TÔI ĐI HỘI ĐỒNG HƯƠNG
***
Sơn Thu
Có lẽ, đêm qua mặt trời không ngủ, nên sáng nay bình minh lên sớm để đón mừng bà con quê ở Quảng Nam – Đà Nẵng về dự hội đồng hương ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi thầm biết ơn hai hội đồng hương Quảng Nam và Đà Nẵng tại thành phố Hồ Chí Minh, năm nay lại tổ chức họp mặt chung ấm áp tình xuân, gắn bó cội nguồn, thương kiểng nhớ quê.
Với nhiều lý do khác nhau, dù bao lớp người quê tôi có đi đâu, về đâu vẫn luôn nhớ câu: “Chim có tổ, người có tông” trong những ngày thường, nhất là lúc mừng xuân, đón tết.
Trong cộng đồng dự hội đồng hương đã và từng: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau / Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Và đã cùng chung : “ Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng / Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi”. Và cũng đã từng thức thao bao nổi: “Đêm đêm chớp lạch Sơn Trà / Lòng ta thương bạn nước mắt và lộn cơm”.
Sáng nay, giữa lòng thành phố Hồ Chí Minh mà tưởng như ở một nơi nào trên vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng thân thương gắn bó với giọng nói, câu cười rất đậm chất quê, tình nhà.
Người đồng hương không hẹn mà đi mô cũng nói giọng quê nhà với nỗi lòng: “Trời nhớ ai chiều nay mây trắng thế / Nỗi nhớ quê tôi thao thức bạc đầu”.
Họp Hội đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng ở thành phố Hồ Chí Minh năm nay có các đoàn đại biểu hội đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng ở các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ. Miền Đông và miền Tây Nam Bộ có các mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng trong lực lượng vũ trang và anh hùng trong thời kỳ đổi mới, cùng đông đảo bà con Việt Kiều về họp mặt. Ân tình sâu đậm, nổi nhớ ngát hương. Hội họp về đây đông ơi là đông. Cái giọng quê nhà không lẫn vào đâu được, giàu tính phản biện mà chí cốt dựng xây.
Thôi thì, các vị lãnh đạo cứ phát biểu to hơn chút nữa, cũng chẳng sao bà con mãi nhỏ to tâm sự tình người, tình quê, thủy chung, thành đạt. Tôi lắng nghe bài nói chuyện của vị đại diện hai hội đồng hương Quảng Nam và Đà Nẵng và những lời phát biểu của quý vị lãnh đạo của Quảng Nam và Đà Nẵng từ quê nhà mới vô, lòng tưởng như hai mà một, hai người nói một tấm lòng, hai âm thanh một giọng quê nhà, cùng một miền thương, cùng đoàn kết thân thương, vì quê hương xây dựng.
Về hội năm nay, gương mặt các vị doanh nhân, của các em học sinh, sinh viên, của các anh chị công nhân hình như sáng vui hơn vì đã qua một mùa bội thu trong kinh doanh, trong sản xuất, trong lao động, trong khoa cử học hành. Và nhất là từ trong thành quả lao động của mình đã chung lo đóng góp xây dựng quê nhà thân thương, ruột thịt.
Một nữ ca sĩ trình bày bài hát: “Quảng Nam yêu thương” với chất giọng xứ Quảng, nghe rưng rưng nước mắt. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, ngồi tại chỗ nói về bài hát này trong đó có câu mà tôi lưu nhớ: “Là văn nghệ sĩ mà chưa có tác phẩm nói về quê hương thì chưa về quê được…”. Nhà thơ Lưu Trùng Dương vắng mặt vì lý do sức khỏe, ông gởi tặng ngày họp Hội đồng hương đầu sách “Những linh hồn luôn sống và chất độc da cam” của đồng tác giả Lưu Trùng Dương và Trần Thị Mỹ Nhung, đã gợi nhắc cho chúng ta có hòa bình đừng quên nỗi đau qua nhiều thế hệ do chất độc da cam của quân xâm lược để lại trên đất nước ta, cho cả những người lính viễn chinh đã một lần lỡ quên cả tình yêu nhân loại.
Ngồi họp Hội đồng hương mà tôi luôn suy ngẫm, gần cuối đời chưa hiểu hết ý nghĩa của câu nói người xưa : “Thương cha nhớ mẹ thì về / Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng”. Đã có lần, tôi lật mấy cuốn từ điển ra xem, lòng mãi bâng khuâng, ngẫm ngợi. Kiểng quê hay cảnh quê là một phạm trù vừa vật thể vừa phi vật thể. Nó vừa là hình thể thiêng liêng lại vừa là sử thi huyền thoại mang tính riêng lại vừa là sử thi huyền thoại mang tính nhân văn của cội nguồn quê hương xứ sở ? Câu nói nhân văn của cội nguồn quê hương xứ sở ? Câu nói chỉ mang màu sắc đạo lý Á Đông hay là sự gặp gỡ tình cờ của triết học Đông – Tây hòa hợp trong đối nhân xử thế của đạo nghĩa làm người ? Câu nói mãi treo trong tôi biết bao nghĩ suy, bao điều bâng khuâng khó nói nên lời.
Một bàn tay ai chạm nhẹ vào vai tôi: “ Có nghe các anh lãnh đạo quê nhà đang phát biểu?”. Tôi “ Dạ thưa có”. Các vị lãnh đạo đương kim nói chuyện chính trị mà như tâm sự cùng bà con đồng hương ta cùng lo cho quê hương hạnh phúc. Nói chuyện làm ăn phát triển kinh tế mà như bàn việc xây dựng làng nghề, chủ động suy nghĩ trên luống cày, xây dựng nông thôn mới, chăm lo khu kinh tế mở ? Ngẫm kỹ ra các vị đang nói về thực hiện Nghị quyết về phát triển và thành tựu tốt đẹp của nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng đã và đang thực hiện văn hóa nghĩa xóm, tình làng về bảo vệ và xây dựng quê hương trong niềm vui đổi mới.
S.T