Tôi rời quê hương Việt Nam đến nay tính đã 14 năm và qua Quảng Nam đã gần 29 năm ròng rã, giờ đây nửa vòng trái đất cách biệt có nhiều lúc tôi cảm thấy nhớ quê nhà tha thiết. Muốn về thăm nhưng có nhiễu yếu tố chưa thể thực hiện được. Cuối năm 1993, tôi được biết Ban vận động trùng tu chùa Lầu đã ra đời, và ở Mỹ anh Hồ Nhàn đã tích cực thay mặt vận động, lòng tôi thật bồi hồi xúc động, Chùa Lầu đối với tôi có quá nhiều kỷ niệm 30 năm dâu bể đã chôn sâu nhưng ký ức xuống tận đáy tâm tư, bây giờ sống dậy, tôi thao thức không nguôi, dòng ký ức cuộn chảy. Tôi chở từng trang quá khứ để nhớ, để thương, để ngậm ngùi cho quê hương bất hạnh, để khóc cho bạn bè hình như chết sạch, để xoa dịu lòng mình, tôi rủ em gái đến thăm anh Hồ Nhàn để nói chuyện Chùa Lầu. Tôi xa Quảng Nam khi lên 17 tuổi hồi đó tôi tò mò cố tìm hiểu lịch sử của Chùa Lầu và Văn Thánh. Những điều tôi tìm được thật ít ỏi qua dân làng khác hẳn với các nước Tây Phương cứ mỗi làng tôi qua đều có Bảo tàng viện của làng, nói về quá khứ thành lập những biến chuyển, những danh nhân của làng, những dụng cụ mà dân làng đó dùng trong quá khứ như : cái cày, cái xe ngựa cũ, cái nón, bộ quần áo, còn quê hương chúng ta có từ lâu lắm, có quá nhiều đổi thay mà chưa có ai ghi tạc vào lịch sử của làng.
Giở lại lịch sử vào thế kỷ XIII vua Trần Nhân Tông lên ngôi hồi 21 tuổi. Ngài đã lãnh đạo quân dân nhà Trần đánh tan xâm lược phương Bắc. Ngài từ ngôi năm 41 tuổi để lên núi Yên tử xuất gia. Cung phi mỹ nữ đã cản bước ngài, ngài không nghe, họ rũ nhau trầm mình xuống dòng suối chân núi Yên Tử. Đến nay đang còn di tích Suối Giải Oan. Vua Anh Tông lên ngôi thay ông mở mang bờ cõi về phương Nam, chuẩn bị chiêu binh mãi mã chinh phạt Chiêm Thành. Hơn ai hết vua Nhân Tông đã thấy cảnh núi xương sông máu và cái tàn nhẫn của chiến tranh nên ngài ra sức cản ngăn, bắt chước Trần Huyền Trang trong Tam Tạng đời Đường qua Thiên Trúc thỉnh kinh, vua Nhân Tông đã đi bộ từ Trúc Lâm Yên Tử vào tân thủ đô Chiêm Thành (Có lẽ ở Bình Định) để gặp vua Chiêm, còn đem con gái mình là Huyền Trân Công Chúa gả cho Chế Mân nhằm giải hòa giữa hai nước, khiến vua tôi nhà Trần không thể động binh. Để đền lại Chế Mân đã dâng lại Châu Ô và Lý, trong đó bao gồm cả Quảng Nam. Quảng Nam ra đời không tốn giọt máu của cả người Việt và Chiêm, bất hạnh thay chẳng bao lâu sau thì Chế Mân lâm trọng bệnh, lực lượng biên phòng của Trần Cảnh Chân ở Quảng Nam cấp tốc đưa tin về Thăng Long và Vua Anh Tông đã hạ lệnh sẵn sàng cứu em mình là Công Chúa Huyền Trân, vì nếu Chế Mân chết thì Hoàng Hậu và thứ phi đều bị hỏa tang theo Vua. Khi Công Chúa Huyền Trân về đến Thăng Long, Vua Nhân Tông đã rời Yên Tử về Thăng Long vỗ về con gì đồng thời nhắc lại ý định của ngài với Vua tôi nhà Trần là ngài không muốn máu dân lành phải chảy, thừa lúc Chiêm Thành lộn xộn ta đem quân thôn