Yên kêu cửa nhà người Dượng nhờ đến giúp mẹ; ông nói: trời tối, đường xa, tụi Tây thấy tau đi nó giết, tau không đi đâu! Sắp bay trở về-đi đường hái lá sắn giã nát ra đắp tạm cho mẹ sáng ngày mai sẽ tính.
Cả đêm đó mẹ tôi vì tiếc căn nhà ngói bị đốt cháy loang lổ nên gắng sức chửa lửa, vì mệt và không cầm được máu bà khát nước bảo các con đưa nước cho mẹ uống, 3 đứa còn nhỏ chưa biết gì “khi mất máu nhiều mà uống nước làm loãng hết hồng huyết cầu” thì sẽ chết.
Sáng hôm sau người anh thứ tám dang trốn giặc ở Tân Phong nghe tin xóm mình hồi hôm bị Tây giết người-đốt nhà mới lén tìm về, chưa vào nhà đã thấy bọn Tây dẫn một tóan lính từ Trà Kiệu hùng hổ kéo qua, chúng đứng trước nhà mới đốt hồi hôm xem thử rồi nói xí lô với nhau gì đó, chúng còn rút kiếm bươi bươi đống tro tàn nhà cháy rồi dắt nhau đi.
Anh em tôi ngó ra trước sân nhà: trên cây mít mấy con quạ đang cất tiếng kêu quạ quạ thật não nùng! như đang phát hiện ra một xác người chết!. Nhìn dưới đất thấy ông Nhị (người bị chặt đầu hồi hôm) còn nằm đó! Cô Bưởi cháu kêu bằng chú ngồi khóc thảm thiết thương cho chú mình! xác ông Nhị nằm sấp hai tay trói sau lưng mà không có cái đầu! hỡi ôi! Thê lương thảm não vô cùng!...
Chúng tôi vẫn nhớ cảnh tượng ấy không bao giờ quên được!
Nhìn chung quanh bà con hàng xóm đi tản cư không còn ai ở lại, lay hoay không biết tìm ai khiêng giùm mẹ, các em thì còn nhỏ; may đâu có anh Sáu Phái cũng nghe tin xóm mình hồi hôm Tây khủng bố nên về xem thử, khi đó anh Tám mới nhờ anh Sáu Phái khiên giùm mẹ và dẫn các em lên Tân Phong (nơi đây là xã Duy Châu-chiến khu CM năm xưa).
Các anh Bộ đội đã tận tình cứu mẹ tôi nhưng vô vọng.
Chiều hôm đó mẹ qua đời, tôi mới 5 tuổi-đầu vấn khăn tang chịu cảnh mồ côi; ngậm ngùi theo anh-chị đi tản cư vào chiến khu Quế Sơn tìm cha, theo CM.
Nhớ thuở nhỏ tản cư theo Cách Mạng
Qua Duy Trung vượt bãi cát Tê An
Đến quán mì ông Ngạnh ở bên đàng
Nghỉ ngơi khỏe để leo lên Dốc dựng…
2) Tản cư lánh giặc
Mười tám năm sống nơi núi rừng heo hút xã Sơn Trung (nay là xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn)
Thuở nhỏ tản cư đến Quế Sơn
Núi rừng xanh biếc gió trăng vờn
Quê nghèo mắm muối mà khôn lớn
Cảnh khổ tương rau cũng sướng rơn
Đèo thẳm khó qua Tây thấy ớn
Truông sâu khôn vượn Mỹ nghe chờn…
Sống nơi non cao biết bao gian nan thiếu thốn, khi mới đến thủy thổ không hợp. Sơn lâm chướng khí, sốt rét rừng do chói nước đau ốm liên miên. Thế nên mười người chết hết năm ba. Ban ngày phải trốn máy bay, không có trường học; mãi đến 9 tuổi mới học lớp một-học xong tiểu học, tiếp tục học lở dở trung học, vì nhà quá nghèo nên những tháng nghỉ hè phải trở về Duy Trinh quê mẹ để học nghề dệt tại nhà ông Liên (Bút) và nhà ông Thừa ở Đông Yên, khi đã thành nghề qua dệt cho nhà anh Hai Bong và nhà anh Ba Tới xóm Mỹ Yên, nhà anh Năm Chiến ở Văn Thánh, có khi đến dệt cho anh Thái ở Mã Châu.Tuy làm nghề thợ dệt mà vẫn nhớ chuyện văn chương, đèn sách.
