KÝ ỨC TRƯỜNG TIỂU HỌC DÂN LẬP TÂN TÂN
LÊ ĐÀO
Tôi sinh ra ở một làng quê tên là Phú Bông, giáp với ba làng lân cận: Thi Lai, Đông Yên và Chiêm Sơn. Sau cách mạng Tháng Tám, bốn làng này hợp thành xã Duy Trinh.
Thời Pháp thuộc, nơi nào cũng thiếu trường học, số trường chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ở mỗi làng chỉ có một trường gọi là trường sơ học, dạy từ lớp vỡ lòng đến lớp ba. Học xong lớp ba thì đi thi nhận bằng sơ học yếu lược. Muốn học thêm lên thì phải đến trường công lập cấp huyện, là một trường duy nhất dạy đủ các lớp ở bậc tiểu học từ lớp năm đến lớp nhất (coursuperieur). Học hết lớp nhất, nếu thi đỗ thì nhận bằng tiểu học (primaire).
Học hết lớp nhất ở cấp huyện, muốn tiếp tục học lên phải xuống Hội An hoặc ra Đà Nẵng, ở hai nơi này cũng chỉ có trường trung học tư thục mà thôi, gồm bốn lớp: Đệ nhất, đệ nhị, đệ tam và đệ tứ. Hết lớp đệ tứ thi nhận bằng thành chung (diplôme).
Khi tôi học hết lớp hai bậc tiểu học (cour moyen deux) ở Hội An năm học 1939 – 1940 thì lúc đó trường tư thục dân lập ở quê tôi vừa xây dựng xong kịp ngày tôi về quê, xin vào học lớp nhất. Sở dĩ có trường này là do một số vị có kiến thức, có lòng hảo tâm và đầu óc tiến bộ, dân chủ, muốn mở mang dân trí cho con em, theo tinh thần yêu nước của cụ Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng. Các vị đó đứng ra vận động và xung phong góp tiền xây dựng trường dân lập trong bốn xã lúc bấy giờ. Trường được đặt tên là Trường Tiểu học dân lập Tân Tân, một cái tên rất mới, có tầm tư tưởng cao “mới mới”, tức là đổi mới, tượng trưng cho tinh thần phá vỡ cái cũ kĩ, lạc hậu, hướng tới tiến bộ và dân chủ. Niên học 1940 – 1941 là khóa học đầu tiên của trường.

Hình vẽ trường Tân Tân ngày xưa
Trường dần dần có tên tuổi, các vị thành lập đã có công lao, các thầy vừa dạy giỏi, vừa công tâm, có xu hướng tiến bộ. Học phí không đáng kể, chủ yếu là bảo trợ nên học sinh ngày càng đông, tiếng tăm của trường ngày càng vang xa.
Tôi và nhiều bạn ở quê nhà nhờ đó mà tiếp tục học lên các bậc cao hơn, có được một số vốn kiến thức để vào đời và phục vụ xã hội. Trong khi trường đang trên đà dạy giỏi và học tốt thì cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, đến năm 1947 giặc tràn vào Duy Xuyên, trường phải đóng cửa, thầy trò xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Nhiều người đã có công, được tuyên dương và tự hào với quê hương, với mái trường xưa.
Mái trường xưa! Hai chữ Tân Tân, mãi đi vào tâm khảm.
Tôi còn nhớ và ghi ơn các vị sáng lập trường mà giờ đây tôi còn hình dung khuôn mặt, nếp đi dáng đứng, nụ cười của cụ Trương Thắng, Trương Kỉnh, Nguyễn Đình Cừ, Mai Tuyển, Hồ Nghinh, Võ Dẫn, Huỳnh Cự, Trần Do, Phan Chuyển, Nguyễn Thăng, Nguyễn Văn Đạm…

Hình ảnh của các vị hiệu trưởng và thầy giáo cũng còn in sâu trong ký ức như: Các thầy hiệu trưởng Võ Văn Chúc, Hồ Thấu vừa khéo lãnh đạo, tập hợp, vừa dạy giỏi, có đức, có tài, có tinh thần dân chủ, canh tân. Các thầy Lưu Trọng Lư, Hồ Liên (Hoàng Bích Sơn), Võ Văn Huống, Vũ Hân (nhà thơ), Võ Thủ Lễ, Phạm Bằng, Ngô Bá Phước, Nguyễn Tuyến, Nguyễn Xuân Vân là những ngọn đèn tỏa sáng. Riêng thầy Nguyễn Xuân Vân là em ruột nhà cách mạng Nguyễn Xuân Nhĩ, đột ngột bị cấm dạy trong khi thầy đang đứng lớp. Do Vậy, đối với các vị sáng lập và thầy giáo nói trên, khi tôi bước vào đời, ngoài sự nuôi dưỡng của cha mẹ, còn được cưu mang, che chở, giáo dục của thầy cô, của bà con ngoài xã hội, thật vô cùng to lớn mà tôi gọi là Đời. Đời thật bao la, rộng lớn mà lòng ta mãi mãi tri ân.