tính. Ngài đã phản đối việc xé bỏ hòa ước đã ký với Chế Mân. Nhưng rồi việc gì sẽ đến, Vua Nhân Tông sau 10 năm lặn lội đó đây truyền bá chánh pháp, xây dựng chùa, chỉnh trang tăng sãi, đưa quốc gia và Phật giáo vào thời cực thịnh nhất lịch sử không thua bất cứ một quốc gia lân cận nào thời bấy giờ. Ngài viên tịch năm 51 tuổi. Cuốn phim mới nhất 1992 cho thấy tháp vua Nhân Tông vẫn còn nguyên giữa đám lau sậy đổ nát trên núi Trúc Lâm Yên Tử, bụi thời gian đã mài mòn cổ tháp, rêu phong phủ kín hoang phế đìu hiu. Theo tôi đấy là vị tiên nhân vĩ đại nhất trong suốt quá trình lịch sử dân tộc và một khi vua Nhân Tông nằm xuống, vua quan nhà Trần vì kế ngàn năm cho đất nước đã đem quân thôn tính hẳn Chiêm Thành. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quảng Nam đứng đầu sóng ngọn gió làm tiên phong cho một cuộc Nam Chinh. Chùa Lầu có từ bao giờ? Tôi tha thiết Thầy Thích Quảng Hạnh cũng như Ban Trùng tu chùa Lầu Cho biết sử liệu, có một điều tôi biết chắc chắn là Chùa Lầu, Văn Thánh và các chùa miếu khác trong làng đã đồng loạt củng cố sau cuộc xung đột giữa Lương và Giáo vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Trà Kiệu. Theo sử liệu tôi đọc được tại nhà thờ Non Trượt vào năm 1967 thì cuộc xung đột xảy ra dữ dội. Quân Lương đã chiếm Trà Kiệu, sau đó giết trâu ăn mừng nên giáo dân đã vùng dậy đánh bại lực lượng bên Lương. Theo tôi nghĩ có lẽ vì sự căng thẳng giữa Trà Kiệu và Xuyên Trường ngày nay gọi là Duy Trinh nên Pháp đã đem quân đội đóng ở Hòn Bằng và Non Trượt nhằm bảo vệ giúp dân thiếu hậu thuẫn về chính trị vì thất thế của Triều đình Huế thời bấy giờ. Làng Duy Trinh đã củng cố chùa chiền, miếu vũ, xây dựng văn miếu để khi tiếng chuông sớm cao vút ngân lên ở nhà thờ bên kia dòng suối thì bên này đại hồng chung chùa Lầu trầm ngâm vang vọng đi sâu vào lòng người nhằm nhấc nhở con dân Duy Trinh nhớ làng, nhớ nước và ráng giữ gìn văn hóa ngàn đời truyền lại của tổ tông.
Theo vị trí địa lý của Chùa Lầu là tối quan trọng của cuộc đất chạy dài từ núi Chiêm Sơn xuống tới Thi Thượng, men theo 1 chi nhánh của sông Thu Bồn đổ xuống tận cầu Chìm và phía bắc của tỉnh lộ chạy lên Trà Kiệu đều lấy Chùa Lầu làm cứ điểm tối quan trọng. Tôi nói điều này sẽ có nhiều người không tin nhưng đó là sự thật Tây phương dùng khoa địa chất để tìm những quặng mỏ nằm sâu trong lòng đất như: dầu lửa, than đá, vàng kim cương và mới nhất như Uran, khoa học địa lý cũng nhằm phục vụ cho con người những căn cứ ở núi, đồi, sông rạch, mô đất, cây trái, màu sắc, gió nước chảy, và tùy theo cuộc đất mà đặt tên như Long, Lân, Qui, Phụng, Hổ, Xà... để dễ nhớ và sắp loại theo mức độ quí giá và quan trọng của nó , Hàm Rồng, Trà Kiệu được liệt kê vào hạng quí nhất từ trước thế kỷ XIII cho nên dân Chăm đã có thời đóng đô ở Trà Kiệu nhưng vì áp lực của VN họ đã tự động dời đô lên tháp Mỹ Sơn.