Ham học quá! xin vào học trường Phan sào Nam được một tháng không có tiền đóng học phí phải nghỉ; rồi lại xuống Hà Lam xin học trường Nguyễn tiểu La vài tháng cũng không có tiền đóng học phí rồi lại nghỉ học.
Lang than đây đó tương lai mờ mịt.!
3) Bước ngoặc cuộc đời:
Năm 1963 Cách Mạng chiếm vùng rừng núi Quế Sơn- phá ấp chiến lược, vận động dân không theo Mỹ Ngụy, cùng nhau vùng lên giải phóng quê nhà. Ý thức trách nhiệm của người thanh niên khi nước nhà nguy biến-nên đã tham gia rồi bị thương vào tháng 6 năm 1966, khi bị thương được đồng đội cấp cứu, thì máy bay trực thăng Mỹ càn đến hạ xuống hốt mấy người bị thương chở ra chửa trị tại bệnh viện Giải phẩu của Mỹ tại đường Hải Phòng Đà nẵng. Tạm lành các vết thương trốn khỏi bệnh viện vào Sài Gòn tháng 10 năm 1966.
Xa quê hương trăm nỗi nhớ nghìn thương!
Lòng khắc khoải vấn vương bao kỷ niệm.
Sống tại đất Sài Gòn lạ cảnh, lạ quê làm đủ thứ nghề để kiếm sống, trong đó có nghề thợ dệt là chính.
Chiến tranh quá ác liệt gần 10 năm chưa trở lại cố hương.
4) Tìm về đất mẹ
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hòa bình độc lập
và thống nhất đất nước đã về thăm lại cố hương Duy Trinh. Quy tập mã mồ Tiên Tổ lên Nổng Bà Hành, và xây dựng dựng Từ Đường Trần Văn Tộc tại xóm Chùa Lầu, thôn Phú Bông.
Đã ổn định cơ ngơi sự nghiệp tại Thành phố HCM, cứ vài năm trở lại cố hương một lần, thấy quê cha đất mẹ đổi mới như: Xóm Tân Lân-Chùa Lầu có một xí nghiệp may của Hàn Quốc khá hoành tráng khang trang, sáng chiều tấp nập hàng ngàn công nhân-lại thêm có nhà nghỉ cho người khách trọ qua đêm. Quán xá mọc lên vui vầy; làng xóm thôn quê trở nên sầm uất như thành thị.
Chùa Lầu làm trên nền móng cũ uy nghiêm trầm mịch- tiếng chuông chùa thỉnh thoảng ngân nga. Bến Đò Gặp đã có cầu, tuy không hoành tráng nhưng trông rất kiên cố đã nối liền với Vạn Buồng, Phú Bông, Hà Mật để không còn cảnh hể đến mùa thu đông thì bị lũ lụt phải chia cắt đôi bờ.
Đường sá từ Đò Gặp qua Thi Lai, trường Tân Tân lên Đồng Nhứt tới Đông Yên đã bê tông hóa khang trang kiên cố.
Tiếng thoi đưa của máy dệt rộn ràng vang vọng từ Thi Lai, xóm Chùa Lầu và đến cả Đông Yên.
Khắp thôn xã xóm làng hăng hái
Nghiệp tằm tơ canh cửi đó đây.
Cấy, nuôi, trồng khấm khá lâu nay
Ngô, thóc, sắn, đậu, khoai no ấm mãi
Quê hương đẹp đượm tình thân ái
Non nước yên vui cảnh thái bình
Đất với người cây cỏ tươi xinh
Xí nghiệp lớn đang kinh doanh hoạt động
Đường quang đãng thênh thang chuyễn động
Cảnh thanh bình trăng gió quyện bên nhau
Duy Trinh đất mẹ đẹp giàu
Chứng kiến cảnh đổi thay! Chỉ ngần ấy mà khôn nguôi trong tâm khảm, mặc dầu cuộc sống bây giờ có khác đi so với cái thời cha ông tần tảo và chắc chiu.
Viết ra theo Hồi Ức là một sự gặm nhấm tư duy để mà tha thiết với quá khứ cũng như trong hiện tại, đó là hành trang và cũng là vốn quí hầu lưu lại mai sau.
Để ôn lại sự thăng trầm của một đời người tất nhiên không so sánh về mặt vật chất mà cái tính tinh thần và tình yêu quê hương được nhen nhúm tạo nên giá trị của cuộc sống, tôi vẫn trân trọng khắc ghi và mãi mãi không quên./.
Thành phố HCM
Tháng 8 Giáp Ngọ 2014
Trung Sơn