KÝ ỨC THỜI XƯA - DƯ ÂM NGÀY CŨ
KÝ ỨC BÊN DÒNG SÔNG THU
1956
Hú...h...ú...Đi xúc hến, bớ Nhâm! bớ Nho đi xúc hến...
Tôi nhìn ra đường, tụi thằng Thính, thằng Đực, anh em thằng Mẫn, con Mịch và chị em con Lê, Lý; cả bọn, đứa cầm rỗ, cầm thau, đứa bưng thúng mủng lũ lượt kéo ra sông.
Dòng sông Thu Bồn lặng lờ xuôi chảy, êm đềm soi bóng luỹ tre làng mát rượi. Tuổi thơ của tôi đắm mình tắm mát trong dòng sông ấy. Hồi ấy tôi không biết sông Thu Bồn bắt nguồn từ đâu, chỉ biết từ cầu Chiêm Sơn chảy về ngang qua các bến Tú Ba, bến Đò Gặp, bến Cúc v.v... rồi xuôi về biển. Trời tháng năm nắng chói chang. Bên kia sông là bãi cát Đông Bàn như chảo cát khổng lồ, mặt trời đun nóng nổi đom đóm! Gần đó là xóm Vạn Buồng như một ốc đảo xanh thẳm. Bọn tôi ra đến sông, đám con trai nhảy ùm xuống nước, bọn con gái khép nép bước xuống theo dòng nước bơi ra chuẩn bị xúc hến.
Bến Cúc quê tôi hến nhiều vô kể. Hến dưới chân từng dề như cơm cháy. Canh hến nấu với rau dền, bù ngót điểm mớ bông bí, bông mướp ăn chung với khoai lang hoặc bắp rang là món ăn chủ lực của quê tôi thời ấy! Duy Trinh quê tôi thời bấy giờ 80% nhân dân sống cảnh nghèo khổ. Ruộng nước hầu như không có. Mồ mả đan xen trong thôn xóm. Nghĩa địa chiếm phần lớn đất đai canh tác! Chỉ trồng được lúa thổ, năng suất quá ít ỏi chưa kể mất trắng vì thiên tai, nắng hạn. Bà con sống chủ yếu bằng hoa màu, khoai sắn là chính, nên có câu hát nghe mà đau lòng "Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm!"
Tôi nhớ mãi những bài thơ từ thời Pháp thuộc còn truyền lại:
Thực dân Pháp ai ơi đà quá tệ
Khiến cho người đáo để cảnh bi thương
Rồi một hôm tôi ngồi học trong trường
Nghe Tây xuống vội vàng ôm vở chạy
Khi trở về thấy nhà nghi ngút cháy
Hỏi cha tôi: chúng đã bắt về đồn
Còn mẹ tôi tìm kiếm khắp xóm thôn
Không tăm dạng tôi khóc đà khản cổ
Rồi sau đó nhờ một người tìm hộ
Gặp mẹ tôi giữa đám cỏ vệ đường
Máu tuôn đầy mẹ ráng nói cùng con
Con hãy ráng đi tìm cha con nhé
Con thương mẹ và nhớ ai giết mẹ
Ôi tương lai mẹ hy vọng nơi con!!...
Bài thơ ấy tôi không nhớ tác giả, giờ đọc lại còn nghe lòng se thắt, và sôi sục lòng căm phẫn...
Trong bọn tôi, anh Nhâm lớn tuổi nhất. Năm ấy anh 16 tuổi, tôi nhỏ thua anh 6 tuổi, đi bắn chim, mót củi anh thường dẫn tôi theo. Tôi rất thích thú đi rong chơi với anh, không sợ đám chăn trâu: thằng Đực, thằng Bi bắt nạt.
Cả bọn tôi tha hồ vùng vẫy trong làn nước trong xanh giữa buổi trưa hè oi ả.
Những chiếc ghe bầu của dân vùng cát gần biển (Duy Hải, Duy Nghĩa ngày nay) cắm sào chờ "ăn" tro, lá keo. Họ chở khoai lang lên đổi những thứ ấy về dưới trồng hành, trồng tỏi. Bọn con trai chúng tôi hụp lặn quanh những chiếc ghe bầu ấy. Có đứa lặn ngang qua lườn ghe và nghịch ngợm té nước chọc phá đám con gái đang cần mẫn xúc hến ngoài kia. Trong bọn tôi có thằng Đực là nghịch nhất, chị em con Lê con Lý đang ngâm mình xúc hến bỗng la ầm lên. Lúc ấy thằng Đực biến mất trên mặt nước, nó đang lặn hụp đâu đó. Bỗng tôi thấy con Lý nắm cổ nó vừa đè đầu xuống nước vừa la lên: "Ê đồ vô duyên nè! Vô duyên nè!" Thằng Đực cố vùng vẫy thoát khỏi tay con Lý, lặn một hơi ra xa, ngóc đầu lên, mặt nó sượng trân!...Cản bọn tôi được một phen cười muốn vỡ cả bụng. Đó là kỷ niệm tuổi ấu thơ vào khoảng năm 1956 - 1958.
Hồi ấy, trong khi ở miền Nam Ngô Đình Diệm lê máy chém đi khắp vùng tìm giết cán bộ và những người yêu nước thì quê tôi chúng cũng bắt tra tấn đến chết biết bao người dân yêu nước. Chúng mượn nhà xã Trâm ở thôn 2 làm nơi tra tấn dã man, đánh chết ông Lê Chính và ông Trương Thanh v.v...