Năm 1962, tôi đang làm thợ dệt, tình cờ có thầy du phương tới hãng dệt. Ông có vẻ như nửa tỉnh nửa điên hỏi tôi học lớp mấy. Tôi đáp nghỉ học rồi làm thợ dệt – “Khá không?” Tôi đáp tình thiệt. Không khá cực lắm, tôi phải dệt từ 5h sáng đến 8h tối, chiều chủ nhật được nghỉ một buổi, để đi sinh hoạt Phật tử mà tiền họ trả chỉ đủ ăn. Sao mi không đi học? Tôi thưa cha mẹ tôi không nuôi nổi, tôi đậu tiểu học trẻ nhất trong làng khi tôi 11 tuổi, mẹ tôi ráng cho tôi đi học trung học 2 năm ở trường Sào Nam rồi nghỉ luôn đi dệt mấy năm nay. Ông nhờ tôi chở ông qua Trà Kiệu, tôi chở ông từ nhà dệt qua bến Tú Ba, qua ngỏ nhà ông Mên, ông Phụng. Tôi chở ông ngang qua chùa Lầu để qua Trà Kiệu, đến chùa Lầu ông bào tôi dừng lại. Hỏi tôi: “Cách đây 3 năm đây là cái gì?”. Dạ là hội đồng xã Xuyên Trường, bị đốt cháy năm ngoái. Ban Đại diện chùa Nam Thi và gia đình Phật tử nhất là anh Ba Lực, ông có biết ông Ba Lực không?”. Ông trả lời "không" rồi tôi tiếp: Anh Ba tích cực nhất, kéo sạn suốt đêm cùng toàn Phật tử và dân làng xây dựng chùa này, nằm ngay trên nền chùa cũ có điều chùa cũ khuôn đất lớn hơn, đất tam bảo cũng không được trả lại tôi nói lung tung ông chẳng thèm nghe cứ lo nhìn ngược, nhìn xuôi rồi nói với tôi “xây chùa lại trễ quá rồi, vết cháy còn kia, tam quan chưa dựng, một khi có lửa dậy ở khuông đất này mà không đồng tâm hiệp lực xây lại cho đúng thì cả làng sẽ cháy rụi tan hoang, chùa xây lại nhỏ quá, số người tham gia xây dựng thì ít, những người đại diện cho dân thì bác ra không muốn, người giàu trong làng thì chỉ biết lo cho giàu thêm, người đói khát không ai giúp, người đui mù chẳng ai bố thí, cả làng sẽ cháy rụi theo khuông đất này, chùa này cũng sẽ đổ luôn. Tao chạy trước mi phải chạy theo ta mau lên kẻo không toàn mạng. Ông hỏi tôi “mi có tiền không?”. "Dạ không chắc vài bữa nữa sẽ có chút đỉnh”. Ông dạy tôi “Tao chỉ cho mi, lấy tiền mua cá phóng sinh, ghé cho bà Mụn đui mù vài đồng làm phước rồi ghé chùa đọc kinh mỗi bữa, ngủ luôn trong đó 3 đêm, mi có biết là mi hay đi chơi đêm tuy chưa có điều tội lỗi nhưng đang có kẻ muốn bắn mi. Sau khi xong các việc trên phải bỏ xứ đi cho dứt” nghe như thế nửa tin nửa không mà lòng lại thấy buồn, ông khuyên tôi “làm theo ý tao chùa Lầu sẽ đẩy mi đi cao đi xa muôn dặm". Tôi hỏi : "Ông ở đâu ? Tên chi ? Từ đâu tới ? mà biết bà Mụn đui mù???
Ông nói: Bà Mụn mù mà ai không biết, bà mù mà biết vào chùa quy y, bà mù mà biết dắt mẹ ngày ngày ra bờ sông bắt hến làm cảm động lòng trời mà kẻ giàu trong làng thì chẳng ai cảm động..." Ông chẳng thèm trả lời tôi là ông từ đâu đến. Tên chi.
Theo ông cái đầu con rồng là Hòn Bằng mũi rồng trỏ qua ngay chùa Lầu, người dựng chùa Lầu là vị đại tài về địa lý. Sở dĩ phía trước chùa xây tường dày 1 mét vì nhằm ý cản bớt sức mạnh và độc hại của hơi thở từ mặt rồng. Trên Tam Quan có thờ Tiêu Diện cũng nhằm dụng ý này, Tam Quan thường chỉ mở có một cánh để hơi rồng tạt qua, ai làm phước nhiều, giữ giới sát, rắp tâm tu hành dù đạo nào cũng được mà chí thành cầu nguyện ở chùa Lầu thì cũng đều được kết quả. Nhưng nếu không xây tường thành kiên cố phía trước thì người tới chùa dễ bị độc long (tôi không rõ ở điểm này) và dễ bị tẩu hỏa (?) theo ông thì chùa được sung túc, dân trong làng một lòng ủng hộ chùa thì lúc đó làng rất phát đạt, thịnh vượng và cả đất ở sông Thu Bồn cũng không lỡ về phía làng, còn khi dân làng thờ ơ với chùa thì cả làng mạt khốn nếu chùa bị đập thì người đập sẽ hộc máu và chết, dân làng không chịu xây lại thì sẽ bị họa chinh chiến “Chùa cháy thì cả làng cháy theo”.