“Đời nuôi ta biết làm sao trả hết, suốt chặng đường dài nghĩa nặng ơn sâu”. Nếu trong chúng ta ai quên đi sự tri ân đó, có khi chính ta cũng tự quên mình!
Cũng vì lẽ ấy, cách đây 20 năm (1994 - 2014), cựu học sinh Tân Tân đã vận động thành lập quỹ giải thưởng Tân Tân để thưởng cho các cháu học sinh hiện đang cư trú ở Duy Trinh và các địa phương khác trong cả nước. Đối tượng vận động đóng góp tài chính là cựu học sinh Tân Tân, các vị hảo tâm ở quê nhà, ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và có một số ở nước ngoài.
Quỹ dành phần thưởng chủ yếu cho học sinh bậc tiểu học, trung học cơ sở và mẫu giáo ở quê nhà và thành phố Hồ Chí Minh, chủ yếu là học sinh ở quê nhà; những địa phương khác, nơi nào nắm được tình hình thì thưởng cho học sinh bậc trung học và cả sinh viên đại học. Việc này cũng khó vì các cháu tuy là con em Duy Trinh nhưng ở xa, nhiều trường lớp khác nhau, lại thiếu thông tin…, nên những đối tượng này chỉ được thưởng lẻ tẻ, không thường xuyên.
Sau ngày thành lập quỹ giải thưởng Tân Tân 4 năm, năm 1998 hội cựu học sinh Tân Tân tiếp tục đứng ra vận động được 150 triệu đồng để xây dựng một ngôi trường tiểu học tại thôn Thi Lai. Trưởng ban vận động là Ông Huỳnh Ích, một người tuy tuổi đã cao nhưng đầy nhiệt huyết. Trường có ba lớp học 1,2,3 dành cho các cháu học sinh ở khu vực Thi Lai, trở thành một điểm trường của trường tiểu học Duy Trinh, lấy tên là Phân hiệu Tân Tân.
Tính đến nay, ngoài kinh phí đóng góp xây dựng ba phòng học ban đầu 150 triệu đồng, hội cựu học sinh Tân Tân đã vận động thêm được 30 triệu đồng để tu sửa phòng học, làm tường rào, làm cổng và sân trường. Tổng kinh phí để đầu tư và tu sửa là 180 triệu đồng.

Phân hiệu Tân Tân thuộc trường tiểu học Duy Trinh ngày nay

Cựu học sinh Tân Tân

Lễ trao giải thưởng cho các em học sinh trường tiểu học Duy Trinh niên khoá 1999 - 2000

Trao giải thưởng cho học sinh cuối cấp I, II tại TP.HCM niên khoá 1998 - 1999

Những phần thưởng từ quỹ giải thưởng Tân Tân đã có tác dụng thiết thực, một mặt khuyến khích tinh thần học tập ở các cháu học sinh, mặt khác động viên sự cố gắng cho con cái đến trường của các bậc cha mẹ.
Hai mươi năm qua (1994 – 2014), từ một số tiền vốn vài chục triệu ban đầu, đến nay quỹ đã có số vốn trên 100 triệu đồng, đã trích từ số tiền lãi gởi tiết kiệm 78.852.00 đồng để trao giải thưởng cho 682 học sinh. Những năm đầu do quỹ còn hạn hẹp và giá cả thị trường còn ở mức thấp nên mức thưởng mỗi học sinh chỉ từ 150.000 – 200.000 đồng. Những năm gần đây, mức thưởng có tăng thêm, giá trị phần thưởng cao nhất trong niên khóa 2013 – 2014 cho học sinh giỏi nhất trường THCS là 550.000 đồng, nhất khối THCS là 450.000 đồng; nhất trường tiểu học là 450.000 đồng, nhất khối tiểu học là 400.000 đồng.
Nếu so với nhu cầu học tập của các cháu và giá cả thị trường thì số tiền thưởng trên còn rất khiêm tốn, vì vậy nguồn quỹ cần được bổ sung thêm. Chúng tôi mong được sự quan tâm nhiều hơn nữa của lãnh đaọ và các đoàn thể địa phương, của các hội đồng hương Duy Trinh ở các thành phố lớn, của các nhà hảo tâm, các cựu học sinh Tân Tân, các cựu học sinh tiểu học Duy Trinh, của những tổ chức và cá nhân có nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người.

Trao giải thưởng cho học sinh xuất sắc tại trường Phù Đổng năm học 1999 - 2000
Hy vọng quỹ giải thưởng Tân Tân sẽ được tiếp sức, mở rộng và phát triển lâu dài, nguồn vốn ngày càng dồi dào, giá trị giải thưởng sẽ được tăng thêm để các cháu có điều kiện học hành cao hơn nhằm giúp ích cho mình, cho đời, cho quê hương đất nước.
Chúng tôi, những học trò cũ của trường Tân Tân một lần nữa xin trân trọng bày tỏ lòng tri ân sâu sắc.
Duy Trinh, ngày 25 tháng 8 năm 2014
LÊ ĐÀO
Trưởng Ban vận động giải thưởng Tân Tân
MỘT SỐ HÌNH ẢNH PHÁT THƯỞNG GIẢI THƯỞNG TÂN TÂN

Trao giải thưởng cho học sinh giỏi và xuất sắc cấp II năm học 1999 - 2000 tại TP.HCM

Ban vận động quỹ giải thưởng Tân Tân trao tấm sơn mài lưu niệm cho trường tiểu học Duy Trinh nhân dịp trường được Bộ Giáo dục Đào tạo công nhận trường chuẩn quốc gia

Ông Lê Đào, Trưởng ban vận động quỹ giải thưởng Tân Tân trao phần thưởng cho học sinh giải nhất trường tiểu học Duy Trinh năm học 1999 - 2000

Học sinh giỏi và xuất sắc cuối cấp I niên khoá 1999 - 2000 tại TP.Hồ Chí Minh

Ông Lê Ngọc Tống, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh trao giải thưởng Tân Tân cho em Lương Bảo Lan - Tốt nghiệp thủ khoa PTTH, được tuyển thẳng vào Đại học

Trao giải thưởng cho cháu Hồ Trúc Linh, học sinh xuất sắc cuối cấp II tại trường Võ Văn Tần, phường 11 quận Tân Bình năm 1998