Đêm khuya u tịch văng vẳng tiếng chó sủa từng hồi, tiếng chim "các quan bó buộc", "bắt cô trói cột" vang vọng trong đêm âm thanh não nùng, buồn bả quá!...
ĐƯỜNG VÀO SÀI GÒN LẬP NGHIỆP
1962
Mùa hè năm 1962 tôi vừa học xong lớp đệ tứ (lớp 9/12) đành phải xếp bút nghiên từ giả ngôi trường trung học bán công Sào Nam, Duy Xuyên để theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống.
Mười ngày trước khi lên đường vào Nam tôi đã rong ruỗi trên chiếc xe đạp cà tàng đi khắp thôn xóm như ghi vào KÝ ỨC hình bóng quê hương thân yêu nơi tôi đã sống suốt thời thơ ấu.
Tôi đi từ xóm Đò Gặp dưới, Đò Gặp trên, qua Vạn Buồng, lên Đông Yên, xuống Chùa Lầu, Văn Thánh, Thi Lai. Mỗi ngày tôi ra sông tắm mấy lần như sợ mai nầy không bao giờ được...tắm sông nữa! Tôi làm sao quên được những buổi trưa hè vang tiếng ve sầu, tôi và lũ bạn mỗi đứa cầm một cây tre nhỏ như cần câu, trên ngọn quệt cục mủ mít cả bọn đi chích ve ve. Hoa phượng đỏ thắm cả sân trường vùng quê. Tôi đi thăm và từ gĩa bạn bè thân quen: "mấy ngày nữa tao đi Sài Gòn mi ở lại mạnh giỏi nghen!!"
Những chiếc xe đò sơn màu đỏ và vàng của hai hãng xe Phi Long, Tấn Lực. Phi Long có vẽ hình con rồng, Tấn Lực với hình con gà trống màu sặc sỡ bên hông xe. Hồi đó gọi là xe con gà chạy tuyến Đà Nẵng - Sài Gòn.
Buổi sáng hôm ấy, mẹ tôi gói mo cau cơm độn khoai lang với muối đậu đưa anh Nhâm và dặn:"Hai anh em lên xe ăn, đi đường không ăn uống bậy bạ đau bụng. Hai con vào trong đó lo làm ăn, nhắc thằng Nho lo học hành..." Mẹ tôi lau nước mắt nhìn hai đứa con vì hoàn cảnh phải lìa xa như chim non lìa tổ ấm! Mẹ ôm tôi vào lòng, tôi khóc oà trong nách mẹ...
Chiếc xe đò 25 chỗ ngồi hiệu "Rờ nô" của Pháp "chất" hơn 30 người, ì ạch chuyển bánh. Xe Tấn Lực với hình con gà vừa chạy vừa đón khách. Thời bấy giờ Quốc Lộ 1 đường thì chật hẹp và lốc chốc ổ gà, ổ voi! Xe chạy vô tới Qui Nhơn trời chạng vạng tối. Xe ngừng lại và ngủ đêm ở đây. Xe không chạy qua đèo Cù Mông và đèo Cả ban đêm! Sáng hôm sau xe ì ạch chuyển bánh chạy vô đến Phan Thiết trời tối, xe nghỉ lại đây, mai chạy tiếp! Vì ban đêm không chạy qua rừng lá (Bình Tuy) vì sợ an ninh và...thú dữ!!
Chuyến hành phương Nam mất hết gần 3 ngày 2 đêm!
Chiếc xe xích lô máy chở anh em tôi từ bến xe về Ngã Tư Bảy Hiền, trời vừa đổ cơn mưa lớn, không khí trong lành, mát mẻ. "Quảng Nam vô...Quảng Nam vô..." những đứa trẻ nhỏ chạy ra đường đón chúng tôi vừa vổ tay vừa la lớn như thế.
Hồi đó chưa có con đường Lý Thường Kiệt, tây nam Bảy Hiền là "rừng" cao su rộng lớn. Tân Phú, Bình Tân chạy dài lên Vĩnh Lộc đến Đức Hoà là cả vùng ruộng rẫy, bưng biền.
Ngã Tư Bảy Hiền, nơi quy tụ những người tha phương cầu thực. Một vùng trũng mùa mưa ngập nước. 95% cư dân là những người quê Quảng Nam phần lớn ở huyện Duy Xuyên và Điện Bàn vào đây trước năm 1960 và như làn sóng tiếp tục tràn về đây sinh cơ lập nghiệp bằng nghề dệt truyền thống.
Những ngày tôi mới vô Sài Gòn phần "lạ nước lạ cái" phần nhớ nhà, với cái tuổi 16 ham chơi ham ngủ, tôi vừa học văn hoá vừa làm thợ dệt. Mùa mưa nước ngập tràn vô nhà ướt cả khung cửi, vất vả trăm bề! Vào Bảy Hiền là ta nghe rộn ràng tiếng máy dệt, thoi đưa lách cách âm vang, cả vùng như tiếng âm ào sóng biển...
KÝ ỨC của thời xa xưa như sóng biển vỗ bờ kỷ niệm, khêu gợi trong ta biết bao trăn trở nỗi niềm, là nỗi nhớ niềm thương của một thời chất chồng biết bao gian khổ, là bản lề của lịch sử buồn vui.
Từ đó ta vững bước tiến lên trong thời hưng thịnh ấm no hạnh phúc, thời điểm năm 2014 hôm nay. Kính chúc quý vị đồng hương xã DUY TRINH luôn vui khoẻ, chuẩn bị đón xuân mới 2015 an khang thịnh vượng.
TRƯỜNG DUY
09/2014