Ông bảo tôi chở ông qua Trà Kiệu để chỉ thêm cho mấy chỗ thật tuyệt vời. Tôi sợ chủ rầy la nên không dám đi. Trước khi từ giã tôi, ông nói thêm không bao giờ có sự thuận thảo giữa dân làng bên nớ (Trà Kiệu) với bên ni và một khi ai chiếm cứ Hòn Bằng - Đầu Rồng - với một địa vị chủ ông thì không có một lực lượng nào khác có khả năng đánh hại họ trừ khi họ rút bỏ giống như dân Chăm bỏ Trà Kiệu ?! điều này xin quý vị thử tìm hiểu lại dùm, theo chỗ tôi biết thì từ năm 1945 - 1954 đã có nhiều lần Hòn Bằng bị tấn công và lực lượng tấn công phải bỏ cuộc, thất bại nửa chừng. Còn từ năm 1965 - 1975 tôi không rõ có đúng như thầy du phương đã nói hay không.
Lúc đó tôi không tin chắc lắm theo thầy Du phương nhưng quá cực khổ vì nghề dệt, chết chóc lại lan tràn vào tới thôn xóm, tôi đã vào đồng Nhất đến ruộng lúa của cha mẹ tôi, may thay bắt được 14 con cá. Mặt khác tôi đã vào chùa học thuộc và tụng kinh Phổ Môn, Chú Đại Bi, chú Chuẩn Đề và ngủ lại đó 3 đêm… tôi không có ý đi Sài Gòn nhưng tháng 6 năm 1963 mẹ tôi kêu tôi phải đi Sài Gòn ngay. Tôi hỏi: “đi vào đó để làm chi vậy mẹ? Mẹ bảo “thì đi dệt” tôi đã vào Sài Gòn ngay. Tôi đã đi dệt và có lẽ đã hít được khí chùa Lầu, nên tôi đã trở lại đi học một cách bất ngờ. Tú tài 1 rồi Tú tài 2 và nhất là đậu một chứng chỉ thật khó của đại học y khoa. Ở liền trong đó 7 năm để học xong tiến sĩ đệ tam cấp tôi về Tây Ninh làm việc cho đến 1980, vì nhiều yếu tố khiến tôi phải bỏ nước gạt nước mắt từ biệt mẹ già, chị em thân quyến ra đi và ở Mỹ vì những yếu tố khách quan thúc đẩy tôi phải trở lại đại học. Rồi vào một đại học lớn ở California, vào làm một nhà thương lớn nhất thế giới, lưu tại đây thêm 3 năm nữa để hoàn thành học vị mà trước kia gọi là Thạc sĩ y khoa.
Có những tháng ngày cực kỳ bận rộn, có những lúc nhàn rỗi nhìn nuí xanh mây phủ, ngắm Thái Bình Dương bủa sóng, lòng chua xót nhớ quê, tôi đã làm thơ :
Cho tôi về với quê hương
Bên dòng sông nhỏ bên vườn dâu xanh
Cho tôi được sống an lành
Với bao kỷ niệm đã dành cho tôi
Quê hương hai tiếng ngậm ngùi
Càng xa càng nhớ khó nguôi trong lòng
Mịt mờ năm tháng duổi rong
Mạch sầu lai láng khơi dòng quê hương
Bây giờ tôi mơ ước được về thăm quê sau 30 năm cách biệt, chắc cây đã cũ, bến đò xưa, làng mạc, bến nước giờ đây đổi khác, dẫu sao tôi cũng muốn về, muốn thăm, muốn lạy Phật ở Chùa Lầu như một cuộc hành hương trở lại Thánh tích, tôi nghĩ mỗi người dân Quảng Nam, mỗi người nên ghé chùa Lầu một lần, thả cá phóng sanh, lạy Phật, tâm thật thiện, ngủ lại 3 đêm, bỏ hết tiền xây chùa, bố thí, thì ít ra có lẽ cũng được như tôi.
Tôi muốn lấy câu nói của người Ai Cập để làm lời kết.
“Khi mầy chào đời, mọi người cười vui chỉ riêng mình mầy khóc. Và cũng như thế trong cuộc đời khi mầy chết đi, mọi người khóc chi riêng mầy cười".
Khóc lúc chào đời thì hiển nhiên nhưng làm sao cười được lúc lâm chung là chuyện khó, một chuỵên khó nhưng ai cũng phải ráng làm. Chỉ cười được khi còn sanh thì mình làm được nhiều lợi ích cho tha nhân, mình không tạo tội lỗi và mình đã không từ chối làm việc đáng làm.
VÕ THANH SƠN (California)
(Trích Kỷ yếu Chùa Lầu, Ất Hợi - 1995)